BMP: Khuyến nghị mua vào
CTCK BIDV (BSC)
Chúng tôi có sự thay đổi trong dự phóng kết quả kinh doanh của CTCP Nhựa Bình Minh (BMP – sàn HOSE) trong năm 2015. Theo đó, do sản lượng tiêu thụ của BMP tăng khá nhanh nên doanh thu thuần của Công ty trong năm 2015 là 2.858,6 tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2014. Tuy nhiên, do những khoản đầu tư chưa được quyết toán thanh khoản trong quý III/2015 sẽ được chuyển sang quý IV/2015 nên các khoản chi phí sẽ tăng.
Chúng tôi ước tính lợi nhuận ròng của BMP trong cả năm 2015 là 512,2 tỷ đồng, tăng 35,9% so với năm trước. Với kết quả kinh doanh như hiện nay, BMP sẽ vượt kế hoạch kinh doanh Công ty đề ra cho năm 2015.
Chúng tôi vẫn giữ nguyên khuyến nghị mua cổ phiếu BMP do Công ty có mức tăng trưởng ổn định với tỷ suất lợi nhuận ròng trong khoảng 16-19%; không vay nợ ngân hàng nên các chỉ số thanh toán đều ở mức an toàn. Lượng tiền mặt luôn dồi dào của Công ty giúp rủi ro thanh toán gần như không có.
Bên cạnh đó, hệ thống cửa hàng lớn trải dài từ bắc vào nam với các sản phẩm chất lượng cao và đa dạng. Thị phần nội địa của BMP chiếm khoảng 50% khu vực phía Nam, 5% khu vực phía Bắc và 20-30% các tỉnh thành khác.
Hiện nay, do sự hồi phục của thị trường xây dựng và bất động sản nên nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm ống nhựa tăng mạnh. Hiện Nhà máy Bình Minh Long An đã chính thức đi vào hoạt động, giúp tăng tổng công suất lên thành 85.000 tấn/năm. Điều này sẽ giúp Bình Minh đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao và mở rộng thị phần của Công ty.
Ngoài ra, Công ty đã bắt đầu hưởng lợi từ việc giá nguyên vật liệu, đặc biệt là bột nhựa PVC giảm theo giá dầu giúp BMP cắt giảm chi phí sản xuất từ quý IV/2015.
Hiện cổ phiếu BMP đang được giao dịch ở mức thấp hơn giá trị thực với chỉ số P/B là 3,2x và P/E trailing là 12,7x, thấp hơn mức P/E chung của thị trường là 13,0x.
Tác động tích cực từ việc SCIC chuẩn bị thoái vốn khỏi BMP. Hiện SCIC đang nắm giữ 38,4% cổ phần của BMP với giá trị vào khoảng 2.409,9 tỷ đồng.
BCC: Lợi nhuận dự phóng 200 tỷ đồng
CTCK MB (MBS)
CTCP Xi măng Bỉm Sơn (mã BCC) công bố kết quả kinh doanh quý III/2015 với doanh thu đạt mức 978 tỷ đồng, giảm 3.2% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt mức 3.3 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ.
Hoạt động kinh doanh chính của BCC vẫn ổn định với mức tiêu thụ sản phẩm không có nhiều biến động lớn. Lợi nhuận gộp chỉ giảm nhẹ 4.5% so với cùng kỳ do sự suy giảm doanh thu. Kết quả kinh doanh yếu quý III/2015 chủ yếu do Công ty phải chịu khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lên đến 37,4 tỷ đồng khiến chi phí tài chính tăng mạnh lên mức 72 tỷ đồng, mặc dù chi phí lãi vay giảm.
Hiện tại, Công ty đang có khoản vay dài hạn trị giá 28.6 triệu euro, tương đương 725 tỷ VNĐ và 9 triệu Euro vay dài hạn đến hạn trả trị giá 228 tỷ đồng. Chi phí bán hàng của BCC cũng tăng mạnh so với cùng kỳ đạt 78 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận quý III giảm đáng kể.
Chúng tôi đánh giá, diễn biến giảm giá của đồng Euro so với VNĐ nhiều khả năng sẽ không còn tiếp diễn trong các quý tới khi VNĐ đang chịu sức ép giảm giá và khu vực đồng Euro không còn tung ra các gói kích thích tiền tệ mới. Do đó, triển vọng lợi nhuận của BCC trong các quý tới nhiều khả năng sẽ giảm so với 2 quý đầu năm 2015.
