Cổ phiếu cần quan tâm ngày 2/12

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 2/12

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 2/12 của các công ty chứng khoán.

AMV đang tiến dần về vùng giá lịch sử

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu AMV của CTCP Sản xuất Kinh doanh Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ đang trong quá trình tăng giá từ đầu tháng 11 sau khi tạo mô hình hai đáy hướng lên tại nền giá 17.

Thanh khoản cổ phiếu tăng dần đồng thuận với trạng thái tích cực trong tháng này.

Các chỉ báo xu hướng đều đồng thuận với đà tăng của cổ phiếu. Chỉ báo động lượng RSI cũng đã ở trong vùng quá mua.

Nhìn một cách tổng quát, AMV đang tiến dần về vùng giá lịch sử và có thể xuất hiện sự điều chỉnh khi cổ phiếu tiếp cận khu vực 25-26.

Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu FRT

CTCK ACB (ACBS)

Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (mã FRT) vừa công bố kết quả kinh doanh 10  tháng năm 2019 với doanh thu thuần 13.755 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 10,6%, chỉ đạt 236 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong tháng 10, doanh thu thuần tăng 3% trong khi lợi nhuận sau thuế bất ngờ giảm 83,8%.

Chúng tôi dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của FRT trong 2019 lần lượt là 17.127 tỷ đồng (tăng 12% so với năm ngoái) và 298 tỷ đồng (giảm 14,3%). Dự phóng tăng trưởng cho 2020 tương ứng là 11,2% và giảm 6%. Kết hợp phương pháp DCF và P/E, giá mục tiêu của chúng tôi cho cổ phiếu là 29.898 đồng/cổ phiếu và khuyến nghị nắm giữ FRT.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu NLG

CTCK Phú Hưng (PHS)

NLG đang sở hữu quỹ đất lớn đắc địa tại thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Hải Phòng, cùng khả năng tiếp cận nguồn vốn tốt và cấu trúc vốn an toàn, sẽ giúp NLG có động lực tăng trưởng trong tương lai. Hiện tại, NLG tập trung phát triển dự án nhà ở vừa túi tiền, đáp ứng được nhu cầu nhà ở thực trên thị trường bất động sản.

Dự án Mizuki Park tại huyện Bình Chánh (TPHCM) với tổng diện tích 26.4 ha, cung cấp 1,200 căn hộ cho thị trường và dự án Waterpoint tại tỉnh Long An với diện tích 355ha bắt đầu được triển khai giai đoạn 1 với quy mô hơn 3.000 sản phẩm được kỳ vọng sẽ đem lại lợi nhuận đáng kể cho NLG trong thời gian sắp tới.

Chúng tôi sử dụng phương pháp định giá NAV để định giá cổ phiếu NLG. Giá trị hợp lý cho NLG đạt 35.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 25% so với mức giá giao dịch chốt ngày 22/11. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NLG.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua cho NLG với giá mục tiêu 48.300 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) đã công bố ngày 11/12/2019 là ngày giao dịch không hưởng quyền cho cổ tức tiền mặt tạm ứng 2019 tại mức 478 đồng/cổ phiếu (lợi suất cổ tức 1,7%), và ngày 26/12/2019 là ngày thanh toán.

Đợt chi trả cổ tức này là phù hợp với kế hoạch đã được phê duyệt trong ĐHCĐ của công ty, theo kế hoạch này, cổ tức năm tài chính 2019 là 956 đồng/cổ phiếu (lợi suất cổ tức 3,4%) và cổ tức cổ phiếu đạt 9,6% (điều chỉnh theo số lượng cổ phiếu lưu hành hiện tại).

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho NLG với giá mục tiêu 48.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 78,5 %. NLG hiện được giao dịch tại P/E năm 2020F là 6,1 lần và P/B là 1,1 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi.

