BMP: Vẫn còn nhiều khó khăn trong 2015
CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)
Theo cuộc họp hằng quý của BMP và cổ đông, HĐQT đã báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014. Theo đó, doanh thu 9 tháng đạt 1.796 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 274 tỷ đồng. So với kế hoạch năm, BMP lần lượt hoàn thành 82% doanh thu và 70% lợi nhuận sau thuế. HĐQT cũng cho biết sẽ chi trả cổ tức đợt 1/2014 với tỷ lệ chi trả 10%.
Mức tăng khoảng 13,2% so với cùng kỳ của doanh thu trong 9 tháng năm 2014 chủ yếu do BMP ký kết được thêm 1 số hợp đồng mới làm sản lượng tăng 24% so với cùng kỳ, đạt 40.074 tấn, tương đương 80% kếhoạch năm.
Biên lợi nhuận gộp ước ở mức 27,3%, giảm 2,3 điểm phần trăm do những hợp đồng mới chủ yếu là cung cấp sản phẩm cho các dự án thuộc ngân sách nhà nước nên tỷ suất lợi nhuận rất thấp.
Chi phí hoạt động tăng đáng kể với tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu tăng do BMP phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ khó đòi ước khoảng 12 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2014, trong đó khoảng 10 tỷ đồng là của Nhựa Đức Thành. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển cũng tăng mạnh kể từ tháng 4 do ảnh hưởng của quy định mới vềtải trọng cũng góp phần làm chi phí hoạt động tăng. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng 2014 giảm 3% so với cùng kỳ.
Dựa trên kết quả 9 tháng năm 2014 và quý IV thường là mùa cao điểm của các công trình/dự án, chúng tôi ước tính doanh thu cả năm 2014 khoảng 2.453 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ và vượt 12% kế hoạch. Do các dự án trúng thầu của BMP năm nay mang lại biên lợi nhuận thấp nên lợi nhuận gộp 2014 tăng thấp hơn doanh thu ở mức 7% so với cùng kỳ với biên lợi nhuận gộp ở mức 27%, giảm từ mức 29% năm 2013. Cùng với các chi phí hoạt động tăng nên lợi nhuận trước thuế ước giảm 4% so với cùng kỳ, tương đương đạt 475 tỷ đồng. Nhờ thuế TNDN giảm còn 22%, lợi nhuận sau thuế 2014 ước đạt 371 tỷ đồng, tăng 0,3% cùng kỳ và chỉ hoàn thành khoảng 95% kế hoạch năm.
EPS 2014 dự phóng đạt 8.159 đồng/cp, PE 2014 giao dịch ở mức 8,3x, thấp hơn trung bình lịch sử 5 năm là 10x. Tuy nhiên, trước tình hình cạnh trạnh trong ngành ngày càng gay gắt và tình hình bất động sản chưa phục hồi rõ rệt, BMP vẫn còn nhiều khó khăn trong 2015.
DHG: Duy trì khuyến nghị MUA
CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Doanh thu quý III/2014 tăng 12,7% so với cùng kỳ, đạt 908,4 tỷ đồng, chủ yếu do sản lượng tăng. Trong đó, doanh thu hàng sản xuất tăng gần 20% so với cùng kỳ và doanh thu hàng phân phối giảm gần 32% so với cùng kỳ. Nhờ đó, tỷ lệ đóng góp doanh thu của hàng sản xuất quý III/2014 đã tăng lên mức 91% tổng doanh thu, so với mức 86% của cùng kỳ. Như đã đề cập trong các phân tích trước, sự thay đổi cơ cấu doanh thu của DHG trong năm nay phần lớn là do công ty không còn phân phối sản phẩm Eugica cho đối tác Mega Lifesciences nữa. Theo hợp đồng thoả thuận, DHG sẽ chỉ gia công các sản phẩm Eugica từ 2014-2017 thay vì vừa gia công và phân phối như 2013.
Biên lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể từ 48,1% trong quý III/2013 lên 54,3% trong quý III/2014 giúp lợi nhuận gộp quý III/2014 của DHG tăng đến 27,3% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với mức tăng của doanh thu.
