Bảo hiểm vi mô

Bảo hiểm vi mô

Bảo hiểm vi mô sẽ là “điểm nhấn” năm 2025

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán, sản phẩm bảo hiểm vi mô sẽ là “điểm nhấn” trong năm 2025 và những năm sau sẽ dần chứng kiến sự gia tăng đáng kể của dòng sản phẩm này song song với quá trình công nghệ hóa các hoạt động bán hàng tài chính.

Trên bình diện quốc tế, nhất là các thị trường tương đồng với Việt Nam, bảo hiểm vi mô được phát triển ra sao?

Một số quốc gia đã đạt được những thành công nhất định trong việc triển khai bảo hiểm vi mô. Chẳng hạn, Ấn Độ là thị trường bảo hiểm vi mô lớn và đa dạng, cũng là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này. Tại đây, bảo hiểm vi mô thực sự là quốc sách với sự hỗ trợ tài chính lớn từ chính phủ.

Tương tự, với Bangladesh, quốc gia này giảm nghèo đói nhờ vào các chương trình bảo hiểm vi mô. Hay tại Kenya, bảo hiểm vi mô đã giúp người dân đối phó với các rủi ro liên quan đến sức khỏe và nông nghiệp. Mexico đã triển khai các chương trình bảo hiểm vi mô để bảo vệ người dân trước các thiên tai như một chương trình của chính phủ…

Tại các quốc gia trên, có nhiều yếu tố giúp bảo hiểm vi mô được triển khai thành công như: Sản phẩm phù hợp (được thiết kế phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của người dân, nhất là đối tượng có thu nhập thấp - đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và cần đến bảo hiểm nhất); kênh phân phối hiệu quả (các kênh bán hàng dễ tiếp cận và thân thiện với người dân, đặc biệt là ở các vùng nông thôn); hợp tác đa ngành với sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng giúp liên kết các nhóm sản phẩm với nhau như cho vay nông nghiệp và bảo hiểm nông nghiệp, cho vay tiêu dùng và bảo hiểm tín dụng vi mô…; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin giúp phân phối sản phẩm vi mô hiệu quả cũng như gia tăng chất lượng dịch vụ, nhất là trong công tác thẩm định chi trả quyền lợi bảo hiểm.

Tại Việt Nam, bảo hiểm vi mô đã được triển khai từ nhiều năm nay nhưng chưa thành công

Tại Việt Nam, bảo hiểm vi mô đã được triển khai từ nhiều năm nay nhưng chưa thành công

Tại Việt Nam, bảo hiểm vi mô liệu có trở thành xu thế trong năm 2025 cũng như những năm tới?

Bảo hiểm vi mô (microinsurance) là một loại hình bảo hiểm dành cho các đối tượng có thu nhập thấp, thường là những người làm việc trong khu vực phi chính thức, nông dân, hoặc những người không có khả năng tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm truyền thống. Loại bảo hiểm này có phí bảo hiểm thấp, sản phẩm đơn giản và dễ hiểu, phạm vi bảo hiểm hẹp và hướng đến cộng đồng (sản phẩm không vì lợi nhuận).

Tại Việt Nam, bảo hiểm vi mô đã được triển khai từ nhiều năm nay nhưng chưa thành công vì nhiều lý do, trong đó việc đặt nặng yếu tố lợi nhuận khiến cho các doanh nghiệp bảo hiểm không thực sự mặn mà với loại hình này.

Một nhược điểm cốt yếu của việc triển khai bảo hiểm vi mô tại Việt Nam là chi phí khai thác. Với mô hình kinh doanh truyền thống, doanh thu bảo hiểm vi mô rất khó bù đắp được chi phí khai thác vì phí bảo hiểm thấp và tỷ lệ bồi thường cao. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi với sự ra đời của các nền tảng Fintech có thể giúp triển khai các dòng sản phẩm bảo hiểm vi mô theo mô hình B2C và B2B2C.

Bởi vì các sản phẩm bảo hiểm vi mô là sản phẩm đơn giản nên công tác tư vấn sẽ nhẹ nhàng và hoàn toàn có thể thực hiện tự động hóa bằng các công cụ hỗ trợ như Chatbot hay AI (trí tuệ nhân tạo). Do đó, các nền tảng Fintech có áp dụng mô hình tiếp thị liên kết (affiliate marketing) sẽ mang đến thành công cho mảng kinh doanh bảo hiểm này.

Trong 2 năm qua, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam gặp nhiều sóng gió, từ đó đặt ra câu hỏi về cách thức tiếp cận khách hàng của các doanh nghiệp liệu có còn phù hợp? Như vậy, cách tiếp cận trực diện thông qua việc giúp khách hàng gia nhập vào hệ sinh thái bảo hiểm vi mô sẽ giúp họ hiểu về bảo hiểm tốt hơn. Thêm vào đó, các sản phẩm bảo hiểm vi mô liên quan đến con người sẽ là sản phẩm dẫn để khách hàng sẵn lòng hơn với các gói sản phẩm bảo hiểm cao cấp hơn.

Thực tế, kết quả hợp tác phát triển bảo hiểm vi mô ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, ngoài xuất phát từ đối tượng khách hàng, thì còn vì lý do gì?

