Cổ phiếu cần quan tâm ngày 13/10

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 13/10

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 13/10 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu PVS

CTCK BIDV (BSC)

Xu hướng vận động của cổ phiếu Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS – sàn HNX) là tích lũy trong ngắn hạn, tăng trong trung hạn.

Bên cạnh đó, chỉ báo kỹ thuật MACD duy trì phân kỳ dương, ADX cho tín hiệu tăng giá trong khi Aroon đang suy giảm,, MFI và RSI đi ngang tích lũy. Thanh khoản của cổ phiếu PVS duy trì dưới mức trung bình 10 phiên.

Các chỉ báo kỹ thuật đang duy trì xu hướng tăng trong trung hạn và PVS đang vận động tốt trong kênh tăng giá trung hạn. Đồng thời, PVS đang giao dịch tích lũy trong ngắn hạn và nhiều khi năng sẽ bứt phá vươn lên sau khi hoàn thành quá trình tích lũy. Vì vậy, BSC đưa ra khuyến nghị nắm giữ hoặc mua khi PVS kiểm tra lại hỗ trợ 20.8 với mục tiêu là 24, cut loss khi giá giảm dưới 20

Khuyến nghị mua vào cổ phiếu Habeco

CTCK Maritime (MSI)

Thương hiệu bia Hà Nội đã có truyền thống lâu năm và khẳng định được vị thế trên thị trường bia trong nước. Các sản phẩm mang thương hiệu của HABECO là Bia hơi Hà Nội, Bia chai Hà Nội và Bia lon Hà Nội cùng một số sản phẩm mới như bia Hà Nội Lager, bia Trúc Bạch… Hiện tại, HABECO đang chiếm khoảng 20,0% thị phần trong ngành bia – đứng thứ 3 trong thị trường bia Việt Nam (sau SABECO và HEINEKEN).

Sở hữu quỹ đất lớn rải rác ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Nổi bật là "khu đất vàng" rộng 49.960 m2 tại số 183 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, TP. Hà Nội được ký hợp đồng thuê dài hạn; 264.880 m2 tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc thuê 49 năm từ năm 2007 để thực hiện dự án đầu tư nhà máy bia với công suất 200 triệu lít/năm. Ngoài ra, còn có một số khu đất khác tại KCN Tiên Sơn- Bắc Ninh, Hưng Yên, Phú Thọ,...

Mặc dù tốc độ tăng trường của thị trường giảm đi nhưng so với các thị trường trong châu Á, thị trường bia của Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn: Theo nghiên cứu của Business Monitor International Ltd (BMI), Việt Nam luôn ở trong nhóm đầu những nước tiêu thụ bia mạnh trên thế giới với sản lượng tiêu thụ 3,4 tỷ lít bia năm 2015, đứng thứ 3 Châu Á và cao nhất Đông Nam Á. Dự báo thị trường tiêu thụ bia Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khá tốt trong các năm tới với tỷ lệ tăng trưởng là 10%/năm trong giai đoạn 2015 - 2019.

Giá nguyên vật liệu sản xuất bia giảm và được kỳ vọng sẽ duy trì đến hết năm, cùng với chính sách thuế ưu đãi đối với mặt hàng Malt, nhôm kim loại chỉ tăng nhẹ so với năm 2015, tạo điều kiện thuận lợi trong việc ổn định chi phí sản xuất.

Cổ đông chiến lược là Tập đoàn Carlsberg: HABECO là công ty bia số 1 tại miền Bắc Việt Nam trong khi với công ty bia Huế, Carlsberg đang dẫn đầu thị trường miền Trung. Việc Carlsberg là đối tác chiến lược tại HABECO sẽ củng cố vững chắc vị thế của hai công ty tại Việt Nam. Thị phần của 2 công ty dự kiến trong những năm tới sẽ chiếm hơn 33% thị phần của thị trường bia Việt Nam, tiến sát hơn với thị phần của SABECO. Sắp tới, khi Nhà nước thoái vốn tại HABECO, Carlsberg dự kiến sẽ tiếp tục tăng quyền sở hữu khi mua thêm 13% cổ phần để nâng tỷ lệ sở hữu lên mức trên 30%.

