Cổ phiếu cần quan tâm ngày 23/12

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 23/12 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 23/12

PPC: Khuyến nghị mua vào

CTCK FPT (FPTS)

Việc đi vào hoạt động 2 tổ máy mới từ đầu năm 2014 của Nhiệt điện Hải Phòng (tổng công suất 600MW) với hiệu quả hoạt động tốt sẽ tạo đà tăng trưởng cho CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC – sàn HOSE) trong dài hạn.

Những biến động tích cực như đàm phán được hợp đồng mới dài hạn (18 năm dây chuyền 2 và 2 năm dây chuyền 1), điều chỉnh thời gian khấu hao phù hợp với phương pháp tính giá điện, và diễn biến tích cực từ tỷ giá JPY giúp PPC ghi nhận tăng lợi nhuận trong năm 2014 và 2015.

Dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền (FCFF), chúng tôi cập nhật mức giá mục tiêu trong 12 tháng tới là 33,900 cao hơn so với mức giá hiện tại 25%. Do đó, khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu này.

>> Tải báo cáo

SBA: Sản lượng điện sẽ tiếp tục thấp

CTCK MB 9MBS)

CTCP Sông Ba (SBA) công bố Nghị quyết HĐQT tổng kết 9 tháng đầu năm và kế hoạch quý IV/2014. Theo đó, SBA dự kiến quý IV/2014 lãi ròng đạt 18.5 tỷ đồng, lũy kế cả năm 60.5 tỷ đồng.

Cụ thể, SBA có kế hoạch quý IV sẽ thực hiện được 60 tỷ đồng doanh thu sản xuất điện và lãi ròng 18.5 tỷ đồng. Kéo theo lũy kế cả năm thực hiện 199 tỷ đồng tổng doanh thu và 60.5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Được biết, 9 tháng đầu năm doanh thu thuần công ty đạt 139 tỷ đồng, lãi ròng 42 tỷ đồng; thực hiện được 59% kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Kết quả kinh doanh Quý IV dự kiến của SBA giảm đáng kể so với ước tính trước đó của ban lãnh đạo Công ty do điều kiện thủy văn tại khu vực hồ thủy điện Krong H’nang không được thuận lợi như các năm trước. Trong hai tháng 11 và 12 lượng mưa tại khu vực hồ giảm mạnh so với cùng kỳ do đó nhà máy thủy điện Krong H’nang, nhà máy thủy điện chính của Công ty, không hoạt động hết công suất.

Với lượng mưa trong 3 tháng cuối năm tại khu vực hồ thủy điện Krong H’năng giảm đáng kể so với cùng kỳ, chúng tôi cho rằng sản lượng điện của SBA sẽ tiếp tục thấp đến hết quý II/2015 do mùa mưa chỉ bắt đầu lại vào thời điểm cuối tháng 5 năm sau.

CHP: PE thấp, dự phóng 8x

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Giá bán điện bình quân theo hợp đồng mới tăng 15%. Trong tháng 10/2014, CTCP Thuỷ điện Miền Trung (CHP) đã hoàn tất việc điều chỉnh hợp đồng mua bán điện mới với giá bán điện bình quân tăng so với trước đây. Giá bán điện được điều chỉnh tính bình quân đạt 926đ/kWh (chưa tính thuế phí), tăng 15% so với giá cũ. Trong 9 tháng đầu năm 2014, doanh thu vẫn được tính theo giá bán cũ trong khi giá bán mới bắt đầu được áp dụng từ năm nay. Chúng tôi ước tính điều chỉnh chênh lệch giữa giá mới và giá cũ sẽ làm cho doanh thu 2014 tăng thêm hơn 50 tỷ.

Kết quả kinh doanh trong 9 tháng đầu năm của CHP kém khả quan với khoản lỗ luỹ kế 2,7 tỷ do sản lượng giảm. Sản lượng điện trong 9 tháng 2014 giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái do điều kiện thuỷ văn, nhất là trong quý III không thuận lợi, lượng nước về hồ thấp. Sang quý IV/2014, sản lượng trong tháng 10 vẫn giảm 30% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 11, nhất là sang đầu tháng 12, lượng nước về hồ nhiều hơn nên tình hình sản xuất được cải thiện. Nhà máy A Lưới hoạt động hết công suất từ giữa tháng 11 với sản lượng luỹ kế từ đầu năm đến ngày 21/12/2014 là 532,8 triệu kWh. Nếu tình hình thuỷ văn và hoạt động sản xuất ổn định từ nay đến cuối tháng 12, ước tính sản lượng tháng 12 đạt khoảng 122 triệu kWh, tăng 60% so với cùng kỳ. Theo đó, sản lượng quý 4/2014 ước tính đạt 308,6 tỷ, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ. Sản lượng điện cả năm 2014 ước tính đạt 568,6 triệu kWh, giảm 7,6% so với năm trước.

Ước tính lợi nhuận 2014 tăng 68%. Mặc dù sản lượng điện cả năm 2014 ước tính giảm 7,6% so với năm trước, nhưng nhờ giá bán điện mới tính bình quân tăng 15% so với giá cũ, chúng tôi ước tính CHP sẽ ghi nhận tăng trưởng cao trong năm nay. Nhà máy thuỷ điện A Lưới của công ty hiên đang tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. Nằm ở khu vực Nam Trung Bộ với đặc thù mùa mưa ngược với các vùng miền khác, nhà máy có lợi thế nhất định khi tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, nhất là vào mùa mưa (tương ứng với mùa khô ở các vùng miền khác). Nhờ vậy, ngoài doanh thu ghi nhận theo giá bán điện hợp đồng, công ty có thể ghi nhận một phần doanh thu phụ trội nhờ việc chào bán được giá tốt trên thị trường. Chúng tôi ước tính doanh thu từ SXKD điện đạt 632,6 tỷ, tăng 19,7% so với năm trước với giả định giá bán bình quân cả năm đạt 1.112 đồng/kWh (có tính thuế phí). Với dư nợ vay và lãi suất vay giảm, chúng tôi ước tính chi phí lãi vay giảm khoảng 10% so với năm trước. Lợi nhuận ròng, theo đó, ước tính đạt 218,9 tỷ, tăng 73,8% so với năm trước. Lưu ý rằng CHP vẫn đang được miễn thuế TNDN (từ 2013 đến 2016).

Hiện nay nợ vay là vẫn là gánh nặng khá lớn đối với CHP với dư nợ vay 1.663,8 tỷ vào cuối quý 3/2014. Toàn bộ số nợ này là hai khoản vay gồm hơn 1.300 tỷ từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và hơn 300 tỷ từ Agribank từ 2008 để đầu tư xây dựng nhà máy thuỷ điện A Lưới.

Với khoản vay này, số tiền trả nợ gốc và lãi hàng năm khá lớn, có thể ảnh hưởng tới dòng tiền của CHP. Trong năm 2014, công ty đã đàm phán với VDB và Agribank một số điểm khá tích cực để cải thiện tình hình tài chính gồm: trả nợ gốc cho VDB các khoản nợ với lãi suất cao trước rồi mới đến các khoản nợ với lãi suất thấp hơn (các mức lãi suất của từng lần giải ngân dao động từ 6,9%, 8,4% đến 11,4%; khoản vay Agribank cũng được giảm lãi suất cho vay từ 11,4%/năm xuống còn 10%/năm, áp dụng từ 1/4/2014.

Với ước tính KQKD 2014, EPS 2014 đạt khoảng 1.825 đồng/cp. Cổ phiếu CHP giao dịch với P/E dự phóng 8,0x, thấp hơn so với trung bình ngành 9,4x.

Tin bài liên quan