Ảnh Internet.

Ảnh Internet.

Thị trường tài chính 24h: Margin có dấu hiệu tăng

(ĐTCK) VN-Index không giữ được mốc 970 điểm;Thanh khoản ngân hàng có dấu hiệu căng thẳng cục bộ; “Đãi sàn”, tìm cổ phiếu định giá hấp dẫn'; Làm mới dòng chảy margin; Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông phục hồi khá tốt; Có thật nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc?...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

VN-Index tăng nhẹ

Diễn biến phân hóa ở nhóm bluechip khiến thị trường giằng co và rung lắc khá mạnh trong phiên sáng nay. Tuy nhiên, với sự khởi sắc VNM cùng đà hồi phục ở nhóm dầu khí, VN-Index bảo toàn được mốc 970 điểm.

Bước sang phiên chiều, thị trường không có gì đột biến, VN-Index vẫn lình xình trên mốc 970 điểm.

Nhưng sau đó, hầu hết các cổ phiếu ngân hàng quay đầu đi xuống, là gánh nặng chính khiến thị trường thu hẹp đà tăng.

VCB giảm 1% xuống 61.400 đồng, CTG giảm 1,2% xuống 25.700 đồng, MBB giảm 2,1% xuống 22.900 đồng, STB giảm 0,4% xuống 11.150 đồng, VPB giảm 4,2% xuống 24.900 đồng, HDB giảm 2,5% xuống 35.000 đồng.

Nhóm cổ phiếu ngành thép cũng thiếu tích cực khi HPG giảm 1,2% xuống 37.250 đồng, HSG giảm 2,4% xuống 10.250 đồng. POM giảm 3,5% xuống 13.600 đồng, TLH giảm 1,2% xuống 7.200 đồng.

VNM vẫn là trụ đỡ chính khi tăng 1% lên 160.100 đồng. Bên cạnh đó phải kể tới cặp đôi lớn nhóm dầu khí là GAS và PLX. Trong đó, GAS tăng 2,1% lên 98.200 đồng, còn PLX tăng 2% lên 65.500 đồng.

Các mã bluechip khác có sự đóng góp kém hơn như VIC tăng 0,3% lên 102.600 đồng/, BID tăng 1% lên 31.400 đồng, MSN tăng 0,3% lên 89.900 đồng, MWG tăng 2,5% lên 121.000 đồng

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, việc ra mắt Bamboo Airways tiếp tục khiến FLC nóng hơn. Kết phiên, FLC tăng 3,43% lên mức 6.330 đồng và khớp lệnh 20,64 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE.

Cặp đôi HAG và HNG. Sau thông tin thu về 3.800 tỷ đồng từ trái phiếu và tăng hơn 1.000 ha trồng chuối, cổ phiếu HAG đã bật cao sau 5 phiên điều chỉnh, tăng 6,7%, cổ phiếu HAG lên 7.120 đồng

HNG cũng đảo chiều tăng vọt sau 4 phiên giảm, tăng 6,9% lên mức giá trần 15.400 đồng và khớp 2,43 triệu đơn vị.

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại bán ròng 4,19 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 86,77 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 89.370 đơn vị, nhưng giá trị là mua ròng 1,14 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 615.120 đơn vị, giá trị mua ròng 27,4 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 20/8: VN-Index tăng 0,74 điểm (+0,08%), lên 969,62 điểm; HNX-Index tăng 0,04 điểm (+0,04%), lên mức 108,06 điểm; UPCoM-Index giảm 0,09 điểm (-0,17%), xuống 51,38 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 4.691 tỷ đồng.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ

Sau khi hãm đà rơi trong một vài ngày, đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ lại lao dốc trong phiên cuối tuần khi tòa án Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ đề nghị thả mục sư người Mỹ Andrew Brunso và Mỹ cảnh báo sẽ có nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế hơn nữa với Ankara.

Dù cuộc khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng trở lại, nhưng phố Wall vẫn tăng điểm trong phiên cuối tuần qua khi thị trường được bù đắp bởi thông tin Mỹ và Trung Quốc sẽ trở lại bàn đàm phán thương mại vào cuối tháng 8 này.

