Giá cổ phiếu PHR đang khá cao
CTCK KIS Việt Nam (KIS)
Giá cao su được hỗ trợ bởi nhiều thông tin tích cực ngắn hạn như hạn chế nguồn cung từ những nước xuất khẩu lớn và sự tăng trưởng từ thị trường sản xuất ô tô của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, CTCP Cao Su Phước Hòa (mã PHR) còn có tình hình tài chính lành mạnh.
Tuy nhiên, bất lợi khi đầu tư vào PHR là nền kinh tế Trung Quốc nhiều bất ổn, gây rủi ro lớn cho giá cả hàng hóa thế giới; tiến độ dự án Dak Lak chậm.
Trong 2016, chúng tôi dự phóng doanh thu của Phước Hòa đạt 1.214 tỷ đồng, giảm 2% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế cho công ty mẹ đạt 207 tỷ đồng, giảm 2,8% so với năm trước. EPS dự phóng 2016 đạt 2.557 VND/cp.
Hiện tại, cổ phiếu PHR đang được giao dịch ở mức 27.600 đồng/cp, tương đương với P/E là 10.8x. Chúng tôi cho rằng giá cổ phiếu PHR hiện đã khá cao khi xem xét các rủi ro đến từ Trung Quốc.
PC1 sẽ duy trì tăng trưởng ổn định trong dài hạn
CTCK MB (MBS)
Công ty cổ phần Xây lắp điện I (mã PC1) được thành lập từ ngày 02/03/1963, với tên gọi ban đầu là Công ty Xây lắp đường dây và trạm. Năm 2005, Công ty được cổ phần hoá từ doanh nghiệp nhà nước là Công ty Xây lắp điện I thuộc Tổng Công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam. Hiện nay, PC1 tập trung vào bốn lĩnh vực hoạt động chính bao gồm xây lắp điện; sản xuất công nghiệp; đầu tư dự án thủy điện; đầu tư và kinh doanh bất động sản với địa bàn hoạt động trải khắp ba miền Bắc, Trung, Nam Việt Nam.
Lĩnh vực xây lắp điện, PC1 đã và đang thực hiện xây lắp hàng chục nghìn km đường dây từ 110 kV, 220 kV đến 500 kV, hàng trăm nghìn km đường dây 35 kV cùng nhiều dự án trạm biến áp 500 kV. Hoạt động xây lắp điện luôn giữ vai trò chủ đạo khi đóng góp tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu của Công ty. Trong năm 2015 và 9 tháng 2016, doanh thu lĩnh vực xây lắp điện lần lượt chiếm 54-75% tổng doanh thu thuần hợp nhất.
Sản xuất công nghiệp, lĩnh vực hoạt động quan trọng và có mối quan hệ chặt chẽ với hoạt động xây lắp điện truyền thống. PC1 là đơn vị có quy mô lớn nhất Việt Nam về thiết kế và chế tạo kết cấu thép mạ kẽm nhúng nóng, được trang bị công nghệ hiện đại với tổng công suất trên 50.000 tấn sản phẩm/năm, hoạt động kinh doanh thông qua đơn vị thành viên là Nhà máy kết cấu thép Yên Thường và công ty con là Công ty TNHH Chế tạo Cột thép Đông Anh. 9 tháng đầu năm 2016, doanh thu hoạt động sản xuất công nghiệp giảm 22,84% đạt hơn 358 tỷ đồng.
Khai thác khoáng sản, đây là lĩnh vực hoạt động mới có vai trò hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kết cấu thép và tận dụng các hoạt động liên quan đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh cốt lõi của Công ty là xây lắp điện. Công ty đã góp vốn vào các dự án khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến và kinh doanh các loại khoáng sản. Dự án khai thác quặng của CTCP Gang thép Cao Bằng đã hoàn thành và vận hành sản xuất từ quý IV năm 2015, trong đó, PC1 đang nắm giữ 25,09% vốn điều lệ CTCP Gang thép Cao Bằng. Trong năm 2015, PC1 đã đầu tư 47,84 tỷ đồng vào CTCP Khoảng sản Tấn Phát tại Cao Bằng, tương đương với tỷ lệ sở hữu 48,8% vốn điều lệ.
Ngoài 2 lĩnh vực kinh doanh chính, PC1 còn mở rộng hoạt động sang lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản và đầu tư các dự án Thủy điện. Các dự án bất động sản PC1 đã và đang đầu tư gồm dự án khu nhà ở dịch vụ thương mại Nàng Hương; dự án Trung tâm thương mại và nhà ở căn hộ Xây lắp điện I (Mỹ Đình Plaza 1), dự án khu hỗn hợp nhà ở Hà Đông Complex; dự án Mỹ Đình Plaza 2.
Trong 9 tháng đầu năm, PC1 ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.100 tỷ đồng tăng 8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 262 tỷ đồng tăng 97% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ xây dựng điện giảm 18% so với cùng kỳ xuống 1.142 tỷ đồng, doanh thu từ sản xuất công nghiệp giảm 23% so với cùng kỳ xuống còn 358 tỷ đồng. Doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản đạt gần 427 tỷ đồng, chủ yếu nhờ ghi nhận toàn bộ các căn hộ chung cư đã bán tại dự án Chung cư PPC1 Complex.
