Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu DHG
CTCK ACB (ACBS)
CTCP Dược Hậu Giang (mã DHG) công bố doanh thu thuần 9 tháng năm 2019 gần như không đổi so với cùng kỳ năm trước, đạt 2.617 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ các hoạt động thương mại và khác giảm 17% nso với cùng kỳ năm ngoái (cáchoạt động này bắt đầu giảm từ nửa sau 2018 nhằm đáp ứng yêu cầu dỡ bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài), mặc dù doanh thu từ hoạt động tự sản xuất tăng nhẹ 1%.
Lợi nhuận trước thuế và sau thuế của công ty lần lượt giảm 6% và 4,7%, đạt 481 tỷ đồng và 427 tỷ đồng do i) từ Q2/2019 công ty thực hiện điều chỉnh 7% quỹ Khen thưởng-Phúc lợi từ lợi nhuận sau thuế sang chi phí công ty theo Nghị quyết ĐHCĐ và ii) từ 2019, thuế suất thuế TNDN tại chi nhánh nhà máy Dược phẩm DHG tại Hậu Giang là 5% thay vì 0% như trong 2018.
Biên lợi nhuận gộp 9T2019 đạt 43,9% so với 44,8% trong cùng kỳ 2018 do giá nguyên liệu tăng. Mặc dù biên lợi nhuận này có thể không biến động mạnh trong Q4 do công ty hầu như đã mua xong nguyên liệu nhưng với xu hướng giá nguyên liệu tăng, chúng tôi dự phóng biên lợi nhuận gộp của DHG có thể thu hẹp thêm trong năm tới.
Trong cuối năm 2018 và đầu 2019, DHG đã nhận được chứng nhận tiêu chuẩn PIC/s-GMP (Malaysia) cho dây chuyền sản xuất thuốc bột sủi bọt và viên nén sủi bọt, chứng nhận tiêu chuẩn GMP-Nhật Bảncho dây chuyền sản xuất thuốc viên nén.
Việc đạt được các chứng nhận này có thể giúp DHG xuất khẩu vào thị trường nước ngoài mới (đặc biệt là những nơi Taisho có chi nhánh–Taisho đang là cổ đông lớn nhất tại DHG), nâng cao chất lượng sản phẩm, uy tín thương hiệu cũng như vị thế khi đấu thầu vào kênh bệnh viện & phòng khám.
Tuy nhiên, theo Thông tư mới nhất số15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc (thay thế Thông tư số11/2016/TT-BYT), tiêu chuẩn PIC/s-GMP không còn được đề cập trong nhóm 1 nhưng vẫn xuất hiện trong nhóm 2 với nhiều yêu cầu hơn. Theo đó, thuốc generic tiêu chuẩn PIC/s-GMP có thể đấu thầu vào nhóm 2 nếu được sản xuất toàn bộ trên dây chuyền sản xuất thuốc tại nước là thành viên PIC/s đồng thời là thành viên ICH, được cơ quan quản lý có thẩm quyền của nước này cấp chứng nhận đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn PIC/s-GMPvà được cơ quan quản lý dược Việt Nam đánh giá đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn PIC/s-GMP.
Trước khả năng các thuốc đạt chuẩn PIC/s-GMP tại Việt Nam khó có thể đáp ứng các yêu cầu này, DHG hướng đến mục tiêu còn lại là tập trung cho xuất khẩu, song song với việc xem xét nâng cấp lên các tiêu chuẩn cao hơn.
Chúng tôi duy trì khuyến nghị giữ cho cổ phiếu này với ước tính tăng trưởng khiêm tốn trong 2019 và triển vọng năm tới.
>> Tải báo cáo
DPG sẽ sớm chinh phục lại mục tiêu 54
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu DPG của Công ty cổ phần Đạt Phương đang ở trong trạng thái tăng giá ngắn hạn khi đã tăng giá trong hơn 3 tuần này với xuất phát điểm là nền giá 42.
Thanh khoản cổ phiếu trong phiên hôm nay tăng cao hơn những phiên trước đó đã đẩy giá DPG vượt khỏi ngưỡng kháng cự tại mốc 48.
Các chỉ báo xu hướng đều ủng hộ cho trạng thái tích cực của cổ phiếu. Bên cạnh đó, việc chỉ báo động lượng RSI chưa đi vào vùng quá mua cho thấy dư địa tăng vẫn còn.
Nhìn chung, DPG đang vận động hướng về vùng đỉnh lịch sử tại khu vực giá xung quanh 54 và có thể chúng ta sẽ sớm nhìn thấy cổ phiếu chinh phục lại mục tiêu này.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu FPT
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP FPT (FPT) và tăng giá mục tiêu 11% khi đưa giá mục tiêu về cuối năm 2020.
Dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của chúng tôi gần như không thay đổi khi chúng tôi giảm nhẹ mức cải thiện biên lợi nhuận hàng năm của mảng Xuất khẩu phần mềm (XKPM) trong bối cảnh FPT lên kế hoạch tăng thu nhập cho kỹ sư nhằm thu hút và giữ chân nhân tài.
