10 cổ phiếu lớn nhất chào sàn năm 2009

10 cổ phiếu lớn nhất chào sàn năm 2009

(ĐTCK-online) Năm 2009 đánh dấu sự bùng nổ của các cổ phiếu đua nhau niêm yết cùng với đà phục hồi mạnh của thị trường. Sau gần 2 năm chờ đợi trong tình cảnh thị trường liên tục lao dốc bởi ảnh hưởng của suy thoái, số cổ phiếu chào sàn đã tăng mạnh trong năm 2009 với 121 mã trên cả hai sàn (72 trên HNX và 49 trên HOSE). Năm 2009 cũng là năm của các "đại gia" lên sàn khi mà chỉ 10 mã lớn nhất chào sàn năm này đã chiếm hơn 27% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường.

TT

Vốn điều lệ

Ngày niêm yết

Sàn

Giá chào sàn

Giá cuối năm

+/-

1

VCB

12.100.860.260.000

30/6/2009

HOSE

60.000

 47.000

-21,7%

2

CTG

11.252.972.800.000

16/7/2009

HOSE

 40.100

 29.700

-25,9%

3

EIB

8.800.080.000.000

27/10/2009

HOSE

 29.000

 24.300

-16,2%

4

BVH

5.730.266.050.000

25/6/2009

HOSE

 46.200

 33.000

-28,6%

5

MSN

4.763.998.200.000

5/11/2009

HOSE

 43.200

 35.500

-17,8%

6

SHB

2.000.000.000.000

20/4/2009

HNX

 15.200

 22.600

48,7%

7

PVX

1.500.000.000.000

19/8/2009

HNX

 27.000

 26.200

-3,0%

9

AGR

1.200.000.000.000

10/12/2009

HOSE

 25.600

 25.000

-2,3%

9

SQC

1.200.000.000.000

17/12/2009

HNX

 81.000

 149.700

84,8%

10

HT2

880.000.000.000

26/3/2009

HOSE

 16.000

 15.000

-6,3%

Trong số 121 DN niêm yết mới trên 2 sàn trong năm 2009, riêng 5 DN lớn nhất đã có tổng vốn hóa lên tới gần 150.000 tỷ đồng và đều lọt vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường. Còn nếu tính cả 10 DN lớn nhất thì tổng giá trị vốn hóa đạt gần 180.000 tỷ đồng. Mời bạn đọc cùng ĐTCK điểm lại một vài nét về 10 cổ phiếu lớn nhất chào sàn trong năm 2009.

 

Xi măng Hà Tiên 2 (26/3/2009)

Ngày 26/3, 88 triệu cổ phiếu của CTCP Xi măng Hà Tiên 2 (HT2) đã chính thức được giao dịch tại HOSE, với giá tham chiếu là 20.000 đồng/cổ phiếu. Cuối tháng 12, Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 của CTCP Xi măng Hà Tiên 2 đã thông qua phương án sáp nhập HT2 vào CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) với 77,29% cổ phiếu của cổ đông tán thành. Công ty hiện có vốn điều lệ 880 tỷ đồng, chuyên sản xuất và kinh doanh clinker, xi măng, khai thác đất sỏi đá, kinh doanh vận tải thuỷ (sà lan).

 

Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (20/4/2009)

Cổ phiếu SHB của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội chào sàn vào cuối tháng 4 và sau đó tăng gấp 4 lần khối lượng niêm yết, với 200 triệu cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. Hiện cổ phiếu này có vốn hóa trên 4.400 tỷ đồng, lớn thứ năm trên sàn Hà Nội. Ngay khi chào sàn, giá cổ phiếu này đã có sự tăng trưởng mạnh kéo dài gần 2 tháng, đạt mức cao nhất là 40.500 đồng/cổ phiếu ngày 15/6/2009, tăng 166,47% so với giá đóng cửa ngày đầu tiên là 15.200 đồng/cổ phiếu.

 

Tập đoàn Bảo Việt (25/6/2009)

Bảo Việt (BVH) đưa lên niêm yết toàn bộ 573 triệu cổ phiếu, tương ứng 100% vốn điều lệ, một cách khá lặng lẽ và không đưa ra phát ngôn nào về kỳ vọng giá. Giá chào sàn cũng được công bố bằng một nửa giá đấu thành công bình quân khi IPO. Cổ phiếu này đạt mức giá 46.200 đồng/cổ phiếu trong ngày đầu tiên lên sàn và tăng thêm 3 phiên nữa trước khi rơi xuống dưới giá chào sàn. Kể từ đó đến nay, cổ phiếu này chưa quay trở lại mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 40.000 đồng/cổ phiếu. Bảo Việt hiện là 1 trong 2 DN niêm yết của Việt Nam đã tìm được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, là Tập đoàn HSBC.

 

Ngân hàng Vietcombank (30/6/2009)

Sau 1 năm rưỡi thực hiện IPO và rất nhiều lần lỡ hẹn lên sàn, cổ phiếu Vietcombank đã lên sàn vào ngày 30/6/2009 với 112,3 triệu cổ phiếu được đưa vào giao dịch. Ngay lập tức, Vietcombank trở thành DN có vốn hóa lớn nhất thị trường, với trên 56.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần quán quân trước đó là ACB với 28.000 tỷ đồng.

