BID: Hợp nhất MHB sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí để phát triển hệ thống
CTCK Rồng Việt (VDSC)
Năm 2015 là năm cuối của lộ trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015. Do đó, làn sóng M&A được kỳ vọng sẽ sôi động trong thời gian này. Trong tuần vừa qua, một trong những thương vụ M&A đáng chú ý đó là việc hợp nhất của Ngân hàng Nhà Đồng Bằng Sông Cửu Long (MHB) và Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), đã được công bố trong cuộc họp ĐHCĐ ngày 17/04/2015.
Tính đến hết năm 2014, BID là ngân hàng TMCP quốc doanh có tổng tài sản lớn thứ hai và vốn chủ sỡ hữu lớn thứ ba trong nhóm các ngân hàng niêm yết, có thế mạnh ở mảng ngân hàng bán buôn. Năm qua được xem là một năm thành công với BID với các chỉ tiêu tăng trưởng khá tốt so với các ngân hàng niêm yết khác, đặc biệt là về tổng tài sản, đạt 650.340 tỷ (tăng 18,6% so với năm 2013).
Bên cạnh đó, huy động vốn trong năm 2014 cũng đạt mức 602.301 tỷ đồng (tăng 30% so với năm 2013, trong đó, hơn 83% số vốn huy động là từ khu vực tổ chức và dân cư).
Về kết quả kinh doanh đạt được, lợi nhuận trước thuế của BID là 6.297 tỷ đồng, tăng 19%, cao hơn gấp đôi CARG trong giai đoạn 2010-2014. Trong năm 2015, ngân hàng tiếp tục đặt chỉ tiêu tăng trưởng cao với mức tăng trưởng là 21,6% cho vốn điều lệ, 15% cho tổng tài sản và 19,1% cho lợi nhuận trước thuế khi đã trừ chi phí dự phòng 8.100 tỷ đồng.
Ngoài ra, BID cũng dự kiến phát hành thêm 269,2 triệp cổ phiếu (tỷ lệ 9,6%) với giá 10.000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu trong quý II/2015 nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng như hoạt động tín dụng, hoạt động đầu tư và mở rộng mạnh lưới kinh doanh.
Trong quý II/2015, BID sẽ phát hành 336,9 triệu cổ phiếu để hoán đổi cổ phiếu MHB với tỷ lệ 1:1. Thương vụ này đã gây ra nhiều lo ngại cho các cổ đông BID về mặt thị giá sẽ bị pha loãng khi tỷ lệ hoán đổi là 1:1. Cụ thể, MHB là một ngân hàng rất nhỏ so với BID về vốn điều lệ, tổng tài sản, thị phần huy động, tín dụng cũng như hiệu quả kinh doanh.
Giá trị sổ sách (GTSS) tại thời điểm 31/12/2014 của BID là 11.835 đồng/cp và GTSS sau khi BID phát hành thêm 269,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp sẽ bị pha loãng còn 11.675 đồng/cp cao hơn giá trị sổ sách của MHB (10.466 đồng/cp) khoảng 12%.
Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên viên ngành, việc hợp nhất này sẽ giải quyết được nhiều nhu cầu của cả 2 bên. Đối với MHB, ngân hàng sẽ giải quyết được vấn đề về quy mô vốn của mình. Ngược lại, BID có thể tiết kiệm thời gian và chi phí bằng cách tận dụng mạng lưới hiện tại của MHB để phát triển hệ thống. Hiện tại, MHB có 44 chi nhánh, 187 phòng giao dịch và quỹ tiết kiệm. Theo chia sẻ của ban lãnh đạo BID, một ngân hàng sẽ phải mất từ 7-12 năm để xây dựng được mạng lưới như trên.
VPK: Có thể hoàn thành vượt kế hoạch kinh doanh cả năm
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
ĐHCĐ thường niên CTCP Bao bì dầu thực vật (mã VPK) đã thông qua kết quả kinh doanh năm 2014 với chỉ tiêu doanh thu đạt 298 tỷ đồng, hoàn thành 77% so với kế hoạch và giảm 21% so với năm trước. Chúng tôi cho rằng nguyên nhân sụt giảm do các khách hàng lớn như Vinamilk, Vocarimex xem xét lại hợp đồng mua sản phẩm bao bì caton và điều chỉnh giá mua sản phẩm thấp hơn nhiều so với năm trước.
