Cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/8

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/8

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 15/8 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua cổ phiếu NLG

CTCK ACB (ACBS)

Trong năm 2019, chúng tôi dự phóng doanh thu CTCP Đầu tư Nam Long (mã NLG) ở mức 3.718 tỷ đồng (tăng 7% so với năm ngoái), trong đó 57% đến từ việc bàn giao dự án Nguyên Sơn và Flora Novia và 22% đến từ chuyển nhượng 50% dự án Akari City và 35 ha trong dự án Southgate cho các đối tác chiến lược.

Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ước đạt 995 tỷđồng (tăng trưởng 30%) nhờ khoảng 400 tỷ đồng lợi nhuận được chia từ dự án Mizuki Park. Dự phóng này cao hơn một chút so với dự phóng trước của chúng tôi do doanh thu xây dựng dự kiến cao hơn tuy nhiên mảng này đóng góp lợi nhuận gộp không đáng kể.

Sử dụng phương pháp NAV, chúng tôi tăng giá mục tiêu lên 13%so với báo cáo hồi tháng 3/2019, lên 41.620 đồng/CP nhờ giá bán của AkariCity và Southgate tăng lên. Lặp lại khuyến nghị mua cổ phiếu NLG.

>> Tải báo cáo

SAB tiếp tục là cổ phiếu được nhà đầu tư lớn quan tâm

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Giá của cổ phiếu SAB của Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã tăng hơn 10% kể từ đầu năm phần nào thể hiện được sự đón nhận tích cực từ thị trường về những thành quả ThaiBev đã mang lại kể từ khi tham gia vào năm ngoái.

BVSC cho rằng còn rất nhiều việc để làm ở SAB và kỳ vọng công ty sẽ tiếp tục thay đổi toàn diện cả bên trong lẫn bên ngoài để cạnh tranh sòng phẳng và chiếm ngôi vị số 1 tại phân khúc cao cấp và thị trường thành thị lớn, trước khi vươn mình ra chinh phục các thị trường quốc tế.

Về mặt định giá, dù P/E trailing của SAB đã lên đến hơn 30 lần, SAB vẫn sẽ tiếp tục là cổ phiếu được các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là nước ngoài quan tâm với vốn hoá lớn và là một cấu thành quan trọng trong VN30.

>> Tải báo cáo

VPI sẽ bứt phá thoát khỏi ngưỡng kháng cự 43

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu VPI của Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest đang trong xu hướng tích lũy ở khu vực 40 - 43 từ đầu năm đến nay nhưng đã xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực.

Thanh khoản cổ phiếu vẫn giữ giá trị tốt và ổn định, đồng thời, các chỉ báo kỹ thuật như EMA và RSI cũng ủng hộ đà tăng trong ngắn hạn.

Hơn nữa, chỉ báo MACD phiên hôm nay đã tiếp tục xuất hiện Golden Cross, chỉ báo Force Index cũng cắt lên trên mức 0, càng làm củng cố thêm trạng thái tích cực cho cổ phiếu này.

Dự kiến trong tương lai gần, VPI sẽ bứt phá thoát khỏi ngưỡng kháng cự 43 và tiềm năng sẽ chinh phục khu vực giá 50, trước khi tiến đến mức 60 trong trung hạn.

Khuyến nghị mua dành cho NT2 với giá mục tiêu 29.200 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua dành cho CTCP Nhiệt điện Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) nhưng điều chỉnh giảm 5,5% giá mục tiêu còn 29.200 đồng/CP do: 1) chúng tôi điều chỉnh giảm 6,5% dự báo lợi nhuận cốt lõi 2019 trong bối cảnh thiếu hụt khí trong quý 2/2019; 2) gia tăng lãi suất phi rủi ro thêm 30 điểm cơ bản khi thay đổi từ lợi suất trái phiếu Chính phủ trung bình 5 năm sang 10 năm.

