Điểm mặt các đơn vị không cổ phần hóa được doanh nghiệp nào
Để hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp giai đoạn 2014 - 2015, trong năm nay phải cổ phần hóa xong 289 doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo cập nhật mới nhất của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương, tập đoàn, tổng công ty về đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệpNN do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì mới đây, tính đến ngày 10/11, cả nước mới cổ phần hóa được 159 doanh nghiệp.
Nếu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai phương án sắp xếp, cổ phần hóa đã được phê duyệt thì dự kiến năm 2015 sẽ cổ phần hóa được khoảng 210.
Như vậy là khoảng 80 doanh nghiệp sẽ không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa trong năm nay như mục tiêu đề ra. Các địa chỉ chậm cổ phần hóa vừa được Văn phòng Chính phủ công khai. Theo đó, nhiều bộ, địa phương chưa cổ phần hóa, sắp xếp được bất kỳ doanh nghiệp nào tính từ đầu năm tới nay như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nam Định, Tiền Giang, Bình Dương, Bình Phước, Đắk Lắk, Gia Lai…Bộ Công thương và TP. HCM từ đầu năm đến nay mới chỉ cổ phần hóa, sắp xếp được lần lượt 2/12 doanh nghiệp và 6/21 doanh nghiệp.
Với khoảng 80 doanh nghiệp khó có thể hoàn thành cổ phần hóa trong năm nay như kế hoạch, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp yêu cầu các bộ, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các bước để tiến hành cổ phần hóa vào đầu năm 2016.
Theo ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, trong giai đoạn 2016 - 2020, ngoài khoảng 80 doanh nghiệp nêu trên, ước có khoảng 500 doanh nghiệp sẽ được cổ phần hóa trong giai đoạn 2016 - 2020.
Quyết định 37/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệpNN sẽ được thay đổi, khi đó các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chuyển sang diện cổ phần hóa sẽ tăng lên thêm khoảng 100 doanh nghiệp.
Sẽ đề xuất biện pháp xử lý thích đáng
Với định hướng mới về cổ phần hóa như trên, rõ ràng nhiệm vụ cổ phần hóa tiếp tục đặt ra nặng nề trong giai đoạn 2016 - 2020. Bởi vậy, nếu không có biện pháp chấn chỉnh nguyên nhân chủ quan dẫn đến cổ phần hóa chậm, như ông Lê Mạnh Hà chỉ rõ là do không ít đơn vị, bộ ngành, địa phương chưa tích cực tập trung triển khai, thì cũng sẽ khó hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa trong giai đoạn tới.
Trong bối cảnh đó, việc xử lý trách nhiệm cá nhân lãnh đạo các doanh nghiệp, cũng như những người có liên quan đến việc để xảy ra tình trạng cổ phần hóa chậm từ đầu năm đến nay ở các bộ, địa phương đã được Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhắc đến tại Hội nghị đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệpNN mới đây, tiếp sau không ít lần ông và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu ra trước đó.
Thông điệp mạnh mẽ, quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ về xử lý trách nhiệm cá nhân những người để xảy ra cổ phần hóa chậm được nêu ra từ đầu năm ngoái, thế nhưng theo ông Lê Mạnh Hà: đến thời điểm này, chưa có cá nhân nào bị xử lý.
“Đến cuối năm, đối với các đơn vị đạt kết quả cổ phần hóa thấp, với trách nhiệm thường trực Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, chúng tôi sẽ đề xuất cụ thể biện pháp xử lý thích đáng, không thể không hoàn thành nhiệm vụ mà vẫn được đánh giá tốt”, ông Hà nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến cho rằng, Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp không chỉ cần sớm có những đề xuất cụ thể lên Thủ tướng Chính phủ các hình thức xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân là lãnh đạo doanh nghiệp, mà còn là các cá nhân có trách nhiệm liên đới ở các bộ, địa phương để xảy ra cổ phần hóa chậm, dẫn đến không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 432 doanh nghiệp giai đoạn 2014 - 2015 của Chính phủ.