Chuyển đổi số ... ngược
"Thời gian qua nhiều công ty chứng khoán cũng sử dụng thuật toán, robot để giao dịch. Nó được lập trình khiến lệnh tăng như sóng thần nên chúng tôi không thể kiểm soát".
Đây là một trong những phát biểu làm tôi nhớ mãi trong năm 2020 của lãnh đạo Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Chỉ trước đó không lâu, chính phủ đã bàn về chiến lược phát triển quốc gia về phát triển trí tuệ nhân tạo đến 2030 (và đã được ban hành thành Quyết định của Thủ tướng chính phủ gần đây).
Theo chiến lược này, mục tiêu của chính phủ là đưa trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam, khiến Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI.
TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh |
Thế vậy mà hệ thống giao dịch chứng khoán của Sở Giao dịch trọng yếu của cả nước thì không tiếp nhận nổi ứng dụng giao dịch bằng robot, một trong những trọng tâm của ứng dụng AI trong lĩnh vực chứng khoán. Khi ở xứ người ta đang tiến hành quản lý, tư vấn tài chính bằng robot (robo-advisor), thực thi lệnh và đề xuất mua bán cổ phiếu bằng robot, thì ở Việt Nam chỉ giao dịch bằng robot thôi là thị trường nghẽn lệnh.
Những câu chuyện về chuyển đổi số, đầu tư AI của Việt Nam có lẽ chỉ là nói cho có, vì cái nút cổ chai điểm nghẽn hình như đến từ phía các đầu mối triển khai chính sách như HOSE.
Sang 2021, một lần nữa, lãnh đạo của HOSE làm giới đầu tư thất vọng vì đề xuất tăng lô giao dịch cổ phiếu từ 100 lên 1.000 cổ phiếu. Điều này đi trái lại xu thế chung của thế giới khi mà ứng dụng giao dịch tần suất cao (high frequency trading), áp lực từ các ứng dụng fintech như Robinhood và sự phát triển của các trung gian thanh toán “tối” (dark pools) trở thành thời thượng, buộc các sở giao dịch lớn phải không ngừng giảm lô giao dịch xuống.
Chẳng hạn, cách đây nửa thập kỷ, vào năm 2015, Singapore đã giảm lô giao dịch từ 1.000 cổ phiếu xuống 100 cổ phiếu. Lô giao dịch ở Nhật hiện tại cũng giảm từ 1.000 xuống 100 cổ phiếu (thị trường Tokyo áp dụng từ tháng 9/2018). Ở Đài Loan đã cho phép được giao dịch lô lẻ từ 1-999 cổ phiếu, áp dụng từ năm 2020.
Ở thị trường LSE của Anh, những cổ phiếu giao dịch qua hệ thống IOB (International Order Book), nơi mà nhiều cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất của thị trường Anh được xử lý thanh toán, có lô tối thiểu là 1 đơn vị kể từ tháng 9/2010, tức là hơn một thập kỷ trước đây. Trước đó, một lô giao dịch tối thiểu là 50 cổ phiếu.
Ở Anh gần đây có nhiều áp lực là con số 1 đơn vị cổ phiếu tối thiểu này cũng đã lỗi thời và cần bỏ đi, vì nhiều nền tảng giao dịch cho nhà đầu tư nhỏ cho phép giao dịch chỉ 1/10 cổ phiếu hoặc ít hơn (chẳng hạn giao dịch cổ phiếu có giá cao tới 375 nghìn đôla Mỹ một cổ phiếu như Berkshire Hathaway hay hơn 3 nghìn đôla Mỹ một cổ phiếu của Amazon thì một nhà đầu tư qua nền tảng Robinhood cũng có thể dễ dàng sở hữu một phần rất nhỏ các cổ phiếu này).
Với thị trường ứng dụng giao dịch tần suất cao (high frequency trading) và có độ phi tập trung hóa của các hoạt động thanh toán cao qua các giao dịch qui mô lớn qua các trung gian thanh toán “tối” (dark pools), khái niệm lô giao dịch tối thiểu đã được giảm xuống rất thấp và tiến tới có thể là dưới 1 cổ phiếu.
Con đường chuyển đổi số của HOSE hình như là đi ngược xu thế thế giới lẫn định hướng của chính phủ.
Theo giải thích của lãnh đạo HOSE, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Nhưng ngay cả như vậy, thì vẫn còn rất nhiều câu hỏi đặt ra về cách làm chính sách và quá trình chuẩn bị về công nghệ cho thị trường cổ phiếu Việt Nam.
