Cổ phiếu cần quan tâm ngày 27/4

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 27/4

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 27/4 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua cổ phiếu BFC

CTCK MB (MBS)

Năm 2017, với việc nhà máy phân bón Bình Điền Ninh Bình đi vào hoạt động ổn định và nhu cầu phân bón trong nước cũng như khu vực tăng lên, chúng tôi dự phóng sản lượng tiêu thụ NPK năm 2017 sẽ đạt 680.000 tấn, tăng 9% so với ước tính thực hiện năm 2016.

Theo đó, doanh thu và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ tăng trưởng lần lượt 9,7% và 26,41% so với năm 2016, đạt tương ứng 6.800 tỷ đồng và 350 tỷ đồng, EPS forward đạt 5.600 đồng/cp ( với giả định trong năm BFC tăng vốn thêm 10%).

Hiện tại, cổ phiếu BFC đang giao dịch ở mức P/E là 7,07 lần, thấp hơn nhiều so với P/E thị trường (16,x lần). Mức P/E forward năm 2017 ở mức 7,5 lần, giá hợp lý đối với cổ phiếu BFC là 42.000 đồng/cp. Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu BFC tại vùng giá hiện tại.

Giá hợp lý của cổ phiếu HAX là 53.200 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Trong năm 2017, Công ty cổ phần dịch vụ ô tô Hàng Xanh (mã HAX) sẽ ghi nhận thêm doanh thu đóng góp từ Haxaco Kim Giang, và Haxaco Hà Nội bắt đầu hoạt động ổn định, cùng với tình hình tiêu thụ khả quan của thị trường ô tô trong nước.

Do đó chúng tôi dự phóng trong năm 2017, HAX sẽ đạt được 3.456 tỷ đồng doanh thu thuần (tăng trưởng 20% so với năm trước) và 119 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng trưởng 50%). Biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng năm 2017 là 3,9% và 3,4%. EPS forward năm 2017 đạt mức 7.599 đồng/cp.

Chúng tôi sử dụng phương pháp định giá so sánh theo P/E để xác định giá trị của cổ phiếu HAX. Mức P/E forward năm 2017 ở mức 7 lần tương đương với mức P/E bình quân của nhóm các Công ty phân phối ô tô. Theo đó, giá trị hợp lý của cổ phiếu HAX là 53.200 đồng/cp.

Tuy nhiên trong giai đoạn thị trường tăng trưởng nóng, mức PE mục tiêu tối đa HAX có thể đạt được lên tới hơn 9 lần tương ứng giá mục tiêu 62.000 đồng/CP.

Khuyến nghị mua mạnh cổ phiếu PVI

CTCK BIDV (BSC)

CTCP PVI (mã PVI) là doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên của Việt Nam có chủ trương nâng room khối ngoại lên mức 100%, đặc biệt khi room khối ngoại cho PVI hiện đã full 49%. Các thương vụ tăng vốn cho CĐCL NN của các Cty bảo hiểm phi nhân thọ gần đây có mức định giá P/B khá cao giao động từ 2,2 đến 2,7 lần (so với P/B 1.0 hiện tại trên TTCK của PVI).

Hoạt động đầu tư của PVI thận trọng, với tiền mặt chiếm tới 86% cơ cấu (TB ngành 70%), Ước tính với 1% tăng lên của lãi suất, thì lợi nhuận đầu tư của PVI tăng hơn 60 tỷ đồng, tương đương khoảng 20% lợi nhuận cốt lõi.

Điểm nhấn đầu tư là tăng trưởng doanh thu đến từ sự hồi phục của ngành dầu khí, và những nỗ lực mở rộng kênh phân phối và sản phẩm của PVI.

Kết quả kinh doanh cốt lõi cải thiện nhờ (1) đã tăng cường trích lập dự phòng bồi thường (2) Hoạt động đầu tư khả quan nhờ mặt bằng lãi suất cải thiện và tổng số tiền đầu tư tăng cao.

Chất lượng tài sản được nâng cao sau khi thực hiện thoái vốn đầu tư ghi nhận lợi nhuận đột biến, cũng như hoàn thành trích lập dự phòng ở các khoản đầu tư không hiệu quả.

Cổ phiếu đang được giao dịch ở mức P/B thấp nhất thị trường ở mức 1.0x, trong khi top 5 các doanh nghiệp bảo hiểm đều thực hiện bán cổ phần cho cổ đông chiến lược với mức giá khoảng 2 lần BVPS.

Chúng tôi khuyến nghị MUA MẠNH cổ phiếu PVI với giá mục tiêu 36,500 đồng/cp, upside 24%, so với mức giá đóng cửa 29.500 VND/cp vào ngày 24/4/2017, theo phương pháp P/B với mức hệ số P/B được chọn là 1.2x, vẫn thấp hơn khoảng 8% so với mức định giá trung vị của cổ phiếu ngành bảo hiểm. PVI là cổ phiếu đầu ngành bảo hiểm phi nhân thọ, đang được định giá thấp nhất thị trường.

