Cổ phiếu cần quan tâm ngày 11/9

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 11/9

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 11/9 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua cổ phiếu BWE

CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS)

CTCP Cấp thoát nước Bình Dương (mã BWE) là công ty chuyên cung cấp nước sạch và dịch vụ xử lý rác phục vụ đô thị và công nghiệp tại Bình Dương. Hiện công suất cấp nước của BWE là 383,000 m3/ngày đêm, đứng thứ 3 toàn quốc về công suất cấp nước. Trong năm 2016, BWE cung cấp tổng cộng 98 triệu lít nước sạch, đóng góp 50-60% tổng doanh thu. Hoạt động xử lý rác thải chiếm khoảng 20% doanh thu. Còn lại là các hoạt động khác như nhượng vật tư, công trình, xây lắp…

BWE chỉ mới IPO trong năm 2016 với 73.5 triệu cổ phiếu tương đương 49% vốn điều lệ được bán ra trong đó 35% cổ phần được mua bởi đối tác chiến lược CTCP Thủ dầu một (TDM:Upcom). Tỷ lệ cổ phần 51% không chào bán được nắm giữ bởi Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp - Công ty TNHH MTV (BECAMEX IDC) – đại diện phần vốn của UBND tỉnh Bình Dương.

Tuy nhiên, ngày 5/9, BECAMEX IDC thông báo bán ra 15 triệu cổ phần BWE tương đương 10% vốn điều lệ. Đối tác mua là TDM thông qua giao dịch thỏa thuận. Như vậy, TDM có thể muốn nâng sở hữu vốn BWE lên hơn 50%.

Một trong những lý do BWE hấp dẫn là đây là đơn vị cung cấp nước và xử lý rác thải duy nhất tại Bình Dương – địa phương đang thu hút dòng vốn FDI mạnh mẽ. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2017, với tổng vốn cam kết 1,726 tỉ đô la Mỹ, vượt 23% kế hoạch năm, tăng 51% so cùng kỳ năm ngoái. Đây sẽ là cơ hội cho BWE cung cấp dịch vụ phục vụ khu công nghiệp.

Giá cổ phiếu BWE hiện đang giao dịch quanh vùng giá 25.000-26.000 sau khi tăng nhanh từ mức giá 17.150 đồng/cổ phiếu chào sàn.

Trong ngắn hạn, BWE sẽ còn nhiều tiềm năng tăng giá nhờ TDM có thể mua thêm để nâng sở hữu tại BWE, còn về dài hạn nhờ tăng trưởng từ hoat động kinh doanh cốt lõi cung cấp nước sạch và xử lý rác thải do dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Bình Dương. Do đó, chúng tôi khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu BWE.

Khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu DGW

CTCK Phú Hưng (PHS)

Nỗ lực tái cấu trúc thông qua chiến lược tập trung vào khai thác dịch vụ MES, điện toán đám mây và ngành hàng phân phối sản phẩm chăm sóc sức khoẻ. Công ty cổ phần Thế giới số - DGW (mã DGW) đang từng bước chuyển mình từ một nhà phân phối thiết bị ICT để trở thành nhà cung cấp dịch vụ phát triển thị trường đa ngành.

Với các mảnh ghép kinh doanh hiện tại, có thể nói DGW sẽ sớm lấy lại vị thế nhà phân phối hàng đầu tại Việt Nam. Tuy nhiên, công ty cũng phải đối mặt với những chi phí đầu tư ban đầu cao cho sự chuyển dịch cơ cấu này. Vì vậy, tác động đến lợi nhuận và doanh thu trong năm 2017 nhưng tiềm năng sẽ rất lớn cho những năm sau này

Chúng tôi dự phóng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2017 là 50 tỷ, tương ứng với EPS forward 2017 là 1.260 đồng/cp và P/E là 13.x. So với mức trung bình ngành P/E (15.x) ứng với mức giá mục tiêu 18.900 đồng/CP. Mức giá này đã phản ánh hợp lý với giá trị công ty. Do đó, chúng tôi đưa khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu DGW.