Điều này là nhờ: (1)tỷ trọng doanh thu hàng sản xuất (nhóm hàng có biên lợi nhuận gộp cao nhất) tăng; (2)chi phí nguyên liệu đầu vào giảm; và (3)ảnh hưởng từ việc thay đổi cách ghi nhận kế toán về các khoản chiết khấu. Cụ thể, thay vì được ghi nhận vào doanh thu như các năm trước, thì nay các khoản chiết khấu bán hàng và chiết khấu thanh toán sẽ được hạch toán lần lượt vào chi phí bán hàng và chi phí tài chính của công ty. Thực tế, tỷ lệ CPBH&QL/DT quý III/2014 đã tăng 3,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ lên mức 34,5% và chi phí tài chính tăng 286% so với cùng kỳ.
Loại trừ thu nhập bất thường, lợi nhuận trước thuế quý III/2014 tăng 18,5% so với cùng kỳ. Trong quý III/2013, thương vụ chuyển nhượng Eugica đã đem về cho DHG khoảng 122 tỷ đồng lợi nhuận. Do không có khoản thu nhập bất thường nào trong năm nay, nên lợi nhuận trước thuế quý III/2014 chỉ đạt 178,1 tỷ đồng, giảm 34,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu loại trừ thu nhập bất thường này, lợi nhuận trước thuế quý III/2014 vẫn tăng trưởng tốt ở mức 18,5% so với cùng kỳ. Theo đó, nhờ thuế suất thuế TNDN giảm, lợi nhuận sau thuế quý III/2014 của DHG tăng khoảng 21% so với cùng kỳ, đạt 142,3 tỷ đồng.
9T/14, DHG lần lượt hoàn thành 67% và 75,2% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2014. Cụ thể doanh thu 9T/14 đạt 2.601 tỷ đồng (+13,1% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 413 tỷ đồng (-8,4% so với cùng kỳ). Nếu loại trừ thu nhập bất thường từ Eugica thì LNST 9T/14 tăng 15% so với cùng kỳ.
Duy trì khuyến nghị MUA (Giá MT: 109.000 đồng/cp). Chúng tôi dự báo doanh thu và LNST 2014 của DHG sẽ tăng 12,3%n/n và 0,9% so với cùng kỳ, đạt 3.963 và 594 tỷ đồng. Lưu ý, nếu loại trừ thương vụ Eugica thì LNST 2014 ước tăng 21,9% so với cùng kỳ.
DHG đang giao dịch ở mức 13 lần PE 2014, thấp hơn nhiều so với bình quân các công ty trong khu vực, khoảng 20 lần. Ngoài ra, triển vọng dài hạn của công ty vẫn được đánh giá lạc quan nhờ: (1)năng lực sản xuất tăng gấp đôi; (2)bắt đầu hưởng ưu đãi thuế 0% cho nhà máy mới từ 2015. Tổng số tiền ưu đãi thuế khoảng 1.000 tỷ đồng cho 15 năm tới; và (3)tiềm năng từ việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và định hướng sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc dược liệu.
CMI: Lợi nhuận cả năm khoảng 30 tỷ đồng
CTCK BIDV (BSC)
Do CTCP CMISTONE Việt Nam (CMI – sàn HNX) không đủ điều kiện phát hành trái phiếu chuyển đổi cũng như phát hành cổ phiếu ra công chúng, công ty dự định sẽ phát hành ưu đãi cho cổ đông hiện hữu với số lượng 6.000.000 cổ phần, giá phát hành: 10.000 đồng/cp. Thời chốt danh sách cổ đông là ngày 6/10/2014 và thời gian đăng ký ngay lập tức, dự kiến 6/11/14 có thể thu tiền, 16/11/14 hoàn thành đợt phát hành thêm.
Công ty dự định sẽ sử dụng vốn thu được từ kỳ phát hành này để đầu tư vào 2 nhà máy đá nhân tạo 50 tỷ đồng và nhà máy bột đá nghiền 10 tỷ đồng. Dự kiến 2 nhà máy hoàn thành trong vòng 1 năm, trùng với thời gian cổ phần phát hành thêm đợt này được phép lưu hành. Công ty cho biết công ty sẽ sản xuất thử gạch vào quý II, III/2015, và sớm nhất thì quý IV/2015 sẽ bắt đầu ghi nhận doanh thu từ nhà máy gạch nhân tạo.
