Cổ phiếu cần quan tâm ngày 23/7

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 23/7

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 23/7 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua NKG với giá mục tiêu 40.500 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NKG của CTCP Thép Nam Kim với giá mục tiêu 40.500 đồng/CP trong bối cảnh tiêu thụ thép trong nước và thế giới vẫn duy trì khả quan trong nửa cuối năm 2021. Giá thép sau khi giảm mạnh từ giữa tháng 5 đã dần hồi phục và kỳ vọng tăng trưởng với tốc độ chậm lại trong nửa cuối năm.

Lãi ròng nửa đầu năm 2021 của NKG vượt 94% kế hoạch năm với 1.166 tỷ đồng, tăng 1.884% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 7% trong nửa đầu năm 2020 lên 16% trong nửa đầu năm 2021 nhờ giá bán tăng và chính sách quản lý hàng tồn kho hiệu quả hơn sau tái cơ cấu. Động lực tăng trưởng chính đến từ việc thiếu hụt nguồn cung tại các thị trường xuất khẩu châu Âu và Mỹ.

Chúng tôi cho rằng NKG sẽ duy trì tiêu thụ ổn định đối với các sản phẩm mình trong quý III do doanh nghiệp đã nhận đủ đơn đặt hàng từ thị trường nước ngoài.

Sức khỏe tài chính đang được cải thiện. Việc bán thành công 10 triệu cổ phiếu quỹ giúp sức khỏe tài chính của NKG được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ nợ thuần/vốn chủ sở hữu giảm từ 0,76 lần hồi đầu năm còn 0,61 lần.

Giá thép thế giới kỳ vọng tăng vào các tháng cuối năm do (i) giai đoạn này là cao điểm mùa xây dựng, (ii) sự tăng giá của nguyên liệu sản xuất (quặng sắt, phế thép…), (iii) nhu cầu về thép của thế giới tăng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi, trong khi (iv) công suất thép toàn cầu năm nay chưa thể phục hồi như trước đại dịch (theo OECD)

Chúng tôi điều chỉnh nâng dự phóng kết quả kinh doanh của năm 2021 của NKG với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt tương ứng 21.406 tỷ đồng và 2.206 tỷ đồng, tăng lần lượt 85% và 647% so với năm ngoái trong bối cảnh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong quý II/2021 tốt hơn kỳ vọng của chúng tôi.

Chúng tôi định giá cổ phiếu NKG với giá mục tiêu 40.500 đồng/CP dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền. Mức giá mục tiêu tương ứng P/E forward khoảng 3,3 lần (theo EPS 2021F khoảng 12.121 đồng).

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua POW với giá mục tiêu 14.400 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu POW của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP với giá mục tiêu 14.400 đồng/cổ phần 12 tháng tới cho đầu tư dài hạn, dựa trên các điểm nhấn sau:

Top 5 doanh nghiệp sản xuất điện lớn Việt Nam: hiện tại POW đang sở hữu vận hành 6 nhà máy điện với tổng công suất 4.205 MW, sản lượng điện hàng năm khoảng 20 - 22 tỷ kwh, chiếm 8% tổng nhu cầu thị trường. Chiến lược phát triển trong những năm tới POW sẽ đầu tư thêm các dự án nhiệt điện khí NT3&4 (1500 MW), Miền Trung 1&2 (1.500 MW), LNG Cà Mau, LNG Quảng Ninh.

Hiệu quả kinh doanh sẽ tiếp tục được cải thiện khi các các nhà máy điện đi vào giai đoạn giảm bớt chi phí khấu hao và nợ vay: Các nhà máy của Tổng công ty đã đi vào giai đoạn trả nợ xong vốn vay đầu tư, khấu hao giảm (CM1&2, NT1) dự kiến sẽ mang lại hiệu quả kinh doanh tốt hơn trong những năm tới cùng với sản lượng điện gia tăng.

Chúng tôi dự báo năm 2021 lợi nhuận kinh doanh sẽ đạt mức 2.684 tỷ đồng, tăng 64% so với 2020 (năm 2020 lợi nhuận gồm 1.028 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá bán điện được hồi tố trong giai đoạn trước 2018.

Tình hình tài chính lành mạnh: Tổng tài sản đến cuối quý I/2021 của POW đạt 57.569 tỷ đồng, trong đó Tiền tương đương tiền và đầu tư tài chính (tiền gửi) đạt 8.761 tỷ đồng (15.2% tổng ts). Nợ phải trả đạt 26.026 tỷ đồng (45,2% tổng nguồn vốn), trong đó vay và nợ ngắn hạn các tổ chức tín dụng chỉ là 12.746 tỷ đồng (22,1% tổng nguồn vốn), mức rất an toàn đối với doanh nghiệp phát điện lớn.

