Cổ phiếu cần quan tâm ngày 31/10

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 31/10

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 31/10 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua cổ phiếu PVI

CTCK MB (MBS)

CTCP PVI (mã PVI) đứng đầu về bảo hiểm tài sản – xây dựng lắp đặt và đang cung cấp dịch vụ bảo hiểm có giá trị lớn cho các đơn vị thành viên của tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt nam như VSP, nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy Đạm Phú Mỹ, PV Gas, cụm khí điện đạm Cà Mau…bên cạnh đó PVI cũng bảo hiểm cho các công trình trọng điểm quốc gia như Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, nhà máy xi măng Bỉm Sơn, cầu Cần Thơ, các nhà máy thủy điện, nhiệt điện…

Trong những năm qua, PVI đã tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tạo được những tiềm năng to lớn về năng lực tái bảo hiểm. Đến nay thị trường bảo hiểm quốc tế đã coi PVI là nhà bảo hiểm gốc duy nhất cho các hợp đồng dầu khí tại Việt Nam và xây dựng các hợp đồng tái bảo hiểm cố định có hạn mức lớn.

Công ty có thị phần lớn nhất trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam trong 9 tháng đầu 2016, ở mức gần 20%. Với sự hỗ trợ của tập đoàn dầu khí Việt Nam, PVI có được thế mạnh trong mảng bảo hiểm tài sản kỹ thuật, nắm giữ hơn 40% thị phần. Những năm gần đây, trong bối cảnh khó khăn của ngành dầu khí, PVI luôn chủ động giữ vững tăng trưởng bằng cách đẩy mạnh các mảng sản phẩm bán lẻ, bao gồm bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới. Hiện tại, PVI cũng là doanh nghiệp duy nhất trong lĩnh vực bảo hiểm tại Việt Nam nhiều năm liền được tổ chức xếp hạng quốc tế A.M Best xếp hạng năng lực tài chính của Bảo hiểm PVI ở mức B++ (Tốt) và Tái bảo hiểm PVI ở mức B+ (Tốt).

PVI đã thực hiện thành công tái cấu trúc doanh nghiệp, chuyển đổi hoạt động theo mô hình Công ty mẹ – Công ty con. Cơ cấu cổ đông gồm 49% là cổ đông nước ngoài, 51% còn lại, trong đó 35% là vốn của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và các cổ đông là các cá nhân, tổ chức trong nước khác. Năm 2016, PVI đã và đang hoàn thiện mô hình tái cấu trúc theo chiều sâu và hiệu quả, bao gồm: tăng vốn điều lệ, mở rộng thị trường gắn với hiệu quả, giữ vững vị trí số 1 thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam và mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế.

Hoạt động tài chính đang mang lại hiệu quả tích cực cho PVI. Trong vòng 3 năm gần đây, hoạt động tài chính đã mang lại cho PVI gần 3.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2015, lợi nhuận từ hoạt động này đạt trên 1.181 tỷ đồng. Cũng trong 6 tháng đầu năm, doanh thu từ hoạt động tài chính là gần 253 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại tất cả các khoản đầu tư trước đây đều đã được thu hồi và trích lập dự phòng 100%.

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm khả quan. Thông tin từ phía doanh nghiệp, lũy kế 9 tháng đầu năm 2016, PVI đạt 8.301 tỷ đồng doanh thu, hoàn thành 80,07% kế hoạch năm. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế toàn PVI đạt 1.152 tỷ đồng, hoàn thành 127,89% kế hoach năm. Lợi nhuận của toàn PVI tăng đột biến là do Công ty đã thực hiện thành công thoái 25% vốn còn lại tại PVI Sun Life cho đối tác Sun Life Assurance Canada, thu về lợi nhuận trên 450 tỷ đồng (tính chung, lợi nhuận ròng đạt được cho cả thương vụ là khoảng hơn 1.000 tỷ đồng). Đặc biệt doanh thu và lợi nhuận của PVI có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh trong quý 4/2016 nếu Công ty chuyển nhượng thành công tòa nhà PVI Tower mà HĐQT PVI đã phê duyệt.

Năm 2016, PVI đặt kế hoạch với doanh thu đạt gần 10.368 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt gần 901 tỷ đồng, và chia cổ tức tiền mặt 20%. Với triển vọng kinh doanh khả quan, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2016 của PVI ước tính đạt mức 750 tỷ đồng, tương đương với EPS 2016 là 2.950 đồng/cổ phiếu (đã loại trừ 8% trích quỹ khen thưởng phúc lợi). Mức PE forward năm 2016 mức 11,5 lần và P/B forward là 0,9x lần, Bookvlue ở mức 30.500 đồng/cp. Bằng phương pháp định giá P/E và P/B, giá hợp lý đối với PVI trong năm 2016 là 30.000 đồng/cp. Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu PVI ở vùng giá 24.000-26.000 đồng/cp, với mức sinh lời kỳ vọng 20%.

Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu VSC

CTCK Vietcombank (VCBS)

Năm 2016, Cảng Vip Green đi vào hoạt động đã giúp cho sản lượng khai thác cảng của CTCP Tập đoàn Container Việt Nam (mã VSC) tăng mạnh, tuy nhiên lợi nhuận giảm do ảnh hưởng bởi chi phí khấu hao và lãi vay cầu cảng mới. Ngoài ra sự sụt giảm tổng sản lượng container nói chung và container lạnh của Cảng Green so với cùng kỳ cũng là yếu tố làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của VSC.

Doanh thu thuần năm 2016 dự phóng đạt 1.092,2 tỷ đồng, tăng 17,7% so với năm trước và hoàn thành 108% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ đạt 240,3 tỷ đồng, giảm 14% so với năm trước, theo đó EPS 2016 là 4.942 đồng/CP và P/E forward 2016 là 12,14

Năm 2017 chúng tôi dự báo VSC đạt 1.287 tỷ đồng, tăng trưởng 17,8%; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 300,5 tỷ đồng, tăng trưởng 30,4%. Tiềm năng tăng trưởng tích cực năm 2017 của doanh nghiệp chủ yếu đến từ tăng sản lượng của Cảng Vip Green với (1) lợi thế vị trí địa lý thuận lợi, (2) hưởng lợi lớn từ xu hướng tăng kích thước tàu, và (3) tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành. EPS năm 2017 ước đạt 6.069 đồng/CP, tương ứng với P/E forward 2017 là 9,88, thấp hơn so với trung bình ngành hiện tại là 11,07.

Chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ đối với VSC trong giai đoạn hiện tại do triển vọng lợi nhuận cả năm 2016 bị giảm. Tuy nhiên VSC là một trong số ít những doanh nghiệp cảng biển có tiềm năng tăng trưởng tốt trong dài hạn, nhà đầu tư có thể cân nhắc mua khi CP có mức chiết khấu kỳ vọng.

Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu PPC

CTCK Vietcombank (VCBS)

Lũy kế 9 tháng đầu năm, CTCP Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC) đạt doanh thu bán hàng 4.489 tỷ đồng, giảm 25,75% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu 9 tháng năm 2016 (bao gồm doanh thu bán điện, doanh thu tài tích và thu nhập khác) đạt 4.788 tỷ đồng, giảm 23,94% so với cùng kỳ và hoàn thành 68,03% kế hoạch năm). PPC lỗ 347 tỷ đồng 9 tháng năm 2016 trong khi lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2015 là 472 tỷ đồng.

Việc đồng JPY lên giá khoảng 18% so với VND trong 9T.2016 đã dẫn tới khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 762 tỷ đồng của PPC. Biến động tỷ giá là một điều khó dự đoán và xét tới ảnh hưởng lớn của tỷ giá JPY/VND lên lợi nhuận sau thuế của PPC, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư cần theo dõi chặt chẽ biến động này để đưa ra các quyết định đầu tư đúng đắn với PPC.

Hiện PPC đã có giá bán điện hợp đồng với EVN cho cả hai nhà máy. Bên cạnh việc giá hợp đồng có tính tới giá nguyên liệu đầu vào, giá hợp đồng cũng được tính để đảm báo nếu PPC đạt được sản lượng điện hợp đồng năm (Qc) với EVN thì doanh thu từ việc bán điện theo hợp đồng sẽ giúp thanh toán hết chi phí hoat động cố định dự phóng đầu năm của công ty (chi phí nhân công, khấu hao, sửa chữa lớn, dịch vụ mua ngoài) và để lại một khoản dư lợi nhuận. Điều này có nghĩa chúng ta có thể coi giá thành phần điện năng PPC bán trên thị trường điện cạnh tranh chỉ bao gồm giá nguyên liệu đầu vào (do các chi phí cố định đã được thanh toán qua phần điện năng bán theo hợp đồng). Yếu tố này giúp PPC vẫn có thể sinh lợi nhuận từ việc tham gia thị trường điện cạnh tranh dù cho hai nhà máy của công ty đã cũ và không hoạt động hiệu quả bằng các nhà máy mới.

Chúng tôi cho rằng từ năm 2017, PPC có thể quay lại mức SL điện các năm trước là khoảng 5.500 triệu kWh. Việc PPC thực hiện nâng cấp nhà máy Phả Lại 1 cũng như thực hiện sửa chữa lớn hàng năm sẽ giúp công ty tiếp tục đạt được SL điện kế hoạch đề ra. Cùng với đó, hợp đồng mua bán điện với EVN sẽ là yếu tố tiên quyết giúp công ty tiếp tục có nguồn lợi nhuận ổn định từ hoạt động kinh doanh. Chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ cổ phiếu PPC.

Tin bài liên quan