Cổ phiếu cần quan tâm ngày 21/2

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 21/2

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 21/2 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị tích cực đối với DHC

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Tuy thận trọng hơn về dự báo ngắn hạn 2019 trong lần cập nhật này, BVSC vẫn duy trì quan điểm lạc quan về tiềm năng trung - dài hạn của CTCP Đông Hải Bến Tre (mã DHC).

Cụ thể: nhu cầu giấy bao bì trong nước tăng mạnh và khả năng cầu vượt cung trong tương lai là điểm hỗ trợ rất quan trọng cho Giao Long 2;

Bên cạnh đó, xu hướng ngày càng thắt chặt vấn đề môi trường của Trung Quốc sẽ giúp giữ giá giấy thu hồi ở mức thấp;

Ngoài ra, DHC sẽ có mức định giá rất hấp dẫn vào năm 2020 với P/E dự phóng 3,8 lần khi Giao Long 2 chạy hết công suất.

Vì vậy, chúng tôi tiếp tục khuyến nghị OUTPERFORM với DHC trên mức giá mục tiêu 49.000 đồng/cp.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua cổ phiếu VIB

CTCK MB (MBS)

Cổ phiếu VIB có thời gian tích lũy khá dài kể từ tháng 10/2018 sau nhịp tăng từ 16.000 đồng – 20.000 đồng. Trong 3 phiên gần đây, khối lượng giao dịch của VIB tăng khá mạnh, gấp 4 lần so với bình quân 20 phiên.

Kể từ đầu năm, nhóm ngân hàng đã có mức tăng khá tốt trong khi VIB chỉ mới tăng nhẹ, với thanh khoản tăng đột biến VIB có khả năng quay lại xu hướng tăng mới.

Về ngắnhạn, VIB đang hình thành mô hình tăng tiếp diễn, là mô hình trung gian sau một nhịp tăng với đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước và đáy sau thấp hơn đáy trước.

Ở thời điển hiện tại, VIB đang test đường kháng cự là trendline giảm giá nối các đỉnh ở mức 19.100 đồng, đây cũng là ngưỡng của Fibonacci 38,2%. Trong khi đó mức đỉnh gần nhất của VIB cũng nằm ở mức fibonacci 50% tương ứng với 19.700 đồng.

Một sự bứt phá trên 19.100 đồng sẽ đưa VIB hoàn thiện mô hình tăng tiếp diễn với giá mục tiêu ngắn hạn ở 23.700 đồng và giá mục tiêu trung hạn ở 25.500 đồng. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu VIB.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua cổ phiếu SSI

CTCK MB (MBS)

Nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn giảm nhẹ kể từ đầu năm 2019, tuy nhiên SSI đã có mức tăng hơn 10%. Thị trường chứng khoán đang hồi phục mạnh mẽ sau 3/4 thời gian giảm trong năm 2018, thanh khoản thị trường đã có phiên đạt trên 5.000 tỷ đồng ở sàn HSX, một tín hiệu tốt cho ngành chứng khoán.

Về ngắn hạn, SSI đang hình thành mô hình cái nêm hướng xuống sau nhịp tăng từ tháng 7 đến tháng 9/2018. Ở thời điểm hiện tại, SSI đã breakout thành công đường kháng cự là trendline giảm giá nối các đỉnh ở 27.250 đồng ứng với mức Fibonacci 23,6%.

Trong quá trình hướng đến giá mục tiêu ngắn và trung hạn, SSI sẽ gặp thử thách ở ngưỡng cản ứng với mức Fibonacci 50% và mức đỉnh cũ tháng 12/2018 ở 29.500 đồng – 30.000 đồng.

 Với khối lượng giao dịch đang tăng và vượt mức trung bình 20 phiên, SSI có khả năng hoàn thành mô hình cái nên hướng xuống với mức giá kỳ vọng trong ngắn hạn 32.000 đồng, mức giá kỳ vọng trung hạn ở 35.000 đồng.

