Nỗ lực của cơ quan quản lý
Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam đánh giá, Việt Nam là quốc gia đón nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong khu vực ASEAN xét trên tỷ trọng với GDP. Các tập đoàn toàn cầu ngày càng chú trọng đến yếu tố môi trường - xã hội - quản trị (ESG) và bền vững sẽ đòi hòi một nguồn lực bền vững tốt hơn cả về chất lẫn lượng ở các quốc gia mà họ hoạt động. Đặc biệt, Việt Nam tiếp nhận giá trị đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất khu vực ASEAN và có tiềm năng nhất về khả năng phát triển năng lượng tái tạo trong khu vực đi kèm với tăng trưởng nhờ đầu tư nước ngoài.
Thực tế cho thấy, Ngân hàng Nhà nước rất nỗ lực để phát triển tài chính xanh. Trong đó, tháng 10/2021, cơ quan này đã triển khai lấy ý kiến của các tổ chức tài chính về dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Khi Thông tư được ban hành, các ngân hàng phải ban hành quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng và gửi về Ngân hàng Nhà nước, tạo ra khuôn khổ pháp lý chung cho tài chính xanh ở Việt Nam.
Đến năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu phấn đấu ít nhất 10 - 12 ngân hàng có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh. Ngân hàng Nhà nước khuyến khích tổ chức tín dụng xây dựng chiến lược tài chính xanh độc lập hoặc lồng ghép vào kế hoạch phát triển hàng năm. Đây là một động thái quan trọng của cơ quan quản lý nhằm thúc đẩy nỗ lực phát triển tài chính xanh của Việt Nam và các thành viên trong hệ thống không đứng ngoài cuộc.
Vai trò của các thành viên
Mới đây, HSBC Việt Nam ra mắt thẻ tín dụng Visa chuẩn LiveFree với điểm khác biệt là được làm từ 85% nhựa tái chế có nguồn gốc từ chất thải công nghiệp, giúp tiết kiệm 3,18g nhựa và giảm phát 7g các-bon trên mỗi tấm thẻ. Điều này đồng nghĩa với sản phẩm mới của HSBC Việt Nam có thể bắt kịp nhu cầu của khách hàng trẻ vốn ngày càng quan tâm hơn đến các vấn đề về môi trường và xã hội.
Các ngân hàng sẽ phải ban hành quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng và gửi về Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, HSBC hợp tác cùng một số ngân hàng khác cung cấp khoản vay hợp vốn xanh đầu tiên cho Vingroup. HSBC đóng vai trò là đồng tư vấn tài chính bền vững và đồng bảo lãnh, thu xếp vốn và dựng sổ cho giao dịch, cấu trúc và cung cấp giải pháp tài chính cạnh tranh cho cả Vingroup và VinFast. Giao dịch này nhận được sự quan tâm lớn từ thị trường, giúp tăng quy mô khoản vay từ 400 triệu USD ban đầu lên 500 triệu USD.
“Giao dịch này là một bước tiến khác trong việc thực hiện cam kết thu xếp lên tới 12 tỷ USD của chúng tôi để hỗ trợ các mục tiêu xanh của Việt Nam nhằm chuyển dịch sang nền kinh tế có mức phát thải ròng bằng 0”, ông Tim Evans cho biết.
Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cũng ra mắt dòng thẻ tín dụng và ghi nợ làm từ vật liệu các-bon trung tính tại thị trường Việt Nam. Đây là một phần của chương trình các-bon trung tính do Ngân hàng cùng với Thales, đối tác sản xuất thẻ, hợp tác triển khai. Các loại thẻ ghi nợ và tín dụng được Standard Chartered phát hành mới tại Việt Nam sẽ được dán nhãn các-bon trung tính đã được chứng nhận theo tiêu chuẩn về các-bon trung tính, thể hiện tính bảo vệ với môi trường.
Một trong những sáng kiến phát triển bền vững mà Standard Chartered đã và đang triển khai nhằm tạo ra những tác động tích cực lên môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam là chương trình vay mua nhà xanh với nhiều ưu đãi dành cho khách hàng mua nhà trong danh sách các dự án xanh của Ngân hàng.
Đáng chú ý, Standard Chartered Việt Nam cung cấp tín dụng tài trợ thương mại liên kết bền vững cho Công ty TNHH Sản phẩm giấy Leo (Việt Nam) trị giá 13,5 triệu USD nhằm đáp ứng các nhu cầu về vốn lưu động. Theo đó, Ngân hàng sẽ mang đến những ưu đãi về tài chính nếu doanh nghiệp đạt được mục tiêu giảm khối lượng chất thải nguy hại và tổng cường độ chất thải xuống mức cam kết trong khoảng thời gian nhất định.