Theo định giá của chúng tôi, giá trị thị trường của cổ phiếu HABECO là khá rẻ với P/B là 2,1x và P/E 2016F là 12,6x, thấp hơn mức P/E bình quân của các Công ty cùng ngành trong khu vực Châu Á.

Giá trung bình của cổ phiếu HABECO trên sàn OTC là 47.000 đồng/cổ phiếu. Do đó chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu HABECO với giá mục tiêu là 71.000 đồng/cổ phiếu và tiềm năng tăng trưởng cổ phiếu là 51%.

 

Khuyến nghị mua cổ phiếu HUT

CTCK FPT (FPTS)

Tính đến thời điểm hết quý III/2016, CTCP Tasco (mã HUT) thực hiện đúng tiến độ dự án đề ra tại đại hội cổ đông. Trong năm 20116, HUT dự kiến sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra khoảng 16% khi mà dự án khu đô thị Xuân Phương đã bán gần hết và chỉ chờ hoàn thành bàn giao để ghi nhận lợi nhuận. Năm 2017, công ty tiếp tục ghi nhận lợi nhuận từ các dự án bất động sản và BOT. Với sự ấm lên của bất động sản và vị trí thuận lợi của các khu đô thị của HUT, chúng tôi đánh giá cao tiềm năng mảng bất động sản của công ty.

Trong các năm tiếp theo, dòng tiền của công ty sẽ đều và ổn định từ các dự án BOT (4 trạm đã thu phí và 2 trạm dự kiến sẽ bắt đầu thu phí từ quý II và III/2017), 28 trạm thu phí không dừng (5 trạm đã đi vào hoạt động, 23 trạm sẽ triển khai trong năm 2017) và 40 trạm thu phí không dừng trên từ Đà Nẵng trở ra khu vực miền Bắc (bắt đầu triển khai từ 2018).

Mặc dù vậy, Công ty có tỷ lệ vay nợ cao, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 1.77 lần. Tính đến hết quý II/2016, công ty vay 4.070 tỷ đồng, chủ yếu là vay nợ dài hạn và gần 90% là phục vụ cho các dự án BOT. Các dự án BOT dự kiến sẽ mang lại dòng tiền đều và ổn định hàng tháng cho việc trả nợ gốc và lãi của công ty. Tuy nhiên, các khoản vay của HUT phần lớn là theo lãi suất thả nổi điều chỉnh 3 tháng/lần do đó chi phí vay nợ của công ty sẽ tăng lên đáng kể nếu mặt bằng lãi suất tăng lên. Hiện tại ngân hàng nhà nước vẫn đang duy trì và giảm lãi suất cho vay để phát triển kinh tế. Do đó, chúng tôi đánh giá rủi ro vay nợ của HUT là thấp trong ngắn hạn

Một điểm nhấn khác khi đầu tư vào HUT là rủi ro pha loãng cổ phiếu giảm đáng kể.  Công ty đã mua lại 104 tỷ trái phiếu trong quý II/2016 trong tổng số 500 tỷ trái phiếu phát hành. Như vậy đến thời điểm tháng 6/2016, giá trị trái phiếu còn lại là 396 tỷ đồng chia thành 3 lần chuyển đổi với giá bằng 80% giá giao dịch bình quân trong 10 phiên của HUT, nhưng không thấp hơn mệnh giá. Chuyển đổi lần 1 đã thực hiện trong quý 3/2016, 20% tương đương với 8 triệu cổ phiếu. Trong quý III, Công ty tiếp tục mua lại 50 tỷ trái phiếu chuyển đổi, như vậy đến thời điểm hiện tại chỉ còn khoảng 266 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi. 2 lần chuyển đổi tiếp theo sẽ vào 9/2017 và 9/2018. Chúng tôi đánh giá rằng rủi ro pha loãng cổ phiếu của công ty là vẫn còn nhưng đã thấp hơn đáng kể so với đầu năm.

Với lợi nhuận sau thuế dự kiến 420 tỷ đồng, EPS dự kiến cho năm 2016 là 2.495 đồng/cp tương ứng với mức P/E là 5.17 khá thấp so với các công ty xây dựng và bất động sản. Chúng tôi khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu HUT với giá mục tiêu 15.500 đồng/cp, tăng 21.1% so với giá hiện tại.

Tin bài liên quan