Chúng tôi dự phóng BCC sẽ đạt 200 tỷ lợi nhuận sau thuế trong năm 2015, tương đương EPS đạt mức 2000 VNĐ/cp.
DGC: Khuyến nghị mua vào
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
CTCP Bột giặt và Hóa chất Đức Giang (mã DGC) đạt được tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng trong 9 tháng đầu năm 2015 nhờ tăng trưởng ổn định ở hoạt động SXKD chính; và đóng góp ngày càng lớn từ công ty liên kết.
Cụ thể, doanh thu thuần hợp nhất tăng 21,8% so với cùng kỳ đạt 1.784,8 tỷ. Đáng lưu ý, doanh thu từ các sản phẩm chế biến sâu từ phốt pho ở thị trường trong nước tăng 117,7% so với cùng kỳ, đóng góp 38% tỷ trọng doanh thu, tăng so với 21% trong cùng kỳ năm trước.
Định hướng phát triển thị trường trong nước giúp giảm rủi ro tập trung vào thị trường xuất khẩu phốt pho vàng. Lợi nhuận từ SXKD đạt 215,1 tỷ, tăng 19,6% so với cùng kỳ với tỷ suất lợi nhuận hoạt động giảm nhẹ xuống 12,1% so với 12,3% trong cùng kỳ năm trước do chi phí vận chuyển tăng.
Lợi nhuận từ công ty liên kết trong quý III/2015 đạt 39,7 tỷ, cao hơn hẳn 2 quý trước, đưa số lãi từ công ty liên kết luỹ kế 9 tháng đầu năm 2015 đạt 79 tỷ (so với lỗ 1,3 tỷ trong cùng kỳ). Nhờ đó, lợi nhuận ròng tăng 95,5% đạt 208,2 tỷ.
Năm 2015, chúng tôi dự báo doanh thu đạt 2.418 tỷ, tăng 18,7% và lợi nhuận ròng đạt 280,4 tỷ, tăng 88% so với 2014. Giá DGC đã tăng hơn 30% kể từ báo cáo cập nhật ngày 8/9/2015 của chúng tôi.
Chúng tôi cho rằng triển vọng dài hạn của DGC là khả quan với lợi nhuận ổn định từ sản phẩm phốt pho vàng và kỳ vọng tăng trưởng từ các sản phẩm chế biến sâu từ phốt pho. Ở giá 43.000VND/cp, định giá của DGC vẫn hấp dẫn với P/E dự phóng 6,5x. Khuyến nghị Mua với giá mục tiêu 53.000 VND/cp, dựa trên P/E 8x và EPS 2015 ước tính 6.643VND/cp.
HVG: PE cao hơn trung bình ngành, giao dịch ở mức 14 lần
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
Theo KQKD 9 tháng đầu năm 2015 hợp nhất (chưa kiểm toán) của CTCP Hùng Vương (mã HVG), doanh thu thuần đạt 13.015 tỷ, tăng nhẹ 20% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động kinh doanh xuất khẩu thủy sản (hợp nhất Agifish – AGF và Thủy sản Sao Ta – FMC), thức ăn cho cá (hợp nhất Việt Thắng - VTF) và nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi (kinh doanh bánh dầu đậu nành), đóng góp 85% tổng doanh thu, tăng trưởng lần lượt 21%, 37% và 19% so với cùng kỳ.
Tổng biên lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm 2015 giảm 2 điểm % xuống mức 7%, chủ yếu do biên lợi nhuận gộp của hoạt động xuất khẩu thủy sản và thức ăn cho cá giảm. Theo đó, lợi nhuận gộp chỉ tăng 1% so với cùng kỳ và đạt 930 tỷ.
Do nhu cầu đầu tư/mở rộng sản xuất, HVG tăng vay nợ để đáp ứng chi phí đầu tư tăng. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu tại ngày 30/9/2015 ở mức 3x, tăng so với mức 1,9x cùng kỳ.
