ĐHĐCĐ BIDV (BID): Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ quý I/2025 đạt 7.019 tỷ đồng

ĐHĐCĐ BIDV (BID): Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ quý I/2025 đạt 7.019 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng 26/4, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 với sự tham dự của 305 đại biểu, đại diện cho gần 6,7 tỷ cổ phần có quyền biểu quyết, chiếm 96,95% số cổ phần có quyền biểu quyết.

Thông tin tại ĐHĐCĐ cho biết, tính đến hết 31/12/2024, các chỉ tiêu kinh doanh của BIDV đều đạt kế hoạch NHNN và ĐHĐCĐ giao, cụ thể, tổng tài sản đạt trên 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2023. Tổng nguồn vốn huy động đạt gần 2,53 triệu tỷ đồng; trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt gần 2,14 triệu tỷ đồng, tăng 13,1% so với đầu năm; chiếm 14,3% thị phần tiền gửi toàn ngành.

Dư nợ tín dụng và đầu tư đạt trên 2,59 triệu tỷ đồng; trong đó dư nợ tín dụng đạt gần 2,02 triệu tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm 2023, chiếm 13% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ bán lẻ tăng 24,9%, tỷ trọng trên tổng dư nợ đạt 47,3%, tăng 3,5 điểm % so với 2023; tỷ trọng dư nợ khách hàng FDI trên tổng dư nợ đạt 3,5%, tăng 0,9 điểm % so với 2023. Dư nợ tín dụng xanh đạt 81.000 tỷ đồng, đứng đầu thị trường, chiếm 12% tổng dư nợ tín dụng xanh toàn nền kinh tế. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,27%.

Lợi nhuận trước thuế khối ngân hàng thương mại năm 2024 đạt 30.610 tỷ đồng, tăng 14,6% so với 2023, hoàn thành vượt kế hoạch NHNN và ĐHĐCĐ giao; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 31.990 tỷ đồng, tăng 15,9% so với 2023. Trích dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định. Vốn chủ sở hữu đạt 136.280 tỷ đồng, tăng 18,3% so với 2023; vốn điều lệ tăng lên mức 68.980 tỷ đồng; giá trị vốn hóa thị trường thời điểm 31/12/2024 đạt 259.000 tỷ đồng. BIDV thuộc nhóm các doanh nghiệp dẫn đầu về nộp ngân sách Nhà nước với số tiền hơn 9.280 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh quý I/2025, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc cho biết, dư nợ tín dụng khoảng 2,07 triệu tỷ đồng, tăng 2,6% so với đầu năm; huy động vốn đạt 2,17 triệu tỷ đồng, tăng 1,7% so với đầu năm; tổng tài sản đạt 2,8 triệu tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 7.019 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu đạt 1,65%, chỉ tiêu LDR là 83%.

Trước băn khoăn của cổ đông về tác động của thương chiến đối với Ngân hàng, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, cần phải tính toán được mức độ và chi phí rủi ro của ngân hàng nhưng ảnh hưởng không quá lớn. Để chuẩn bị cho kịch bản này, ban lãnh đạo BIDV đã thành lập một ban chỉ đạo ngay sau khi Tổng thống Trump công bố việc áp thuế.

Cũng theo ông Tú, tổng dư nợ khối khách hàng của BIDV bị ảnh hưởng bởi tác động thuế quan thống kê được khoảng 300.000 tỷ đồng, chiếm 15% dư nợ của BIDV. Nhóm các khách hàng bị ảnh hưởng lớn gồm sản xuất thép, chất dẻo, nhựa, cơ khí, thuỷ sản, giày da, may mặc, logistics, bất động sản khu công nghiệp… Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đầu tiên là nhóm xuất khẩu sang Mỹ. Các doanh nghiệp xuất khẩu điện tử chủ yếu là doanh nghiệp FDI nhưng các doanh nghiệp phụ trợ sẽ bị tác động gián tiếp. Tiếp đó là các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp. Ngoài ra, còn có nhóm sản xuất trong nước cũng bị tác động.

“Việc áp thuế sẽ có ảnh hưởng tới tín dụng, huy động vốn, lợi nhuận. Do đó, lợi nhuận chắc chắn bị ảnh hưởng khi chất lượng tài sản suy giảm thì chi phí trích lập dự phòng sẽ tăng lên. Chúng tôi đã tiến hành triển khai nghiên cứu những khó khăn cụ thể, cá thể hoá khó khăn để cùng doanh nghiệp tháo gỡ. BIDV đang yêu cầu các chi nhánh làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp”, ông Tú nói.

Năm nay, BIDV lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tăng trưởng tín dụng theo room của NHNN giao, dự kiến 16%. Huy động vốn được điều hành phù hợp với sử dụng vốn. Lợi nhuận trước thuế sẽ theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong khi nợ xấu được kiểm soát dưới 1,4%. Về kế hoạch trích lập dự phòng, năm nay sẽ trích xoay quanh 21.000 tỷ, tương đương năm 2024.

Tại đại hội, BIDV trình phương án tăng vốn điều lệ thêm 21.656 tỷ đồng, lên gần 91.870 tỷ đồng thông qua việc tăng vốn từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, trả cổ tức và phát hành thêm. Cụ thể, phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, BIDV sẽ phát hành tối đa hơn 498.516.696 triệu cổ phiếu (tương đương 7,1% số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm 31/3).

Đối với kế hoạch phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận lũy kế chưa phân phối năm 2023, BIDV dự kiến phát hành tối đa gần 1.397.251.021 cổ phiếu (tương đương 19,9% số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm 31/3). Cuối cùng là phương án phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư bằng hình thức chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng với số lượng tối đa 269.846.330 triệu cổ phiếu (tương đương 3,84% số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm 31/3).

Thời gian thực hiện cả ba phương án trên dự kiến trong 2025 - 2026.

Đối với phương án phân phối lợi nhuận năm 2024, BIDV đề xuất trích lập 8.551 tỷ đồng vào các quỹ gồm 2.453 tỷ vào quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, 491 tỷ cho quỹ đầu tư phát triển, 2.453 tỷ vào quỹ dự phòng tài chính và 3.155 tỷ cho quỹ khen thưởng phúc lợi. Sau khi trích lập các quỹ, số lợi nhuận còn lại ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tin bài liên quan