ĐHCĐ Techcombank (TCB): “Ngân hàng chưa bao giờ ở trạng thái tốt hơn như hiện tại”

ĐHCĐ Techcombank (TCB): “Ngân hàng chưa bao giờ ở trạng thái tốt hơn như hiện tại”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại ĐHCĐ thường niên năm 2025 diễn ra sáng ngày 26/4, ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã TCB) khẳng định: “Ngân hàng có lẽ chưa bao giờ ở trạng thái tốt hơn như hiện tại”.

Điểm lại những kết quả của Ngân hàng trong năm 2024, ông Jens Lottner nhấn mạnh về lợi nhuận đạt kỷ lục 27.500 tỷ đồng, tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) tiếp tục dẫn đầu ngành ngân hàng về thu nhập phí, chiếm khoảng 13% tổng thu nhập phí toàn ngành.

Trong mảng ngân hàng đầu tư, Techcombank hiện chiếm hơn 50% thị phần trên thị trường trái phiếu (ngoại trừ trái phiếu ngân hàng) cho thấy sự phục hồi rõ nét và một sự “trở lại” đầy mạnh mẽ của ngân hàng. Với bancassurance, dù có sự điều chỉnh do thay đổi đối tác từ Manulife sang AIA và FWD nhưng vẫn duy trì được vị thế vững chắc.

Đề cập về chất lượng tài sản và tỷ lệ nợ xấu, ông Jens Lottner cho biết, Ngân hàng không thấy có dấu hiệu đáng lo ngại ở thời điểm này. Nợ xấu nhìn chung đi ngang, chỉ dao động nhẹ trong khoảng 2-3 điểm cơ bản, chủ yếu do một số biến động từ các khoản vay thế chấp bán lẻ của nhóm khách hàng lớn. Xét toàn bộ danh mục tín dụng, chất lượng tài sản vẫn ổn định và mục tiêu duy trì nợ xấu ở mức 1,5% vẫn đang trong tầm kiểm soát, ngay cả khi rủi ro bên ngoài như căng thẳng thương mại kéo dài.

Trước câu hỏi của cổ đông về khả năng IPO của TCBS, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Ngân hàng cho biết, từ năm ngoái Techcombank đã có kế hoạch và đang làm việc với hai nhà đầu tư lớn có thể sẽ tham gia trước vào quá trình IPO. Nhà đầu tư nhìn nhận rất khả quan và đánh giá rất cao vị thế của Techcombank, theo đó, khi thương vụ thành công sẽ công bố cho các cổ đông.

“Kế hoạch đặt ra là IPO TCBS vào cuối năm nhưng vẫn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thị trường tài chính, thuế quan đối ứng, thị trường chứng khoán. HĐQT đã thuê các nhà tư vấn và đưa ra các kịch bản khác nhau về vấn đề này. Tuy nhiên, tôi cũng muốn lưu ý, khi phát hành chúng ta sẽ thu được lượng tiền lớn, duy trì được tỷ lệ ROE cao, chúng ta sẽ chịu áp lực sử dụng nguồn tiền như thế nào”, ông Hồ Hùng Anh nói.

Trả lời chất vấn của cổ đông về vai trò của Techcombank trong dự án tuyến đường cao tốc Đắk Nông - Bình Phước, Chủ tịch Hồ Hùng Anh cho biết, Ngân hàng đóng vai trò là nhà thu xếp vốn chứ không phải là chủ đầu tư. Techcombank sẽ đưa dịch vụ tốt nhất để tuyến đường khởi công và tạo hành lang quan trọng nối Tây Nguyên và vùng đồng bằng.

Một vấn đề được cổ đông quan tâm là dự báo của Ban Lãnh đạo về thị trường bất động sản, đặc biệt về sức mua nhà của người tiêu dùng trong năm nay. Ông Hồ Hùng Anh cho biết, nếu chiến tranh thương mại xảy ra chắc chắn sẽ có tác động đến nền kinh tế Việt Nam, GDP và sức mua của người tiêu dùng trong nước. Trong ngắn hạn, thị trường bất động sản chưa chịu nhiều tác động, nhưng trong tương lai sẽ ảnh hưởng và sẽ tác động đến tâm lý người tiêu dùng.

“Hiện nhu cầu nhà ở thực vẫn rất lớn. Cùng với cam kết đẩy mạnh phát triển hạ tầng của Chính phủ, dự báo thị trường bất động sản trong thời gian tới sẽ không bứt phá nhưng cũng đang từ từ vượt qua điểm rơi của thị trường. Sức mua đang dần trở lại so với trước khi khủng hoảng, tuy nhiên vẫn phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế vĩ mô”, Chủ tịch Techcombank nói.

Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh và Tổng giám đốc Jens Lottner trả lời chất vấn

Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh và Tổng giám đốc Jens Lottner trả lời chất vấn

Chia sẻ với cổ đông về việc Techcombank có phát hành tài sản số, tham gia mở sàn giao dịch số hay Blockchain, ông Hồ Hùng Anh cho biết, đây là chiến lược quan trọng của nhiều tổ chức tài chính, trong đó có Techcombank. Ngân hàng mong muốn có thể tham gia vào các lĩnh vực blockchain, tài sản số, hệ thống chuyển mạch để phục vụ chiến lược chuyển đổi số, chủ động về nền tảng công nghệ và nền tảng.

“Đây không phải là đề tài mới mà vẫn trong chiến lược của nhiều tổ chức tài chính trong đó có Techcombank. Techcombank luôn chủ động về nền tảng công nghệ để phục vụ cho quá trình chuyển đổi của mình. Nếu cơ hội mở ra và thị trường cho phép, Techcombank sẽ tham gia và sở hữu những nền tảng này", ông Hồ Hùng Anh nói.

Về chiến lược chuyển đổi số của Techcombank ra sao để lọt top 3 ngân hàng số, ông Jens Lottner cho biết, Ngân hàng đã đầu tư hơn 500 triệu USD vào công nghệ trong 5 năm qua và con số này sẽ tiếp tục tăng mạnh. Tất cả các quy trình nội bộ đều đã được số hóa hoàn toàn. Vừa qua, Ngân hàng đã triển khai 19 chi nhánh theo định dạng mới, không có giấy tờ, không lưu trữ hồ sơ vật lý - tất cả đều số hóa. Tiếp theo là tích hợp AI vào toàn bộ trải nghiệm khách hàng, từ ứng dụng ngân hàng cho tới nhân viên tư vấn… để đưa ra các khuyến nghị phù hợp với từng khách hàng.

Nhờ mô hình này, Ngân hàng đã có thể quay trở lại mảng tín dụng bán lẻ và SME - vốn từng nhiều lần thử nghiệm nhưng không hiệu quả do chi phí vận hành quá cao. Hiện chúng tôi đã tăng trưởng cho vay trong mảng thương nhân tới 700% chỉ trong một năm. Đây là minh chứng cho việc Ngân hàng đang đi đúng hướng nhưng vẫn rất cẩn trọng vì “cho vay thì dễ, đòi lại mới khó”.

Đối với mục tiêu nâng ROE lên trên 20%, ông Jens Lottner thừa nhận, đây là một mục tiêu thách thức. Tuy nhiên, Ngân hàng đang nắm giữ mức vốn chủ sở hữu cao hơn đáng kể so với trung bình ngành - tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức 15%, trong khi nhiều ngân hàng khác chỉ giữ khoảng 12%. Nếu giảm vốn chủ về mức 12% thì lợi nhuận trên vốn của có thể đạt ngưỡng 20%.

"Tuy nhiên, Ngân hàng chọn chiến lược an toàn, hướng đến tăng trưởng vững mạnh. Giữ mức vốn cao giúp Ngân hàng sẵn sàng ứng phó với các biến động lớn như đại dịch, khủng hoảng lãi suất hay bất ổn thương mại. Đồng thời, muốn tham các dự án hạ tầng lớn thì Techcombank cũng cần có cơ sở vốn tốt”, ông Jens Lottner nói.

Tại Đại hội, HĐQT Ngân hàng trình cổ đông thông qua phương án chi trả cổ tức tỷ lệ 10% bằng tiền mặt. Với gần 7,065 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, số tiền Techcombank dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt là gần 7.065 tỷ đồng. Nguồn chi trả cổ tức đến từ lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm ngày 31/12/2024 căn cứ trên Báo cáo tài chính riêng và Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024 đã được kiểm toán của Techcombank.

Techcombank cũng trình ĐHĐCĐ kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành hơn 21 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Dự kiến phát hành gần 21,4 triệu cổ phiếu cho người lao động, tương ứng với tỷ lệ hơn 0,3%, với mệnh giá là 10.000 đồng/cp. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là gần 213,9 tỷ đồng. Thời gian phát hành dự kiến trong quý III hoặc quý IV/2025, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu theo chương trình.

Nếu hoàn thành phương án phát hành trên, vốn điều lệ của Techcombank sẽ tăng từ gần 70.649 tỷ đồng lên hơn 70.862 tỷ đồng. Tổng số tiền thu được từ đợt phát hành ESOP kể trên sẽ dùng để bổ sung nguồn vốn hoạt động ngân hàng.

Năm 2025, Techcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16,4% (theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà Nước), lợi nhuận trước thuế đạt 31.500 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm trước. Đồng thời duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 1,5%.

Tin bài liên quan