Doanh thu và lợi nhuận của công ty năm 2014 và trước khi nhà máy gạch nhân tạo đi vào hoạt động tới từ 2 mỏ quặng sắt Trấn Hưng và Khangbam (Lào). Do giá quặng sắt giảm sâu trong năm 2014, công ty có thể sẽ không đạt kế hoạch (lợi nhuận xấp xỉ 40 tỷ). Tuy nhiên, công ty đã có hợp đồng bao tiêu quặng cho 3 quý đầu năm và cố gắng quý IV sẽ hết hàng tồn kho. Thêm vào đó, công ty đánh giá nhu cầu quặng sắt lớn trong năm 2015 trong khi mỏ Trấn Hưng có chất lượng quặng cao khiến công ty tin tưởng giá quặng sắt giảm sâu chỉ là yếu tố tạm thời.
Lợi nhuận đạt từ 8 – 10 tỷ quý III/2014 và xấp xỉ 30 tỷ đồng cả năm 2014. Kế hoạch kinh doanh 2015, Công ty dự tính sớm nhất nhà máy sản xuất gạch nhân tạo sẽ ghi nhận doanh thu vào quý IV/2015, sẽ đem lại lợi nhuận 20 – 25 tỷ đồng mỗi quý.
HSC: P/E giao dịch ở mức 12,86 lần
CTCK VPBank (VPBS)
Trong 9 tháng đầu năm 2014, HSC ghi nhận 640,2 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 47% so với 9 tháng đầu năm 2013, với doanh thu hoạt động môi giới chiếm 36%, doanh thu hoạt động đầu tư chứng khoán, góp vốn chiếm 28% và doanh thu từ hoạt động giao dịch ký quỹ chiếm 27% tổng doanh thu thuần.
Môi giới chứng khoán: doanh thu môi giới chứng khoán ghi nhận tăng trưởng ấn tượng nhất, đạt 219 tỷ đồng, tăng 62% so với 9 tháng đầu năm 2013. Sở dĩ như vậy là do giá trị giao dịch của toàn thị trường tăng hơn 108% so với cùng kỳ, kết hợp với chiến lược quyết liệt của HSC trong việc mạnh tay cho vay ký quỹ. Trong quý III, HSC vẫn là một đối thủ mạnh trên thị trường với thị phần lần lượt là 12,34% và 8,37% trên HSX và HNX, đứng thứ hai trên HSX và dẫn đầu trên HNX, với tổng thị phần là 11,28%, đứng thứ hai sau SSI.
Giao dịch ký quỹ: đóng góp 170 tỷ đồng vào tổng doanh thu thuần, đạt mức tăng trưởng cao, tăng 50% so với cùng kỳ. Điều này được lý giải bởi sự gia tăng mạnh mẽ 85% của các khoản phải thu từ giao dịch ký quỹ, đạt 1.884 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2014. Gần đây, HSC công bố kế hoạch vay 1.400 tỷ đồng với mục đích bổ sung vốn lưu động phục vụ cho hoạt động cho vay ký quỹ. HSC đặt ra mục tiêu giành lại thị phần dẫn đầu thị trường như trong những năm qua.
Hoạt động đầu tư chứng khoán, góp vốn: Hoạt động đầu tư giảm 34% so với cuối năm 2013 do HSC giảm đầu tư vào trái phiếu chính phủ từ Quý II/2014 và hướng tới tăng cường đầu tư vào cổ phiếu. Doanh thu tự doanh đạt 177 tỷ đồng, tăng 116% so với 9 tháng đầu năm 2013, với tăng trưởng chủ yếu đến từ kết quả của sáu tháng đầu năm.
Lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm 2014 đạt 409,8 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ. HSC đạt lợi nhuận sau thuế là 320,2 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhìn chung, HSC đã hoàn thành 86% mục tiêu doanh thu thuần và 93,8% mục tiêu lợi nhuận trước thuế của năm nay.