Về các đường trung bình, SSI đã vượt qua các đường trung bình ngắn hạn và trung hạn như MA5, MA10, MA20, MA50 ngày.

Với những tín hiệu kỹ thuật tích cực trong ngắn hạn, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu SSI.

GMD sẽ vượt ngưỡng vùng 28.000 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Cổ phiếu ngành cảng biển nói chung và cổ phiếu GMD nói riêng có mức tăng trưởng tốt hơn nhiều so với thị trường chung (tính từ đầu năm 2018, VSC tăng hơn 46%, GMD tăng gần 10%).

Về ngắn hạn, GMD sẽ gặp cản mạnh quanh vùng 28.000-28.500 đồng (đây là vùng giá có mặt của Fib50% và đỉnh tháng 7 và tháng 10/2018). Đây là ngưỡng rất quan trọng, nếu vượt qua ngưỡng này thì kỳ vọng tăng giá trung hạn sẽ trở nên tích cực với sự hỗ trợ của thanh khoản đang tăng lên và giá mục tiêu có thể về vùng 30.000 đồng – 31.000 đồng.

Về trung hạn, GMD sẽ gặp kháng cự ở vùng 30.000 đồng – 30.500 đồng (ngưỡng Fibonacci 61.8%), GMD có thể thoái lui về mức 28.500-29.000 đồng trước khi breakout ngưỡng kháng cự mạnh này. Về các đường trung bình, GMD đã vượt qua các đường trung bình ngắn hạn và trung hạn như MA5, MA10, MA20, MA50 hay MA100 ngày.

Với những tín hiệu tích cực về các chỉ báo kỹ thuật và các đường trung bình trong ngắn hạn, chúng tôi kỳ vọng GMD sẽ vượt ngưỡng vùng 28.000 đồng thành công để xác nhận xu hướng tăng trung hạn. Giá mục tiêu trong 12 tháng tới có thể đạt vùng 34.000-35.000 đồng/cp.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua cổ phiếu FPT

CTCK BIDV (BSC)

Kết quả kinh doanh 2018 tăng trưởng tốt với doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 23.213 tỷ đồng (tăng trưởng 17%) và 3.852 tỷ (tăng trưởng 30% so với năm trước) theo phương pháp tương đương (loại bỏ ảnh hưởng do thoái FRT và FTG). 

Trong đó, khối Công nghệ ghi nhận 13.395 tỷ đồng doanh thu (tăng trưởng 21%) và 1.519 tỷ lợi nhuận trước thuế (tăng trưởng 34%). 

Khối Viễn thông ghi nhận 8.831 tỷ đồng doanh thu (tăng trưởng 15%) và 1.458 tỷ lợi nhuận trước thuế (tăng trưởng 19%).

Mảng Quảng cáo trực tuyến ghi nhận 315 tỷ lợi nhuận trước thuế, đi ngang so với cùng kỳ do cạnh tranh gay gắt ở lĩnh vực Nội dung số. 

Khối Giáo dục và Đầu tư tăng trưởng đột biến, ghi nhận 488 tỷ lợi nhuận trước thuế, đóng góp 12.6% tổng lợi nhuận của tập đoàn. Trong năm 2018, FPT tuyển sinh thêm 19,380 học viên mới, tăng 55% so với cùng kỳ. 

Công ty dự kiến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận năm 2019 đạt 16% do chi phí tăng liên quan đến thương vụ Mua bán và Sát nhập của Intellinet.

Năm 2019, BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuếcủa FPT lần lượt đạt 26.180 tỷ (tăng trưởng 14,7%) và 4.569 tỷ (tăng trưởng 19%). EPS FW 2019 sẽ đạt 4,702 VND/cp (tăng trưởng 20%) (đã trích quỹ khen thưởng và phúc lợi)

Kết thúc phiên ngày 18/2/2019, FPT đóng cửa ở mức giá 44.400 VND; tương đương với mức P/E dự phóng là 9.47, chiết khấu 27% so với P/E trung vị khu vực là 13.x. Chúng tôi tiếp tục khuyến nghị mua cổ phiếu FPT với giá mục tiêu giữ nguyên là 59,100 VND/cp theo phương pháp định giá P/E và FCFE với tỷ trọng 30%/70%. 

