HQC: Khuyến nghị mua vào
CTCK Vietcombank (VCBS)
CTCP Tư vấn – Thương mại – Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC – sàn HOSE) cho biết, doanh thu thuần năm 2013 tăng 45% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu của HQC đến từ 2 nguồn chính là Kinh doanh BĐS và hoạt động xây dựng.
Mảng Kinh doanh BĐS tăng trưởng tốt, đạt hơn 373 tỷ đồng (+28% so với cùng kỳ năm trước) đóng góp 85% tổng doanh thu và 77% lợi nhuận gộp của công ty tuy nhiên biên lợi nhuận gộp giảm xuống 22% so với mức 30% của năm 2012 do HQC ghi nhận doanh thu từ các dự án có thời gian triển khai lâu khi lãi suất ở mức cao (dự án căn hộ Cheery 1, Cheery 2 và dự án đất nền Cinderella 1).
Mảng Xây dựng tăng trưởng mạnh, đạt hơn 63 tỷ đồng (+651% so với cùng kỳ năm trước) đóng góp 14% tổng doanh thu và 21% lợi nhuận gộp, biên lợi nhuận gộp giảm xuống 36% so với mức 53% của năm 2012; mảng Xây dựng có tốc độ tăng trưởng nhanh do HQC bàn giao thô các căn hộ thuộc dự án của mình và đảm nhiệm hoàn thiện các căn hộ sau đó, ngoài ra HQC cũng thực hiện công việc xây dựng cho các công ty có liên quan.
Biên lợi nhuận ròng giảm xuống mức 5,25% so với 6,3% của năm 2012 do CP lãi vay và Quản lý doanh nghiệp tăng cao. Trong năm 2013, HQC tài trợ hoạt động kinh doanh bằng nguồn vốn vay do tiến độ bán hàng tại các dự án chỉ được cải thiện vào cuối năm sau khi được chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội các dự án hiện hữu (Cheery 1, Cheery 2, Cinderella) hầu hết được bán vào các năm trước và chỉ ghi nhận DT trong năm 2013.
HQC đặt kế hoạch kinh doanh 2014 tăng trưởng vượt bậc so với năm 2013, lợi nhuận đạt 1.320 tỷ đồng (201% so với cùng kỳ năm trước) và lợi nhuận sau thuế đạt 150 tỷ đồng (552% so với cùng kỳ năm trước), dựa trên kỳ vọng ghi nhận doanh thu từ các dự án: HQC plaza (800 tỷ đồng), HQC Cần Thơ (90 tỷ đồng), HQC Hóc Môn (320 tỷ đồng), các dự án khác (110 tỷ đồng). Tính đến thời điểm hiện tại tiến độ bán hàng tại các dự án trên như sau: 700/1735 căn của HQC plaza, 165/735 căn của HQC Cần Thơ và 119/579 căn của HQC Hóc Môn. HQC sẽ tiến hành giao thô các căn hộ cho khách hàng trong khi tiến độ xây dựng của các dự án vẫn theo kế hoạch đề ra do đó khả năng HQC hoàn thành từ 70% kế hoạch trở lên là khá cao.
HQC sẽ phát hành 110 triệu CP nhằm: Cấn trừ công nợ với các công ty Địa ốc Hoàng Quân Mekong , CTCP Việt Kiến Trúc, CTCP phát triển nhà Bình Thuận (30 triệu CP); chào bán 80 triệu CP (CĐ hiện hữu: 30 triệu CP với giá bán 10.000 đồng/CP; CĐ chiến lược: 50 triệu CP với giá bán từ 10.000-12.000 đồng/CP).
Tổng số tiền thu được từ đợt phát hành dự kiến là 800 tỷ đồng sẽ được đầu tư cho các dự án: Hồ Học Lãm, HQC Hóc Môn, Bình Trưng Đông, An Phú Tây.