Hôm nay, cổ phiếu đóng cửa ở mức 37.900 đồng, giao dịch ở mức P/E 12,86 lần, P/B 2,11 lần, thấp hơn mức P/E trung bình ngành là 13,81 lần và cao hơn so với P/B trung bình ngành là 1,24 lần.
VNS: Khuyến nghị mua vào
CTCK VPBank (VPBS)
CTCP Ánh Dương Việt Nam (VNS:HSX) công bố báo cáo tài chính quý III/2014 với doanh thu gần 958 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 80 tỷ đồng, tăng lần lượt 22% và 10% so với năm ngoái. Lũy kế 9 tháng, doanh thu công ty đạt 2.698 tỷ và lợi nhuận sau thuế đạt 231 tỷ, hoàn thành lần lượt 81% và 92% kế hoạch năm.
Trong quý này, VNS đã đầu tư thêm 242 xe mới và thanh lý 94 xe. Theo đó, lũy kế 9 tháng công ty đã đầu tư 1.010 xe và thanh lý 336 xe, nâng tổng số xe của công ty lên 5.632 xe, đạt lần lượt 87% và 71% kế hoạch năm.
Kết quả kinh doanh này tương đồng với báo cáo lần đầu của chúng tôi. Doanh thu 9 tháng của VNS đạt 78% dự báo doanh thu cả năm của chúng tôi, và lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 74%. Do đó, chúng tôi giữ vững quan điểm khuyến nghị mua đối với cổ phiếu.
Với mức giá 44.900 đồng/cổ phiếu (22/10/2014), VNS hiện đang giao dịch ở mức P/E là 8,17 lần và P/B 1,88 lần.
DPR: P/E đang được giao dịch tại 6,6 lần
CTCP MayBank KimEng (MBKE)
Lợi nhuận công ty mẹ giảm chủ yếu do giá bán giảm. CTCP Cao Su Đồng Phú công bố báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2014 của công ty mẹ với doanh thu thuần giảm 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái chỉ còn 627,9 tỷ đồng.
Trong đó, giá bán bình quân 9 tháng đầu năm 2014 giảm khoảng 25% so với cùng kỳ 2013, còn 41,2 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ tăng khoảng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 12.219 tấn. Biên lợi nhuận gộp thu hẹp từ 38,1% 9 tháng đầu năm 2013 xuống chỉ còn 29,5% 9 tháng đầu năm 2014.
Chi phí hoạt động tuy giảm nhưng chậm hơn doanh thu do đó tỷ lệ chi phí bán hàng và quản ký doanh nghiệp/doanh thu tăng từ 6% 9 tháng đầu năm 2013 lên 6,3% 9 tháng đầu năm 2014.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (EBIT) giảm 36,2% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 145,5 tỷ đồng. Thu nhập tài chính ròng 9 tháng đầu năm 2014 tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 32 tỷ đồng chủ yếu là do chi phí tài chính giảm. Thu nhập khác tăng 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái lên 4,1 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm khoảng 36,8% so với cùng kỳ năm ngoái chỉ còn 149,2 tỷ đồng. Chúng tôi kỳ vọng kết quả kinh doanh hợp nhất của DPR sẽ không dao động nhiều so với kết quả kinh doanh công ty mẹ do đóng góp của các công ty con chưa nhiều.
Sức khỏe tài chính công ty mẹ tốt. Mặc dù giá cao su giảm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh nhưng công ty vẫn duy trì sức khỏe tài chính khá tốt. Tỷ lệ nợ trên vốn của công ty mẹ hiện ở mức khá an toàn là 2,7%. Khả năng chi trả lãi vay đạt 48,5 lần.
Giá mủ cao su thế giới vẫn trong xu hướng giảm. Mặc dù được hỗ trợ bởi thông tin các nước sản xuất chủ chốt cam kết không bán giá thấp trong ngắn hạn, giá cao su thiên nhiên vẫn trong một xu hướng giảm trung hạn.