Khuyến nghị mua cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 31.600 đồng/Cp

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi đánh giá cao triển vọng của HPG trong tương lai nhờ (i) HPG là công ty dẫn đầu thị trường thép tại Việt Nam, với sức khỏe tài chính và khả năng cạnh tranh mạnh mẽ với giá thành sản xuất thấp hơn hẳn so với các doanh nghiệp trong ngành, (ii) duy trì tăng trưởng bền vững về doanh thu và lợi nhuận, ngay cả trong bối cảnh ngành thép đi xuống, HPG vẫn khả năng gia tăng thị phần, và (iii) dự án Khu liên hợp thép Dung Quất sẽ nâng cao đáng kể năng lực sản xuất và doanh thu của công ty - gấp đôi công suất của thép dài và sản phẩm HRC mới giúp HPG tấn công vào thị trường tôn mạ.

Năm 2019, HPG tập trung vào mục tiêu thị phần thay vì tỷ suất lợi nhuận, tăng trưởng về sản lượng bán hàng và thị phần sẽ mở rộng đáng kể - thị phần sẽ tăng từ 23% hiện tại lên hơn 30%. Vì vậy triển vọng dài hạn của HPG là rất tích cực, do ngành thép Việt Nam còn nhiều tiềm năng trong khi tỷ lệ sử dụng thép/đầu người ở Việt Nam còn thấp (241kg/người) so với Trung Quốc (590kg) và châu Á (284kg). Tuy nhiên chúng tôi cũng lưu ý về khả năng giảm sút biên lợi nhuận của HPG trong những năm đầu Dung Quất đi vào hoạt động.

Thị phần ống thép HPG tăng lên 31%, giữ vững vị thế số 1. Sản lượng tiêu thụ thép 10 tháng đầu năm 2019 chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với các năm trước, đạt khoảng 8%, trong khi cả năm 2018 tăng trưởng trên 20% so với năm 2017.

Cụ thể, toàn ngành thép sản xuất gần 21 triệu tấn thép trong 10 tháng năm 2019, tăng nhẹ 4,6% trong khi tiêu thụ 19,17 triệu tấn, tăng 6%. Trong đó, hoạt động xuất khẩu tôn mạ và ống thép giảm tương ứng 21% và 11% n/n. Tính riêng trong tháng 10/2019, sản lượng bán hàng chỉ tăng 1,76% so với tháng trước, nhưng giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Mặc dù vậy, HPG vẫn đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ nhờ sở hữu lợi thế cạnh tranh khá lớn trong lĩnh vực sản xuất thép xây dựng với chất lượng sản phẩm tốt, có thương hiệu và chi phí giá thành thấp hơn so với các doanh nghiệp trong ngành nhờ quy mô lớn và chuỗi giá trị hoàn thiện.

Thật vậy, sản lượng ống thép Hòa Phát trong tháng 10 đạt 65.700 tấn, tăng 7%, lũy kế 10 tháng đạt 615.800 tấn ống thép, tăng 13,7%. Hoạt động xuất khẩu cũng ghi nhận khả quan với mức tăng 13,6%. Với kết quả này, thị phần ống thép Hòa Phát tăng từ 23% lên 31,02%.

Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý về khả năng giảm sút biên lợi nhuận của HPG trong những năm đầu Dung Quất đi vào hoạt động mặc dù doanh thu và thị phần của HPG sẽ tăng đáng kể.

Chúng tôi khuyến nghị mua với cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 1 năm là 31.600 đồng theo phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF.

Khuyến nghị mua cho CII với giá mục tiêu 26.800 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi giữ khuyến nghị mua dành CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII), nhưng giảm giá mục tiêu còn 26.800 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời 25,0% (bao gồm lợi suất cổ tức 13,3%). Chúng tôi dự báo mức giảm lợi suất cổ tức các năm 2020/2021 còn 6,7%.

Giá mục tiêu thấp hơn của chúng tôi phản ánh việc kéo dài giả định thời gian phát triển của dự án bất động sản nhà ở cao tầng Riverpark tại TP. HCM và dự án BOT Mở rộng Xa lộ Hà Nội, phần nào được bù đắp bởi cập nhập mô hình định giá chiết khấu dòng tiền (DCF) đến cuối năm 2020 và gia tăng định giá cho dự án cao tốc BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (TL-MT) với tiến độ thuận lợi.