Khuyến nghị mua cổ phiếu KBC với giá mục tiêu 20.120 đồng/Cp

CTCK BIDV (BSC)

Doanh thu 2018 đạt 2.505 tỷ đồng (tăng trưởng 99%) và lợi nhuận sau thuế là 810 tỷ đồng (tăng trưởng 31,3% so với năm trước) đóng góp chính từ mảng cho thuê Khu công nghiệp (120 ha gấp 3 lần 2017) và mảng dịch vụ có doanh thu ổn định.

Cuối năm 2018, KBC đã phát hành thêm 600 tỷ trái phiếu doanh nghiệp để thanh toán các khoản trái phiếu đến hạn, dự kiến sẽ phát hành thêm 200 tỷ trái phiếu đầu 2019.

Điểm nhấn đầu tư đối với KBC, cụ thể: Hợp đồng Foxconn và JA Solar ký mới quý I/2019 ở Khu công nghiệp Quang Châu 70 ha đảm bảo KBC đạt kế hoạch 120 ha Khu công nghiệp năm 2019.

Triển khai mở bán Khu đô thị Tràng Duệ 3 có diện tích thương phẩm 20 ha/42ha), giá bán 15-20 triệu/m2, biên lợi nhuận gộp khoảng 70%.

Tràng Duệ 3 có khả năng được vào khu kinh tế Đình Vũ Cát Hải dự báo sẽ hưởng nhiều chính sách ưu đãi cùng vị trí địa lý thuận lợi thu hút nhiều tập đoàn lớn.

Hoạch toán doanh thu từ Khu đô thị Phúc Ninh vào giai đoạn 2019 – 2020, chúng tôi ước tính doanh thu từ Phúc Ninh có thể đạt trên 2,000 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp 70%.

BSC dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2019 lần lượt là 2.895 tỷ đồng (tăng trưởng 15,56%) và 1.070 tỷ đồng (tăng trưởng 32,1% so với năm trước) tương đương với EPS FW 2019 = 2.249,8 đồng/cp đến từ (1) tổng diện tích cho thuê Khu công nghiệp năm 2019 ước đạt 120 ha; (2) hạch toán doanh thu từ Khu đô thị Phúc Ninh.

Chúng tôi tiếp tục khuyến nghị mua cổ phiếu KBC với giá mục tiêu 20.120 đồng/cổ phiếu, tăng 10% so với báo cáo 13/12/2018 dựa trên phương pháp RNAV với mức chiết khấu 11%.

SBT sẽ điều chỉnh về ngưỡng 20

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu SBT của Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa đang trong giai đoạn điều chỉnh từ vùng kháng cự 21-21.5. Thanh khoản cổ phiếu trong các phiên điều chỉnh duy trì trên mức trung bình 20 phiên cho thấy đà điều chỉnh vẫn khá mạnh.

Chỉ báo RSI và MACD đều ủng hô xu hướng điều chỉnh ngắn. Chỉ báo RSI giảm sâu trong khi đường MACD sắp cắt xuống đường tín hiệu. Nhịp vận động 3 đường MA vẫn chưa phản ánh xu hướng giảm. Vị thế mua chưa rõ ràng.

Cổ phiếu sẽ điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ mạnh tại mức giá 20. Nếu mất ngưỡng này, SBT có thể trở về vùng giá 18.8- 19.

