Cổ phiếu cần quan tâm ngày 11/12

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 11/12

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 11/12 của các công ty chứng khoán.

PAC: Thích hợp cho nhà đầu tư ngại rủi ro

CTCK Rồng Việt (VDSC)

CTCP Pin ắc quy miền Nam (PAC – HSX) là công ty hoạt động trong lĩnh vực gắn liền với tăng trưởng kinh tế, sự phục hồi của nền kinh tế cũng như ngành công nghiệp ô tô gần đây góp phần cải thiện nhu cầu sử dụng mặt hàng pin và ắc quy.

Bên cạnh đó, nội tại của doanh nghiệp đang dần có những thay đổi, cụ thể (1) Cải tiến chất lượng sản phẩm của nhà máy tại Đồng Nai (sử dụng công nghệ Nhật Bản) và đa dạng hóa ngành hàng bằng những sản phẩm mới trong ắc quy xe máy và ô tô; (2) Kiểm soát chi phí, đặc biệt là chi phí bán hàng khi đưa vào áp dụng hệ thống mã vạch kiểm soát bán hàng, góp phần tiết giảm 5-7 tỷ chi phí bảo hành mỗi năm; (3) Nới lỏng chính sách bán hàng nhằm nâng cao tính cạnh tranh và kích thích nhu cầu tiêu dùng. Nhờ những thay đổi trên, PAC đã nâng cao năng lực cạnh tranh với đối thủ là công ty GS Battery (Nhật Bản), đồng thời, có thêm hai khách hàng lớn là Honda và Piaggio.

Theo chia sẻ của Công ty, kết quả kinh doanh năm 2014 ước vượt nhẹ so với kế hoạch, trong đó doanh thu đạt khoảng 2.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 92 tỷ đồng.

Theo VDSC, PAC là một doanh nghiệp cơ bản tốt có thương hiệu lâu đời, tình hình kinh doanh khá ổn định và tỷ suất cổ tức khá tốt (6-8%). Thêm vào đó, xu hướng giảm của giá chì kỳ vọng sẽ phản ánh vào biên lợi nhuận gộp của Công ty trong năm sau. Với những lý do trên, nên cổ phiếu PAC thích hợp với nhà đầu tư ưa thích sự ổn định và ngại rủi ro, nhất là trong bối cảnh thị trường đang điều chỉnh mạnh như hiện nay.

HNM: Kinh doanh tiếp tục khó khăn

CTCK MB (MBS)

Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu HNM đạt mức 155 tỷ VNĐ, giảm mạnh so với cùng kỳ. Công ty bị lỗ nhẹ 226 triệu VNĐ, giảm mạnh so với cùng kỳ.

Hoạt động kinh doanh của HNM chủ yếu là sản xuất kinh doanh sữa nước, những sản phẩm chính của Công ty là nhãn hiệu IZZI, Yotuti, Sữa tươi Hanoimilk 100%. Nhìn chung vị thế kinh doanh của Công ty là yếu khi mảng hoạt động này Công ty chịu áp lực cạnh tranh ác liệt từ các Doanh nghiệp lớn trong ngành là Cô Gái Hà Lan, Vinamilk và THtrue milk.

Năng lực tài chính và sản xuất yếu khiến Công ty hoàn toàn lép vế tại các kênh phân phối chính so với các doanh nghiệp trên và chiếm thị phần không đáng kể. Thị phần của Công ty đang trong giai đoạn co hẹp.

Trong 9 tháng đầu năm, Công ty đã cố tiết giảm chi phí bán hàng, quản lý song không thể cứu Công ty thoát khỏi tình trạng thua lỗ. Nguyên nhân là hoạt động bán hàng không thể khởi sắc khi các Công ty lớn tiếp tục chiếm lĩnh thị trường bằng các hoạt động khuyến mại, quảng cáo, chiết khấu cho các kênh phân phối. Trong khi các đối thủ đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm, HNM phải co hẹp hoạt động này do không còn nguồn lực. Điều này tác động tiêu cực lên hoạt động bán hàng của Công ty.

Chúng tôi đánh giá, hoạt động kinh doanh của HNM sẽ tiếp tục khó khăn trong thời gian tới.

NKG: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK MaritimeBank (MSBS)

Với việc dây chuyền cán nguội mở rộng với công suất 200.000 tấn/năm tại Nhà máy Đồng An bắt đầu hoạt động từ quý I/2015, CTCP Thép Nam Kim sẽ có khả năng chủ động được nguồn nguyên liệu thép cán nguội (CRC). Đây là bước tiến quan trọng của công ty để hướng tới mục tiêu xây dựng dây chuyền sản xuất đồng bộ. Với việc không còn phải nhập nguồn nguyên liệu CRC từ bên ngoài, NKG sẽ có được sự chủ động hơn trong việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất và có khả năng gia tăng biên lợi nhuận gộp.

Cổ phiếu NKG của CTCP Thép Nam Kim đang được giao dịch tại mức P/E dự phóng 2014 và 2015 lần lượt là 6,7 lần và 5,8 lần, thấp hơn so với mức P/E trung bình ngành thép. Dựa vào kỳ vọng nền kinh tế vĩ mô sẽ ổn định và phục hồi ổn định, cổ phiếu NKG có tiềm năng tăng trưởng tương đối lạc quan nhờ vào kết quả kinh doanh tốt của công ty. Với diễn biến thị trường hiện tại, chúng tôi đưa ra khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu NKG.

>> Tải báo cáo

Tin bài liên quan