Năm 2016, công ty đặt kế hoạch doanh thu là 3.802 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 305 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng thực hiện PC1 đã hoàn thành 55% kế hoạch doanh thu và 86% kế hoạch lợi nhuận. Chúng tôi dự báo công ty sẽ duy trì tăng trưởng ổn định trong dài hạn, các lĩnh vực xây lắp điện và sản xuất công nghiệp vẫn sẽ là mảng kinh doanh mang lại doanh thu và lợi nhuận chính cho công ty.
Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu SAS trong trung và dài hạn
CTCK MB (MBS)
Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (mã SAS) là công ty con của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh hàng miễn thuế và cung cấp dịch vụ tại sân bay. Hiện nay, SAS là đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực cung cấp hàng hóa và dịch vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, SAS đang thực hiện kinh doanh Khách sạn và vận tải tại Phú Quốc, xuất nhập khẩu tại Hà Nội và sản xuất nước mắm tại Long An. Năm 2015, doanh thu chủ yếu đến từ kinh doanh hàng miễn thuế chiếm 46% tổng doanh thu; doanh thu từ trung tâm thương mại SASCO Tân Sơn Nhất chiếm 27%, doanh thu từ mảng khác chiếm 27%.
Trong 9 tháng đầu năm 2016, SAS đạt 1.540 tỷ đồng doanh thu và 140 tỷ đồng lơi nhuận sau thuế tăng lần lượt 4,1% và 11,1% so với đầu kỳ. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh hàng miễn thuế vẫn là nguồn doanh thu chính của SAS khi đạt gần 737 tỷ đồng tăng 12,5%, doanh thu từ bán hàng hóa tại Trung tâm Thương mại đạt 412 tỷ đồng giảm 19,5% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng doanh thu từ kinh doanh hàng miễn thuế chủ yếu nhờ việc đã hoàn thiện và đưa vào vận hành các quầy kinh doanh nhập cảnh góp phần phát triển thị trường chung. Đồng thời, lượng hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2015.
Lĩnh vực kinh doanh hàng miễn thuế và hoạt động thương mại tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được hỗ trợ nhờ ngành hàng không Việt Nam tăng trưởng mạnh. Theo IATA, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 7 trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng hành khách quốc tế 6,9%/năm đến 2017. Một phần đến từ sự tự do vận tải hàng không trong ASEAN sau khi thành lập AEC và nhu cầu đi lại nội địa gia tăng. Riêng tại Sân bay Tân Sơn Nhất, dự báo sản lượng trong 2016 sẽ đạt 27,9 triệu lượt, vượt công suất thiết kế, tăng 6% so với thực hiện 2015. Trong đó, hành khách nội địa tiếp tục là động lực tăng trưởng đạt 17,3 triệu lượt với tốc độ tăng 7% và khách quốc tế đạt 10,6 triệu lượt tăng trưởng 4%.
Công ty tiến hành cơ cấu và nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ. SAS đã liên tục thực hiện cơ cấu lại các sản phẩm dịch vụ không mang lại hiệu quả, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng và cung cấp những sản phẩm/ dịch vụ linh hoạt đáp tốt nhu cầu của khách hàng. Trong năm 2016, SAS thực hiện chiến lược tăng trưởng lợi nhuận thay vì tập trung tăng trưởng doanh thu như trước cùng với việc cải thiện lợi nhuận thông qua tái cơ cấu hoạt động kinh doanh và kiểm soát chi phí đầu vào. Biên lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm 2016 đạt 41,5%, trong khi cùng kỳ đạt 35%.
Trong dài hạn, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất sẽ yếu tố mang lại sự đột biến cho SAS. Cụ thể, năm 2018 sân bay Tân Sơn Nhất được mở rộng với công suất tăng lên khoảng 40 triệu hành khách/năm. Điều này sẽ kích thích các lĩnh vực kinh doanh hàng miễn thuế, bán lẻ thực phẩm và đồ uống… Bên cạnh đó, công ty cũng đang xây dựng kế hoạch gia nhập kinh doanh tại Sân bay Long Thành. Dự kiến Sân bay Long Thành sẽ đi vào hoạt động từ năm 2025 và sẽ có công suất 50 triệu hành khách/năm. Đây có thể là những yếu tố tích cực kích thích tăng trưởng trong dài hạn.
Với năng lực tài chính lành mạnh giúp công ty duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả. Cơ cấu tài chính của Công ty được định hướng giữ ở mức hợp lý và ổn định, nợ vay đang có xu hướng giảm dần, các khoản tài sản dài hạn được tài trợ hoàn toàn từ nguồn vốn dài hạn nhờ vậy rủi ro tài chính được hạn chế tối đa. Ngoài ra, Công ty có khoản tiền và tương đương tiền gần 556 tỷ đồng chiếm 28% tổng tài sản, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 85 tỷ đồng.
Năm 2016, SAS đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 2.021 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt gần 181 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm khả quan, chúng tôi dự phóng SAS có thể đạt 2.100 tỷ đồng doanh thu và 190 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, EPS forward đạt khoảng 1.445 đồng/cp. Trong dài hạn, ngành hàng không Việt Nam tiếp tục giữ mức tăng trưởng tốt, đây sẽ là yếu tố giúp Công ty mở rộng lĩnh vực dịch vụ, Thương mại.
Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu SAS với mục tiêu trung và dài hạn chờ đợi ngày 21/11/2016 ACV lên sàn Upcom và thời điểm thoái vốn của ACV đối với SAS.