Dấn thân vào thị trường ngách, được đánh giá có rủi ro “khủng” được đánh giá có thể là bước đi mang tính đột phá của một số DN bảo hiểm tới đây.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, việc các hãng bảo hiểm kết hợp với hãng xe bán để bán bảo hiểm “theo xe” không còn xa lạ gì ở các thị trường bảo hiểm phát triển, nhưng ở Việt Nam bây giờ mới có.
Bảo hiểm “theo xe” là một hình thức hợp tác ba bên (hãng xe, công ty bảo hiểm và khách hàng) cùng có lợi, đang được ưa chuộng ở các nước phát triển. Bảo hiểm Ô tô Mercedes-Benz dành cho xe mới và xe đã qua sử dụng không quá 12 năm kể từ ngày sản xuất, với những quyền lợi và dịch vụ bảo hiểm vượt trội, được phục vụ 24/7 theo tiêu chuẩn riêng…
Theo ông Đỗ Quang Thuận, Tổng giám đốc Liberty, công ty mẹ của Liberty tại Hoa Kỳ là Liberty Mutual Insurance đã và đang hợp tác rất thành công với Mercedes-Benz trong việc phát triển và phân phối một sản phẩm bảo hiểm tương tự, mang tên First Class Insurance.
“Chúng tôi tin rằng, đây sẽ là một hướng đi mới đầy tiềm năng cho thị trường bảo hiểm Việt Nam”, ông Thuận nói. Nhìn từ chiến lược marketing, đây là một phương thức cạnh tranh khéo léo của cả hai đối tác khi tạo ra những điểm riêng biệt cho một sản phẩm thông dụng và thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của một thị trường ngách.
Tấn công vào một thị trường được đánh giá có rủi ro “khủng” cũng có thể là bước đột phá của một số công ty bảo hiểm. Cụ thể, CTCP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đang đàm phán với một công ty bảo hiểm lớn nhất nhì khối phi nhân thọ để mua bảo hiểm thân thể không chỉ cho cầu thủ, mà còn cho đội ngũ trọng tài, giám sát ở giải bóng đá chuyên nghiệp mùa 2016. Theo nguồn tin của ĐTCK, thương vụ đang đi đến những bước đàm phán cuối cùng và nếu không có gì thay đổi, mọi thông tin chính thức sẽ được công bố trong những ngày cuối năm 2015.
Việc VPF “nổ phát súng” đầu tiên phá tan “tảng băng” ở phân khúc vốn bị từ chối bảo hiểm có thể trở thành động lực để các doanh nghiệp bảo hiểm khác “dấn thân” vào những phân khúc bảo hiểm có rủi ro cao, với phương châm “rủi ro cao, lợi nhuận nhiều” (high risk, high return).
Không chỉ là việc xây dựng và chào bán các gói bảo hiểm thân thể cho cầu thủ các đội bóng, mà còn là những gói bảo hiểm thân thể cho những ngành nghề đặc thù như ca sỹ, diễn viên… Tất nhiên, đây là những phân khúc không hề “dễ xơi” và không phải công ty bảo hiểm nào cũng đủ khả năng và kinh nghiệm triển khai.
Cùng với xu hướng đánh mạnh vào những phân khúc còn trống trên thị trường, theo nguồn tin của ĐTCK, mới đây, Bảo hiểm PTI cũng đã được Bộ Tài chính cấp phép triển khai sản phẩm bảo hiểm bệnh hiểm nghèo. Sản phẩm này hỗ trợ tài chính cho người được bảo hiểm trong trường hợp mắc phải bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối.
Được biết, bảo hiểm sức khỏe, đặc biệt là bảo hiểm bệnh hiểm nghèo đang là sản phẩm có sức hút trên thị trường. Tuy nhiên, sản phẩm này dù mới với thị trường phi nhân thọ, nhưng lại không còn mới với khối bảo hiểm nhân thọ, nên khi ra thị trường chắc chắn sẽ phải chịu sự cạnh tranh rất gay gắt. Chính vì thế, sản phẩm bảo hiểm bệnh hiểm nghèo của PTI nếu không có sự hấp dẫn đặc biệt về quyền lợi hay mức phí sẽ khó có thể bán chạy như nhiều sản phẩm bảo hiểm bệnh hiểm nghèo mà khối nhân thọ đã triển khai.
Bên cạnh việc phát triển phân khúc bảo hiểm thân thể cho những người làm công việc đặc thù, hiện một số công ty bảo hiểm cũng đang phát triển phân khúc sản phẩm bảo hiểm nghề nghiệp. Đây cũng là một phân khúc bảo hiểm không xa lạ gì với thị trường thế giới, nhưng mới chỉ xuất hiện tại thị trường Việt Nam trong những năm gần đây. Đó là bảo hiểm nghề nghiệp cho luật sư, các cơ sở khám chữa bệnh, kiến trúc sư - tư vấn công trình, kiểm toán viên, bảo vệ hay bảo hiểm trách nhiệm giám đốc…
Cũng như Liberty khi ra mắt dòng sản phẩm Mercedes-Benz, “có một không hai” trên thị trường bảo hiểm Việt Nam, các doanh nghiệp bảo hiểm khác khi khai phá những vùng đất mới đều kỳ vọng, đó là hướng đi mới đầy tiềm năng cho thị trường.