Cổ phiếu cần quan tâm ngày 13/6

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 13/6 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 13/6

TCM: Khuyến nghị mua vào

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Thay đổi chiến lược mua nguyên liệu giúp hạn chế rủi ro về giá bông. Bông chiếm khoảng 60% giá vốn hàng bán của CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (mã TCM). Giá bông tăng mạnh đã khiến TCM chịu khoản lỗ lớn trong năm 2012 do chính sách mua nguyên liệu thiên về sử dụng hợp đồng tương lai. Việc thay đổi chiến lược mua nguyên liệu hiệu quả hơn với 30% dùng hợp đồng tương lai và 70% dùng hợp đồng giao ngay đã hạn chế đáng kể rủi ro về biến động giá nguyên liệu cho công ty trong điều kiện giá bông khá ổn định ở hiện tại.

Hiện nay, tất cả các nhà máy của TCM đang hoạt động 100% công suất. Do đó công ty đang tiến hành xây dựng 4 nhà máy mới, bao gồm hai nhà máy may, một nhà máy đan kim và một nhà máy nhuộm trong giai đoạn 2014-2017 với tổng vốn đầu tư khoảng 30 triệu USD. Chúng tôi cho rằng, việc nâng cao năng lực sản xuất sẽ là động lực để TCM tăng trưởng doanh thu trong tương lai.

Chuỗi sản xuất khép kín giúp công ty chủ động nguyên liệu, thay đổi chính sách kiểm soát chi phí đầu vào cùng với các đơn hàng của Eland với tỷ suất lợi nhuận cao hơn ngày càng tăng trong tổng sản lượng may mặc của TCM sẽ giúp biên lợi nhuận gộp tiếp tục tăng. Biên lợi nhuận gộp năm 2014 ước tính lên 15,7% từ 13,5% trong năm 2013.

Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2014 ước tăng 46,8% đạt 84,7 tỷ đồng. TCM cho biết doanh thu 4 tháng đầu năm khoảng 862 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 52,6 tỷ đồng. Theo đó, chúng tôi ước tính doanh thu thuần 6 tháng đầu năm dự kiến ở mức 1.336 tỷ đồng (+11,6% cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế ước tính khoảng 84,7 tỷ đồng (+46,8% yoy). Doanh thu năm 2014 ước đạt 2.566 tỷ đồng (+0,4% cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế ước đạt 182 tỷ đồng (+47%) nhờ sản lượng tăng và biên lợi nhuận cải thiện.

Chúng tôi đánh giá OUTPERFORM đối với cổ phiếu TCM ở mức giá mục tiêu 30.300 VND/cổ phiếu dựa trên triển vọng khả quan về kết quả kinh doanh năm 2014 và cơ hội bứt phá khi hiệp định TPP đàm phán thành công. Ngoài ra, nếu dự thảo nới room được thông qua và room dành cho khối ngoại của TCM đã hết như hiện nay, cổ phiếu TCM sẽ dành được nhiều sự quan tâm từ NĐTNN. Rủi ro mà nhà đầu tư cần lưu ý là sự biến động bất thường của giá bông và việc công ty ngày càng phụ thuộc vào cổ đông lớn – đối tác E-land, song chúng tôi cho rằng TCM là doanh nghiệp có triển vọng tốt và đáng để xem xét cho danh mục đầu tư giá trị.

>> Tải báo cáo

HUT: Khuyến nghị mua vào

CTCP APEC (APS)

Công ty cổ phần Tasco (HUT) hoạt động trong 2 lĩnh vực chính là Xây dựng hạ tầng giao thông và Kinh doanh Bất động sản, với hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây lắp, HUT đã và đang tham gia xây lắp rất nhiều các công trình hạ tầng giao thông và thủy lợi lớn, chủ yếu tập trung tại các tỉnh phía Bắc. Bên cạnh đó, trong các năm gần đây, HUT đã mở rộng lĩnh vực hoạt động của mình sang mảng đầu tư các dự án hạ tầng theo 2 hình thức BT và BOT.

Dự án thầu xây dựng hạ tầng lớn nhất của HUT tính đến thời điểm này là Dự án tuyến đường bộ mới Nam Định – Phủ Lý BT 21. Dự kiến tháng 5/2014 sẽ hoàn thành tất cả thủ tục và sẽ hạch toán lợi nhuận từ 300 – 400 tỷ đồng sau khi nghiệm thu công trình trong 2 năm 2014 – 2015.

Dự án Khu đô thị Xuân Phương gần những khu đô thị trọng điểm phía Tây Hà Nội với quy mô trên 800 căn biệt thự liền kề sinh thái, lợi nhuận dự kiến của dự án này là 2,340 tỷ đồng. Dự án triển khai trong 3 năm 2013-2017, đây thực sự sẽ là Catalyst tốt cho cổ phiếu HUT.