Theo HQC, 50 triệu cổ phiếu phát hành cho đối tác chiến lược đã được cam kết mua với sự tham gia của 2 nhà đầu nước ngoài và 3 nhà đầu tư trong nước. Ngoài ra, số lượng cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu nếu không được mua hết sẽ được các cổ đông chiến lược trên đăng ký mua; số lượng cổ phiếu sở hữu bởi cổ đông nội bộ và các công ty có liên quan hiện chiếm khoảng 57% số lượng cổ phiếu đang lưu hành của HQC.
Tổng số tiền thu được từ đợt phát hành trên sẽ đem lại cho HQC khoảng 800 tỷ đồng và được đầu tư vào các dự án chung cư đồng thời tạo nguồn tiền cần thiết để gia tăng quỹ đất, phát triển các dự án trong tương lai. Cơ cấu tài chính của HQC cũng được cải thiện mạnh mẽ với việc nợ phải trả sẽ giảm 300 tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu tăng thêm 1.100 tỷ đồng sẽ giúp dư địa vay nợ được mở rộng và đảm bảo tỷ lệ nợ vay/Vốn chủ sở hữu ở mức an toàn khi HQC gia tăng vay nợ trong tương lai.
HQC sẽ chi trả cổ tức 2013 bằng hình thức tiền mặt với tỷ lệ 3% (thời gian thực hiện là Q3.2014). HQC đề ra kế hoạch cổ tức 7% cho năm 2014.
Nhà ở xã hội hiện có nhu cầu rất lớn và đang nhận được sự hỗ trợ của nhà nước đối với chủ đầu tư cũng như người mua nhà cuối cùng. Một số thuận lợi của phân khúc nhà ở xã hội trong thời gian sắp tới: Gói 30 ngàn tỷ đồng được đẩy nhanh tiến độ giải ngân, 20% diện tích của dự án nhà ở xã hội được dành để phát triển thương mại, biên lợi nhuận định mức 10% (tuy thấp nhưng ổn định và chắc chắn), nhu cầu nhà ở xã hội tại Tp.HCM rất lớn (theo ước tính của Bộ xây dựng, Tp. HCM cần đến hơn 130.000 căn nhà ở xã hội tính đến 2015).
HQC là một trong những doanh nghiệp tiên phong phát triển các dự án nhà ở xã hội và hầu hết các dự án nhà ở xã hội của HQC đang có tiến độ bán hàng tốt vì vậy dòng tiền và kết quả kinh doanh của HQC sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian sắp tới. EPS forward ước đạt 812 đồng/CP. Tại mức giá 7.800 đồng/CP ngày 27/06/2014, P/B của HQC ở mức 0,63 lần và P/E forward đạt 9,6 lần – thấp hơn so với bình quân ngành. Do đó, chúng tôi khuyến nghị MUA trên quan điểm đầu tư dài hạn.
BCI: Khuyến nghị tích cực
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Trong các công ty bất động sản niêm yết hiện tại, CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (mã BCI) là số ít doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ổn định và chi trả cổ tức đều hằng năm bằng tiền mặt. Điểm tích cực của BCI là quỹ đất lớn với tổng diện tich đất đã đền bù 367ha trên tổng số 667ha toàn danh mục dự án. Nguồn thu từ dịch vụ KCN và khoản đầu tư Big C mang dòng tiền đều đặn hằng năm cho công ty. Cơ cấu cổ đông chặt chẽ với các tổ chức lớn trong và ngoài nước giúp cho tính minh bạch của BCI luôn được nhà đầu tư đánh giá cao. Tuy nhiên, BCI cho thấy những hạn chế khi định hướng phát triển trong tương lai chưa rõ ràng khi các dự án lớn như KDC Tân Tạo, Lê Minh Xuân mở rộng, Phong Phú 2 triển khai rất chậm. Các dự án căn hộ bình dân như An Lạc Plaza, Nhất Lan 5 kỳ vọng mang lại nguồn thu ổn định chứ chưa tạo ra sự tăng trưởng mạnh trong dài hạn cho BCI. Ngoài ra, thanh khoản thấp cũng là điểm hạn chế giảm sức hấp dẫn cổ phiếu BCI đối với nhà đầu tư.