Những câu hỏi cần được trả lời
Đầu tiên, vì sao hệ thống giao dịch vẫn là sản phẩm của thế kỷ trước?
Từ hơn 10 năm nay, năm nào tôi cũng đọc được mục tiêu của HOSE là tăng số nhà đầu tư và tài khoản cổ phiếu. Hơn nữa, Việt Nam còn đang hướng tới nâng hạng thị trường, đặt mục tiêu nâng hạng 2018 rồi 2019. Dù lỡ hẹn, nhưng chắc lúc đó HOSE đã phải chuẩn bị kiện toàn hệ thống giao dịch rồi.
Vậy thì vì lý do gì mà hệ thống đã không được đầu tư để chuẩn bị cho sự gia tăng đó? Theo thông tin từ HOSE, thì hệ thống hiện tại là do Mỹ sản xuất và chuyển lại cho Thái Lan rồi mới chuyển tới tay chúng ta, nghĩa là hàng dùng rồi dùng lại, và nó xuất phát từ thập niên 80-90 của thế kỷ trước.
Trước sự phát triển vũ bão của công nghệ giao dịch từ 2009 trở lại đây, rất nhiều hệ thống của các sở giao dịch chứng khoán trên thế giới và trong khu vực đều phải được nâng cấp để đối mặt với những nhu cầu mới về giao dịch bằng robot và giao dịch tần suất cao, lẫn những thuật toán “chẻ lệnh” hết sức tinh vi do những phát triển của toán ứng dụng trong lĩnh vực này.
HOSE chắc chắn không xa lạ với những diễn biến đó. Vì vậy một điều hết sức khó hiểu là vì sao đến lúc này HOSE vẫn đang dùng một hệ thống cũ và ca ngợi sự tuyệt với của hệ thống đó trong khi nước sản xuất ra hệ thống đó đã đổi mới công nghệ nhiều lần. Tiền ngân sách đã được cấp và sử dụng như thế nào?
Nếu cấp không đủ tiền thì là trách nhiệm của bên cấp phát ngân sách. Còn xài tiền không hiệu quả thì có phải là trách nhiệm của HOSE không?
Điều thứ hai, đó là liệu nâng lô giao dịch có phải là giải pháp duy nhất? Có thật là hệ thống hiện tại đã đến giới hạn về dung lượng? Nếu vậy thì sao lại có thông tin đang đàm phán mở dung lượng hệ thống HOSE với Thái Lan? Và vì lý do gì mà việc nghẽn lệnh đã diễn ra từ năm ngoái mà đến lúc này vẫn chưa thể đạt được hợp đồng với phía đối tác Thái Lan?
Điều thứ ba, là về việc truyền thông chính sách. HOSE có thật coi trọng nhà đầu tư không? Những giải pháp mà HOSE đề xuất như tăng lô cổ phiếu có thể góp phần “đuổi khéo” nhà đầu tư ra khỏi thị trường (xem bài “Giấc mơ bị chối bỏ” trên báo Đầu tư Chứng khoán để thấy cả nhà đầu tư cá nhân lẫn chuyên gia quản lý quỹ đều không đồng tình rằng giải pháp nâng lô sẽ khiến nhà đầu tư cá nhân chọn quỹ đầu tư).
Giấc mơ bị chối bỏ
Vậy liệu HOSE đã lấy ý kiến của những bên liên quan nào, có báo cáo nào để công khai về những đợt lấy ý kiến đó hay không? Liệu HOSE đã có tham khảo ý kiến của các chuyên gia công nghệ thông tin và chuyên gia về cấu trúc vi mô của thị trường cổ phiếu để đánh giá về hiệu quả của chính sách đề ra hay chưa? Hay là tự các chuyên gia của HOSE quyết định tất cả vì chỉ có họ mới biết hết thông tin và không muốn chia sẻ thông tin đó với người ngoài theo kiểu “mấy người ngoài kia thì biết gì”?
Người ta nói trong thế giới 4.0 thì một trong những yếu tố quan trọng của một tổ chức để tồn tại là khả năng đổi mới và thích ứng với những đổi mới. Mà cốt lõi trong đó là năng lực lãnh đạo để tạo ra sự thay đổi và đối đầu với bất định. Mà trước hết người lãnh đạo cần có tầm nhìn tư duy của thời kỳ 4.0. Nếu lãnh đạo chỉ tư duy ở tầm 0.4, vậy thì kết cục của tổ chức đó sẽ như thế nào?