Chi phí lãi vay 9 tháng đầu năm 2015 tăng 25% so với cùng kỳ. Thêm vào đó, do không còn khoản thu từ thanh lý công ty con nên doanh thu tài chính giảm 84% so với cùng kỳ. Lỗ ròng tài chính là 316 tỷ trong khi cùng kỳ lãi 10 tỷ. Tỷ lệ chí phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu giảm 1 điểm %, lợi nhuận sai thuế đạt khoảng 64,4 tỷ, giảm 81% so với cùng kỳ.
Như vậy kết thúc 9 tháng đầu năm 2015, HVG chỉ mới hoàn thành 65% và 20% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước năm.
Trong bối cảnh tình hình chung của thị trường cá tra không khả quan với giá trị xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2015 giảm 9% so với cùng kỳ, trong đó thị trường Mỹ và châu Âu giảm lần lượt 3% và 16% so với cùng kỳ, tăng trưởng từ hoạt động xuất khẩu cá tra của HVG cũng bị ảnh hưởng.
Kể từ 2015, niên độ tài chính của HVG sẽ kết thúc ngày 30/9, niên độ tài chính các năm tiếp theo sẽ bắt đầu vào ngày 1/10 và kết thúc vào ngày 30/9 năm kế tiếp. Tuy nhiên dự báo 2015 của chúng tôi vẫn lấy tròn năm (1/1/15-31/12/15) để thuận cho việc so sánh. Theo đó, dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2015 của HVG đạt lần lượt 17.042 tỷ, tăng 13% và 190 tỷ, giảm 34% so với năm trước. EPS 2015 ước đạt 1.091 đồng/cp, PE 2015 giao dịch ở mức 14 lần, cao hơn trung bình ngành 10 lần.
GMD: PE dự phóng ở mức 13,2 lần
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
Cảng Nam Hải Đình Vũ (Hải Phòng) tiếp tục là động lực tăng trưởng doanh thu chính cho CTCP Gemadept (mã GMD). Cụ thể, doanh thu từ hoạt động cảng của GMD tăng trưởng mạnh 88% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2015. Đà tăng vẫn tiếp tục trong quý III/2015 với mức tăng trưởng khoảng 69% so với cùng kỳ. Theo đó, mảng cảng đóng góp 47% doanh thu quý III/2015 cho GMD, so với mức 35% của quý III/2014.
Lưu ý thêm, ngoài việc hưởng lợi từ sự sôi động hơn của hoạt động xuất nhập khẩu trong năm nay, thì sản lượng hàng container lạnh ở các cảng khu vực Hải Phòng gia tăng đột biến do các thay đổi trong chính sách tạm nhập tái xuất của Trung Quốc cũng là một thuận lợi khá đáng kể.
Mảng kinh doanh còn lại của GMD là hoạt động logistics cũng tăng nhẹ khoảng 3% trong quý III/2015. Cùng với mức tăng trưởng mạnh của mảng cảng biến, doanh thu thuần quý III/2015 của GMD đạt 934,7 tỷ đồng (+26% so với cùng kỳ). Tính theo quý thì đây là mức doanh thu cao nhất trong lịch sử của GMD.
Biên lợi nhuận gộp quý III/2015 cải thiện mạnh 9,4 điểm % lên mức 29,4%. Tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu cũng giảm từ 13% trong quý III/2014 xuống còn 8,7% trong quý III/2015. Đây là các nguyên nhân chính giúp lãi ròng quý III/2015 của GMD tăng mạnh 210% so với cùng kỳ, đạt 103,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lưu ý là chi phí tài chính ròng trong kỳ cũng gia tăng khá đáng kể, từ mức 19,9 tỷ đồng của quý III/2014 lên 61,8 tỷ đồng trong quý III/2015, chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá và chi phí tài chính khác tăng.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2015, GMD đạt 2.657 tỷ doanh thu (+26,9% so với cùng kỳ), tương đương 83% kế hoạch doanh thu cả năm. Do không có khoản thu nhập bất thường từ việc chuyển nhượng toà nhà Gemadept Tower (khoảng 570 tỷ đồng) như cùng kỳ, nên lãi ròng giảm 46,2%, còn 307 tỷ đồng. Nếu loại trừ khoản lợi nhuận bất thường trên, lãi ròng sẽ tăng hơn 114% so với cùng kỳ. Kết quả lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2015 đã vượt hơn 18% kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2015 của công ty.
