Một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất là Ấn Độ, khi Thủ tướng Narendra Modi đang nỗ lực để giảm thâm hụt ngân sách. Giá dầu giảm giúp giảm bớt tiền trợ cấp xăng dầu và giữ lạm phát ở mức ổn định, tạo cơ hội để quốc gia này có thêm tiền mặt bù trừ vào các khoản thu trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, việc nhập khẩu xăng dầu với giá thấp hơn cũng giúp Thái Lan và Philippines hưởng lợi, khi cả 2 quốc gia này đều đang bị tổn thương khi xuất khẩu giảm sút vì nhu cầu tiêu thụ toàn cầu giảm mạnh.
Giới chức của tất cả các quốc gia châu Á, bao gồm cả Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ Raghuram Rajan đều lên tiếng cảnh báo về việc quyết định nâng lãi suất mới đây của Fed có thể gây ra những biến động lớn trên thị trường. Tuy vậy, việc tiết kiệm được một phần lớn khoản chi bằng USD cho dầu mỏ giúp các quốc gia này có thêm nhiều ngoại tệ để đối phó với những biến động bất thường có thể xảy ra.
Tại Ấn Độ, việc giá dầu giảm hơn 60% kể từ giữa năm 2014 cho tới nay giúp nước này có thêm nguồn tiền để đầu tư vào đường xá, cảng biển, hệ thống xe lửa, trong khi vẫnn cố gắng để thâm hụt ngân sách giảm xuống mức thấp nhất 8 năm qua.
Bên cạnh đó, việc có thêm nguồn USD tiết kiệm từ giá dầu cũng làm giảm bớt áp lực lên đồng rupee, khi đồng tiền này chịu tổn thương vì dòng tiền nóng tháo chạy ra bên ngoài. Chỉ số của Bloomberg đo sức mạnh của đồng USD so với 10 loại tiền tệ khác đã tăng hơn 10% kể từ đầu năm tới nay.
Theo dự báo của các chuyên gia, 10 đồng tiền của các quốc gia châu Á sẽ giảm so với đồng USD trong năm thứ 3 liên tiếp, khi Trung Quốc giảm tốc gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu.
Mặc dù vậy, các quốc gia châu Á có thể sẽ chỉ được hưởng lợi từ giá dầu thấp trong 12 tháng tới. Gía dầu thô Brent sẽ quay lại mức 75 USD/thùng vào cuối năm 2016, so với mức 37 USD/thùng hiện tại, theo dự báo của Standard Chartered Plc.