Trước khi lên niêm yết, Vietcombank được kỳ vọng sẽ dẫn dắt xu hướng giá các cổ phiếu ngân hàng. Song, vai trò của cổ phiếu này đến nay chưa thể hiện rõ nét. Từ mức giá đóng cửa trong ngày chào sàn là 60.500 đồng/cổ phiếu, giá cổ phiếu Vietcombank đã rớt mạnh trong gần 15 phiên tiếp theo và chưa khi nào vượt qua được mức giá 60.000 đồng/cổ phiếu.

Sô doanh nghiệp niêm yết giai đoạn 2000 - 2009

10 cổ phiếu lớn nhất chào sàn năm 2009 ảnh 1

 

Ngân hàng Vietinbank (16/7/2009)

Riêng Vietinbank (CTG) có đợt chào sàn khá ồn ào. Vietinbank đưa lên niêm yết 121,2 triệu cổ phiếu trên HOSE, với vốn hóa hơn 34.000 tỷ đồng, lớn thứ hai thị trường. Ngay trước khi CTG lên sàn, trong bối cảnh thị trường đang lao dốc, lãnh đạo Vietinbank khẳng định, lẽ ra giá chào sàn phải là 8x. Nhưng ngay trong ngày giao dịch đầu tiên, giá cổ phiếu CTG đã giảm sát sàn còn 40.100 đồng/cổ phiếu, do giới đầu tư chốt lời, bởi giá chào sàn cao gấp đôi giá đấu thành công khi IPO.

 

Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (19/8/2009)

Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam chính thức niêm yết 150 triệu cổ phiếu trên HNX, với mã PVX. Đây là thành viên thứ 9 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam niêm yết tại HNX. Cổ phiếu này đã có phiên chào sàn khá thành công với mức giá bình quân trong phiên giao dịch đạt 24.900 đồng/CP. Tương quan cung cầu của cổ phiếu PVX trong phiên đầu giao dịch là khá tích cực khi "sang tên" hơn 5,1 triệu cổ phiếu. Hai tháng sau, cổ phiếu PVX đã tăng lên mức cao nhất năm là 41.100 đồng, tăng hơn 65% so với ngày chào sàn.

 

Ngân hàng Eximbank (27/10/2009)

Gần 880 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB) được đưa lên giao dịch vào cuối tháng 10, với giá tham chiếu là 28.000 đồng/cổ phiếu. EIB trở thành cổ phiếu có vốn hóa lớn thứ 6 thị trường với trên 21.000 tỷ đồng. Đây cũng là cổ phiếu ngân hàng thứ 4 chào sàn trong năm 2009 (sau SHB, VCB và CTG). Cổ phiếu này chỉ tăng giá 2 phiên đầu tiên, lên mức cao nhất trong năm là 29.800 đồng/cổ phiếu trước khi bị nhà đầu tư chốt lời đẩy giá xuống mức thấp nhất trong năm là 20.200 đồng/cổ phiếu.

 

Tập đoàn Masan (5/11/2009)

Tập đoàn Masan đưa vào giao dịch trên 476 triệu cổ phiếu MSN vào tháng 11 và lập tức trở thành DN có vốn hóa lớn thứ 8 thị trường, với trên 16.700 tỷ đồng. Tập đoàn Masan hoạt động trong nhiều ngành nghề như công nghệ thực phẩm, bất động sản, khai thác khoáng sản, công nghiệp, thực phẩm. Từ mức tham chiếu trong ngày đầu tiên là 36.000 đồng/cổ phiếu, mã MSN đã tăng giá mạnh trong 2 phiên, lên mức cao nhất là 45.300 đồng/cổ phiếu, trước khi sụt giảm mạnh theo xu thế chung của thị trường.

 

CTCK Agriseco (10/12/2009)

CTCP Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agriseco) là cổ phiếu CTCK thứ ba niêm yết tại HOSE, sau SSI và HCM. Agriseco niêm yết 120 triệu cổ phiếu với mã AGR, giá tham chiếu là 32.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó, ngày 6/1/2009, Agriseco đã thực hiện bán đấu giá công khai 30.041.617 cổ phần tại HNX với mức giá đấu thành công bình quân 10.521 đồng/cổ phần.

 

CTCP Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (17/12/2009)

SQC là một trong những cổ phiếu chào sàn cuối cùng trong năm, nhưng nằm trong số những DN có vốn hóa lớn. Công ty này có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng và vốn hóa trên 10.500 tỷ đồng. Từ mức giá 81.000 đồng/cổ phiếu khớp lệnh trong ngày giao dịch đầu tiên trên sàn HNX, cổ phiếu SQC đã tăng giá gần như kịch trần trong 12 phiên liên tiếp, với khối lượng giao dịch rất thấp. Cổ phiếu khoáng sản này khiến nhiều người nhớ đến hiện tượng BMC của năm 2007. Đây cũng là cổ phiếu có P/E cao nhất thị trường.