Cổ phiếu cần quan tâm ngày 13/7

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 13/7

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 13/7 của các công ty chứng khoán.

CNG: Khuyến nghị thêm cho mục tiêu trung và dài hạn

CTCK FPT (FPTS)

CTCP CNG Việt Nam (mã CNG) cho biết, doanh thu 2015 ước tính khoảng 1,028 tỷ đồng (đạt 95% so với kế hoạch) và lợi nhuận sau thuế 2015 khoảng 120 tỷ đồng (vượt 9% so với kế hoạch), P/E 2015 ~ 7.5; EPS 2015 ~ 4,400 VNĐ, Mức trả cổ tức cho năm 2015 là 30%. Giá mục tiêu cuối năm 2015 khoảng 33.000 đồng/cp cao hơn giá hiện tại 10%. Do đó, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư có thể THÊM cho mục tiêu đầu tư trung và dài hạn.

Triển vọng 2016: Sản lượng khí tiêu thụ của CNG sẽ tăng đáng kể khi Công ty mở rông thị trường ra khu vực miền Bắc. Kế hoạch tiêu thụ khí dự kiến cho năm 2016 là 110 triệu m3 (+ 25% so với 2015), trong đó sản lượng tiêu thụ tại khu vực miền Bắc sẽ tăng từ 9 triệu m3 lên 30 triệu m3. Ngoài ra, hợp đồng với khách hàng lớn Viglacera cũng sẽ góp phần tăng sản lượng tiêu thụ của CNG từ giữa năm 2016.

PGS: Khuyến nghị mua trong trung hạn

CTCK Rồng Việt (VDSC)

CTCP Kinh doanh Khí hóa lỏng miền Nam (PGS – HNX) đang là doanh nghiệp đầu ngành trong hoạt động kinh doanh khí hóa lỏng LPG và khí nén CNG tại khu vực miền Nam.

Cuối năm 2014, kết quả kinh doanh của Công ty vẫn đạt kế hoạch đề ra dù trong giai đoạn giá dầu giảm sâu. Bên cạnh đó vào quý I/2015, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã có sự ổn định trở lại. Nguyên nhân đến từ sự thay đổi cách tính giá khí đầu vào trong mảng CNG và sự ổn định trong biên lợi nhuận LPG.

Chúng tôi kỳ vọng hai yếu tố trên tiếp tục tạo ra lợi thế cho công ty trong năm 2015. Bên cạnh đó, triển vọng mảng CNG khá tích cực nhờ vào sự gia tăng nhu cầu từ khách hàng cũ cùng với các hợp đồng mới đã ký kết thành công.

Tuy vậy, biến động mạnh và đột ngột về lợi nhuận giữa các quý (thường là vào quý IV) cùng với diễn biến phức tạp từ giá dầu thế giới trong thời điểm hiện tại khiến chúng tôi không hoàn toàn yên tâm về doanh nghiệp và vẫn sử dụng mức chiết khấu thận trọng đối với các chỉ số định giá.

Với mặt bằng giá dầu thế giới mới trong thời điểm hiện tại, PGS có thể đạt được mức tăng trưởng trung bình 10%/năm trong giai đoạn 2016 – 2020. Mức giá trung bình hợp lý chúng tôi đưa ra cho PGS là 27.000 đ/cp (cao hơn 22,17% so với mức giá đóng cửa 22.100 đ/cp tại ngày 10/7/2015). Chúng tôi đưa ra khuyến nghị MUA trong Trung hạn đối với cổ phiếu PGS.

PVD: Vẫn được đánh giá cao

CTCK MB (MBS)

Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD – sàn HOSE) thông báo ngày 15/07 GDKHQ nhận cổ tức năm 2014 với tỷ lệ 30%. Trong đó 15% bằng tiền (thanh toán vào 14/08) và 15% bằng cổ phiếu.

Hoạt động kinh doanh của PVD trong quý I/2015 sụt giảm chủ yếu do giá cho thuê giàn khoan bình quân của Công ty giảm. Điều này khiến biên lợi nhuận gộp của Công ty giảm xuống mức 20,2% so với mức 23% cùng kỳ năm ngoái. Do giá dầu thô trong quý 2 2015 tiếp tục duy trì ở mức thấp nên chúng tôi cho rằng thị trường khoan dầu khí sẽ tiếp tục ảm đảm ảnh hưởng đáng kể đến số lượng giàn khoan hoạt động và giá cho thuê giàn khoan của PVD.

Trong thời gian 2 năm tới tới PVN dự kiến sẽ đầu tư dự án Lô B Ô Môn và điều này sẽ tạo cơ hội kinh doanh cho PVD. Hiện tại, Công ty đã lên kế hoạch đầu tư giàn khoan PVD VIII trong 2015 (năm 2017 sẽ đi vào hoạt động) để phục vụ dự án này. Chi phí đầu tư PVD VIII ước tính khoảng 120 triệu USD.

Mặc dù hoạt động kinh doanh của Công ty có suy giảm trong thời gian gần đây do diễn biến giá dầu không thuận lợi song chúng tôi vẫn đánh giá cao PVD với vị thế là công ty thành viên của Tập PVN. Vị thế này hỗ trợ PVD đáng kể trong hoạt động kinh doanh khi nguồn công việc của giàn khoan được đảm bảo với hiệu suất khai thác cao.

Tin bài liên quan