Nhu cầu điện tiếp tục tăng lên trong những năm tới: trong ngắn hạn 6 tháng đầu năm 2021, nhu cầu phụ tải điện đang tăng chậm lại 6-7% do nền kinh tế bị ảnh hưởng của dịch Covid. Trong nửa cuối năm 2021 và các năm tiếp theo, chúng tôi cho rằng nhu cầu điện sẽ tăng nhanh hơn lên mức 8-9% khi dịch được kiểm soát, kinh tế hồi phục và phát triển.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị nắm giữ GMD với giá mục tiêu 45.200 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu GMD của CTCP Gemadept với giá mục tiêu 45.200 đồng/CP trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu trong nước vẫn diễn ra khả quan bất chấp sự bùng phát của dịch Covid-19 trong thời gian gần đây. GMD thông qua chia cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt 1.200 đồng/CP.

Cảng Gemalink dự kiến sẽ hoạt động hết công suất từ quý III/2021.Đại diện GMD cho biết trong nửa đầu năm 2021, sản lượng của Gemalink đạt 330-350 ngàn TEUs, trong đó đã bắt đầu có lãi từ quý II/2021. Ước tính cả năm 2021 sản lượng hàng hóa qua Gemalink có thể đạt 950-1.100 ngàn TEUs. Cảng hiện tại đã hoạt động 90% công suất và dự kiến từ quý III/2021 sẽ hoạt động hết công suất.

Giai đoạn 2 của cảng sẽ được triển khai ngay trong năm 2022 với tổng mức đầu tư dự kiến 4.200 tỷ đồng và công suất 900.000 TEUs/năm. Giai đoạn 2 được mở rộng với cầu tàu dài hơn, nâng trọng tải tàu cập bến lên đến 250.000 DWT.

GMD cho biết doanh thu và lợi nhuận trước thuế 6 tháng ước đạt lần lượt 1.439 tỷ đồng 388 tỷ đồng, tăng tương ứng 19% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực tăng trưởng chính trong nửa đầu năm đến từ việc gia tăng sản lượng hàng hóa qua các cảng, trong đó qua các cảng của GMD tại khu vực Hải Phòng đạt 500 nghìn TEUs, tăng 18% (theo GMD).

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển sẽ sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới tuy nhiên chúng tôi cũng lưu ý rằng hoạt động xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn trước diễn biến phức tạp của đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam và khu vực châu Á.

Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển 7 tháng 2021 ước đạt hơn 425 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ, trong đó, khối lượng hàng container qua cảng chứng kiến tăng khá, 21%. Trong 6 tháng 2021, Vũng Tàu chứng kiến tăng trưởng 41% sản lượng hàng container qua cảng, cao hơn TP. Hồ Chí Minh (16%) và Hải Phòng (20%).

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị theo dõi LHG với giá mục tiêu 55.700 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC)

Quan điểm đầu tư đối với cổ phiếu của Công ty cổ phần Long Hậu (LHG): Khu công nghiệp - mảng kinh doanh chính nhiều tiềm năng trong giai đoạn 2021-2023 là Khu công nghiệp Long Hậu 3 giai đoạn 1 (124 ha) đảm bảo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận Khu công nghiệp CAGR là 26%; giai đoạn 2024- 2030: Dự án Khu công nghiệp Long Hậu 3 mở rộng (90 ha) và Khu công nghiệp An Định (200 ha);

Bên cạnh đó, doanh thu ổn định từ mảng thuê nhà xưởng hiện hữu và tiềm năng dài hạn từ diện tích cho thuê nhà xưởng 29 ha tại Khu công nghiệp Đà Nẵng.

Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế 2021 lần lượt đạt 831 tỷ đồng (tăng 29% so với năm ngoái) và 282 tỷ đồng (tăng trưởng 42%), tương ứng hoàn thành 93% và 176% KH năm 2021. EPS fw = 5,076 đồng và P/E fw=9.7 - cao hơn P/E TB 5 năm của LHG ở mức 5.7 lần, P/B fw =1.8

Chúng tôi khuyến nghị theo dõi mã cổ phiếu LHG với giá 55.700 đồng/CP upside 13,2% so với giá ngày 21/7/2021 với phương pháp RNAV với chi phí sử dụng vốn WACC là 12% cho dự án Long Hậu 3 .

Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu DPG nằm tại mức 39.5

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu DPG của CTCP Đạt Phương đang ở trong trạng thái tăng giá trở lại sau khi có giai đoạn điều chỉnh trong nửa đầu tháng 7. Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây đang có chiều hướng tăng dần.

Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Chỉ báo động lượng RSI ở trên giá trị 50 đồng thời đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu nên cổ phiếu có thể duy trì đà tăng trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của DPG nằm tại khu vực xung quanh 31.5. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 39.5, cắt lỗ nếu ngưỡng 29.85 bị xuyên thủng.

Tin bài liên quan