Chúng tôi dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2019 tăng 4,6 lần, đạt 536 nghìn tỷ đồng từ mức cơ sở thấp trong năm 2018; chủ yếu đến từ khoản lãi tiền mặt từ chuyển nhượng cổ phần ở các dự án bất động sản và thu phí giao thông từ dự án BOT Cổ Chiên vừa hợp nhất trong quý 1/2019.

Trong năm 2020, chúng tôi kỳ vọng doanh thu sẽ tăng 41% so với năm 2019, đạt 4,8 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng 9,7% đạt 588 tỷ đồng, chủ yếu nhờ bắt đầu thực hiện thu phí cho dự án BOT Mở rộng Xa lộ Hà Nội và thương vụ liên quan đến lô đất thứ hai của dự án Riverpark.

Chúng tôi kỳ vọng CII sẽ được hưởng lợi từ dòng tiền mặt ổn định từ các dự án BOT sắp tới trong khi có thể ghi nhận lợi nhuận tăng cao từ các dự án bất động sản.

Rủi ro: trì hoãn dự án và hoãn chi trả cổ tức tiền mặt nhằm tài trợ vốn xây dựng cơ bản.

Khuyến nghị mua cho cổ phiếu DPM

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi nâng khuyến nghị cho Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) từ khả quan lên mua, đồng thời tăng giá mục tiêu 3,4% khi điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận giai đoạn 2021- 2023F trung bình 6,2%, chủ yếu nhờ chi phí khí đầu vào giảm. Điều này đến từ việc kịch bản cơ sở cho giá dầu Brent giảm như đã đề cập trong báo cáo ngành Năng lượng ngày 23/10/2019.

Chúng tôi dự báo EPS năm 2020F sẽ phục hồi khoảng 3 lần từ mức thấp kỷ lục ghi nhận trong năm 2019F, nhờ (1) chi phí khí đầu vào thấp hơn, (2) hiệu suất hoạt động tại các nhà máy sản xuất phân urê và NPK gia tăng khi giá của các sản phẩm nông nghiệp phục hồi từ mức cơ sở thấp, cũng như điều kiện thời tiết thuận lợi hơn.

Chúng tôi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kép EPS đạt 32,8% trong giai đoạn 2019-2024F, đến từ dự phóng của chúng tôi cho rằng nhà máy sản xuất phân urê sẽ hoạt động ổn định với hiệu suất hoạt động tối đa sau sự cố kỹ thuật diễn ra trong 6 tháng đầu năm 2019, giá phân urê tăng 2,5%/năm và hiệu suất hoạt động tại tổ hợp nhà máy NH3-NPK gia tăng từ năm 2020F trở đi.

Chúng tôi dự báo DPM sẽ chi trả cổ tức tiền mặt ở mức 1.000 đồng (lợi suất 7,7%) trong năm 2020F.

DPM hiện đang có định giá thấp với EV/EBITDA dự phóng năm 2020F là 2,8 lần và P/E là 9,0 lần.

Chúng tôi cho rằng DPM có cổ tức ổn định cùng với năng lực tài chính và triển vọng phục hồi lợi nhuận mạnh mẽ từ năm 2020F trở đi. Ngoài ra, chúng tôi kỳ vọng những bất ổn liên quan đến cước phí vận chuyển khí đầu vào sẽ giảm đi đáng kể từ 6 tháng đầu năm 2020 sau khi quá trình thương thảo kết thúc.

Yếu tố hỗ trợ: lợi nhuận hồi tố khoảng 130 tỷ trong năm 2019 khi quá trình đàm phán cước phí hoàn tất; phí bồi thường bảo hiểm cho đợt bảo dưỡng ngoài dự kiến; thay đổi luật VAT.

Rủi ro: cước phí vận chuyển khí cao hơn dự kiến trong năm 2020F.

