Theo ước tính của VIS Ratings, khoảng 27% trái phiếu đáo hạn có nguy cơ không trả nợ đúng hạn trong 12 tháng tới (trong đó bao gồm 65% trái phiếu đã chậm trả trước đó). Trong khi đó, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn 2024-2025 vẫn còn rất lớn.
Trước tình hình này, có ý kiến lo ngại, khả năng vỡ nợ trái phiếu sẽ xảy ra, đặc biệt là trái phiếu bất động sản. Dù vậy, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp bất động sản đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất (tháng 6 - 8/2023) nhờ Nghị định 08/2023/NĐ-CP cho phép đàm phán giãn, hoãn nợ.
Về cơ bản, 60% doanh nghiệp bất động sản đã gia hạn được 2 năm (điểm rơi tháng 6/2025), doanh nghiệp chủ động mua lại trái phiếu theo điều kiện phát hành và bắt đầu phát hành trở lại giảm áp lực vốn. Ngoài ra, thị trường bất động sản ấm lên, doanh nghiệp sẵn sàng bán tài sản để trích ra một phần trả nợ.
“Hiện tượng vỡ nợ ít khả năng xảy ra vì khó khăn nhất đã qua, có nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết. Thực tế thì doanh nghiệp bất động sản không cần chiết khấu sản phẩm 40 - 50% như thời gian trước, chiết khấu khoảng 10% đã bán được rồi”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRatings cho rằng, nợ quá hạn là vấn đề lớn nhất của thị trường TPDN giai đoạn 2024-2025.
“Việc hỗ trợ không nên chỉ tập trung vào giải cứu trái phiếu mà quan trọng nhất là tháo gỡ pháp lý bất động sản. Khi tháo gỡ được vấn đề này thì việc xử lý nợ quá hạn rất dễ”, ông Thuân kiến nghị.
Mặc dù vậy, trên thực tế, một số doanh nghiệp hiện nay tồn tại như những zombie, không có khả năng trả nợ trái phiếu. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, giải pháp khả thi nhất với các trường hợp này là cho phép phá sản.
"Đối với vấn đề xử lý các vụ việc không trả nợ gốc/lãi trái phiếu đúng hạn làm mất niềm tin nhà đầu tư, tôi cho rằng giải pháp khắc phục cơ bản nhất là phá sản. Doanh nghiệp nào không thể trả được nợ, tình trạng quá tệ nên cho phá sản và nhà đầu tư cần học cách chấp nhận rủi ro, thiệt hại", TS Lê Xuân Nghĩa nêu đề xuất.
Dù vậy, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, ở Việt Nam, doanh nghiệp bình thường phá sản đã khó, doanh nghiệp có nợ trái phiếu phá sản càng khó hơn.
Theo Hiệp hội thị trường trái phiếu, mấu chốt nhất để phát triển thị trường trái phiếu phải là sự minh bạch. Có nhiều biện pháp, công cụ để duy trì tính minh bạch, đó là từ nội tại của doanh nghiệp, là kiểm toán, thanh tra/kiểm tra của cơ quan quản lý, hay chế độ báo cáo thông tin bắt buộc. Xếp hạng tín nhiệm cũng góp phần giúp tính minh bạch trở nên cao hơn, thị trường phát triển lành mạnh, thực chất hơn.
Liên quan tới vấn đề phá sản, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho rằng, việc hoàn thiện và nâng cao hiệu lực Luật Phá sản là rất quan trọng. Mọi sự phát triển dựa trên quy luật đào thải, nếu không sẽ như "cơ thể ăn không tiêu sẽ có rất nhiều bệnh".
“Nghị định 08 cho phép đàm phán gia hạn nhưng các nhà đầu tư cá nhân không có năng lực đánh giá về trái phiếu phát hành nên khi doanh nghiệp đặt ra yêu cầu gia hạn, nhà đầu tư cá nhân rơi vào tình trạng hoảng. Nhiều nhà đầu tư cá nhân buộc phải chấp nhận đàm phán gia hạn. Mặt khác, hiện chưa có câu trả lời cho câu hỏi "nếu không chấp nhận thì phải kiện doanh nghiệp kiểu gì?". Cần nhìn nhận, nếu cứ gia hạn với những doanh nghiệp không thể phục hồi thì tình hình có thể còn tệ hơn nữa”, ông Quỳnh thẳng thắn.