Cổ phiếu cần quan tâm ngày 17/8

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 17/8

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 17/8 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị trung lập dành cho NT2 với giá mục tiêu 22.800 đồng/CP

CTCK Bảo Việt (BVSC)

CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) là doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, thường xuyên trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ cao và có tiềm năng tăng tỷ lệ cổ tức trong những năm tới.

Tuy nhiên, NT2 cũng đang đối mặt với các yếu tố bất lợi như giá khí bắt đầu phục hồi, giá cố định dự kiến giảm do đàm phán lại hợp đồng PPA cũng như giá điện trên thị trường phát điện cạnh tranh đang có xu hướng giảm.

Cùng với đó, mức giá mục tiêu cho NT2 theo phương pháp DCF là 22.800 đồng/CP, chỉ cao hơn 5,6% so mức giá đóng cửa ngày 12/8/2020 là 21.600 VND/CP.

Do đó, chúng tôi khuyến nghị NEUTRAL đối với cổ phiếu NT2 với mức giá mục tiêu là 22.800 đồng/CP.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua dành cho VHM với giá mục tiêu 93.500 đồng/CP

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

Chúng tôi giữ khuyến nghị mua cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes nhưng nâng giá mục tiêu dựa trên RNAV lên 93.500 đồng để phản ánh việc nhận tiền nhanh hơn từ ba giao dịch bán buôn.

Chiến lược bán hàng linh hoạt trong việc kết hợp bán lẻ và bán buôn giúp công ty chống chọi được với những cơn sóng gió của thị trường, duy trì hoạt động bán hàng liên tục và tăng trưởng lợi nhuận.

Chúng tôi cho rằng nhà đầu tư có thể tích lũy cổ phiếu VHM nhờ vị thế dẫn đầu và thống lĩnh thị trường Việt Nam cả về quỹ đất và năng lực thực hiện.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu KDH

CTCK BIDV (BSC)

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2020 của Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH – sàn HOSE) lần lượt đạt 1.486 tỷ đồng (tăng 18,9% sp với cùng kỳ năm ngoái) và 408 tỷ đồng (tăng trưởng 90%) nhờ vào bàn giao dự án trọng điểm Verosa Park (khoảng 57 căn Q2 và 35 căn Q1). 

(2) BSC đánh giá cao khả năng bán hàng của KDH trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những ảnh hưởng tiêu cực lên hầu hết các nhóm ngành doanh nghiệp.  Trong 1H2020, BSC ước tính tổng giá trị mở bán mới (pre-sales) của KDH đạt khoảng 1,887 tỷ đồng, dự kiến năm 2020 đạt 2,694 tỷ đồng.

(3) Triển vọng dài hạn tích cực nhờ vào (1) Tiếp tục phát triển hai dự án Amera (Quận 9) và Clarita (Quận 2) và (2) Đẩy mạnh công tác đền bù các dự án dài hạn . 

BSC điều chỉnh dự báo doanh thu và lợi nhuận năm 2020 của KDH do thay đổi (1) kế hoạch bàn giao sản phẩm trong năm 2020 và (2) Điều chỉnh số lượng căn Verosa Park đã hạch toán trong năm 2019, cụ thể doanh thu và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ lần lượt ước đạt 4.181 tỷ đồng (tăng 45,8% so với năm ngoái) và 1.180 tỷ đồng (tăng 27.0%). EPS FW 2020 = 2.058 đồng. PE FW 2020 = 11.8 lần.

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu KDH và nâng giá mục tiêu lên mức 31,300 đồng (tăng 8.3% so với giá mục tiêu cũ do cập nhật danh mục và tiến độ dự án mới), +29.6% so với mức giá ngày 12/08/2020 là 24.200 đồng bằng phương pháp RNAV với mức chiết khấu WACC = 13% cho các dự án.

Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu DVN tại xung quanh giá 13.9

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu DVN của Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP đang ở trong trạng thái tăng và hôm nay đã chốt phiên tại mức 12.3, qua đó vượt mức đỉnh cũ của tháng 7 ở vùng giá 12.

Thanh khoản của cổ phiếu có xu hướng tăng trong các phiên gần đây và đã tăng đột biến trong phiên 14/8 khi đã vượt lên trên giá trị trung bình 20 phiên.

Hầu hết các chỉ báo kỹ thuật hiện đang ở trong trạng thái tích cực.