Hiện giá mủ tờ RSS3, giảm khoảng 34% so với cùng kỳ năm ngoái so với cùng kỳ 2013 hiện chỉ còn giao dịch ở mức 1.6 USD/tấn. Giá cao su giảm là do hiện tượng dư cung trên thế giới và hiện tượng này được dự báo có thể kéo dài đến hết 2015. Cụ thể, tổ chức Nghiên cứu Cao Su Thế giới (IRSG) dự báo dư cung năm 2014 đạt 371.000 tấn, năm 2015, sẽ là 202.000 tấn.
Định giá. Cổ phiếu DPR đang được giao dịch tại P/E 6,6 lần, xấp xỉ trung bình ngành khoảng 7 lần.
IMP: Khuyến nghị nắm giữ
CTCP MayBank KimEng (MBKE)
CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2014 với doanh thu tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 217,6 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức giảm 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái hồi 6 tháng đầu năm 2014.
Điều này cũng không nằm ngoài kỳ vọng của chúng tôi. Nhắc lại, việc đấu thầu thuốc vào bệnh viện hiện vẫn đang là khó khăn đối với IMP nói riêng, và các công ty dược phẩm khác có chú trọng vào chất lượng sản phẩm nói chung.
Nguyên nhân là do thuốc trúng thầu hiện nay gần như được lựa chọn theo tiêu chí ”giá thấp” - điểm bất lợi cho các sản phẩm có chất lượng tốt hơn. Hơn nữa, giai đoạn đầu năm thường là mùa cao điểm của đấu thầu và hệ điều trị trước đây vốn dĩ là kênh phân phối chính của IMP (chiếm 50-60% tổng doanh thu).
Tuy nhiên, thị trường dược phẩm các tháng cuối năm thường sẽ chuyển sang mùa cao điểm của kênh thương mại (OTC). Cùng với việc đẩy mạnh hệ thống phân phối qua OTC khá tốt từ 2013, chúng tôi đánh giá lạc quan về triển vọng của IMP trong quý III và quý IV/2014. Doanh thu từ OTC hiện đang đóng góp gần 80% tổng doanh thu cho IMP.
Biên lợi nhuận gộp của IMP đã cải thiện từ 44,8% trong Q3/13 lên 47,3% trong Q3/14. Tuy nhiên, tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu quý III/2014 cũng gia tăng gần 3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 34,4%. Điều này là do IMP mới chuyển sang phát triển thị trường OTC từ 2013 và đây cũng là thị trường chủ lực của công ty trong giai đoạn này nên công ty cần đầu tư nhiều hơn cho các công tác quảng cáo, tiếp thị....
Do đó, lợi nhuận trước thuế quý III/2014 chỉ còn tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 26,9 tỷ đồng. Nhờ thuế suất thuế TNDN giảm từ 25% trong 2013 xuống còn 22% trong năm nay, lợi nhuận sau thuế của IMP tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 21,2 tỷ đồng.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2014, IMP đạt 591,1 tỷ đồng doanh thu (-2,6% so với cùng kỳ năm ngoái) và 82,1 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (+0,7% so với cùng kỳ năm ngoái), hoàn thành 59,1% và 68,4% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2014. Theo chúng tôi, khả năng IMP sẽ đạt được mục tiêu lợi nhuận 2014. Tuy nhiên, kế hoạch doanh thu hiện đang là thử thách khá lớn đối với công ty.
Theo đó, chúng tôi duy trì dự báo doanh thu và lợi nhuận trước thuế 2014 của IMP lần lượt là 951 tỷ đồng (thấp hơn 5% so với kế hoạch của công ty) và 119 tỷ đồng (so với 120 tỷ như kế hoạch).
IMP đang triển khai kế hoạch phát hành tăng vốn nhằm mục đích phát triển hệ thống phân phối. Các đợt phát hành trong thời gian tới sẽ bao gồm:
(1) Phát hành ESOP 5% với mức giá 12.000 đồng/cp, thời gian thực hiện từ 21/10 đến 10/11/2014. 50% sổ cổ phiếu phát hành theo chương trình này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong khoảng thời gian 12 tháng đầu tiên và thời gian hạn chế chuyển nhượng của 50% còn lại là 2 năm.