Chúng tôi dự báo lợi nhuận cốt lõi 2019 đạt 741 tỷ đồng (đi ngang so với cùng kì năm ngoái). Chúng tôi kỳ vọng mức gia tăng biên lợi nhuận trên thị trường phát điện cạnh tranh (CGM) với giả định giá khí giảm còn 6,7 USD/triệu BTU (-3,3% YoY) sẽ bù đắp cho tác động tiêu cực từ sản lượng bán hợp đồng thấp hơn.

Chúng tôi do đó điều chỉnh giảm 12% giả định cổ tức tiền mặt 2019 đạt 2.200 đồng/CP (tỷ lệ chi trả 88%, lợi suất cổ tức 8,9%), thấp hơn kế hoạch cổ tức tiền mặt đưa ra tại ĐHCĐ thường niên là 2.500 đồng/CP (lợi suất cổ tức 10,2%).

Chúng tôi duy trì dự báo lợi nhuận cốt lõi 2020 đạt 809 tỷ đồng (+9,2% YoY), nhờ tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm 2,7% và chi phí lãi vay giảm. Chúng tôi nâng dự báo lợi nhuận cốt lõi 2021 thêm 6,2% đạt 887 tỷ đồng (+9,7% YoY) trong bối cảnh mỏ khí Sao Vàng – Đại Nguyệt đi vào hoạt động sớm hơn 1 năm so với dự kiến trước đó.

Rủi ro: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) yêu cầu đánh giá lại hợp đồng mua bán điện (PPA) với NT2. Chúng tôi ước tính nếu giá PPA cố định giảm 10-60 đồng/kWh sẽ dẫn đến giảm định giá cổ phiếu còn 28.100-22.800 đồng/CP.

NT2 hiện đang giao dịch với EV/EBITDA dự phóng 2019 là 5,4 lần dựa theo dự báo của chúng tôi, thấp hơn 45% so với các công ty cùng ngành trong khu vực, trong khi vẫn trả lợi suất cổ tức hấp dẫn 8,9%.

Khuyến nghị mua dành cho TLG với giá mục tiêu 73.200 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi giữ khuyến nghị mua dành cho CTCP Tập đoàn Thiên Long (TLG), đồng thời điều chỉnh tăng giá mục tiêu thêm 2% lên 73.200 đồng/CP vì chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2019 thêm 3% nhưng áp dụng P/E mục tiêu thấp hơn trên cơ sở trung bình 6 tháng của trung vị P/E của các công ty cùng ngành trong khu vực.

Chúng tôi giữ nguyên dự báo doanh thu 2019 đạt 3,3 nghìn tỷ đồng, tăng 16%. Như chúng tôi đã dự báo, doanh thu kém trong quý 1/2019 do Tết Âm lịch đá được bù lại trong quý 2 trước thềm năm học mới.

Chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2019 thêm 3% lên 349 tỷ đồng (tăng 19% so với năm 2018) với việc điều chỉnh tăng dự báo biên lợi nhuận gộp từ 37% lên 37,8% do điều chỉnh giảm giả định chi phí khấu hao, đồng thời điều chỉnh tăng giả định chi phí quản lý và bán hàng.

TLG vẫn là một trong những cổ phiếu chúng tôi đánh giá cao dành cho nhà đầu tư dài hạn, tìm kiếm cổ phiếu ổn định và an toàn với triển vọng tăng trưởng rõ ràng. Nhận định của chúng tôi được dựa trên cơ sở cơ cấu nhu cầu văn phòng phẩm tại Việt Nam trong các lĩnh vực giáo dục và văn phòng tăng trưởng cao, bên cạnh việc TLG ngày càng thâm nhập sâu vào các thị trường ASEAN có cơ cấu nhu cầu tương tự Việt Nam.

TLG hiện đang giao dịch tại mức P/E 2019 là 13,5 lần. Trong giai đoạn 2018-2023, chúng tôi dự báo doanh thu sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm 15,3% và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt tăng trưởng kép hàng năm 16,2%.

Rủi ro: biên lợi nhuận giảm mạnh hơn so với dự kiến do giá dầu và nhựa tăng.

Tin bài liên quan