Theo đó, biên lợi nhuận gộp cũng giảm mạnh 5 điểm phần trăm (ppt) so với mức trung bình 23% của 2 năm trước và tương đương mức trung bình của 2007-2011. Xin nhắc lại trong 2 năm 2013 & 2014, các khách hàng lớn của VPK điều chỉnh tăng giá mua thùng cartoon nên biên lợi nhuận gộp của 2 năm này tăng đột biến. Các chi phí khác không biến động nhiều, lợi nhuận sau thuế là 23 tỷ, giảm mạnh 50% so với năm trước.
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2015, VPK đặt mục tiêu tổng doanh thu 320 tỷ đồng, +7% so với năm ngoái; lợi nhuận sau thuế 24 tỷ đồng, +2% so với năm ngoái và tỷ lệ chia cổ tức 20%.
Công ty cho biết cơ sở để đề ra kế hoạch lợi nhuận 2015 dựa trên tốc độ tăng trưởng chậm một số khách hàng chính của công ty làm ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ, mặt khác sự cạnh tranh luôn mãnh liệt do có khuynh hướng gia tăng một số nhà sản xuất bao bì mới tham gia vào ngành này.
Trong quý I/2015, doanh thu thuần VPK đạt gần 80 tỷ, tăng 28,4% so với cùng kỳ đồng thời biên lợi nhuận gộp cũng tăng 7 ppt lên mức 20%. Chúng tôi cho rằng điều này đến từ mức tăng của giá mua thùng cartoon từ các đối tác lớn. Lợi nhuận sau thuế quý I/2015 của VPK đạt 7,25 tỷ, tăng 136% so với cùng kỳ và hoàn thành 30% kế hoạch năm. Quý I thường là quý thấp điểm của VPK. Theo đó, nếu VPK giữ được mức biên lợi nhuận gộp cao như trên trong các quý tới thì khả năng VPK vượt kế hoạch 2015 là hoàn toàn có khả năng. Điểm sáng nữa cho VPK là mức cổ tức tiền mặt 20%, tương đương lợi suất cổ tức 9,4%.
HTI: Khuyến nghị tích cực
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Trong phương án thu phí gởi UBND Thành phố, CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO (mã HTI) được chấp thuận cho tăng mức thu phí trong các năm 2015, 2020, 2025, 2030, để bù đắp chi phí đầu tư các nút giao thông. Mức tăng phí trung bình trong năm 2015 là 56%. Đồng thời, BVSC giả định lưu lượng xe trong năm 2015 sẽ tăng 3%. Do đó, doanh thu HTI trong năm 2015 dự báo đạt 276 tỷ đồng, tăng 60.6% đối với hoạt động thu phí của HTI.
Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế của HTI đạt 43 tỷ trong năm 2015, tăng trưởng 15% so với cùng kỳ. EPS đạt 1.725 đồng/CP, với mức giá giao dịch ngày 20/4/2015 là 16.600 đồng, tương đương P/E forward là 9.62x.
Mức chi trả cổ tức 16% cho năm 2013-2014 và dự kiến 12% cho năm 2015, cho thấy dòng cổ tức của công ty khá ổn định. Với mức giá 16.600 đồng/CP vào ngày 20/4/2015, cổ tức/thị giá 9.6%.
BVSC cho rằng áp lực trả nợ vay của HTI sẽ giảm đáng kể và dòng tiền thu của công ty sẽ khá dồi dào sau năm 2018 khi áp lực trả lãi vay cho giai đoạn 2- cầu vượt QL1A Tỉnh Lộ 1 không còn, tạo thuận lợi cho công ty trong việc đầu tư các dự án hạ tầng mới.
