Thưa ông, không ít ngành hàng đang chờ đợi cơ hội sau khi TPP hoàn tất đàm phán. Với thị trường bảo hiểm nói chung, mảng bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng thì sao? Khối DNBH phi nhân thọ đang chờ đợi những cơ hội cụ thể nào từ TPP?
Là lĩnh vực chịu ảnh hưởng không nhỏ từ sự phát triển của nền kinh tế, ngành bảo hiểm sẽ không nằm ngoài xu thế tăng trưởng khi TPP đi vào thực tế.
Khi đó, hàng rào thuế quan rộng mở, sự dịch chuyển của nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Mỹ, Nhật Bản vào Việt Nam nhiều hơn sẽ làm tăng tổng tài sản đầu tư tại Việt Nam, góp phần phát triển nền kinh tế đất nước, cải thiện GDP, giúp người dân tăng thu nhập. Cùng với đó, nhận thức của các chủ thể (cả cá nhân lẫn tổ chức) về bảo hiểm được tăng lên sẽ tạo đà tăng trưởng hơn nữa cho mảng bảo hiểm.
Trong bối cảnh hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ, doanh số xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng cao đặc biệt là dệt may, nông sản, sẽ đẩy mạnh mảng bảo hiểm hàng hóa, nhất là với mảng bảo hiểm tín dụng/bảo hiểm tỷ giá, hiện đang còn khá im ắng. Tuy nhiên, do thói quen hiện tại của các DN xuất nhập khẩu vẫn là mua CIF, bán FOB nên sau TPP, với việc bán CIF (bao gồm cả phí bảo hiểm), sẽ không bị mất một lượng ngoại tệ lớn cho quốc gia.
Khi TPP chính thức được đặt bút ký, cũng là lúc các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không còn ngần ngại bước chân vào thị trường bất động sản Việt Nam, trong vai trò là chủ đầu tư các công trình xây dựng lớn nhỏ. Từ đó, cơ hội để các nhà bảo hiểm trong nước phát triển mảng bảo hiểm xây dựng lắp đặt, bảo hiểm tài sản - thiệt hại sẽ ngày càng rộng mở, nhằm đáp ứng thêm nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài, bên cạnh việc chủ yếu cung cấp dịch vụ cho các chủ dự án trong nước như hiện nay (các công trình xây dựng nước ngoài hiện chủ yếu vẫn do các nhà bảo hiểm nước ngoài cung cấp).
Theo đánh giá của cá nhân ông, nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ nào sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP?
Dưới góc độ đánh giá ảnh hưởng của TPP đến các ngành hàng nói chung, có thể thấy mọi nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ đều được hưởng lợi khi các tập đoàn kinh tế lớn, nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, theo quan điểm cá nhân, 2 nghiệp vụ là bảo hiểm xây dựng lắp đặt và bảo hiểm tài sản - thiệt hại sẽ hưởng lợi lớn nhất từ TPP.
Còn mảng bảo hiểm bán lẻ chuyên phục vụ khách hàng cá nhân là xe cơ giới - con người thì sao, thưa ông?
Hàng rào thuế quan rộng mở cũng là lúc người dân Việt Nam có điều kiện sở hữu các dòng xe nhập ngoại với mức giá ưu đãi hơn so với trước. Đây là cơ hội cho mảng bảo hiểm xe cơ giới phát triển.
Còn với mảng bảo hiểm con người, theo tôi, đây là nghiệp vụ mà yếu tố tăng, giảm doanh thu phụ thuộc chính vào quy mô của DN (là khách hàng tổ chức của các DNBH) chứ không tăng đơn thuần theo TPP. Tất nhiên, TPP cũng đặt ra nhu cầu về bảo hiểm con người trong bối cảnh hội nhập.
Còn với người tham gia bảo hiểm, tác động từ TPP có lẽ chỉ là “tương đối”?
Sẽ có nhiều lợi ích mà người mua bảo hiểm được hưởng xét trên các yếu tố liên quan đến sản phẩm, dịch vụ, công khai minh bạch, nhà bảo hiểm, cơ chế chính sách kiện toàn để phù hợp với tình hình mới.
Cụ thể, việc đa dạng hóa các dòng sản phẩm bảo hiểm để thích ứng với diễn biến thị trường mà TPP mang lại sẽ tạo cơ hội để khách hàng bảo hiểm có điều kiện lựa chọn các sản phẩm phù hợp nhất với một mức phí phù hợp đi kèm.
Chưa kể, TPP cũng mang đến cho người tham gia bảo hiểm các quyền lợi khác như được phục vụ tốt hơn, được tiếp cận các thông tin đa dạng một cách công khai nhiều hơn, nhất là thông tin về sản phẩm bảo hiểm.
Ngoài ra, người mua bảo hiểm tiếp tục có quyền lựa chọn mua bảo hiểm từ không chỉ các DNBH trong nước, DNBH nước ngoài đặt trụ sở ở Việt Nam mà còn từ các DNBH ngoại đặt trụ sở ở nước ngoài. Cần nhắc lại là, quyền lựa chọn này không chỉ xuất hiện khi có TPP mà có từ khi Việt Nam gia nhập WTO. Tuy nhiên, sau TPP, quyền lựa chọn này sẽ diễn ra một cách đậm nét hơn.
Điều này cũng sẽ dẫn đến những thách thức với chính thị trường bảo hiểm Việt khi hội nhập TPP?
Đúng vậy, cũng từ đây, môi trường cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm Việt, mà cụ thể là giữa các DNBH với nhau, sẽ ngày càng khốc liệt hơn, không chỉ trong nội khối DN nội mà còn vươn ra giữa nhà bảo hiểm nội với nhà bảo hiểm ngoại.
Thách thức này cũng đặt ra nhu cầu phải đổi mới của các DNBH về công nghệ thông tin, công nghệ, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, nhân sự… nếu không muốn mất lợi thế ngay chính trên sân nhà.