Cổ phiếu cần quan tâm ngày 5/6

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 5/6

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 5/6 của các công ty chứng khoán.

CMG: Khuyến nghị tích cực

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Chúng tôi khuyến nghị cổ phiếu CMG vì những lý do sau đây:

Công ty đang trên đà tăng trưởng tốt về lợi nhuận: CMG đang đạt những bước tăng trưởng lợi nhuận tích cực, xuất phát từ việc cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh chính. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của công ty mẹ 2014 đạt 101 tỷ đồng, tăng gần 6 lần so với năm trước. Trong niên độ kế toán 2015, CMG tiếp tục đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế thêm 26,1% nữa.

P/E ở mức khá hấp dẫn: Thu nhập trên cổ phiếu (EPS) cho niên độ kế toán 2014 của CMG đạt 1.500 đ/cp, công ty đang giao dịch với hệ số P/E 9,4x, thấp hơn mức P/E bình quân của ngành công nghệ thông tin (11,5x) và của VN-Index (12,7x). Hệ số này sẽ giảm xuống còn khoảng 8x nếu doanh nghiệp hoàn thành được kế hoạch kinh doanh năm 2015.

Có sự tham gia chiến lược của NDTNN: Vừa qua, CMC Telecom, công ty con của CMG đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc bán 25% cổ phần (12,5 triệu cổ phiếu) cho đối tác Tập đoàn Time DotCom Berhad của Malaysia theo hình thức phát hành thêm với giá trị 12 triệu USD. Chúng tôi kỳ vọng đây là động lực để tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh của mảng viễn thông trong những năm tới.

Đồ thị kỹ thuật nằm trong xu hướng tăng trung hạn: Đường giá cổ phiếu CMG đã break-out ra khỏi kênh tích lũy tăng giá để chuyển sang giai đoạn tăng trưởng mạnh. Các tín hiệu kỹ thuật trung hạn đều đang ở trạng thái tích cực. CMG có hỗ trợ trung hạn tại ngưỡng 13.000 đ/cp và kháng cự trung hạn tại 20.000 đ/cp.

ANV: PE khá thấp, ở mức 6,5 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

ĐHCĐ của ANV đã thông qua kế hoạch 2015 với doanh thu ước đạt 2.998 tỷ, tăng 8% so với kết quả thực hiện năm 2014. Mức tăng này chủ yếu đóng góp từ tăng trưởng xuất khẩu cá tra thông qua tăng quy mô và thị phần xuất khẩu ở các thị trường chính như châu Á, châu Âu, châu Mỹ (không bao gồm Mỹ) và Trung Đông. Dựa trên tự chủ vùng nuôi riêng (đáp ứng gần 70% cá nguyên liệu) và sở hữu nhà máy sản xuất thức ăn cho cá (đáp ứng 100% nhu cầu cho vùng nuôi), ANV kì vọng biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức 15% tương đương 2014.

Công ty cho biết trong năm nay sẽ không còn khoảng trích lập dự phòng nợ khó đòi đáng kể nào. Xin nhắc lại, trước đây ANV có bán lô hàng cá tra cho Ukraina ước khoảng 3 triệu USD nhưng việc thu tiền từ đối tác này gặp khó khăn. Khoảng này đã được ANV trích lập hết trong 2013&2014. Theo đó, tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu giảm 3 điểm phần trăm (ppt) xuống còn 8%.

Tại ngày 31/3/2015, ANV đã đóng góp 613 tỷ, tương đương 40,5% vốn điều lệ vào dự án nhà máy DAP 2 – Vinachem thuộc tập đoàn hóa chất Việt Nam với công suất là 330 nghìn tấn/năm. Cuối 2014 đến nay, nhà máy đang tập trung chạy thử nghiệm. Dự kiến đầu quý II/2015 cho ra thành phẩm và chạy với 90% công suất thiết kế.

Chúng tôi cho rằng, dự án này có khả năng lỗ trong 2015 do giá phân bón đang giảm trước bối cảnh bất cân đối cung cầu Nếu ANV tiếp tục đầu tư vào dự án dưới hình thức liên doanh liên kết, công ty có khả năng ghi nhận lỗ ròng từ khoản đầu tư này.

Ngoài ra, cũng để tập trung phát triển kinh doanh cốt lõi, theo đó, ĐHCD đã phê duyệt phương án thoái vốn khỏi DAP2- Vinachem của ANV. Chúng tôi cho rằng đây là hướng đi đúng của ANV tuy nhiên quá trình tìm kiếm, lựa chọn đối tác, đàm phán và ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cũng khá tốn thời gian.

Kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2015 của ANV ước đạt 138 tỷ, tăng 124% n/n. Doanh thu thuần quý I/2015 của ANV đạt 547 tỷ, lợi nhuận gộp tăng 1 ppt, lỗ ròng tài chính giảm 10% và tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu giảm nhẹ 0,4 ppt, lợi nhuận sau thuế quý I/2015 tăng 95% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 14,3 tỷ. Kết thúc quý I, ANV chỉ mới hoàn thành 18% và 11% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế.