Chúng tôi đánh giá hoạt động kinh doanh của HTI khá ổn định với doanh thu chính từ hoạt động thu phí tạo dòng tiền đều cho công ty. Đồng thời, dòng tiền sẽ dồi dào kể từ sau năm 2018 khi áp lực trả nợ vay giảm, tạo thuận lợi cho công ty trong việc tái đầu tư các dự án hạ tầng mới trong điều kiện nhu cầu đầu tư cho hạ tầng đường bộ Việt Nam ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, triển vọng 2015 khá tích cực với doanh thu tăng 60.5% và lợi nhuận sau thuế tăng 15% so với cùng k ỳ, tỷ lệ chi trả cổ tức khá hấp dẫn, với mức cổ tức/thị giá 9.6%. Chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM với cổ phiếu HTI với mức giá kỳ vọng là 20.400 đồng/CP
>> Tải báo cáo
ST8: Khuyến nghị mua vào
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Kết thúc năm tài chính 2014, ST8 đạt được mức tổng doanh thu 1.158 tỷ đồng (+40%) và hoàn thành 96% kế hoạch năm. Mảng thiết bị văn phòng Ricoh vẫn giữ mức tăng trưởng thấp đều như những năm trước, trong khi mảng kinh doanh ôtô tăng trưởng đột biến 57%, phản ánh thị trường tiêu thụ ôtô khởi sắc. Cụ thể, Honda Kim Thanh tăng trưởng 56% và Chevrolet Cường Thanh tăng trưởng 53%, đặc biệt là mảng Chevrolet đã bắt đầu tạo ra lợi nhuận. Qua đó, lợi nhuận sau thuế của ST8 đạt 55 tỷ đồng, dù chỉ hoàn thành 76% kế hoạch năm nhưng vẫn đánh dấu mức tăng trưởng 11%.
ST8 đặt kế hoạch 2015 xoay quanh mức doanh thu 1.436 tỷ đồng (+24%), trong đó mảng thiết bị văn phòng tăng 13% và kinh doanh ôtô tăng 27%, tiếp tục là nhân tố tăng trưởng chính. Lợi nhuận sau thuế kế hoạch là 70 tỷ đồng (+27%).
BVSC thận trọng điều chỉnh mức tăng trưởng mảng kinh doanh thiết bị văn phòng Ricoh từ 13% xuống 5% tương đương với năm 2014. Qua đó, tổng doanh thu năm tới của ST8 ước tính đạt 1.416 tỷ đồng (+22%) và lợi nhuận sau thuế ước đạt 64 tỷ đồng (+16%). EPS dự phóng 2015 đạt 4.600 đồng/cp và P/E forward 5,8 lần, vẫn còn tương đối thấp so với mặt bằng khoảng 9 lần của các doanh nghiệp ôtô hiện nay.
Chúng tôi đánh giá ST8 là cổ phiếu thích hợp với nhà đầu tư cá nhân với chiến lược mua – nắm giữ và đề cao tính an toàn: (1) ST8 hội tụ yếu tố ổn định từ mảng kinh doanh thiết bị văn phòng và tiềm năng tăng trưởng từ mảng kinh doanh ôtô; (2) lịch sử trả cổ tức tiền mặt đều đặn ở mức tối thiếu 20%/VĐL/năm; (3) cơ cấu tài chính lành mạnh, không sử dụng nợ vay dù hoạt động kinh doanh ôtô đòi hỏi vốn lưu động rất lớn.
PLC: Sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2015
CTCK MB (MBS)
PLC công bố kế hoạch kinh doanh năm 2015. Theo đó, Doanh thu phấn đấu đạt mức 6,052 tỷ VND, giảm 11.1% so với cùng kỳ, LNST theo kế hoạch phấn đấu đạt 273 tỷ VND đồng; giảm 2,25% so với cùng kỳ.
Lĩnh vực nhựa đường và dầu mỡ nhờn vẫn là hai trụ cột chính đem lại doanh thu và lợi nhuận cho Công ty trong khi đó mảng hóa chất tiếp tục có lợi nhuận thấp do cạnh tranh ác liệt.
Trong năm 2015, không còn nhiều dự án giao thông đang được hoàn thành, nên ngành hàng nhựa đường dự báo sẽ không tăng trưởng mạnh như năm 2014.
Ngành hàng dầu nhờn vẫn đang trong giai đoạn phát triển thị trường nội địa và mở rộng ra các nước trong khu vực do đó dự kiến chi phí bán hàng sẽ tăng cao làm giảm biên lợi nhuận.
Công ty cũng công bố kế hoạch lợi nhuận dự kiến cho các mảng kinh doanh chính như sau:
Mảng nhựa đường: 130.5 tỷ; Mảng dầu nhờn: 220 tỷ; Mảng hóa chất: 1 tỷ. Kế hoạch lợi nhuận trên được xây dựng dựa trên giả định giá dầu ở mức 50 USD/ thùng.
Công ty cũng dự kiến tăng vốn lên mức 800 tỷ VNĐ, bằng cách phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 15%.
Chúng tôi đánh giá, PLC nhiều khả năng sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2015.