(2) Phát hành riêng lẻ cho CĐ chiến lược 10% số cổ phiếu, giá phát hành dự kiến không thấp hơn 30.000 đồng/cp. Mức giá cụ thể sẽ do HĐQT xem xét quyết định dựa trên giá thị trường bình quân 10 phiên liên tiếp trước ngày phát hành và tỷ lệ chiết khấu không quá 20%. IMP vẫn đang trong quá trình tìm kiếm và đàm phán với đối tác chiến lược.
Nếu các đợt phát hành thành công, vốn điều lệ của IMP sẽ tăng từ 250 ở hiện tại lên 276 tỷ đồng và tỷ lệ pha loãng khoảng 6,6%. Theo đó, room nước ngoài sẽ tăng thêm khoảng 1,9 triệu cp (hiện cp IMP đã kín room nước ngoài).
Chúng tôi đã có chuyến thăm công ty vào đầu tháng 9 vừa qua. Về tiến độ dự án nâng cấp nhà máy lên tiêu chuẩn GMP-EU/PICs, công ty vẫn đang trong quá trình nâng cấp dần dần và hoàn tất các công tác chuẩn bị để mời chuyên gia về tư vấn và đánh giá. IMP kỳ vọng có thể nhận được chứng nhận tiêu chuẩn mới cho một vài sản phẩm trong Q1/2015.
Cổ phiếu IMP đang giao dịch ở mức PE 2014 khoảng 12 lần, so với mức 11 lần bình quân ngành. Tuy nhiên, PB của IMP chỉ ở mức 1,2 lần, thấp hơn mức bình quân ngành là hơn 2 lần. Duy trì khuyến nghị Nắm giữ với giá mục tiêu 42.000 đồng/cp.
VIC: Giá cổ phiếu đang ở mức hấp dẫn
CTCK MaritimeBank (MSBS)
Với nhiều dự án bất động sản quy mô lớn, dòng tiền ổn định, VIC khẳng định vị trí số 1 trên thị trường bất động sản Việt Nam. Dự án Vinhomes Central Park sẽ giúp VIC thêm một lần khẳng định vị thế hàng đầu khi hoàn thành một Royal City thứ 2 tại khu vực phía Nam.
- Bên cạnh bất động sản, VIC dự kiến mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực thương mại điện tử với thương hiệu VinE-com. Thách thức từ hoạt động này sẽ rất lớn nhất là với doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm về công nghệ thông tin như VIC. Nhà đầu tư sẽ cần thêm thời gian để đánh giá về sự thành công từ lĩnh vực này của VIC và liệu VIC có tạo nên một thói quen mua sắm hàng cao cấp mới tại Việt Nam như đã từng làm với Vincom Centre Bà Triệu.
- Vẫn còn những nghi ngại về VinE-com nhưng với các dự án bất động sản đang được thực hiện, mức giá hiện tại của VIC vẫn phù hợp với chiến lược đầu tư dài hạn.
- Mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 4.500 tỷ đồng năm 2014, EPS 2014 dự kiến của VIC là 3.130 VND/cp. EPS của VIC sụt giảm so với mức 7.896 VND/cp của năm 2013 do Công ty đã thực hiện tăng vốn mạnh trong năm 2014 từ 9,29 nghìn tỷ đồng lên 14,37 nghìn tỷ đồng (+55%) trong khi lợi nhuận giảm 37%.
- EPS trailing 4 quý của VIC đạt 5.421 VND/cp, với giá đóng cửa ngày 21/10/2014 là 48.900 VND/cp, cổ phiếu VIC đang giao dịch ở mức P/E 9 lần và P/B 2,56 lần. Đây vẫn là mức giá tương đối hấp dẫn đối với cổ phiếu đầu ngành bất động sản và có triển vọng tương lai tốt với nhiều dự án lớn đang được triển khai . Nhà đầu tư có thể tận dụng áp lực cung từ chuyển đổi trái phiếu để lựa chọn được mức giá đầu tư tốt với VIC.
>> Tải báo cáo