Khuyến nghị mua cổ phiếu POW

CTCK Bản Việt (VCSC)

Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) đã được phê duyệt làm chủ đầu tư dự án thủy điện tại Lào này từ năm 2007. Trước đó, công ty ước tính vốn đầu tư xây dựng cơ bản của dự án sẽ vào khoảng 2 tỷ USD và dự án sẽ đi vào hoạt động thương mại năm 2014. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn bị trì hoãn do (1) lo ngại về tác động đối với môi trường, (2) cần xây dựng đường truyền 500kV để đưa điện từ nhà máy đến tỉnh Ninh Bình của Việt Nam, làm tăng chi phí đầu tư và (3) cơ chế tính giá bán điện cho nhà máy này còn chưa rõ ràng.

Các cuộc đàm phán gần đây giữa POW và chính phủ Lào cho thấy dự án này có thể sẽ được tiếp tục từ năm 2019-2020 trở đi. Lễ khởi công có thể diễn ra năm 2019-2020 và nhà máy có thể bắt đầu hoạt động thương mại vào năm 2025-2026. Hiện công ty không công bố kế hoạch chính thức, chi phí đầu tư mới và tiến độ dự thực hiện cho án từ. Chúng tôi hiện giữ quan điểm trung lập dành cho dự án thủy điện mới này và chờ đợi thông tin chi tiết hơn để phản ánh vào mô hình định giá.

Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị mua dành cho POW với giá mục tiêu 18.600VND/cổ phiếu, tương ứng với tổng mức sinh lời 12,7%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,9%.

Khuyến nghị mua cổ phiếu DXG

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi giữ khuyến nghị mua dành cho CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) với giá mục tiêu nhìn chung không đổi tại mức 36.000VND/cổ phiếu.

Chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2019 thêm 14% lên 1,4 nghìn tỷ đồng nhờ mảng môi giới đạt kết quả khả quan hơn so với dự báo, chủ yếu dẫn dắt nhờ dịch vụ đầu tư thứ cấp trong quý 4/2018. Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2019 dự kiến sẽ tăng trưởng chậm lại với tốc độ 17% do kế hoạch bàn giao tạm thời giảm vì phần lớn các sản phẩm đã bán (dự án Gem Riverside) vẫn còn đang trong qua trình xây dựng.

Chúng tôi điều chỉnh giảm 6% dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2020 xuống 1,6 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2019 với giả định kế hoạch bàn giao Gem Riverside sẽ được chuyển sang năm 2021.

Định giá hấp dẫn với P/E 2019 tại 6,6 lần, P/B 1,3 lần và PEG 3 năm 0,2 trên cơ sở dự báo của chúng tôi.

Rủi ro: mảng môi giới bán buôn khiến tồn kho bất động sản tăng, tiến độ thi công dự án Gem Riverside tiếp tục trì trệ, rủi ro pha loãng do kế hoạch phát hành 1,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi.

Khuyến nghị kém khả quan cổ phiếu NKG

 CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị kém khả quan cho CTCP Thép Nam Kim (NKG) và điều chỉnh giảm giá mục tiêu thêm 5% còn 6.300 đồng/CP khi mức giảm trong cán cân nợ quý IV/2018 giúp phần nào bù đắp mức điều chỉnh giảm trong dự báo lợi nhuận của chúng tôi.

Chúng tôi điều chỉnh giảm 32% dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2019 đạt 131 tỷ đồng (tăng trưởng 129%) trong đó đã bao gồm lãi bất thường trước thuế ước tính 203 tỷ đồng từ thanh lý tài sản. Điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận là do mức giảm biên LN gộp cao hơn dự kiến và lo ngại khả năng tăng trưởng doanh số bán trong nước của NKG. Chúng tôi cũng điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2020/2021 lần lượt 66%/38%.

Chúng tôi cho rằng bối cảnh thách thức của ngành sẽ vẫn duy trì trong cả năm 2019 với cạnh tranh gay gắt trong nước, các bất ổn thương mại toàn cầu đang diễn ra và giá HRC biến động lớn hơn.

Tin bài liên quan