Phiên 14/8, chỉ báo MACD nằm trên đường tín hiệu, tuy vậy chỉ báo động lượng RSI đã tiến vào vùng quá mua, vì vậy rất có thể sẽ có sự điều chỉnh trong các phiên sắp tới.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của DVN nằm ở khu vực 11.8-12. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại xung quanh giá 13.9, cắt lỗ nếu ngưỡng 11.5 bị xuyên thủng.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu FPT

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua và nâng giá mục tiêu thêm 2% cho CTCP FPT (FPT), nhờ số dư tiền mặt ròng cao hơn. Trong khi đó, chúng tôi điều chỉnh giảm 1% tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2020-2022 do điều chỉnh giảm nhẹ dự báo của mảng Xuất khẩu Phần mềm và lợi nhuận được chia từ công ty liên kết FRT.

FPT hiện đang giao dịch với định giá hấp dẫn với PEG 3 năm 0,7 dựa theo dự phóng tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS 2019-2022, được củng cố bởi mảng Xuất khẩu Phần mềm, Dịch vụ Viễn thông và Giáo dục. Chúng tôi dự phóng các mảng này sẽ đóng góp 87% lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2022 so với 78% trong năm 2019.

Chúng tôi cho rằng FPT sẽ là công ty được hưởng lợi sau dịch COVID-19, đặc biệt là trong mảng Chuyển đổi Số (DX), trở nên quan trọng hơn cho hoạt động, tính liên tục và chiến lược kinh doanh. Ngoài ra, FPT Telecom cũng hưởng lợi từ nhu cầu đang gia tăng cho truyền thông giải trí tại nhà và trung tâm dữ liệu.

Rủi ro: cạnh tranh gay gắt trong mảng viễn thông từ các các đối thủ trong cả mảng băng thông cổ định và di động; dịch COVID-19 kéo dài có thể ảnh hưởng lớn hơn đến chi tiêu CNTT toàn cầu.

Khuyến nghị kém khả quan dành cho cổ phiếu FRT

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi điều chỉnh khuyến nghị cho CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) từ phù hợp thị trường còn kém khả quan khi chúng tôi giảm giá mục tiêu thêm 4%, chủ yếu do triển vọng thách thức hơn dự kiến cho mảng ĐTDĐ trong bối cảnh các gián đoạn kinh tế liên quan đến dịch COVID-19, tăng trưởng thấp của ngành và cạnh tranh gia tăng từ công ty dẫn đầu thị trường là MWG.

Chúng tôi điều chỉnh giảm tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2020-2022 thêm 27% chủ yếu do mức giảm 28% trong mảng ĐTDĐ đến từ các yếu tố kể trên.

Đối với mảng ĐTDĐ, chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế giảm 55% trong năm 2020 do tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 đến chi tiêu của người tiêu dùng, lượng khách hàng bán lẻ và hoạt động của các cửa hàng, sau đó phục hồi 77% YoY trong năm 2021 từ mức cơ sở thấp.

Đối với nhà thuốc Long Châu, chúng tôi ước tính rằng khoản lỗ ròng sẽ tăng từ 31 tỷ đồng trong năm 2019 lên 71 tỷ đồng trong năm 2020, sau đó giảm còn 67 tỷ đồng trong năm 2021 nhờ cải thiện biên lợi nhuận gộp do yếu tố quy mô và tối ưu hóa chi phí.

Yếu tố hỗ trợ: triển khai mở rộng cửa hàng và khả năng sinh lời vượt kỳ vọng của chuỗi Long Châu; các kế hoạch tăng trưởng hiệu quả (mở rộng sang các phân khúc khác) cho mảng ĐTDĐ.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 29.000 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi giữ khuyến nghị mua dành cho CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) trong khi nâng giá mục tiêu thêm 4% đạt 29.000 đồng/CP (điều chỉnh cho phát hành cổ tức cổ phiếu 20% trong tháng 7/2020), chủ yếu do số dư tiền mặt cao hơn vào cuối quý 2/2020.

Chúng tôi nâng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2020 thêm 1% đạt 8,8 nghìn tỷ đồng (tăng 18% so với năm ngoái) khi chúng tôi điều chỉnh tăng lợi nhuận mảng nông nghiệp thêm 22% đạt 1,5 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 160%) trong khi giảm 2% dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cốt lõi (không tính mảng bất động sản và nông nghiệp) đạt 7,0 nghìn tỷ đồng (tăng 8,0%).

Chúng tôi cho rằng HPG sẽ tận dụng tăng trưởng cơ cấu của Việt Nam trong dài hạn. Vị thế dẫn đầu của công ty với quy mô, kinh nghiệm và hiệu quả vận hành đã được chứng minh – cùng với việc gia tăng công suất sản xuất và danh mục sản phẩm tại Khu phức hợp Gang thép Dung Quất (DQSC) – cho phép tận dụng tăng trưởng của ngành xây dựng trong nước trong tương lai.

Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2020-2024 đạt 16% nhờ dự phóng CAGR doanh thu 12%.

Chúng tôi cho rằng định giá hiện tại của HPG là hấp dẫn với P/E dự phóng 2020/20201 đạt 9,8/8,3 lần (dựa theo dự báo của chúng tôi) so với mức trung bình 12 tháng của trung vị trượt các công ty cùng trong khu vực là 10,0 lần, trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng và khả năng sinh lời vượt trội của HPG so với các công ty cùng ngành.

Rủi ro cho quan điểm của chúng tôi: biên LN giảm cao hơn dự kiến do biến động giá đầu vào cao.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu NT2 với giá mục tiêu 26.200 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) nhưng giảm giá mục tiêu 1% còn 26.200 đồng/CP.

Dựa theo trao đổi gần nhất của chúng tôi với NT2, chúng tôi hiện giả định giá hợp đồng mua bán điện (PPA) sẽ không giảm trong năm 2020 trong khi dự báo mức giảm khoảng 47 đồng/kWh trong giai đoạn 2021-2024 so với giả định trước đây là giảm 20 đồng/kWh trong giai đoạn 2020- 2021 và giảm thêm 30 đồng/kWh trong giai đoạn 2022-2024.

Do đó, chúng tôi tăng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2020 thêm 10,6%, giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021 thêm 11,4% và tăng dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022/2023/2024 thêm lần lượt 4,0/3,4/0,3%.

Tuy nhiên, chúng tôi duy trì giả định cổ tức tiền mặt ở mức 2.300 đồng/CP (lợi suất 11%) trong năm 2020 và giả định cổ tức tiền mặt tăng từ năm 2021 trở đi.

Dựa theo dự báo của chúng tôi, NT2 hiện được giao dịch tại EV/EBITDA dự phóng năm 2020 là 4,4 lần so với trung vị trượt của các công ty cùng ngành trong khu vực là 9,4 lần cho các nhà máy điện riêng lẻ và 8,2 lần cho các tập đoàn sản xuất điện.

Công ty cũng có mức lợi suất cổ tức hấp dẫn đạt 11% so với trung vị các công ty cùng ngành trong khu vực là 2,4% cho các nhà máy điện riêng lẻ và 4,3% cho các tập đoàn sản xuất điện.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PVT

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT) trong khi giảm giá mục tiêu khoảng 1%.

Trong khi chúng tôi tăng dự báo lợi nhuận thường xuyên năm 2020 thêm khoảng 6% và trì hoãn một nửa các khoản đầu tư dự phóng cho năm 2020 sang năm 2021/2022, chúng tôi cũng điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận thường xuyên giai đoạn 2021-2024 thêm trung bình khoảng 10%.

Chúng tôi giảm dự báo lợi nhuận giai đoạn 2021-2024 do 1) đóng góp lợi nhuận thấp hơn từ các tàu chở đầu mới trong bối cảnh tiến độ mở rộng đội tàu chậm trong giai đoạn 2020-2021 và 2) chúng tôi kỳ vọng PVT sẽ đưa các tầu chở dầu thô sang làm việc tại nước ngoài thay vì vận tải dầu thô nhập khẩu cho BSR.

Dù chúng tôi dự báo EPS năm 2020 giảm 30,3% YoY do cước phí tàu vận chuyển giảm từ tác động tiêu cực của dịch COVID-19, chúng tôi kỳ vọng triển vọng phục hồi với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS giai đoạn 2020-2024 đạt 13,9%, dẫn dắt bởi nhu cầu vận tải gia tăng từ NSR và các hợp đồng vận tải dầu thô/LPG/hóa chất quốc tế mới.

Theo kế hoạch ĐHCĐ của PVT, chúng tôi kỳ vọng mức cổ tức tiền mặt 700 đồng/CP và 1.000 đồng/CP lần lượt trong năm 2020 và 2021, so với giả định trước đây của chúng tôi là không chia cổ tức tiền mặt.

Định giá của PVT hấp dẫn tại EV/EBITDA dự phóng năm 2021 là 3,9 lần, thấp hơn 45,8% so với trung vị các công ty cùng ngành, trong khi PVT có bảng cân đối kế toán lành mạnh hơn, tỷ lệ ROE cao hơn đáng kể so với các công ty cùng ngành và chúng tôi cho rằng công ty có thể có mức cổ tức tiền mặt hấp dẫn 700-1.000 đồng/CP.

Yếu tố hỗ trợ: cước phí tàu vận chuyển dầu thô đầu vào trong nước của BSR có thể phục hồi từ quý 4.

Rủi ro: cước phí vận chuyển biến động.

Tin bài liên quan