Mặc dù vậy, BVSC vẫn khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu BCI trong ngắn hạn. Khuyến nghị này hình thành trên cơ sở: (1) Với giả định thận trọng, kết quả định giá BCI là 24.800 đồng/cp, cao hơn 27,8% so với giá thị trường ngày 27/6; (2) Kết quả kinh doanh quý 2 dự báo tăng trưởng tốt so với quý 2/2013 (3) BCI còn 10% cổ tức tiền mặt năm 2013 chưa chi trả. Do đó, các nhà đầu tư giá trị không ưu thích rủi ro có thể tích lũy dần cổ phiếu BCI thời gian nắm giữ từ 3 – 6 tháng. Đối với quan điểm dài hạn, BVSC duy trì đánh giá trung lập về triển vọng của BCI do định hướng phát triển không rõ ràng, ban điều hành chưa quyết liệt trong thúc đẩy sự tăng trưởng của công ty và cấu trúc tài chính thay đổi theo hướng gia tăng sử dụng nợ vay.
BCI sở hữu quỹ đất khá lớn ở khu vực Bình Tân, Bình Chánh với các dự án lớn như Phong Phú 4 (84ha), KDC Tân Tạo (320ha), Phong Phú 2 (132ha), KCN Lê Minh Xuân mở rộng (109ha), Corona City (18ha)..Tổng quỹ đất đã đền bù là 367ha.
BVSC ước tính doanh thu của BCI trong quý II ước khoảng 79 tỷ đồng, tăng 2,2 lần và lợi nhuận sau thuế theo đó đạt 15,9 tỷ đồng, tăng 4,5 lần so với quý II/2013. Lũy kế 6 tháng, BCI đạt 37 tỷ đồng lợi nhuận hoàn thành 39% kế hoạch năm 2014.
Định giá BCI bằng phương áp NAV và P/B cho thấy giá trị cổ phiếu BCI là 24.800 đồng/cp. Mức giá này hiện cao hơn giá thị trường (27/06/2014) là 27,8%. Trong đó, định giá lại tài sản cho ra giá trị của BCI khoảng 33.000 đồng/cp. Phương pháp P/B với chỉ số trung bình ngành 0,7 lần cho kết quả đạt 17.000 đồng/cp.
>> Tải báo cáo
VSH: Dự báo lợi nhuận quý II sẽ giảm
CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)
Giá điện mà CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH) đàm phán theo Biên bản cuộc họp ngày 5/3/2014 mới chỉ được thống nhất với Ban thị trường điện của EVN. Người phê duyệt và ra quyết định trong vấn đề này là Hội đồng thành viên (HĐTV) EVN. Tuy nhiên, đến nay HĐTV vẫn chưa có ý kiến chính thức về giá điện.
Chúng tôi ước tính giá bình quân tạm tính trong 4 năm vừa qua (2010-2013) là khoảng 458 đồng/kWh, thấp hơn so với mức giá 511,37 đồng/kWh trong Biên bản cuộc họp tháng 3/2014. Giả sử mức giá bình quân 511,37 đồng/kWh được HĐTV của EVN chấp thuận, ước tính khoản chênh lệch trong 4 năm là khoảng 160 tỷ (trước thuế). Tuy nhiên, theo chúng tôi việc chi trả hồi tố một khoản tiền như vậy cũng không phải dễ dàng trong khi chính EVN hiện vẫn còn nhiều khó khăn.
Về dự án Thủy điện Kon Tum, với tổng vốn đầu tư dự kiến ban đầu 5.744 tỷ đồng, suất đầu tư là khoảng 26 tỷ/MW (tương đương mức bình quân trên thị trường). Việc kéo dài thời gian thi công nhiều khả năng sẽ khiến tổng mức đầu tư thực tế cao hơn so với dự kiến ban đầu.
Ngoài ra, chúng tôi cũng lo ngại về rủi ro dự án tiếp tục chậm so với tiến độ mà HĐQT công ty dự kiến trong các phương án khắc phục vì quá trình lựa chọn phương án để tiếp tục thực hiện dự án có thể kéo dài hơn dự kiến, đồng thời quá trình triển khai phương án lựa chọn cũng tiềm ẩn rủi ro vì đây là một dự án khá phức tạp.