Ngoài ra, thị trường phố Wall còn được hỗ trợ bởi một quan chức kinh tế Mexico nói với các phóng viên rằng, các cuộc đàm phán thương mại giữ Mỹ và Mexico đã “tiến triển tốt”.

Với các phiên tăng điểm liên tiếp nhờ sự hỗ trợ của kết quả kinh doanh và thông tin về cuộc đàm phán thương mại Trung - Mỹ, Dow Jones và S&P 500 đã hồi phục trở lại, trong khi Nasdaq quay đầu giảm điểm do chịu tác động tiêu cực của nhóm cổ phiếu công nghệ.

Cụ thể, trong tuần, Dow Jones tăng 1,41%, S&P 500 tăng 0,59%, trong khi Nasdaq giảm 0,29%.

Kết thúc phiên 17/8, chỉ số Dow Jones tăng 110,59 điểm (+0,43%), lên 25.669,32 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,44 điểm (+0,33%), lên 2.850,13 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 9,81 điểm (+0,13%), lên 7.816,33 điểm.

Thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm khi các cổ phiếu liên quan đến sản xuất chip suy yếu, trong bối cảnh thanh khoản thấp khi giới đầu tư chọn cách đứng ngoài khi Mỹ và Trung Quốc đang chuẩn bị đàm phán thương mại.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 255 giảm 0,3% xuống 22.199,00 điểm. Topix giảm 0,3% xuống 1.692,15 điểm, với chỉ 983 triệu cổ phiếu được giao dịch, mức thấp nhất kể từ đầu tháng Tư.

Các thông tin cho thấy các cuộc đàm phán ở Washington giữa Mỹ và Trung Quốc về các vấn đề thương mại sẽ diễn ra vào ngày 21 và 22/8, ngay trước thời điểm mức thuế mới của Mỹ đối với hàng hóa trị Trung Quốc tri giá 16 tỷ USD có hiệu lực.

Nhóm cổ phiếu liên quan đến chip bán dẫn suy yếu với Sumco Corp giảm 3%, Tokyo Electron giảm 1% và Advantest Corp giảm 1,1%, sau khi chỉ số bán dẫn Philadelphia SE giảm 0,7% hôm thứ Sáu.

FamilyMart UNY Holdings tăng 5,4% trong phiên trước khi các nhà đầu tư mua đuổi giá sau thông tin Itochu Corp tăng sở hữu từ 41,5% lên 50,1%, thì sang đến hôm nay, cổ phiếu này đã giảm 11%.

Itochu cho biết 10,9 triệu cổ phần của FamilyMart đã được chào bán bởi một cổ đông với mức giá 11.000 yên/cổ phiếu, từ 17/7 đến 16/8 vừa qua.

Otsuka Kagu giảm 5,6% sau khi có thông tin rằng, cổ đông Brandes Investment đã bán toàn bộ 6,41% cổ phần sở hữu tại công ty này.

Chứng khoán Trung Quốc hồi phục khá tốt sau khi có một báo cáo rằng các nhà quản lý chứng khoán của Trung Quốc đã triệu tập các nhà phân tích, môi giới để xem xét tình trạng thị trường hiện tại.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,1% lên 2.668,97 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 1,17% lên 3.267,35 điểm.

Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã tổ chức một cuộc họp kín với một số nhà kinh tế, chiến lược gia và môi giới để nghe quan điểm của họ về thị trường hiện tại, tờ China Securities Securities Journal đưa tin.

Mặc dù CSRC không cung cấp bất kỳ thông tin cụ thể nào nhưng cuộc họp này đã giúp cải thiện tâm lý thị trường chung.

Phiên hôm nay, chỉ số phụ ngành tài chính tăng 1,76%, ngành tiêu dùng tăng 1,24%, bất động sản tăng 1,99% và y tế vẫn đi xuống với mức giảm 1,95%.

Nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất hôm nay có Shaanxi Baoguang Vacuum Electronic Apparatus Co Ltd tăng 10,06%; China Sports Industry Group Co Ltd tăng 10,04% và Shanghai Shibei Hi-Tech Co Ltd tăng 10,04%.