Khuyến nghị mua cho HSG với giá mục tiêu 10.000 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG), đồng thời tăng giá mục tiêu 9% đạt 10.000 đồng/cổ phiếu, chủ yếu nhờ việc gia hạn định giá mô hình chiết khấu dòng tiền (DCF) đến giai đoạn 2020-2024F, cùng với nỗ lực đã được khẳng định của HSG trong việc củng cố tăng trưởng lợi nhuận và năng lực tài chính. Giá cổ phiếu của HSG đã hồi phục 14% trong 3 tháng qua.

Dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cuối năm tài chính 2019 giảm 12% so với mức giảm mạnh 69% ghi nhận cuối năm tài chính 2018, chủ yếu nhờ công ty thay đổi chiến lược kinh doanh từ tập trung thúc đẩy sản lượng bán sang phục hồi biên lợi nhuận. Tuy nhiên, HSG cho thấy hoạt động kinh doanh cốt lõi tiếp tục cải thiện với biên EBIT phục hồi mạnh và chi phí lãi vay giảm tính từ quý 2/2019 đến nay.

Chúng tôi giữ quan điểm cho rằng cạnh tranh trong nước gia tăng và căng thẳng thương mại thế giới sẽ hạn chế tăng trưởng sản lượng cho các nhà sản xuất tồn mạ trong khi HSG giảm dần chi phí hoạt động và chi phí lãi vay. Chúng tôi dự báo tăng trưởng doanh thu năm 2020F đạt 6% YoY và tăng trưởng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cốt lõi (không bao gồm lãi bất thường trong quý 1/2019) đạt 80% so với mức cơ sở thấp ghi nhận trong năm tài chính 2019.

Giá cổ phiếu của HSG đã và đang phục hồi từ mức thấp do tâm lý tiêu cực đối với kết quả kinh doanh mảng cốt lõi thấp từ cuối năm 2018 đến nay. Chúng tôi vẫn cho rằng định giá hiện tại của HSG là hấp dẫn dựa trên đà tăng trưởng lợi nhuận dự kiến và dòng tiền cải thiện.

Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: biên lợi nhuận giảm mạnh hơn dự kiến do biến động chi phí thép cán nóng đầu vào.

Khuyến nghị mua cho KDH với giá mục tiêu 32.000 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua dành cho CTCP Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) và duy trì dự báo lợi nhuận cũng như tổng giá trị hợp đồng bán hàng cho giai đoạn 2019-2021. Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 8% lên mức 32.000 đồng/CP do cập nhật mô hình định giá và điều chỉnh tăng giá bán giả định tại dự án Corona City. Giá cổ phiếu đã tăng khoảng 20% trong 4 tháng qua.

Chúng tôi duy trì dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) của lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số trong giai đoạn 2018-2021 ở mức 28%, chủ yếu được hỗ trợ bởi các dự án Verosa Park, Lovera Vista, Safira hiện có tiến độ xây dựng tích cực.

Chúng tôi tiếp tục tổng giá trị hợp đồng bán hàng của KDH trong năm 2019/2020 sẽ đạt mức trung bình 4 nghìn tỷ đồng/năm so với mức cơ sở thấp 2018 là 2 nghìn tỷ đồng, được củng cố bởi triển vọng khả quan cho các đợt mở bán của dự án Verosa Park và Lovera Vista.

Yếu tố hỗ trợ: dự án mở rộng KCN Lê Minh Xuân (110 ha tại huyện Bình Chánh). Dự phóng lợi nhuận của chúng tôi hiện chưa bao gồm dự án này do thông tin chi tiết về kế hoạch phát triển vẫn còn khá hạn chế.

Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: triển khai chậm hơn dự kiến tại các dự án quy mô lớn như dự án Tân Tạo (330 ha tại quận Bình Tân).

Khuyến nghị mua cho REE với giá mục tiêu 48.300 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Cơ điện lạnh (REE), đồng thời tăng giá mục tiêu 5,7% lên 48.300 đồng/cổ phiếu dựa trên tác động của việc gia hạn giá mục tiêu đến cuối năm 2020 và thay đổi không đáng kể dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số trong giai đoạn 2019-2023F.

