Cổ phiếu cần quan tâm ngày 20/9

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 20/9

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 20/9 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu VSC

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

Mặc dù kết quả kinh doanh nửa đầu 2017 của CTCP Tập đoàn Container Việt Nam (mã VSC) vẫn chưa được cải thiện rõ rệt, chúng tôi vẫn giữ kỳ vọng về tiềm năng của VSC trong báo cáo trước do mức tăng trưởng mạnh mẽ của cảng VIP Green.

Với những lợi thế riêng của mình, VIP Green được dự kiến sẽ hoạt động hết công suất trong nửa cuối 2017 và tiếp tục tăng trưởng trong 2018 với hỗ trợ từ dự án trung tâm logistics GIC, Greenport (dự kiến hoạt động từ 2018).

Chúng tôi dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của VSC vào cuối 2017 sẽ lần lượt đạt mức 1.300 tỷ đồng (tăng 20% so với năm trước) và 279 tỷ đồng (tăng 6% so với năm trước).

Với P/E và P/B dự phóng ở mức 11x và 1.95x, chúng tôi định giá cổ phiếu VSC ở mức 67,500 đồng trong thời gian 1 năm. Với tỷ suất lợi nhuận 26%, chúng tôi khuyến nghị tăng tỷ trọng.

Giá mục tiêu của cổ phiếu NKG là 50.000 đồng/Cp

CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS)

Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC) vừa thông qua nghị quyết chi 54 tỷ đồng mua cổ phiêu CTCP Thép Nam Kim (mã NKG) với mục đích tăng cường quan hệ đối tác.

Thông tin tích cực trên cộng với việc giá thép cán nóng tăng nhanh do nhà máy thép lớn ở Bengang Steel Plates Co- Trung Quốc bị cháy đã giúp cổ phiếu NKG có phiên tăng mạnh 1.600 đồng/cổ phiếu (tương đương tăng 4,8%).

Đi cùng với đó là khối lượng giao dịch lớn, lên tới hơn 900.000 cổ phiếu trong phiên. Xét trên đồ thị tuần, giá cổ phiếu NKG vẫn đang trên đường xu hướng tăng từ đầu tháng 4/2016 (đường MACD đã cắt đường tín hiệu đi lên).

Do đó, nhiều khả năng trong phiên ngày mai (20/9), NKG sẽ vượt đỉnh cũ 34.700 đồng. Giá mục tiêu chứng tôi đưa ra là 50.000 đồng/CP, giá cắt lỗ là 32.000 đồng/CP.

Khuyến nghị mua cổ phiếu FPT

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP FPT đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 8 tháng 2017 với lợi nhuận sau thuế trừ lợi ích cổ đông thiểu số đạt 1,3 nghìn tỷ đồng (tăng 16% so với 8 tháng 2016).

Trong đó, lợi nhuận của mảng Viễn thông tăng tốt nhờ số lương thuê bao tăng và không còn chi phí đầu cuối liên quan đến dự án quang hóa tại TP. HCM và Hà Nội, nhưng cũng một phần bị ảnh hưởng bởi khoản dự phòng cho khả năng đóng góp cho Quỹ Dịch vụ Công ích Viễn thông Việt Nam (VTF).

Trong khi đó, mảng Xuất khẩu Phầm mềm tiếp tục ghi nhận tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ đồng thời cải thiện về biên lợi nhuận. Lợi nhuận trước thuế mảng Phân phối cũng duy trì lợi nhuận hàng tháng cao kể từ tháng 6/2017.

Chúng tôi nhiều khả năng sẽ điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận trước thuế mảng Viễn thông từ năm 2017 trở đi do khoản dự phòng đề cập ở trên cho quỹ VTF. Trước tháng 6/2017, FPT đã không ghi nhận dự phòng này khi công ty đang trong quá trình thương thảo với cơ quan có thẩm quyền. Thực tế rằng FPT ghi nhận dự phòng đồng nghĩa với việc nhiều khả năng công ty sẽ phải thực hiện đóng góp cho VTF. Dù vậy, diễn biến này sẽ không có tác động đáng kể đến giá mục tiêu của chúng tôi. Chúng tôi vẫn giữ khuyến nghị mua cho FPT.

Khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu VNM trong trung và dài hạn

CTCK Phú Hưng (PHS)

Sáu tháng đầu năm doanh thu CTCP Sữa Việt Nam (mã VNM) đạt khoảng 25.398 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 4.973 tỷ đồng, tăng trưởng 17,8%.

Xét về thành phần, 6 tháng đầu năm thị trường nội địa duy trì được mức tăng ổn định 17%, chủ yếu đến từ gia tăng sản lượng bán ra. Biên lợi nhuận kinh doanh trong nước cũng tiếp tục duy trì được ở mức cao (trên 48%). Tuy nhiên, xuất khẩu gặp khó khăn do vấn đề nội chiến tại Iraq ảnh hưởng đến doanh thu xuất khẩu giảm 11,9%.

Dựa vào kế hoạch giữ vững thị phần thị trường và triển vọng tăng trưởng của ngành sữa, chúng tôi dự báo doanh thu năm 2017 của VNM sẽ đạt 52.410 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến lợi nhuận sau thuế đạt 11.664 tỷ đồng, tăng 25%. Trong đó, doanh thu và lợi nhuận chủ yếu vẫn đến từ mức tăng trưởng trong nước.

Tình hình kinh doanh xuất khẩu kỳ vọng sẽ được cải thiện trong những năm tới khi VNM cải thiện doanh thu ở các thị trường khác hơn tập trung vào kinh doanh ở khu vực Trung Đông.

Bên cạnh những thế mạnh riêng biệt, tăng trưởng của VNM còn được đánh giá cao nhờ vào tiềm năng thị trường sữa Việt Nam trong những năm tới. Nguồn cung sữa cho thị trường vẫn đang thấp hơn cầu, hiện nay sữa tươi nguyên chất chỉ mới đáp ứng gần một nửa nhu cầu thị trường.

Nhu cầu sữa tươi dự báo sẽ còn tăng mạnh do mức tiêu thụ sữa bình quân ở Việt Nam mới chỉ đạt hơn 17 lít/người/năm, thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực: Thái Lan (35 lít/người/năm), Singapore (45 lít/người/năm). Theo ước tính của Cục Chăn nuôi, dự báo đến năm 2020, mức tiêu thụ sữa ở Việt Nam sẽ đạt 28 lít/người/năm.

Chúng tôi ước tính giá mục tiêu cho cổ phiếu VNM vào khoảng 167 ngàn/CP, dựa trên hai phương pháp: P/E (tỷ trọng 50%, P/E ước tính năm 2016 là 18.7x và EPS kỳ vọng năm 2017) và FCFF (tỷ trọng 50%). So với mức giá 148 ngàn đồng/CP trên thị trường hiện nay, chúng tôi khuyến nghị tăng tỷ trọng đổi với cổ phiếu này trong trung và dài hạn. 

>> Tải báo cáo

Tin bài liên quan