Cổ phiếu cần quan tâm ngày 26/6

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 26/6

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 26/6 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho PLX với giá mục tiêu 62.300 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) đã đăng ký bán 20 triệu cổ phiếu quỹ trong tổng số 123 triệu cổ phiếu quỹ đang sở hữu, tương ứng với lượng cổ phiếu giao dịch trong khoảng 40 phiên và lượng cổ phần 1,7% sau khi hoàn thành giao dịch bán.

Số tiền thu được (ước tính 1,3 nghìn tỷ đồng theo mức giá cổ phiếu hiện tại 62.500 đồng/CP) sẽ được sử dụng tài trợ cho mở rộng hoạt động kinh doanh cốt lõi. Nếu thương vụ này thành công, khả năng tài chính của công ty sẽ được tiếp tục cải thiện, dù có một số tác động pha loãng đến EPS.

Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến là từ ngày 02/07/2019 đến ngày 31/07/2019. Lượng cổ phiếu này sẽ được giao dịch bằng phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận trên sàn HOSE.

Giá chào mua thấp nhất là tương đương 96,5% giá tham chiếu (lấy ví dụ, nếu giá đóng cửa phiên giao dịch liền kề (giá tham chiếu) là 62.500 đồng/CP, giá chào mua thấp nhất sẽ là 60.300 đồng/CP). Lượng cổ phiếu bán mỗi ngày: tối thiểu là 3% và tối đa là 10% tổng lượng cổ phiếu đăng ký chào bán (20 triệu cổ phiếu).

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị phù hợp thị trường với giá mục tiêu 62.300 đồng/CP dành cho PLX (tổng mức sinh lời dự phóng 3,8%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,2%). Theo giá đóng cửa hôm nay, PLX hiện đang giao dịch với P/E 2019 dự phóng 19,8 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi.

Khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho FRT với giá mục tiêu 59.500 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi giữ nguyên giá mục tiêu cho CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) là 59.500 đồng/CP nhưng điều chỉnh khuyến nghị từ mua thành phù hợp thị trường vì giá cổ phiếu đã tăng 20% trong một tháng qua.

Chúng tôi tin rằng mức giá cổ phiếu hiện tại đã phản ánh sự phục hồi về lợi nhuận của FRT sau quý 1/2019, nhờ doanh số và biên lợi nhuận cao hơn từ phụ kiện cũng như sự hỗ trợ từ phía Apple.

Trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng việc định giá lại của cổ phiếu sẽ phụ thuộc vào tiến độ của việc triển khai chuỗi nhà thuốc (Long Châu).

Lợi nhuận sau thuế sơ bộ 5 tháng 2019 tăng 7% so với cùng kỳ (so với kết quả lợi nhuận sau thuế đi ngang trong quý 1/2019), được dẫn dắt bởi doanh số bán hàng trỰc tuyến và phụ kiện, giúp bù đắp cho doanh số bán iPhone mới yếu.

Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế cả năm 2019 sẽ tăng trưởng 9%, khi chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế nửa cuối 2019 sẽ cao hơn nhờ sự hỗ trợ lừ Apple và gia tăng doanh số bán phụ kiện.

Khuyến nghị khả quan dành cho PVS

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi đã tham dự buổi gặp gỡ nhà đầu tư do Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) tổ chức ngày 21/06/2019. Chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận 2020-2023 thêm khoảng 4% nhờ có thêm một số dự án cơ khí dầu khí mới và FSO Biển Đông không còn mang nợ. Vì vậy, dù điều chỉnh tăng lãi suất phi rủi ro thêm 30 điểm cơ bản, chúng tôi điều chỉnh tăng giá mục tiêu thêm 5,3%. Chúng tôi nâng khuyến nghị dành cho PVS từ phù hợp thị trường lên khả quan.

Chúng tôi giữ nguyên dự báo dành cho năm 2019 với EPS cốt lõi đạt tăng trưởng 4,5% nhờ mảng Khảo sát Địa chấn giảm lỗ sau khi giải thể vào năm 2018 và lợi nhuận từ FPSO Ruby II tăng. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng tăng trưởng EPS báo cáo sẽ đi ngang trong năm 2019 do năm 2018 có lợi nhuận bất thường.

Chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo backlog từ 2 tỷ USD lên 3,5 tỷ USD vì công ty đang đấu thầu cho dự án đường ống dẫn khí Nam Cơn Sơn Giai đoạn 2 (vốn đầu tư xây dựng cơ bản 800 triệu USD) và ban lãnh đạo tin tưởng sẽ ký được hợp đồng cho dự án lớn Cá Voi Xanh (vốn đầu tư xây dựng cơ bản 10 tỷ USD).

PVS hiện đang giao dịch tại mức EV/EBITDA là 4,5 lần, tỏ ra hấp dẫn với trung vị P/E là 9,3 lần vì diễn biến khả quan hơn so với các cổ phiếu dầu khí khác về ROE và tỷ lệ đòn bẩy. PVS có tiềm lực tài chính mạnh khi nắm giữ 7,2 nghìn tỷ đồng tiền mặt vào cuối quý 1/2019, nên có thể dễ dàng mở rộng công suất và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế mà không có rủi ro pha loãng.

Khả năng điều chỉnh tăng dự báo: Biên lợi nhuận mảng Cơ khí Dầu khí cao hơn so với dự báo; dự án Cá Rồng Đỏ tái khởi động.

Rủi ro: Dự án Lô B bị trì hoãn lâu làm giảm giá trị backlog ~1 tỷ USD.

VPB sẽ tiếp tục xu hướng tích lũy và hồi phục

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (mã VPB) đang vận động trong kênh giá 18.8 – 19.95.

Chỉ báo RSI nằm trong vùng mua ủng hộ trạng thái tích lũy và hồi phục ngắn hạn. Chỉ báo MACD tiếp tục cho thấy vùng giá của VPB sẽ có khả tăng tiếp tục tích lũy và phục hồi vùng giá hướng về MA 100 ở các phiên tiếp theo.

Vận động của MA 20, MA 50, MA 100, MA 150 có xu hướng chuyển sang đi ngang và MA 200 tiếp tục giảm cùng thanh khoản tăng trở lại.

Do vậy, VPB sẽ tiếp tục xu hướng tích lũy và hồi phục ngắn hạn và có khả năng giữ đà hồi phục trong trung hạn. Ngưỡng kháng cự của VPB là 20.5 và 22.5, ngưỡng hỗ trợ tại 17.6.

Khuyến nghị mua cổ phiếu VRE

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

CTCP Vincom Retail (mã VRE) là công ty phát triển bất động sản bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam với thị phần dẫn đầu, nhận được sự hỗ trợ từ công ty mẹ Vingroup, đội ngũ quản lý tích cực và tỷ lệ nợ thấp.

Sử dụng kết hợp phương pháp chiết khấu dòng tiền DCF, hệ số P/E, P/B và EV/EBITDA, chúng tôi định giá VRE ở mức 43.005 đồng/CP vào thời điểm cuối 2019 và khuyến nghị mua với mức sinh lời kỳ vọng 28.3% so với giá ở thời điểm 19/06/2019.

>> Tải báo cáo

Tin bài liên quan