Trước dự báo nguồn cung cá tra tiếp tục giảm trong 2015 (giảm 10% so với năm ngoái trong quý I), chúng tôi kì vọng doanh thu xuất khẩu cá tra của ANV sẽ tăng trưởng tốt nhờ có nguồn nguyên liệu tự chủ và thị trường xuất khẩu đa đang. Tuy nhiên, áp lực về chi phí lãi vay vẫn là ghánh nặng cho DN.

Tỷ lệ nợ/VCSH của ANV tăng liên tục từ 2012-2014 và hiện ở mức 1,02 do ANV vay nợ để tài trợ dự án DAP 2. Trong trường hợp DAP 2 thoái vốn thành công thì tỷ lệ nợ của ANV có khả năng giảm. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng kế hoạch lợi nhuận trước thuế 138 tỷ của ANV cũng khá thử thách. EPS 2015 ước đạt 1.537 đồng/cp, PE 2015 ước 6,5 lần, thấp hơn trung bình ngành 8 lần.

FPT: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

FPT là một cổ phiếu được chúng tôi “ưa thích” đứng trên góc độ cơ bản. Đồ thị kỹ thuật của FPT cũng cho thấy những tín hiệu lạc quan trong giai đoạn vừa qua.  

Xu hướng của FPT từ đầu năm 2015 đế nnày là tăng. Trong giai đoạn giữa tháng 5, đường giá một lần nữa tạo lập đỉnh liền sau cao hơn, khẳng định xu hướng tăng không có gì thay đổi.  

Đã có một số phiên điều chỉnh trở lại sau đó và điều chỉnh là bình thường và cần thiết để xu hướng tăng trở nên “bền vững và lành mạnh” hơn.  

Phiên 4/6 ghi nhận kết quả bật tăng khá mạnh của FPT, khi chạm vào vùng hỗ trợ gần nhất quanh khu vực 43.5 điểm. Khả năng kết thúc pha điều chỉnh được chúng tôi đánh giá cao.  

Khối lượng giao dịch sôi động hơn rõ rệt trong 3 tuần qua, cho thấy dòng tiền đang hướng sự chú ý vào FPT.  

Điểm cộng cơ bản: Trong năm 2015, chúng tôi ước tính doanh thu hợp nhất 36.232 tỷ, tăng 11% so với năm ngoái và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.836 tỷ, tăng 12,5% so với năm ngoái. EPS 2015 ước đạt 5.352 VND/cp. Cổ phiếu FPT giao dịch với P/E 2015 là 9,2x, hấp dẫn so với mức tăng trưởng dự báo.

Chiến lược đầu tư: NĐT có thể mua vào FPT quanh vùng giá hiện tại 44.2; Mục tiêu đầu tiên tại: 48.5 (+9,7%); Dừng lỗ tại: 42.0 (-4,9%).

PVS: Khuyến nghị mua vào

CTCK FPT (FPTS)

Chốt phiên ngày 03/06, đồ thị PVS là một nến tăng mạnh đưa giá đóng cửa vượt mốc 26. Như vậy, tín hiệu mua đã xuất hiện khi đồ thị giá của PVS phá vỡ đường xu hướng giảm kéo dài từ đầu năm 2015 đến nay theo chiều đi lên.

Sang đến phiên giao dịch ngày 04/06, mặc dù áp lực bán đã kéo giá giảm khá mạnh tại thời điểm mở cửa nhưng lực cầu duy trì tốt đã giúp PVS nhanh chóng hồi phục với tín hiệu mua của phiên liền trước vẫn được bảo lưu. Khối lượng giao dịch hiện đang tăng mạnh và vượt bình quân của 22 phiên gần nhất thể hiện dòng tiền vào PVS đang có sự đột biến theo hướng tích cực và đồng thời giữ vai trò xác nhận cho tín hiệu mua của đồ thị.

Về chỉ báo, MACD đang phân kỳ dương và tăng nhẹ cũng ủng hộ cho xu hướng tăng giá. Stochastic Oscillator đảo chiều cắt lên đường tín hiệu sau nhịp đi xuống cho thấy khả năng của nhịp tăng mới đang bắt đầu. Ngoài ra, dấu hiệu mở rộng của bollinger sau giai đoạn thắt chặt cũng hàm ý về khả năng của xu thế mới sẽ xuất hiện, cụ thể là nếu PVS tiếp tục tăng mạnh bám sát đường biên trên của dài bollinger thì sẽ là tín hiệu xác nhận cho kênh xu hướng tăng giá ngắn hạn với bollinger bands mở rộng theo chiều đi lên và chuỗi các đỉnh - đáy cao dần được xác nhận.

Với kịch bản tăng giá, các mốc giá 28 và 30 sẽ lần lượt giữ vai trò các mốc kháng cự đối với diễn biến giá ngắn hạn của PVS. Trong đó, vùng giá 30 - 31 sẽ là mục tiêu kỳ vọng do khu vực này sẽ có sự hội tụ của SMA 200 và đường biên trên của kênh xu thế tạo bởi đường xu hướng đi qua các điểm thấp của tháng 4 và tháng 5/2015.

Ở chiều ngược lại, cần lưu ý rủi ro nếu xuất hiện phiên đóng cửa giảm xuyên vùng đáy gần nhất 24. Nếu diễn biến này xuất hiện thì những tín hiệu tăng giá kể trên sẽ bị phủ định với rủi ro PVS tiếp diễn dịch chuyển theo xu hướng giảm trung hạn.
Tin bài liên quan