Chúng tôi duy trì dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2020F đạt 1,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15,0 % so với năm 2019 nhờ đóng góp trong cả năm của tòa nhà văn phòng E-town East West và các nhà máy điện mới, tăng trưởng lợi nhuận mảng Cơ điện (M&E) đạt 27,5% (nhờ giá trị hợp đồng đã ký lớncủa mảng này) và lợi nhuận từ mảng bất động sản tăng khoảng 3 lần.

REE có khả năng sẽ hưởng lợi từ tình trạng thiếu hụt điện năng tại Việt Nam danh mục đầu tư điện lớn đạt 800 MW, với chi phí sản xuất thấp và vị trí đắc địa. Trong khi đó, chúng tôi dự phóng tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2019-2023 đạt 12,7%, nhờ các dự án đầu tư mới vào mảng điện và cho thuê văn phòng.

Chúng tôi cho rằng định giá hiện tại của REE là hấp dẫn với P/E dự phóng năm 2020 là 6,0 lần, P/B là 1,0 lần và lợi suất dòng tiền tự do dự phóng trung bình 15,6% trong giai đoạn 2020-2024.

Yếu tố hỗ trợ: dự án đầu tư mới có khả năng thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận dài hạn, kế hoạch gia tăng công suất cho công ty điện gió Thuận Bình mới thâu tóm gần đây.

Rủi ro: các dự án bất động sản tiếp tục bị trì hoãn.

Khuyến nghị mua cho TPB với giá mục tiêu 27.600 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi tăng giá mục tiêu 2,0% lên 27.600 đồng/cổ phiếu, đồng thời nâng khuyến nghị cho Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB) từ khả quan lên mua, nhờ tác động của việc gia hạn định giá đến cuối năm 2020 bù đắp cho mức giảm trung bình 2,6% của dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số trong giai đoạn 2019F-2020F.

Chúng tôi giảm dự phóng lợi nhuận giai đoạn 2019-2020 chủ yếu do tăng giả định cho chi phí dự phòng trung bình 50% cho hai năm. Chúng tôi cho rằng tốc độ tăng trưởng cho vay mua xe ô tô nhanh chóng, tính theo cả số lượng và quy mô khoản vay trong 3-4 năm qua là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nợ xấu của TPB gia tăng đáng kể trong 4 quý qua, do đó, chúng tôi tăng dự báo tỷ lệ nợ xấu trong năm 2019F và 2020F lên 20 điểm cơ bản đạt 1,48%/năm từ mức cập nhật trước, từ đó tăng thêm dự phóng cho chi phí dự phòng.

Chúng tôi kỳ vọng NIM năm 2019F và 2020F lần lượt tăng 47 điểm cơ bản và 5 điểm cơ bản trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đạt 21% và 17%, cũng như tổng cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và cho vay bán lẻ năm 2019 và 2020 lần lượt tăng 25% và 17%.

TPB đã ký hợp đồng phân phối độc quyền bancassurance có thời hạn 15 năm với Sunlife Việt Nam ngày 26/11/2019. TPB vẫn chưa công bố mức phí trả trước chính thức mà ngân hàng nhận được. Do đó, chúng tôi không ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường này trong dự báo của chúng tôi.

ROE và ROA năm 2020F của chúng tôi lần lượt là 22,1% và 1,9% so với trung vị ngành là 16,9% và 1,7%. Do đó, chúng tôi cho rằng định giá hiện tại của TPB là hấp dẫn tại P/B năm 2020F là 1,1 lần.

Rủi ro: (1) TPB cần tăng vốn nhằm củng cố tăng trưởng cho vay trong tương lai, dẫn đến rủi ro pha loãng, (2) rủi ro thanh khoản đến từ quy mô tập trung lớn vốn huy động từ liên ngân hàng và (3) khủng hoảng ngành ngân hàng đến từ các yếu tố vĩ mô sẽ có thể ảnh hưởng tới chi phí tín dụng.

Tin bài liên quan