Cổ phiếu cần quan tâm ngày 17/11

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 17/11

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 17/11 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua cổ phiếu HNG

CTCK MB (MBS)

Kết quả kinh doanh quý III của CTCP Hoàng Anh Gia Lai Nông Nghiệp (mã HNG) với lợi nhuận trước thuế đạt 111 tỷ đồng. Mảng trái cây tiếp tục đóng góp lớn hơn vào kết quả kinh doanh của HNG với 48% doanh thu và 63% lợi nhuận gộp.

Dư nợ vay cũng giảm 5.300 tỷ đồng, tổng dư nợ còn 15.000 tỷ đồng so với mức 20.000 tỷ đồng đầu năm. Dự kiến kết quả kinh doanh quý IV sẽ khả quan khi cả 3 loại quả chanh dây, chuối, thanh long đều đóng góp vào kết quả kinh doanh.

Với quy mô 18.686 ha, diện tích trái cây của HNG có thể nói là thuộc top các công ty lớn nhất thế giới. HNG tập trung vào các loại trái cây nhiệt đới, phù hợp khí hậu NG trồng trái cây theo quy chuẩn Global G.A.P giúp công có lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu vào các thị trường lớn khó tính. Diện tích Global G.A.P HNG mới được công nhận là diện tích lớn nhất từng được cấp tại Việt Nam.

Mô hình trồng trái cây của HAGL xuất khẩu trực tiếp trái cây sang đầu mối Trung Quốc, khác hẳn với nông dân khi phải bán qua nhiều tầng lớp thương lái. HAGL có thể cắt giảm nhiều khâu trung gian và kiếm được nhiều lợi nhuận hơn.

HNG trước mắt tập trung vào thi trường trái cây Trung Quốc đầy hấp dẫn với quy mô dân số 1.4 tỷ dân, tầng lớp trung lưu gia tăng và hệ thống phân phối đang phát triển mạnh. Thị trường trái cây nhập khẩu tăng trưởng 14% trong vòng 10 năm và trị giá 6 tỷ USD.

Chanh dây, Chuối, Thanh Long, Ớt sẽ là loại quả chủ lực cho năm 2018. Đây là các loại quả bắt đầu thu hoạch trong năm 2017 và tọa được thành công bước đầu. Các loại quả này kỳ vọng sẽ đem lại bước ngoặt lớn về lợi nhuận cho HNG kể từ năm 2018.

Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị mua với cổ phiếu HNG với mức giá mục tiêu 19.243 đồng/CP, cao hơn 129,0% so với mức giá hiện tại.

Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu VCB

CTCK BIDV (BSC)

Kết quả kinh doanh của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (mã VCB) tiếp tục tăng cao. Kết thúc 9 tháng năm 2017, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng đạt 6.366 tỷ đồng, tăng 25,87% so với cùng kỳ năm trước.

Tăng trưởng cho vay cao, đạt 16,33% trong quý I/2017, ngân hàng đã được chấp thuận nới room tăng trưởng tín dụng từ 16% đầu năm lên mức 18%. Mảng kinh doanh ngoài lãi tăng đến 22% và còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế 2017 của ngân hàng đạt 8,512 tỷ đồng, tương đương EPS 2017 (trừ quỹ khen thưởng phúc lợi) là 1.980 đồng/cp.

Bên cạnh đó, chất lượng tài sản tốt, tỷ lệ nợ xấu đạt 1,15%, ngân hàng đã hoàn tất mua và trích lập dự phòng rủi ro đối với toàn bộ trái phiếu VAMC trong năm 2016. Tỷ lệ dự phòng rủi ro nợ xấu/tổng nợ xấu cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết, đạt 165% trong quý III/2017. Do vậy, chi phí dự phòng rủi ro nợ xấu được dự báo giảm mạnh từ năm 2018.

Hiệu quả sinh lời cao và đang tăng nhờ phát triển ngân hàng bán lẻ. ROA và ROE đạt lần lượt là 0,98% và 15,80%, cao nhất trong các ngân hàng niêm yết. NIM cao, đạt 2,65% lũy kế 3 quý năm 2017 nhờ quy mô nguồn vốn tiền gửi không kỳ hạn lớn, chiếm 27% tổng tiền gửi khách hàng.

Ngoài ra, VCB tiếp tục đẩy mạnh mảng ngân hàng bán lẻ, với khả năng sinh lời cao và tỷ lệ nợ xấu thấp. Mục tiêu năm 2017, tín dụng bán lẻ tăng 40%. Tỷ lệ nợ xấu của khách hàng bán lẻ khoảng 0,9%, thấp hơn so với khách hàng bán buôn, trong khi đó, NIM cao, đạt 3,7%.

Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu VCB với giá mục tiêu 12 tháng tới là 45.000 đồng/cp, upside 4.4%. Ngày 10/11/2017, cổ phiếu VCB được giao dịch tại mức giá 43.100 đồng/cp, tương đương với P/B và P/E FW lần lượt là 2.86x và 23.11x.

Khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho HSG

CTCK Bản Việt (VCSC)

Kết quả lợi nhuận quý IV/2017 của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) gây thất vọng do biên lợi nhuận gộp giảmtrong khi chi phí lãi vay tăng mạnh khiến giá cổ phiếu giảm 15% kể từ khi chúng tôi đưa ra báo cáo cập nhật gần đây nhất hồi tháng 8.

Tính chung năm 2017, HSG đạt tăng trưởng doanh thu 46% nhờ sản lượng tôn mạ bán ra cao, nhưng lợi nhuận sau thuế trừ lợi ích cổ đông thiểu số giảm 12% vì biên lợi nhuận không phản ánh hoàn toàn giá nguyên liệu đầu vào thấp và việc nhanh chóng mở rộng công suất và mạng lưới bán lẻ khiến dư nợ tăng mạnh.

Chúng tôi nhận thấy một số lo ngại khác ngoài kết quả lợi nhuận kém, bao gồm hàng tồn kho lớn, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh yếu đi và tỷ lệ đòn bẩy cao. Do đó nhà đầu tư cần theo dõi thêm diễn biến của các yếu tố khác ngoài lợi nhuận.

Sang năm 2018, chúng tôi dự báo HSG sẽ ghi nhận lợi thế từ giá đầu vào thấp cuối năm 2017. Điều này, cùng với việc sản lượng tiếp tục tăng trưởng lành mạnh, giúp chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế trừ lợi ích cổ đông thiểu số sẽ tăng 16% so với năm 2017 lên 1.500 tỷ đồng.

Tuy định giá hiện tại của HSG tỏ ra hấp dẫn với mức PER 2018 là 5,8 lần và chúng tôi vẫn cho rằng mô hình kinh doanh của HSG và triển vọng ngành thép vẫn có lợi cho công ty, cần chờ đợi thêm diễn biến kết quả kinh doanh trong quý I/2018 để có thể nâng giá trị định giá.

Vì vậy, chúng tôi giữ khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho HSG, đồng thời điều chỉnh giảm 15% giá mục tiêu do dự báo biên lợi nhuận 2018 giảm và vốn lưu động gặp khó khăn. 

Tin bài liên quan