Về hoạt động kinh doanh. ĐHCĐ VSH thông qua kế hoạch năm 2014 với sản lượng điện thương phẩm 741 triệu kWh, tăng 11% so với 2013. Trong quý II/2014, sản lượng điện của hai nhà máy Vĩnh Sơn và Sông Hinh đạt 184,7 triệu kWh, tăng 45% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng 2014, sản lượng điện đạt 428 triệu kWh, tăng 44% so với cùng kỳ và đạt 57% kế hoạch 2014. Sang quý III là vào mùa khô ở địa bàn hoạt động của công ty (ngược với ở miền Bắc và miền Nam), do đó thường thì sản lượng điện trong hai quý cuối năm thấp hơn hai quý đầu năm.
Theo ban điều hành Công ty, nếu vào mùa lũ nước về bằng mức trung bình nhiều năm thì mới hoàn thành được kế hoạch sản lượng đề ra.
Dựa trên sản lượng điện quý 2/2014, chúng tôi ước tính doanh thu từ sản xuất điện trong quý II/2014 đạt khoảng 68,6 tỷ, tăng 53,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thu nhập tài chính ròng trong quý II năm nay sẽ giảm so với cùng kỳ do không có khoản lãi đáng kể từ thanh lý đầu tư như trong quý II/2013 (VSH đã ghi nhận 44,8 tỷ lãi thanh lý đầu tư cổ phiếu PPC trong quý II/2014). Chúng tôi ước tính lợi nhuận ròng quý II/2014 đạt khoảng 34 tỷ, giảm 29% so với cùng kỳ.
SSI: Khuyến nghị MUA
CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)
CTCK Sài Gòn (SSI) nói riêng và nhóm ngành chứng khoán nói chung ghi nhận mức hoạt động tốt hơn bình quân thị trường trong 1 tháng trở lại đây.
Trong ngắn hạn, đường giá đã vượt MA trung hạn thành công và lần lượt tạo lập các mức đỉnh – đáy liền sau cao hơn để xác nhận di chuyển theo xu hướng tăng. Sự di chuyển của SSI được thể hiện bằng kênh giá tăng khá rõ nét trên đồ thị.
Khối lượng giao dịch chưa thật sự tốt, phần nhiều hơn các phiên thanh khoản vẫn nằm dưới mức trung bình 50 ngày và đây là điểm trừ nhỏ dành cho SSI, có thể ảnh hưởng tới động lực tăng mạnh của cổ phiếu này.
Chỉ báo kỹ thuật tích cực. Đa phần các chỉ báo đồng thuận với kịch bản đi lên dành cho SSI trong ngắn hạn.
Chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư có thể xem xét mua vào ngắn hạn SSI ở quanh mức giá
hiện tại 26.4 với mức giá mục tiêu là 30.0 (+13,6%) và dừng lỗ ở mức 24.5 (-7,2%).
CII: Khuyến nghị MUA
CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)
Cổ phiếu của CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) có đoạn rơi “tự do”, một phần do ảnh hưởng từ vấn đề trái phiếu chuyển đổi và điều này ảnh hưởng ít nhiều đến đồ thị kỹ thuật của giá. Sau giai đoạn này, đường giá tích lũy trong biên độ 17.0 - 19.0 khoảng hơn 1 tháng qua.
Ở phiên 1/7, CII tăng mạnh, đóng cửa cao hơn biên trên của vùng tích lũy và điều này giúp gia tăng xác suất đường giá di chuyển theo xu hướng tăng trong thời gian tới.
Thanh khoản ghi nhận mức cao đột biến ở phiên bứt phá kháng cự 1/7, giúp gia tăng độ tin cậy của điểm bứt phá.
Chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư có thể xem xét mua vào ngắn hạn CII ở quanh mức giá hiện tại 19.2. Mức giá mục tiêu là 22.2 (+15,6%) và dừng lỗ ở 17.2 (-10,4%).