Cổ phiếu cần quan tâm ngày 16/3

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 16/3

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 16/3 của các công ty chứng khoán.

PHR: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

ĐHCĐ của CTCP Cao su Phước Hòa (mã PHR) đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2015 với doanh thu 1.116 tỷ đồng, giảm 30,5% so với năm trước. Trong đó, giá bán bình quân (ASP) dự kiến cho 2015 là 31,5 triệu đồng/tấn, giảm 18,2% so với năm trước. Sản lượng tiêu thụ 29.600 tấn, giảm 13,4% so với năm trước. Giá thành cho mỗi tấn cao su theo kế hoạch là 30 triệu đồng/tấn. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 115,6 tỷ đồng giảm 66,4% so với năm trước. Chúng tôi cho rằng, kế hoạch 2015 của công ty đặt ra là hợp lý do Giá cao trong nước và quốc tế vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện do hàng tồn kho quốc tế đang đứng ở mức cao (2,2-2,5 triệu tấn) trong khi nhu cầu tiêu thụ ảm đạm.

ĐHCĐ cũng đã thông qua kế hoạch chia cổ tức 2015 với tỷ lệ 20% mệnh giá, tương ứng lợi tức cổ tức 8,8%. Lưu ý, cuối quý IV/2014, PHR có lượng tiền và tương đương tiền là 465 tỷ đồng (tương ứng 5.700 đồng/cp); lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 483 tỷ đồng (5.900 đồng/cp).

Doanh thu thuần 2014 giảm 15,3% so với năm trước, còn 1.605 tỷ đồng. Trong đó, Tuy ASP giảm 28,4% so với năm trước xuống chỉ còn 38,5 triệu đồng/tấn, sản lượng tiêu thụ mủ cao su vẫn tăng 15,5% so với năm trước, lên 34.177 tấn. Biên lãi gộp của công ty thu hẹp từ 26,2% trong năm 2013 xuống còn 17,2% trong năm 2014. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng làm cho tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu tăng từ 6,4 % trong 2013 lên 7,6 % trong 2014. Mặc dù lợi nhuận khác tăng 105,9% so với năm trước đạt 141,4 tỷ đồng, lợi nhuận ròng của công ty giảm 29% so với năm trước xuống chỉ còn 263,9 tỷ đồng.

Chúng tôi vẫn duy trì khuyến nghị GIỮ đối với cổ phiếu PHR với giá mục tiêu 22.000 đồng/cp, dựa trên P/E 2015 là 8,9 lần, tương đương bình quân ngành. PHR là công ty có quy mô lớn nhất và năng suất vườn cây cao thứ 3 trong số các công ty cao su niêm yết.

DCL: PE kỳ vọng khoảng 13 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Dược phẩm Cửu Long (mã DCL) thông qua kết quả kinh doanh 2014 đã kiểm toán với doanh thu và lãi ròng tăng 5% so với năm trước, đạt lần lượt 709,6 và 31,7 tỷ đồng, hoàn thành 95% và 83% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2014.

Đại hội đã thông qua việc thay đổi phương án chi trả cổ tức cho năm 2014 từ mức 1.000-1.500 đồng/cp sang phương án chi trả bằng cổ phiếu, tỷ lệ 10%. Thời gian thực hiện dự kiến là quý III/2015, sau khi DCL thực hiện các đợt phát hành huy động vốn như kế hoạch 2015. Công ty cũng cho biết thêm, khả năng DCL sẽ chỉ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu trong 3-5 năm tới.

Kế hoạch kinh doanh 2015 lạc quan hơn dự báo của chúng tôi. Cụ thể, DCL đặt mục tiêu 840 tỷ đồng doanh thu (+18,4% so với năm trước) và 50 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (+57,7% so với năm trước). Do DCL vẫn chưa đưa ra thêm phương án kinh doanh cụ thể nào mới, nên chúng tôi vẫn duy trì quan điểm thận trọng đối với khả năng tăng trưởng của DCL trong 2015 với dự báo doanh thu và lợi nhuận tăng khoảng 6% so với năm trước.

DCL dự kiến đầu tư thêm cho các nhà máy sản xuất dược phẩm, vỏ viên nang cứng rỗng (capsule) và dụng cụ y tế Vikimco cũng như nâng cấp tiêu chuẩn chất lượng sản xuất dược phẩm từ GMP-WHO lên GMP-EU hoặc PIC/S, phát triển kênh bán hàng và công tác nghiên cứu sản phẩm mới. Do nhu cầu vốn đầu tư tăng, trong năm 2015, DCL lên kế hoạch tăng vốn điều lệ gần 4 lần so với số vốn tại ngày 31/12/2014, lên 461,2 tỷ đồng, thông qua 4 đợt phát hành. Tuy nhiên, phương án sử dụng vốn cụ thể vẫn chưa được công bố.

Theo dự báo của chúng tôi, DCL đang giao dịch ở mức PE kỳ vọng khoảng 13 lần, cao hơn mức 12 lần của bình quân ngành. Tuy nhiên, dự báo này vẫn chưa phản ánh việc pha loãng do các đợt phát hành kể trên (ước hơn 53%).

Lưu ý thêm, tỷ lệ Nợ/VCSH của DCL hiện khá cao so với bình quân ngành. Đồng thời, khoản mục dự phòng nợ phải thu khó đòi cũng tăng cao trong 2014.

NKG: Triển vọng kinh doanh trong thời gian tới khả quan

CTCK MB (MBS)

NKG công bố chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2015. Theo đó sản lượng thép tấm sản xuất dự kiến đạt 399,000 tấn, tăng 29% so với cùng kỳ; doanh thu dự kiến đạt 7,800 tỷ VNĐ, tăng 33% so với cùng kỳ; lợi nhuận dự kiến đạt 150 tỷ VNĐ, tăng 79% so với cùng kỳ.

Trong năm 2014, NKG đã cho thấy một số tín hiệu khởi sắc trong hoạt động kinh doanh khi doanh thu bán hàng nội địa và xuất khẩu đều tăng mạnh. Năng lực cạnh tranh của Công ty có sự cải thiện đáng kể khi thị phần tiêu thụ sản phẩm trong nước gia tăng đáng kể so với cùng kỳ.

Về mặt hàng tôn mạ, NKG đang chiếm thị phần 12.8% trong năm 2014, đứng thứ 2 trên thị trường. Về mặt hàng ống thép, NKG đang chiếm 4.8% thị phần nội địa.

Tất cả các mặt hàng kinh doanh chính Tôn mạ, Thép mạ, Ống thép mạ kẽm của Công ty có sự tăng trưởng mạnh: đạt 119% so với kế hoạch 2014 và tăng trưởng 145% so với thực hiện năm 2013 (214.073 tấn).

Chúng tôi nhận thấy, sau một thời gian khó khăn do áp lực vay nợ và cạnh tranh trong ngành cao, NKG đã dần thoát khỏi tình trạng khó khăn và đi vào sản xuất ổn định. Mặc dù, Công ty phải cạnh tranh ác liệt với một đối thủ lớn trong ngành là HSG, song NKG đã cho thấy sự tiến bộ về thị phần và kết quả kinh doanh trong năm 2014. Chúng tôi đánh giá khả quan với triển vọng kinh doanh của NKG trong thời gian tới.

Tin bài liên quan