PHS: Khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu VNM trong trung và dài hạn
Xét về thành phần, 6 tháng đầu năm thị trường nội địa duy trì được mức tăng ổn định 17%, chủ yếu đến từ gia tăng sản lượng bán ra. Biên lợi nhuận kinh doanh trong nước cũng tiếp tục duy trì được ở mức cao (trên 48%). Tuy nhiên, xuất khẩu gặp khó khăn do vấn đề nội chiến tại Iraq ảnh hưởng đến doanh thu xuất khẩu giảm 11,9%.
Dựa vào kế hoạch giữ vững thị phần thị trường và triển vọng tăng trưởng của ngành sữa, chúng tôi dự báo doanh thu năm 2017 của VNM sẽ đạt 52.410 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến lợi nhuận sau thuế đạt 11.664 tỷ đồng, tăng 25%. Trong đó, doanh thu và lợi nhuận chủ yếu vẫn đến từ mức tăng trưởng trong nước.
Tình hình kinh doanh xuất khẩu kỳ vọng sẽ được cải thiện trong những năm tới khi VNM cải thiện doanh thu ở các thị trường khác hơn tập trung vào kinh doanh ở khu vực Trung Đông.
Bên cạnh những thế mạnh riêng biệt, tăng trưởng của VNM còn được đánh giá cao nhờ vào tiềm năng thị trường sữa Việt Nam trong những năm tới. Nguồn cung sữa cho thị trường vẫn đang thấp hơn cầu, hiện nay sữa tươi nguyên chất chỉ mới đáp ứng gần một nửa nhu cầu thị trường.
Nhu cầu sữa tươi dự báo sẽ còn tăng mạnh do mức tiêu thụ sữa bình quân ở Việt Nam mới chỉ đạt hơn 17 lít/người/năm, thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực: Thái Lan (35 lít/người/năm), Singapore (45 lít/người/năm). Theo ước tính của Cục Chăn nuôi, dự báo đến năm 2020, mức tiêu thụ sữa ở Việt Nam sẽ đạt 28 lít/người/năm.
Chúng tôi ước tính giá mục tiêu cho cổ phiếu VNM vào khoảng 167 ngàn/CP, dựa trên hai phương pháp: P/E (tỷ trọng 50%, P/E ước tính năm 2016 là 18.7x và EPS kỳ vọng năm 2017) và FCFF (tỷ trọng 50%). So với mức giá 148 ngàn đồng/CP trên thị trường hiện nay, chúng tôi khuyến nghị tăng tỷ trọng đổi với cổ phiếu này trong trung và dài hạn.