Ngoài ra, tăng trưởng tại thị trường Nhật Bản, vốn có biên lợi nhuận cao, cũng thấp hơn so với kỳ vọng của chúng tôi. Các điều này được bù đắp bởi điều chỉnh tăng biên lợi nhuận dự phóng cho mảng Công nghệ thông tin trong nước và Giáo dục.
FPT hiện đang giao dịch tại PEG 3 năm hấp dẫn ở mức 0,6 dựa theo tốc độ tăng trưởng kép EPS dự phóng của chúng tôi trong giai đoạn 2019-2022 là 21%, chủ yếu nhờ mảng XKPM, Viễn thông và Giáo dục. Chúng tôi dự báo bộ ba mảng kinh doanh này sẽ chiếm khoảng 82% lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2022 so với mức khoảng 72% trong năm 2018.
Rủi ro cho nhận định tích cực của chúng tôi: thiếu hụt nhân lực kỹ sư phần mềm; cạnh tranh gay gắt trong mảng Viễn thông từ các đối thủ mạng viễn thông cố định lẫn di động.
Khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho cổ phiếu FRT
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi hạ khuyến nghị cho CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) từ khả quan thành phù hợp thị trường và giảm giá mục tiêu 26%.
Nguyên nhân dẫn đến việc hạ khuyến nghị đến từ nhận định thận trọng hơn của chúng tôi về triển vọng mảng kinh doanh điện thoại của FRT do (1) cạnh tranh gay gắt từ công ty đứng đầu thị trường là CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG), đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng thị trường điện thoại chững lại và (2) các sáng kiến mới cho mảng bán lẻ điện thoại của FRT nhìn chung chưa tốt như kỳ vọng.
Tiến độ mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu là nhanh hơn kỳ vọng của chúng tôi. Tuy nhiên, do các chi phí đầu tư ban đầu cũng như việc chúng tôi hạ dự phóng doanh số/cửa hàng mới, chúng tôi kỳ vọng chuỗi Long Châu sẽ chỉ bắt đầu có lợi nhuận ròng kể từ năm 2022 trở đi so với kỳ vọng trước đây là 2020.
Chúng tôi giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2019F/2020F/2021F lần lượt 21%/21%/28% do chúng tôi giảm dự phóng biên lợi nhuận gộp mảng điện thoại trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng cũng như việc điều chỉnh dự phóng lợi nhuận ròng kể trên cho Long Châu. Lợi nhuận năm 2019F còn bị ảnh hưởng bởi dự phòng nợ xấu bất thường được ghi nhận trong quý 4/2019, sau khi đã dự phòng 1 phần trong quý 3/2019.
Yếu tố tích cực tiềm năng: tăng trưởng ngành điện thoại tốt hơn kỳ vọng; việc mở rộng Long Châu và khả năng sinh lời của chuỗi tốt hơn kỳ vọng; triển khai mảng kính mát đem lại kết quả tích cực.
Rủi ro: thị phần giảm do MWG tiếp tục mở rộng các điểm bán điện thoại; rủi ro hàng tồn kho từ việc triển khai bán kính mát; tốc độ mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu chững lại.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MBB
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MBB) và nâng giá mục tiêu 6,3% đến từ việc đưa định giá đến cuối năm 2020, một phần ảnh hưởng bởi mức giảm 1,1% của tổng lợi nhuận sau thuế trong giai đoạn 2019F-2021F.
Chúng tôi tăng nhẹ dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2019 thêm 0,3% đạt 7,7 nghìn tỳ đồng (tăng 24,3% so với năm ngoái) khi khi mức điều chỉnh tăng 6,3% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng (PPOP) bù trừ cho mức tăng 21,7% của chi phí dự phòng.
Chúng tôi giảm dự báo thu nhập thuần năm 2020F 0,8% còn 9,1 nghìn tỷ đồng (tăng 18,7%), chủ yếu do phí dự phòng tăng liên quan đến việc mở rộng công ty con mảng tài chính tiêu dùng (MCredit).
Chúng tôi tiếp tục duy trì dự báo tăng trưởng cho vay năm 2019 ở mức 15% với kỳ vọng trái phiếu doanh nghiệp phát hành sẽ lấp đầy 17% hạn mức tăng trưởng tín dụng. Lợi suất tài sản sinh lãi (IEA) tiếp tục tăng nhờ gia tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ và trái phiếu doanh nghiệp trong tổng IEA, tuy nhiên chúng tôi cho rằng rủi ro gia tăng khi trái phiếu doanh nghiệp nhiều khả năng đến từ ngành bất động sản.
Dự báo ROE trước khi huy động vốn trong năm 2020F của chúng tôi là 22% so với trung vị các ngân hàng khác là 19%. Chúng tôi nhận thấy MBB, với định giá tại trung vị các ngân hàng khác, tỏ ra hấp dẫn tại P/B năm 2020F là 1,2 lần.
Rủi ro: (1) Gia tăng vốn thấp hơn dự kiến, (2) chi phí huy động tăng trên mức 4,5% và (3) rủi ro kinh doanh tại công ty con MCredit, có thể dẫn đến chi phí tín dụng tăng. Chúng tôi duy trì dự báo cho rằng đóng góp của MCredit trong tổng dự nợ hợp nhất sẽ duy trì ở mức thấp hơn 5% trong giai đoạn dự báo.