Khuyến nghị mua cổ phiếu PPC

CTCK BIDV (BSC)

Quý I, doanh thu CTCP Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC) đạt 1.475 tỷ, giảm 13% so với cùng kì 2016. Trong quý I1, tổng lượng điện sản xuất chỉ khoảng 1.186 triệu kWh, bằng 74% so với cùng kì 2016. Tuy nhiên, nhờ giảm mạnh chi phí tài chính từ 285 tỷ xuống còn 196 tỷ (trong đó lỗ từ chênh lệch tỷ giá giảm mạnh từ 256 tỷ xuống còn 162 tỷ), LNST tăng mạnh lên 142 tỷ (quý I/2016 PPC lỗ 157 tỷ).

Năm 2017, PPC đặt kế hoạch lượng điện sản xuất là 5.591 triệu kWh, tăng 7% so với năm 2016, doanh thu đạt 7.171 tỷ (tăng 20% so với năm trước), lợi nhuận trước thuế đạt 722 tỷ (tăng trưởng 17,4%), cổ tức trả 15% tiền mặt.

Trong cả năm 2017, sản lượng điện của PL1 sẽ được bán trong hợp đồng PPA với giá cố định là 261 đồng/kWh ( trong 5 tháng đầu năm 2016, PL1 phải bán với giá CGM thấp hơn hẳn so với giá kí trong PPA do nhà máy hết khấu hao và chưa kí được PPA mới).

Chúng tôi khuyến nghị Mua với PPC với giá mực tiêu 19.300 đồng/cp. Tại này 25/4/2017, PPC giao dịch tại mức giá 17.200 đồng/cp, tương ứng với P/E fw là 8.43x, rất hấp dẫn so với mức trung bình ngành ở mức khoảng 11x.

Chúng tôi dự báo năm 2017, PPC đạt doanh thu khoảng 7.277 tỷ đồng (tăng 22% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế đạt 648 tỷ (tăng trưởng 17%) EPS 2017 đạt 2.038 đồng/cp.

Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu BID

CTCK Vietcombank (VCBS)

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID) đã tổ chức ĐHCĐ thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 2.052 tỷ đồng từ 2 nguồn (i) Phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động 1.026 tỷ đồng (3%) và (ii) Phát hành riêng lẻ cho không quá 20 nhà đầu tư cá nhân và tổ chức với tổng giá trị 1.026 tỷ đồng (3%).

Chưa có thông tin về giá phát hành, nhưng cổ phiếu của cả 2 đợt sẽ được hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Theo đó, thứ nhất BID sẽ tăng vốn được 1 phần, giúp cải thiện hệ số CAR (đang ở mức thấp – cuối năm 2016 là 10,19%) để tăng trưởng trong năm nay. Thứ hai, việc phát hành riêng lẻ giúp BID tăng tỷ lệ free float (1 trong số chỉ tiêu quan trọng để được thêm vào danh mục đầu tư của 2 quỹ ETF ngoại). Tỷ lệ free float hiện tại là 3,45%, sẽ tăng lên thành 9,2% - đáp ứng đủ điều kiện tối thiểu là 5% sau 1 năm tới, khi lượng ESOP và cổ phiếu phát hành thêm được phép giao dịch tự do.

Kế hoạch kinh doanh 2017 là 7.750 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tương đương mức thực hiện 2016), trong đó huy động vốn dự tính tăng 16,5%, tín dụng tăng không quá 16%. Tính đến hết quý I, ngân hàng ghi nhận kết quả kinh doanh khá khả quan với 2.277 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất (tăng 9,6% so với cùng kỳ, hoàn thành 29,4% kế hoạch), tăng tín dụng 4,8%, huy động vốn 5,01%.

Mặc dù vậy, chúng tôi cho rằng kết quả kinh doanh cả năm sẽ chỉ ở mức tương đương hoặc tăng nhẹ so với kế hoạch năm, do áp lực trích lập trái phiếu và nợ tiềm tàng tại BID vẫn ở mức cao, và ngân hàng không có nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng khi hệ số CAR ở mức thấp.

Dự kiến giá trị sổ sách BID cuối năm 2017 (tính theo kế hoạch năm) là 14.513 đồng/cp. Với giá đóng cửa 16.300 đồng, BID đang giao dịch với PB forward 1,12 lần (so với mức trung bình ngành 1,2).

Mặc dù việc đủ điều kiện vào danh mục đầu tư của 2 quỹ ETF có thể đem hiệu ứng tích cực phần nào cho giá cổ phiếu ở 1 số thời điểm, chúng tôi cho rằng triển vọng tăng trưởng vài năm tới khá hạn chế khi BID tập trung giải quyết nợ xấu. Chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ đối với BID.

Tin bài liên quan