Khuyến nghị mua và nắm giữ cổ phiếu TDH

CTCK MB (MBS)

Theo báo cáo tài chính quý II/2017, CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (mã TDH) có doanh thu thuần đạt gần 510 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ năm trước, lũy kế 6 tháng đầu năm doanh thu đạt gần 754 tỷ đồng, tăng 84%.

Trong cơ cấu doanh thu nửa đầu năm 2017, doanh thu từ mảng địa ốc và dịch vụ chiếm tỷ trọng gần 70%, đạt gần 526 tỷ đồng; doanh thu từ dịch vụ quản lý chợ đạt 105 tỷ đồng; doanh thu từ bán hàng và dịch vụ đạt gần122 tỷ đồng. Doanh thu 6 tháng đầu năm của TDH chủ yếu đến từ các dự án như Khu nhà ở Bình Chiểu 2 (154 tỷ đồng), Long Hội City (4,5 tỷ đồng), TDH-Tocontap (40 tỷ đồng), Tiến Thịnh (51 tỷ đồng), TDH - Phước Bình (5 tỷ đồng), S-Home Phước Long (8 tỷ đồng),…

Cũng trong 6 tháng đầu năm, TDH ghi nhận khoản lãi từ đánh giá lại tài sản Bách Phú Thịnh gần 25 tỷ đồng, giúp doanh thu tài chính đạt gần 47 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí tài chính lại giảm 25% nhờ hoàn nhập dự phòng đầu tư chứng khoán.

Ngoài ra, 3 công ty liên kết liên doanh là CTCP Phát triển nhà Deawon - Thủ Đức, CTCK Sen Vàng và Fideco (FDC) đem về gần 12 tỷ đồng. Kết quả là lợi nhuận sau thuế của TDH trong 6 tháng đầu năm đạt gần 105 tỷ đồng, tăng 69% so cùng kỳ năm 2016 và đạt hơn 80% chỉ tiêu kế hoạch lãi hợp nhất cả năm 2017 (130 tỷ đồng).

Theo chia sẻ từ phía doanh nghiệp, doanh thu 6 tháng cuối năm của TDH dự kiến chủ yếu đến từ các dự án như Khu nhà ở Bình Chiểu 2 đã hoàn tất thi công hạ tầng (160 tỷ đồng), Chung cư Tocontap đang xúc tiến hợp tác đầu tư (85 tỷ đồng), Long Hội City (30 tỷ đồng) và hạch toán hết các dự án: TDH - Trường Thọ (15 tỷ đồng), TDH - Phước Bình (7 tỷ đồng),…Ngoài ra, các mảng hoạt động kinh doanh khác của Công ty (quản lý chợ, xuất nhập khẩu…) đều đang khả quan, dự kiến sẽ tăng trưởng so với năm trước.

Hiện nay, TDH đang triển khai nhiều dự án gối đầu làm tiền đề cho sự tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận năm 2018 gồm khởi công Chung cư Centum Wealth, Chung cư Tocontap, hoàn tất đền bù khu 2 dự án Long Hội City, đầu tư S-Home Bình Chiểu (Lô I&H), xây dựng khu Resort Cantavil - Long Hải.

Chúng tôi cho rằng với việc tiếp tục hoạch toán doanh thu và lợi nhuận của các dự án bất động sản trong 6 tháng cuối năm, TDH có thể đạt 160 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt 23% kế hoạch lợi nhuận đề ra, EPS forward năm 2017 đạt khoảng 1.960 đồng/cp.

Hiện tại, cổ phiếu TDH đang giao dịch với mức P/E là 9,02 lần, thấp hơn P/E trung bình ngành bất động sản (18 lần) và P/E thị trường (16 lần). Mức P/E forward năm 2017 đạt 10 lần, giá hợp lý đối với cổ phiếu TDH khoảng 19.600 đồng/cp. Do đó, chúng tôi khuyến nghị mua và nắm giữ cổ phiếu TDH ở vùng giá hiện tại với kỳ vọng tăng trưởng 20%.

Tin bài liên quan