Khách hàng thuộc nhóm người có thu nhập thấp, tức là khả năng nhận thức về quản trị rủi ro nói chung, bảo hiểm nói riêng còn khá hạn chế, thường không tự giác tham gia bảo hiểm và cũng khó thuyết phục hơn so với các nhóm khách hàng khác.

Bên cạnh đó, sản phẩm bảo hiểm vi mô có hoa hồng thấp nên các lực lượng bán hàng chuyên nghiệp (đại lý bảo hiểm, ngân hàng, đại lý tổ chức) thường không mặn mà. Họ có xu hướng thích triển khai những sản phẩm có quy mô phí lớn để có thể thụ hưởng các khoản hoa hồng tương xứng.

Ngoài ra, phương án triển khai hiện chưa phù hợp. Việc triển khai qua các kênh truyền thống tốn khá nhiều chi phí, kể cả việc tuyển dụng các đại lý là những người ở những tổ chức lớn và sâu sát với quần chúng có thu nhập thấp là hội phụ nữ hay hội nông dân còn chưa hiệu quả và nhóm đối tượng này cũng chưa sẵn sàng tham gia tập huấn về bảo hiểm, chưa kể hoạt động giám định chi trả quyền lợi bảo hiểm không hiệu quả vì khoảng cách địa lý.

Một số ngân hàng đã hợp tác với doanh nghiệp bảo hiểm để triển khai bảo hiểm vi mô nhưng hiệu quả chưa như kỳ vọng, đâu là nguyên nhân? Ông có đề xuất gì để phát triển sản phẩm bảo hiểm này trong thời gian tới?

Như đã đề cập ở trên, ngân hàng là kênh đại lý tổ chức. Họ chú trọng vào hiệu suất kinh doanh nên tập trung vào các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có mệnh giá lớn, thay vì triển khai các sản phẩm bảo hiểm vi mô không mang lại thu nhập tốt. Thêm vào đó, đối tượng của bảo hiểm vi mô là những người có thu nhập không cao, trong khi tệp khách hàng của ngân hàng chủ yếu là nhóm dân cư có thu nhập tốt nên họ tập trung vào các sản phẩm bảo hiểm phí cao là điều dễ hiểu.

Do đó, để phát triển được các sản phẩm bảo hiểm vi mô thì phải xem đây là một chính sách, trong đó có những cơ chế ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp triển khai. Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp nào triển khai qua các hệ thống công nghệ thì cần được tính như sản phẩm công nghệ để được hưởng ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp công nghệ hiện hành.

Tín dụng cá nhân dễ áp dụng bảo hiểm vi mô

Ông Nguyễn Nghệ Minh Quang, Tổng giám đốc Công ty Tài chính công nghệ FIMI

Ông Nguyễn Nghệ Minh Quang, Tổng giám đốc Công ty Tài chính công nghệ FIMI

Hiện có một lĩnh vực rất dễ áp dụng bảo hiểm vi mô đó là tín dụng cá nhân. Bởi vì, khi triển khai cho vay tín chấp, các rủi ro của người đi vay cũng chính là một phần rủi ro tín dụng đối với tổ chức tín dụng. Do đó, các tổ chức tín dụng khi cho vay tín chấp hoặc cấp thẻ tín dụng có thể yêu cầu người vay tham gia sản phẩm bảo hiểm vi mô nhằm giúp gia tăng khả năng thu hồi nợ khi người vay không may gặp rủi ro trong cuộc sống.

Chưa kể, việc cấp các khoản vay tín chấp, thẻ tín dụng không còn khó khăn như trước, nên việc triển khai các loại hình sản phẩm bảo hiểm vi mô kèm theo sẽ trở nên dễ dàng và đây là sự kết hợp để tạo ra các sản phẩm bảo hiểm nhúng (embedded insurance). Các sản phẩm vi mô này sẽ giúp khách hàng dễ tiếp cận với bảo hiểm hơn, qua đó gia tăng khả năng tham gia các hợp đồng bảo hiểm con người với mệnh giá cao hơn.

Như vậy, trong lĩnh vực tín dụng, bảo hiểm vi mô sẽ giúp tiếp cận được 2 nhóm khách hàng: Thứ nhất, với khách hàng có thu nhập thấp (vay tín chấp), bảo hiểm vi mô đóng vai trò bảo vệ chính; thứ hai, với khách hàng có thu nhập trung bình - cao (mở thẻ tín dụng), đây sẽ là sản phẩm dẫn giúp họ làm quen với bảo hiểm.

Có thể thấy, hiện nay, các nền tảng Fintech hầu hết đều áp dụng mô hình tiếp thị liên kết và mô hình này mang tới cho các thành viên của nền tảng 2 vai trò: Vừa là khách hàng, vừa là người giới thiệu. Như vậy, các khách hàng của bảo hiểm vi mô đã có đủ các kiến thức về bảo hiểm thông qua các chương trình đào tạo của nền tảng Fintech, qua đó góp phần đảm bảo chất lượng tư vấn của các đại lý bảo hiểm.

Tin bài liên quan