Một thông tin đáng quan tâm là HUT đang tham gia sở hữu cổ phiếu của TCT Xây dựng Thăng Long. Ông Phạm Quang Dũng – Chủ tịch HUT cũng được bầu làm Chủ tịch của TLG. Đây là cơ hội lớn để HUT nâng cao năng lực thi công cầu và tham gia đấu thầu các dự án quốc tế vốn là thế mạnh của các TCT nhà nước.

Định hướng phát triển của HUT và 1 số công ty tương tự như FCN sẽ đi theo sự phát triển hạ tầng, hiện tại theo hình thức BT, BOT và sắp tới là tiên phong trong PPP, đây thực sự là các công ty còn nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.

Khuyến nghị: Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư mua vào cổ phiếu HUT với mức giá mục tiêu 14,400 đồng/cổ phiếu với tầm nhìn đầu tư 1 năm.

>> Tải báo cáo

IMP: Duy trì khuyến nghị MUA

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Imexpharm (IMP) vừa công bố kết quả kinh doanh 5 tháng 2014 với doanh thu thuần đạt 298,8 tỷ đồng, giảm 9,3% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do hệ điều trị (ETC) vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Là công ty sản xuất thuốc tập trung vào chất lượng, nên ”giá thấp” - một trong những tiêu chí ưu tiên để lựa chọn thuốc trúng thầu vào bệnh viện theo quy định của thông tư 36/2013-TTLT-BYT-BTC (bổ sung cho Thông tư 01/2012-TTLT-BYT-BTC) không phải là lợi thế của IMP.

Quan trọng hơn, giai đoạn những tháng đầu năm thường là mùa cao điểm của kênh ETC. Do vậy, doanh thu ETC 5T/2014 của IMP giảm mạnh đến 54% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của IMP là hệ thương mại (OTC) vẫn tiếp tục được đẩy mạnh trong 5T/2014 với tốc độ tăng trưởng đạt 38,2% so với cùng kỳ, giúp bù đắp phần lớn sự sụt giảm doanh thu từ kênh ETC. Theo đó, tỷ trọng doanh thu OTC/tổng doanh thu của IMP đã tăng từ 49,6% trong 5T/2013 lên 74,7% trong 5T/2014.

Lưu ý, lợi nhuận trước thuế 5T/2014 của IMP chỉ giảm 6,8% so với cùng kỳ, đạt 42,2 tỷ đồng chủ yếu nhờ tỷ lệ CPBH&QL/DT 5T/2014 giảm nhẹ 1,2% điểm phần trăm so với cùng kỳ, xuống còn 26,3%.

So với kế hoạch 1000 tỷ đồng doanh thu (+19% so với cùng kỳ) và 120 tỷ lợi nhuận trước thuế (+9% so với cùng kỳ) cho năm 2014, kết thúc 5T/2014, IMP đã hoàn thành được 30% và 35% kế hoạch.

Ngoài chiến lược hợp tác sản xuất nhượng quyền với các tập đoàn đa quốc gia để đáp ứng phương án sản phẩm cho hệ điều trị. Kênh OTC vẫn tiếp tục được đẩy mạnh trong năm nay. Kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 167,1 lên 275,6 tỷ đồng cũng nhằm mục đích phát triển hệ thống phân phối của IMP. Do vậy, với đà tăng trưởng doanh thu của kênh OTC như hiện tại, hoạt động kinh doanh của IMP trong 6 tháng cuối năm (mùa cao điểm của OTC) sẽ có nhiều thuận lợi hơn nữa. Theo đó, ngoài việc bù đắp được sự sụt giảm doanh thu của những tháng đầu năm, IMP vẫn có khả năng tạo ra tăng trưởng cho 2014.

Chúng tôi dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2014 của IMP sẽ tăng lần lượt 12,9% và 38,7% so với cùng kỳ, đạt lần lượt 951,2 và 84,7 tỷ đồng. Lợi nhuận tăng trưởng cao hơn doanh thu chủ yếu do thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 2014 của IMP ước tính sẽ ở mức chung 22%, so với 36% của 2013. Năm 2013, do mới chuyển sang phát triển thị trường OTC nên tỷ lệ chi phí marketing tăng cao, vượt mức trần quy định 10%, khiến phần chi phí vượt không được khấu trừ thuế làm thuế suất bình quân của IMP tăng cao. Tuy nhiên, trong 2014, mức trần khống chế này cũng đã được Quốc hội nâng lên 15% và IMP vẫn đang kiểm soát khá tốt chi phí này.

Công ty cũng đang tiến hành việc nâng cấp tiêu chuẩn chất lượng lên PIC/S-GMP. Về dài hạn, khi dự án hoàn tất sẽ mở ra cho IMP những cơ hội xuất khẩu cũng như nâng cao khả năng trúng thầu vào bệnh viện.

Cổ phiếu IMP đang giao dịch ở mức PE dự phóng khoảng 10x, thấp hơn mức bình quân ngành 12x. Duy trì khuyến nghị MUA dài hạn với giá mục tiêu 61.300 đồng/cp.

Tin bài liên quan