Nhóm cổ phiếu giảm sâu nhất gồm Beihai Gofar Marine Biological Industry Co Ltd giảm 10,05%; Gansu Gangtai Holding Group Co Ltd giảm 10,01% và Digital Solution Co Ltd giảm 10,01%.

Chứng khoán Hồng Kông cũng đã theo sau thị trường Đại lục, hồi phục khá mạnh mẽ nhờ nhóm cổ phiếu CNTT, đặc biệt là Tencent.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,4% lên 27.598,02 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,1% lên 10.632,36 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành năng lượng tăng 1,9%, ngành CNTT tăng 3,34%, tài chính tăng 1,1% và bất động sản tăng 1,12%

Cổ phiếu tăng điểm cao nhất phiên hôm nay là Tencent Holdings Ltd tăng 4,09%, trong khi thua lỗ lớn nhất là WH Group Ltd giảm 5,89%.

Nhóm cổ phiếu H tăng tốt nhất gồm Byd Co Ltd tăng 6,22%; Air China Ltd tăng 4,2% và Tencent Holdings Ltd tăng 4,09%.

Nhóm cổ phiếu H giảm sâu nhất là Postal Savings Bank of China Co Ltd giảm 2,30%; China Railway Group Ltd giảm 2,1% và CRRC Corp Ltd giảm 2,1%.

Kết thúc phiên 20/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 71,38 điểm (-0,32%), xuống 22.199,00 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 384,61 điểm (+1,41%), lên 27.598,02 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 29,50 điểm (+1,11%), lên 2.698,47 điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ

- Vàng SJC giảm nhẹ. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.310 đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay giảm 20.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,59 - 36,79 triệu đồng/lượng, giảm 10.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.684 đồng/USD, giảm 5 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.230 - 23.310 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Thanh khoản ngân hàng có dấu hiệu căng thẳng cục bộ

Lãi suất liên ngân hàng có dấu hiệu bật tăng mạnh trở lại, cho thấy thanh khoản ngân hàng đang có dấu hiệu căng thẳng..>> Chi tiết

“Đãi sàn”, tìm cổ phiếu định giá hấp dẫn

Với giới đầu tư chứng khoán, việc tìm kiếm những cổ phiếu cơ bản tốt, tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, minh bạch về thông tin, trả cổ tức cao và đều đặn hàng năm, nhưng chưa tăng giá hoặc ở vùng giá hấp dẫn để mua rẻ là điều bất cứ ai cũng mong muốn..>> Chi tiết

Làm mới dòng chảy margin

Dòng tiền giao dịch ký quỹ (margin) lâu nay là yếu tố quan trọng thúc đẩy giao dịch trên thị trường chứng khoán. Ở góc độ nhà cung cấp dịch vụ, các công ty chứng khoán nỗ lực đưa ra các sản phẩm margin phù hợp với nhiều nhóm đối tượng nhà đầu tư..>> Chi tiết

Kiểm toán nội bộ: “Yếu” không hẳn vì “thiếu”

Bộ phận kiểm toán nội bộ (KTNB) có chức năng giám sát, đánh giá, dự báo rủi ro và đưa ra định hướng khắc phục rủi ro đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam chưa “mặn mà” với một trong những thông lệ tốt này của quốc tế..>> Chi tiết

Khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp nhỏ

Với doanh nghiệp (DN), nhất là các DN nhỏ, DN khởi nghiệp, vốn tín dụng là rất quan trọng để có thể phát triển sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn này hiện rất khó khăn do quy định khắt khe về tài sản bảo đảm của ngân hàng..>> Chi tiết

Có thật nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc?

Trong bối cảnh những xung đột thương mại với Mỹ gia tăng, nền kinh tế Trung Quốc thu hút được sự chú ý nhiều hơn nữa đối với các thành viên thị trường trên toàn cầu, trong đó, vấn đề tăng trưởng kinh tế giảm tốc trở thành mối lo ngại hiện hữu. Tuy nhiên, có thật nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc?..>> Chi tiết

Tin bài liên quan