Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/2

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/2

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 22/2 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua cổ phiếu TRC

CTCK MB (MBS)

Giá cao su được dự báo khả quan trong năm 2017 do tình hình thời tiết khắc nghiệt, nguồn cung suy giảm. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ được dự báo tăng lên khi ngành ô tô Trung Quốc được kỳ vọng lấy lại tốc độ tăng trưởng từng có, cùng với dự đoán những chương trình kích thích của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn trong thời gian tới.

CTCP Cao su Tây Ninh (mã TRC) tập trung vào mảng sản phẩm cao cấp có biên lợi nhuận cao như Latex, CV 50,60 chiếm 60% sản lượng.

Bên cạnh đó, TRC được hưởng mức thuế ưu đãi nhất trong các doanh nghiệp cùng ngành: 12,5% cho thuế TNDN từ trồng trọt và 15% cho các hoạt động khác so với 18% của DPR và 17,7% của PHR.

Dự án vườn cây cao su tại Campuchia là động lực cho sự tăng trưởng trong dài hạn của TRC. Dự án hiện vẫn đang trong giai đoạn kiến thiết nhưng sẽ giúp TRC tăng gấp đôi quy mô khi đi vào hoạt động kể từ năm 2019.

Thêm vào đó, chúng tôi dự phóng doanh thu và lợi nhuận của TRC trong năm 2017 lần lượt là 516 tỷ đồng (tăng 47,3% so với năm ngoái) và 156 tỷ đồng (tăng 115,9% so với năm ngoái) với giá cao su trung bình năm 2017 giả định ở mức 2.500$/tấn. Mức EPS forward năm 2017 ước đạt 5.210 VND/cp, tương ứng mức P/E là 5,8 lần, khá thấp so với trung bình ngành.

Vì vậy, chúng khuyến nghị mua cổ phiếu TRC với mức giá mục tiêu 42.305 đồng/cổ phiếu, cao hơn 40,5% so với mức giá hiện tại.

PE của PGS dự phóng ở mức 11x

CTCK BIDV (BSC)

Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí Miền Nam (mã PGS) đặt mục tiêu sản lượng năm 2017 đạt 115 triệu sm3 CNG (tăng 10,5% so với năm trước); 100.000 tấn LPG công nghiệp và 173k tấn LPG rời (tăng trưởng 6%). CNG gia tăng nhờ kỳ vọng từ nhà máy Nam Kim 3, đóng góp tăng thêm khoảng 10 triệu sm3 trong 2017. Nhà máy Samsung dự kiến mức tiêu thụ duy trì 3-4 triệu m3 ( khoảng 3 triệu sm3 trong 2016).

Công ty dự kiến sản xuất 350 ngàn bình ga năm 2017 (so với mức 340 ngàn bình 2016). Theo đó, trong năm 2017 doanh thu dự kiến đạt 5.000 tỷ đồng (tăng 1% so với năm trước); lợi nhuận trước thuế 125 tỷ đồng (tăng trưởng 10,6%) - đã loại trừ phần lợi nhuận đột biến thu về từ việc bán CNG trong 2016. Mức kế hoạch đặt ra dựa trên giá dầu $50/thùng và giá CP ở mức $320.

BSC cho rằng kế hoạch đặt ra của PGS là khá thận trọng do (1) các giả định về giá dầu và giá CP đang thấp hơn nhiều so với mức giá dầu và CP hiện tại lần lượt là $55/thùng và $510/MT. Ngoài ra, chúng tôi kỳ vọng sản lượng CNG có thể tăng tốt hơn so với kế hoạch, do phần lớn sức tăng trưởng đã đến từ kế hoạch của các khách hàng lớn của công ty.

EPS 2017 theo kế hoạch là 1.600 VND/cp (đã loại trừ 25 tỷ trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi như năm 2016). P/E forward ~ 11x, tương đương với PE trung bình ngành khí hiện nay. Ngoài ra, điểm cộng lớn của PGS là mức chi trả cổ tức cao 15% trong năm 2016, tương ứng với tỷ lệ cổ tức trên giá cổ phiếu.

Tăng vốn sẽ tốt hơn cho HPG

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Chúng tôi cho rằng việc CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) đầu tư Khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất trong giai đoạn hiện nay là hợp lý khi có thể tận dụng được lãi suất ngân hàng đang ở mức thấp và tạo tiềm năng tăng trưởng cho Tập đoàn, khi các nhà máy sản xuất thép xây dựng hiện tại đã đạt tối đa công suất.

Tăng trưởng năm 2017 sẽ chủ yếu nhờ vào việc Khu liên hợp giai đoạn 3 được huy động toàn bộ trong năm 2017 thay vì 9 tháng cuối năm như 2016, tương đương sản lượng tiêu thụ thép xây dựng có thể chỉ tăng trưởng được 10%. Ngoài ra, ống thép có thể tăng trưởng 20% sản lượng, tuy nhiên lợi nhuận từ ống thép đóng góp trong tổng lợi nhuận là không cao (khoảng 20% năm 2016) do đó đóng góp vào tăng trưởng lợi nhuận của ống thép sẽ không nhiều.

Năm 2018, tăng trưởng sẽ đến từ hoạt động nông nghiệp khi quá trình gây đàn hoàn thành, tiến hành hạch toán lợi nhuận từ Mandarin Garden và dự án tôn mạ sẽ đi vào hoạt động. Tuy nhiên, lợi nhuận từ bán căn hộ tại Mandarin Garden ước tính chỉ khoảng hơn 600 tỷ VNĐ, và lợi nhuận từ nông nghiệp cũng như tôn mạ màu năm đầu tiên cho ra sản phẩm có thể sẽ không cao.

Với các dự án hiện tại, chúng tôi ước tính tăng trưởng lợi nhuận của HPG trong giai đoạn 2017-2018 có thể chỉ đạt tối đa 10% - 20%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng ấn tượng 38%/năm trong vòng 5 năm trở lại đây. Do đó, việc đầu tư vào các dự án mới là cần thiết.

Mặc dù, với giả định đơn giản lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2017-2019 bình quân tương đương với 2016, chúng tôi ước tính với tiến độ đầu tư các dự án mới của HPG, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của HPG năm 2018 sẽ chỉ ở mức 1,1 lần, vẫn ở mức thấp so với ngành và việc phát hành thêm 250 triệu cổ phần để huy động vốn có thể không cần thiết.

Tuy nhiên, việc phát hành thêm này sẽ có thể giúp HPG duy trì được tỷ lệ nợ thấp như hiện nay, qua đó gia tăng hiệu quả từ các dự án đầu tư mới, đảm bảo an toàn về tài chính và năng lực tín dụng khi vay vốn ngân hàng cho toàn Tập đoàn (HPG luôn được xếp hạng cao nhất về tín dụng, khi lãi suất vay vốn lưu động của HPG thường thấp hơn cả lãi suất tiền gửi 12 tháng của các ngân hàng thương mại, và chúng tôi được biết lãi suất vay dài hạn cho KLH Dung Quất có thể chỉ dưới 7%/năm ).

Ngoài ra, một điều đáng lưu ý là tỷ lệ sở hữu nội bộ của HPG, hiện đang ở mức 49,21%, theo đó các cổ đông nội bộ cũng sẽ là những người nộp tiền chính trong đợt phát hành mới này. Việc đưa ra phương án nộp thêm tiền mặt để đầu tư dự án mới cũng thể hiện sự cam kết của ban lãnh đạo và cán bộ công nhân viên đối với hiệu quả tăng trưởng của toàn Tập đoàn.

>> Tải báo cáo

Tin bài liên quan