Cổ phiếu cần quan tâm ngày 4/5

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 4/5

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 4/5 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua cổ phiếu DGW với mức giá mục tiêu 31.500 đồng/CP

CTCK Phú Hưng (PHS)

Chúng tôi kỳ vọng Công ty cổ phần Thế giới số (DGW – sàn HOSE) có thể đạt mức doanh thu thuần như kế hoạch đã đề ra trong 2020. Cụ thể, doanh thu thuần có thể đạt 10.200 tỷ đồng (tăng 20% so với năm ngoái) và Lợi nhuận sau thuế đạt 222 tỷ đồng (tăng trưởng 38%) với giả định DGW cải thiện biên lợi lãi gộp ở mức 6.7%.

Bằng phương pháp định giá DCF và P/E, ước tính mức giá hợp lý cho cổ phiếu DGW vào khoảng 31.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn +35% so với giá hiện tại. Từ đó đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu này.

Rủi ro: (1) Thị trường phân phối, bán lẻ hàng công nghệ điện tử đang dần tiến tới bão hòa; (2) Rủi ro pha loãng cổ phiếu; (3) Mối quan hệ hợp tác giữa DGW với Nokia, Nestle đều chỉ dừng lại ở mức phân phối chiến lược; (4) Rủi ro kinh doanh khi gia nhập ngành hàng mới; (5) Rủi ro mất vị thế phân phối độc quyền ở các ngành hàng, nhất là mảng ĐTDĐ; (6) Rủi ro thiếu hụt nguồn cung hàng hóa trong quý tới sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.

>> Tải báo cáo

BMI sẽ trở lại vùng giá xung quanh 26

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu BMI của Tổng CTCP Bảo Minh thời gian vừa qua đã ở trong trạng thái tăng giá theo xu hướng hồi phục chung của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong phiên 29/4, sự hưng phấn đã giúp BMI có phiên giao dịch tích cực và đã đóng cửa ở tiệm cận mức giá trần.

Thanh khoản cổ phiếu những phiên gần đây đang có chiều hướng tăng dần.

Các chỉ báo kỹ thuật hiện đều đang ở trong trạng thái tích cực. Chỉ báo RSI đang tăng dần nhưng chưa đi vào vùng quá mua nên đà tăng có thể được duy trì trong thời gian tới.

Theo đánh giá của chúng tôi, BMI tiềm năng sẽ trở lại vùng giá xung quanh 26 và có thể xuất hiện áp lực chốt lời tại khu vực này.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DHC

CTCK Bản VIệt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Đông Hải Bến Tre (DHC) đến từ năng lực của công ty trong việc tận dụng đà tăng trưởng của tiêu thụ giấy bao bì tại Việt Nam, được hỗ trợ bởi công suất mở rộng gần đây của công ty.

Chúng tôi tăng giá mục tiêu 12% khi gia hạn định giá đến giữa năm 2021 và nâng trung bình 8% dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2020-2022 khi sản lượng bán và giá bán trung bình (ASP) quý 1/2020 vượt kỳ vọng trước đây của chúng tôi.

Chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo tổng sản lượng giấy thêm 1% và ASP giấy/bao bì thêm lần lượt 6%/1% (trung bình mỗi năm) trong giai đoạn 2020-2022, diễn biến này có tác động mạnh hơn mức tăng trung bình 6% của giá thùng cacton cũ (OCC) đầu vào giai đoạn 2020-2022 trong bối cảnh dịch COVID-19 làm gián đoạn nguồn cung OCC.

Chúng tôi dự phóng tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS giai đoạn 2019-2022 đạt 27%, hỗ trợ bởi công suất mở rộng, ưu đãi thuế và dòng tiền mặt tự do ổn định.

Giá mục tiêu của chúng tôi cho DHC tương ứng với P/E dự phóng năm 2020 là 10,6 lần, nhìn chung phù hợp với trung vị P/E trượt 5 năm của các công ty cùng ngành là 10,9 lần. DHC ghi nhận lợi suất cổ tức dự phóng năm 2020 hấp dẫn đạt 6,9%.

Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: giá bán giấy thấp hơn do nền kinh tế Trung Quốc chững lại; thiếu hụt nguồn cung OCC kéo dài do dịch COVID-19; những thay đổi ngoài dự kiến về quy định môi trường.

Khuyến nghị mua SCS với giá mục tiêu 160.000 đồng/CP

CTCK Bản VIệt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) nhưng giảm giá mục tiêu 6,8% còn 160.000 đồng/CP.

Giá mục tiêu thấp hơn của chúng tôi chủ yếu phản ánh chi phí vốn chủ sở hữu cao hơn 1% của chúng tôi và cũng bị ảnh hưởng bởi việc giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2020- 2025 tổng cộng 8,8% của chúng tôi. Mức điều chỉnh giảm phần nào được bù đắp bởi việc gia hạn định giá theo mô hình chiết khấu dòng tiền của chúng tôi đến giữa năm 2021.

Trong năm 2020, chúng tôi giảm dự báo báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 11% còn 486 tỷ đồng (giảm 3,4% so với năm ngoái), chủ yếu do các tác động tiêu cực từ dịch COVID-19. Dự báo báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giảm so với cùng kỳ chủ yếu do chúng tôi giả định sản lượng hàng hóa quốc tế năm 2020 giảm 3,8% (so với dự báo trước đây là +2,1%) và giả định sản lượng hàng hóa trong nước giảm 2,2% (dự báo trước đây là +4,6%).

Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021 từ mức cơ sở thấp khi giả định sản lượng hàng hóa quốc tế sẽ tăng 20% YoY và sản lượng hàng hóa trong nước tăng 11%. Chúng tôi giả định doanh thu năm 2021 đạt 894 tỷ đồng (tăng trưởng 23%) và báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 621 tỷ đồng (tăng trưởng 28%).

Chúng tôi duy trì quan điểm tích cực đối với triển vọng của SCS khi chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) doanh thu giai đoạn 2019-2025 đạt 14% cùng với biên lợi nhuận ròng mạnh mẽ trong khoảng 67%-73% và ROE 47%-58%, sẽ được dẫn dắt bởi:

(1) tăng trưởng sản lượng hàng hóa hàng không tại TP. HCM – phù hợp tăng trưởng sản xuất và tiêu dụng mạnh mẽ, (2) vị thế ổn định của SCS ở thị trường chỉ có 2 công ty cạnh tranh tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (SGN) và (3) tỷ lệ chuyển đổi tiền mặt 90% nhờ nhu cầu vốn XDCB thấp 8 triệu USD trong giai đoạn 2020-2025 cùng với việc không có nợ vay.

SCS được giao dịch với định giá hấp dẫn với PEG dự phóng giai đoạn 2019-2022 là 0,8.

Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: dòng chảy thương mại thấp hơn, hạn chế công suất hàng không tại SGN.

Tin bài liên quan