Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu FOX
CTCK MB (MBS)
Hoạt động kinh doanh của CTCP Viễn thông FPT (mã FOX) không khác biệt so với dự phóng trước đó của chúng tôi nên chúng tôi giữ nguyên giá mục tiêu 83.000 đồng/cổ phiếu cho FOX. Nhưng nâng khuyến nghị từ phù hợp thị trường thành khả quan do thị trường đã phản ứng thái quá với những thông tin kém khả quan của doanh nghiệp.
Cụ thể, trong năm 2017, một số chi phí liên quan quỹ viễn thông phát sinh bào mòn chi phí giảm đi do hết khấu hao quang hóa ở Hà Nội và Hồ Chí Minh. Chúng tôi kỳ vọng trong năm 2018, biên lợi nhuận trước thuế của FOX sẽ mở rộng do (1) kết thúc khấu hao quang hóa cho các thành phố cấp 2 và (2) kỳ vọng tỷ lệ chi phí liên quan quỹ viễn thông trên doanh thu sẽ như năm 2017 (2%).
Dịch vụ internet băng thông rộng của FOX vẫn còn tiềm năng tăng trưởng do tỷ lệ hộ gia đình sử dụng dịch vụ internet cố định tại Việt Nam vẫn còn thấp ~30%, và tiềm năng phát triển nhờ vào số lượng doanh nghiệp mở mới. Tuy nhiên, chúng tôi muốn lặp lại một số lo ngại trước đây để nhấn mạnh rằng tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo sẽ khó cao bằng giai đoạn hiện tại, khi ARPU giảm khi đi về nông thôn và khả năng mất thị phần vào tay các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh.
FOX đang muốn tìm kiếm tăng trưởng ở các dịch vụ viễn thông ngoài internet băng thông rộng, điển hình có IPTV. Mặc dù, chúng tôi chưa nhận thấy khả năng cạnh tranh rõ nét của FOX trong mảng dịch vụ này so với các đối thủ hiện hữu, tăng trưởng trong 1-2 năm tiếp theo vẫn sẽ tương đối cao, ở mức 18-20% do mức cơ sở thấp.
Chúng tôi kỳ vọng EPS pha loãng năm 2017 và 2018 sẽ lần lượt đạt 5.786 đồng (tăng 5,6% so với năm trước) và 6.869 đồng/cổ phiếu (tăng 18,7%), P/E vì thế sẽ xấp xỉ 12,4 lần và 10,5 lần. Chúng tôi nhận thấy đây là mức P/E hấp dẫn hơn, đặc biệt đối với vị thế của FPT trong ngành viễn thông internet.
Ngoài ra, nguồn vốn thặng dư nhận được từ các giao dịch thoái vốn gần đây của công ty mẹ được kỳ vọng sẽ dùng bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh của FOX, giúp doanh nghiệp nâng vị thế cạnh tranh trước các đối thủ cạnh tranh hơn. Lưu ý rằng chúng tôi chưa phản ánh yếu tố tích cực này vào mô hình dự phóng.
>> Tải báo cáo
Cân nhắc giải ngân cổ phiếu DGW
CTCK KIS Việt Nam (KIS)
Cổ phiếu của CTCP Thế giới số (mã DGW) có giá tịnh tiến đi lên từ cận dưới của kênh giá và xuất hiện một phiên bứt phá mạnh qua khỏi khu vực kháng cự mạnh ở mức 17.5.
Mức độ biến động giá là rất cao sau khi chỉ báo ATR phá vỡ kênh xu hướng giảm đi kèm với khối lượng giao dịch cao nhất lịch sử, cho thấy sự bứt phá của DGW được nhà đầu tư chờ đợi rất nhiều trong thời gian vừa qua.
Chỉ báo đo lường sức mạnh giá RSI đang hướng lên, tuy nhiên chỉ báo này đang ở vùng quá mua. Đồng thời, chỉ báo dòng tiền Chaikin cũng chạm vùng kháng cự, báo hiệu sự suy yếu của dòng tiền trong những phiên tới. Do đó, trong ngắn hạn, DGW có thể sẽ xuất hiện những nhịp điều chỉnh kĩ thuật.
DGW đã hình thành kênh giá đi ngang rất rõ ràng, giá có ít nhất 5 lần kiểm chứng kháng cự. Các đỉnh từ trái sang phải với khối lượng giao dịch tăng dần chứng tỏ áp lực bán ra càng ngày càng nhiều hơn khi giá tiệm cận vùng kháng cự 17-17.5.
Mặc dù giá đã bứt phá ra khỏi kênh giá, DGW cần phải có thêm thời gian để kiểm chứng lại ngưỡng hỗ trợ cũng chính là ngưỡng kháng cự cũ quanh 17-17.5 do nguồn cung duy trì ở mức cao.
Nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân DGW khi giá quay trở lại kiểm chứng thành công ngưỡng hỗ trợ quanh vùng 17-17.5. Sự kiểm chứng thành công được thể hiện khi xuất hiện cây nến đảo chiều với khối lượng giao dịch cao, khi đó xu hướng tăng trong trung hạn của DGW được kì vọng hình thành một cách vững chắc với giá mục tiêu trong trung hạn là 21, tương đương với tỷ suất sinh lời 20% và cắt lỗ khi giá giảm xuống mức 16.
>> Tải báo cáo
Khuyến nghị mua cổ phiếu SJS
CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS)
Cổ phiếu của CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà (mã SJS) vừa có phiên break vào hôm qua (10/10), đà tăng của cổ phiếu được hình thành từ khoảng tháng 4/2016 và hiện đang ở sóng 5 trong chu kỳ tăng điểm trung hạn của mình.
Đà tăng này được hỗ trợ từ thông tin dự án Nam An Khánh (chiếm tỷ trọng lớn trong hàng tồn kho của doanh nghiệp) đã nhận được sự đầu tư – phát triển dưới thương hiệu Vinhomes.
Trong nửa đầu năm nay SJS vẫn chưa ghi nhận doanh thu từ dự án này do và đà tăng mạnh trong thời gian gần đây cho thấy sự kỳ vọng của thị trường vào kết quả kinh doanh cuối năm của doanh nghiệp.
Xét theo kỹ thuật chúng tôi thấy rằng SJS có tiềm năng để tiếp tục đà tăng trong ngắn hạn, theo fibo ngưỡng cản gần nằm tại 34.8 (ngưỡng 74.8%) và 37.1 (ngưỡng 100%). Chúng tôi đưa ra khuyến nghị MUA đối với SJS trong ngắn hạn với giá mục tiêu khoảng 38,500đ và cắt lỗ tại 31,700đ.