Cổ phần hóa chậm, chưa thấy ai chịu trách nhiệm

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) lo lắng tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn chậm, nhưng đến nay chưa thấy ai chịu trách nhiệm.

 Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội chiều ngày 2/11, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã bày tỏ sự lo ngại việc tái cơ cấu nền kinh tế trong những năm qua “chưa hoàn thành mục tiêu đề ra”.

Lấy ví dụ chuyện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ông Nguyễn Đức Kiên cho biết, kế hoạch đặt ra trong năm 2014 - 2015 là phải tái cơ cấu 432 doanh nghiệp nhà nước, nhưng không thể hoàn thành.

“Chính phủ hồi đầu năm đã cương quyết rằng nếu người đứng đầu chậm thực hiện cổ phần hóa thì phải chịu trách nhiệm cá nhân, nhưng đến nay chưa thấy ai chịu trách nhiệm cả”, ông Nguyễn Đức Kiên nói.

Với DNNN, chỉ trong 2 năm 2014-2015 phải tái cơ cấu 432 DNNN nhưng đến nay khả năng còn 100 nữa chưa hoàn thành được. Chính phủ tại kỳ họp đầu năm chỉ rõ nếu người đứng đầu k thực hiện CPH thì phải chịu trách nhiệm cá nhân, nhưng đến nay chưa thấy thông tin này, dẫn đến tình trạng chậm cổ phần hóa.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên còn viện dẫn con số khoảng 1,5 triệu tỷ đồng vốn do doanh nghiệp nhà nước quản lý, tổng tài sản gần 5 triệu tỷ đồng, để đặt câu hỏi về việc đóng góp của khu vực này như thế nào?

Không chỉ là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, mà theo ông Nguyễn Đức Kiên, cả tái cơ cấu đầu tư công, hệ thống tài chính - ngân hàng cũng chưa có kết quả tích cực.

Phát biểu thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Đức Kiên cũng đã nhắc đến con số nợ công 61,3% để nhấn mạnh việc “Việt Nam đứng thứ 12 trong số các nước dễ vỡ nợ công”.

Trong khi đó, phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ sự lo ngại trước tiến trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm chạp.

“Phải làm rõ vì sao tái cơ cấu kinh tế không được như kế hoạch. Dù tăng trưởng kinh tế hồi phục nhưng chưa vững chắc. Trong khi đúng như đại biểu Nguyễn Đức Kiên đã nói, tốc độ tăng nợ công bình quân 5 năm qua là 2 con số, trong khi tăng trưởng kinh tế chỉ hơn 5,8%”, đại biểu Trương Văn Vở nói.

Thậm chí, một cách thẳng thắn, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) còn cho rằng, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn tới thay vì cần “hoạch định lại để tái cơ cấu”, thì Chính phủ lại bổ sung thêm một số lĩnh vực khác, cho thấy “còn có sự lúng túng”.

“Cải cách doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn ngoài ngành còn rất ngổn ngang”, đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu.

Trước đó, tại phiên khai mạc Quốc hội, Chính phủ cũng đã báo cáo Quốc hội rằng, 5 năm qua, đã sắp xếp 465 doanh nghiệp nhà nước, trong đó cổ phần hóa 353 doanh nghiệp. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán bớt phần vốn tại các doanh nghiệp cổ phần hóa cũng thu về cao hơn giá trị sổ sách, gấp 1,47 lần.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ đã cho rằng, mặc dù, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mạnh mẽ, nhưng kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn chậm, một số doanh nghiệp triển khai chưa quyết liệt, có nơi trách nhiệm chưa cao, hiệu quả sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực Nhà nước giao...

“Một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng tỷ lệ cổ phần nắm giữ của Nhà nước còn rất lớn chưa tạo chuyển biến về chất đối với quản trị doanh nghiệp”, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định.

Tin bài liên quan