Tại cuộc họp báo chiều 9/11 tại Bộ Tài chính, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Vũ Nhữ Thăng khẳng định, các cam kết về bảo hiểm trong TPP được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy các cơ hội đầu tư, góp phần đẩy mạnh sự phát triển thị trường dịch vụ tài chính ở Việt Nam.
Ông Thăng cũng cho biết, so với cam kết WTO trong lĩnh vực bảo hiểm, tại Hiệp định TPP, Việt Nam sẽ mở cửa bổ sung dịch vụ nhượng tái bảo hiểm xuyên biên giới, nhằm tạo cơ hội thị trường cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài.
Cần nhắc lại rằng, không phải chờ đến TPP, mà ngay từ khi tham gia WTO, hội nhập trong lĩnh vực bảo hiểm đã được diễn ra. Việc Việt Nam gia nhập TPP và tham gia Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC) sẽ thúc đẩy tự do hóa thương mại hàng hóa, dịch vụ giữa các nước thành viên, khuyến khích các hoạt động kinh doanh và đầu tư tăng trưởng mạnh, đương nhiên sẽ gia tăng nhu cầu bảo hiểm, tạo cơ hội cho thị trường phát triển.
Thị trường bảo hiểm sẽ hưởng lợi gì từ TPP?
Ông Vũ Chí Huy
Bên cạnh những thách thức, việc Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đi vào thực tế sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam, trong đó có bảo hiểm.
Coi TPP như một “WTO cộng” hay “AEC cộng”, các chuyên gia ngành bảo hiểm cho rằng, quá trình hội nhập của nền kinh tế nói chung, của lĩnh vực bảo hiểm nói riêng sẽ tiếp tục với mức độ sâu hơn. Cơ hội tăng trưởng mạnh của thị trường bảo hiểm Việt nhờ hội nhập rất lớn, nhưng thách thức với doanh nghiệp bảo hiểm trong nước cũng lớn hơn.
“Với AEC, Việt Nam cam kết thực hiện khá cao đối với bảo hiểm gốc phi nhân thọ, tái bảo hiểm và chuyển nhượng tái bảo hiểm, trung gian bảo hiểm. Trong bức tranh chung của ngành bảo hiểm thương mại khu vực và thế giới, thị trường Việt Nam có quy mô và trình độ phát triển còn khiêm tốn. Trong AEC, riêng trong lĩnh vực phi nhân thọ (lĩnh vực cam kết tự do hóa mạnh nhất), thị trường Việt Nam chỉ mới đuổi kịp Philippines và tụt lại khá xa so với Singapore, Malaysia, Indonesia, Thailand” ông Nguyễn Tiến Hùng, Đại học Kinh tế TP. HCM nhận định.
Để làm rõ nhận định trên, ông Hùng dẫn chiếu số liệu thị trường bảo hiểm một số nước trong khối ASEAN. Cụ thể, năm 2014, mức đóng phí bảo hiểm bình quân của một người dân Việt Nam chỉ vỏn vẹn là 14 USD, bằng với với Philipines, trong khi con số này tại Indonesia, Thailand, Malaysia lần lượt là 20 USD, 126 USD và 186 USD. Con số này tại Singapore là 919 USD.
Xét về thị phần bảo hiểm trong khối AEC, năm 2014, Việt Nam chỉ chiếm 3,7%, sau cả Philipines với 4,1%, giữ khoảng cách khá xa Indonesia (18,3%), Thailand (25%), Malaysia (19,1%), Singapore (34,1%).
Còn với TPP, các chuyên gia cho rằng, so sánh với 12 quốc gia thành viên trong khối, thị trường bảo hiểm Việt Nam có quy mô gần như không đáng kể. Trong khi quy mô của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Mỹ, Nhật, Canada (năm 2014) chiếm lần lượt là 35,42%; 5,09%; 3,45% trong khối, thì thị phần bảo hiểm Việt Nam chỉ chiếm 0,06%.
Với tương quan so sánh như trên, ông Hùng cho rằng, rất có thể, tới đây, Việt Nam phải “nhập khẩu” dịch vụ bảo hiểm từ các quốc gia thành viên khác, để đáp ứng nhu cầu bảo hiểm cho dòng vốn đầu tư từ các quốc gia đó. Bởi thế, để giữ “miếng bánh” thị phần, doanh nghiệp bảo hiểm Việt phải có sự chuẩn bị từ bây giờ để nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Ngoài cam kết tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, cam kết về tự do dịch chuyển lao động có tay nghề cũng phải thực hiện. Trong tình hình lao động Việt Nam năng suất còn thấp, chưa đáp ứng tiêu chuẩn tay nghề cao của các nhà tuyển dụng lớn thì việc nhập khẩu lao động có chuyên môn cao là điều không tránh khỏi. Để giữ việc làm cho lao động Việt, việc đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung, cho thị trường bảo hiểm Việt là thật sự cấp thiết”, ông Hùng cho biết.
Tiến trình tự do hóa, hội nhập, theo các chuyên gia, đòi hỏi bộ máy quản lý nhà nước nói chung, cơ quan quản lý bảo hiểm của Việt Nam nói riêng phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, chính sách trong lĩnh vực bảo hiểm, hướng tới tuân thủ các nguyên tắc quản lý, giám sát theo khuyến nghị của Hiệp hội Các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế, hoàn thiện các công cụ nhằm giám sát doanh nghiệp bảo hiểm (yêu cầu vốn trên cơ sở rủi ro, tăng cường tự giám sát, rà soát rủi ro và khả năng thanh toán của doanh nghiệp), xây dựng các nguyên tắc cơ bản và khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm triển khai thực hiện…
"Để thực thi các cam kết TPP, Việt Nam có thể sẽ phải điều chỉnh nhiều quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu… Các quy định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành bảo hiểm trong tương lai”, ông Nguyễn Duy Tuấn, Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định.