Trong báo cáo khuyến nghị MUA GMD ngày 09/09/2015, chúng tôi đưa ra dự báo 3.503 tỷ đồng doanh thu (+16,3% so với năm trước) và 355,2 tỷ đồng lãi ròng (-33,1% so với năm trước) cho GMD.
Tốt hơn kỳ vọng, kết quả 9 tháng đầu năm 2015 công ty đạt được đã tương đương gần 76% và 92% dự báo doanh thu và lợi nhuận trước đây của chúng tôi. Do vậy, chúng tôi đang xem xét gia tăng dự báo cả năm 2015 cho GMD. Với dự báo cũ, GMD hiện đang giao dịch ở mức 13,2 lần PE2015 và gần 1 lần PB, so với mức 11 lần và 1,9 lần của bình quân ngành. Giá cổ phiếu này cũng đã tăng hơn 30% kể từ khuyến nghị của chúng tôi.
VIC: Khuyến nghị mua vào
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
Tập đoàn Vingroup – CTCP (mã VIC) vừa công bố thông tin kết quả kinh doanh quý III/2015 và 9 tháng đầu năm 2015 gần sát với ước tính của chúng tôi. Cụ thể, doanh thu thuần trong quý III/2015 và 9 tháng đầu năm đạt lần lượt 7,251 tỷ đồng (-5% so với cùng kỳ) và 19,677 tỷ đồng (-9% so với cùng kỳ).
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trong quý III/2015 và 9 tháng đầu năm 2015 chỉ đạt lần lượt 255 tỷ đồng (giảm 71% so với cùng kỳ) và 972 tỷ đồng(giảm 66% so với cùng kỳ).
Lợi nhuận ròng giảm mạnh so với dự đoán của chúng tôi do một số nguyên nhân sau:
Trong 3 quý đầu năm 2015, lãi/lỗ tỷ giá thực hiện của VIC đang lần lượt chiếm khoảng 5%, 6% và 11% trên tổng doanh thu. Chúng tôi đã từng nhấn mạnh về khả năng ghi nhận lỗ tỷ giá trong vài báo cáo gần đây trong tháng 9 ,trong đó chúng tôi đã có lưu ý rằng khoảng 30% khoản nợ của VIC có gốc ngoại tệ là USD.
Bên cạnh đó, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh. Do các dự án đầu tư mới vào những phân khúc ngành hàng bán lẻ như VinPro, VinMart, VinFashion, là nguyên nhân chính làm chi phí bán hàng quản lý doanh nghiệp tăng. Đặc biệt trong quý III/2015, chi phí bán hàng tăng mạnh tương ứng doanh thu với mức tăng khoảng 11% từ mức trung bình khoảng 6% trong quý IV/2014 khi các ngành hàng bán lẻ đóng góp đáng kể vào tổng doanh thu. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng lên đồng thời chiếm khoảng 15% tổng doanh thu, đạt mức cao nhất từ quý II/2013 và cao gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, chi phí thuế TNDN hiện đang chiếm gần khoảng 50% lợi nhuận trước thuế trong 4 quý gần nhất bao gồm cả quý III/2015. Điều này chủ yếu là do số điều chỉnh thu nhập chịu thuế từ lỗ các ở các công ty con chiếm tỷ trọng cao, khoảng 44% (theo báo cáo soát xét gần nhất).
Chúng tôi có phần kém lạc quan về việc mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh mới của VIC (như lĩnh vực bán lẻ). Một mặt điều này sẽ làm giảm độ biến động của lợi nhuận, mặt khác ROE có thể giảm dần do tỷ suất sinh lợi từ mảng bán lẻ và xây dựng khá thấp. VIC giải thích rằng đây là 1 phần trong chiến lược tổng thể của công ty nhằm đảm bảo được lợi thế về lợi nhuận trong dài hạn.
Lợi nhuận năm 2015 của VIC có thể không mấy tích cực, do hầu hết các dự án nhà ở hàng đầu sẽ hoàn thành trong năm 2016. Tuy nhiên, với kết quả từ lượng tiêu thu từ các căn hộ được mở bán sớm tăng mạnh như Vinhomes central Park, Times City Park Hill và 54A Nguyễn Chí Thanh sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu trong năm 2016. Chúng tôi đã gọi MUA với giá mục tiêu là 48,700 VND.