Bà Michele Wee, Tổng giám đốc Standard Chartered chia sẻ: “Phát triển bền vững luôn là một trong những trọng tâm của Standard Chartered và chúng tôi nỗ lực để trở thành đơn vị dẫn dắt cũng như thúc đẩy phát triển bền vững. Chúng tôi đặt mục tiêu hỗ trợ các thị trường mới nổi như Việt Nam cắt giảm lượng phát thải các-bon nhanh nhất có thể mà không làm chậm quá trình phát triển, đóng góp vào nỗ lực chung của thế giới nhằm đạt được mục tiêu phát thải các-bon bằng 0 vào năm 2050”.
Tại VPBank, trong giai đoạn 2020-2021, ngân hàng này đã huy động nguồn vốn tín dụng xanh trị giá 262,5 triệu USD từ Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và Proparco nhằm gia tăng khả năng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xanh. Dưới sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác quốc tế hàng đầu trong phát triển bền vững, VPBank hướng tới trở thành tổ chức tài chính đầu tiên tại Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn quốc tế toàn diện về ngân hàng xanh, ngân hàng bền vững. Tính đến cuối năm 2021, tổng giá trị giải ngân tín dụng xanh của VPBank đạt khoảng 160 triệu USD (tương đương khoảng 3.660 tỷ đồng).
Tương tự, HDBank và Quỹ Đầu tư Quốc tế Affinity đã ký kết thoả thuận hợp tác về việc hỗ trợ và huy động vốn cho HDBank dành cho các doanh nghiệp Việt Nam trị giá 300 triệu USD, nhằm tài trợ cho các chương trình đáp ứng tiêu chí ESG, phát triển bền vững. Được biết, từ năm 2018, HDBank đã bắt đầu triển khai tài trợ cho các dự án xanh tại Việt Nam.
Những nút thắt cần sớm gỡ
Theo khảo sát do IFC và Ngân hàng Nhà nước tiến hành, không nhiều ngân hàng Việt Nam có chính sách, quy trình hoặc hệ thống chính thức để quản lý rủi ro môi trường và xã hội của khách hàng. Một trong những rào cản lớn nhất là thiếu hướng dẫn cụ thể về xác định và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong tài trợ dự án.
Theo Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, thị trường tài chính xanh cần vượt qua một số trở ngại khác trong vài năm tới, trong đó bao gồm thiếu nhân sự có chuyên môn và kỹ năng, thị trường chưa có tiêu chuẩn thống nhất về tài chính xanh và phân loại đúng nghĩa, các đơn vị có tầm ảnh hưởng trên thị trường không thể hiện cam kết rõ ràng và mạnh mẽ, độ “vênh” về thời hạn giữa nhu cầu tài chính với nguồn vốn, không có dữ liệu ESG minh bạch.
Ông Tim Evans đề xuất một số giải pháp để Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc triển khai như: đối với thị trường tín dụng, ban hành yêu cầu cụ thể cho từng công cụ tín dụng để ngân hàng phát triển khung tài chính xanh tốt hơn và ngân hàng chủ động lên kế hoạch; ban hành khung pháp lý rõ ràng cho các công cụ thị trường vốn (sổ tay hướng dẫn phát hành trái phiếu xanh của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không phải là quy định chính thức).
Ngân hàng Nhà nước nên đặt ra mục tiêu rõ ràng về kết quả tài chính xanh cho từng ngân hàng, ví dụ tỷ lệ số dư xanh chưa kết trên tổng sổ sách; áp dụng trần tăng trưởng tín dụng cao hơn cho những ngành thuộc nhóm xanh, hoặc hỗ trợ tài chính cho tín dụng xanh; có thêm ưu đãi để khuyến khích các ngân hàng trên hành trình xanh như nâng trần tăng trưởng tín dụng chung cao hơn cho những ngân hàng đạt hoặc vượt chỉ tiêu và ngược lại, giảm trần tăng trưởng tín dụng đối với những đơn vị không đạt chỉ tiêu; không áp dụng hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với số dư xanh.
Bên cạnh đó, áp dụng kiểm tra giới hạn rủi ro khí hậu trên sổ sách ngân hàng, việc này có thể cho ra nhiều kết quả yêu cầu vốn khác nhau phụ thuộc vào tỷ trọng khoản cho vay xanh của từng ngân hàng; áp dụng công bố thông tin về môi trường trong báo cáo tài chính nhằm tăng trách nhiệm của các ngân hàng và công khai với các bên liên quan cách quản lý rủi ro tài chính.
“Ngoài ra, thiết lập diễn đàn chia sẻ để kết nối hai khối công và tư cùng hợp tác xây dựng một hành lang pháp lý hiệu quả cho tài chính xanh và các vấn đề về biến đổi khí hậu ở Việt Nam”, ông Tim Evans gợi ý.