Yuanta: Điểm tên những doanh nghiệp niêm yết có dư nợ USD lớn, 6 yếu tố giúp tỷ giá ổn định nửa cuối năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam vừa có báo cáo phân tích diễn biến tỷ giá từ đầu năm đến nay, theo hướng dẫn ổn định hơn trong 6 tháng cuối năm, đồng thời công bố danh sách doanh nghiệp niêm yết có dư nợ USD lớn.

Trong danh sách này nổi bật là Tổng công ty phát điện 3 (PGV), năm 2022 nợ vay bằng USD là 1.531 triệu USD, vay nợ bằng USD chiếm 87% tổng số nợ của PGV; Tập đoàn Hòa Phát (HPG) nợ vay bằng USD là 721 triệu USD, nợ vay bằng USD chiếm 29% tổng số nợ; Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) dư nợ vay đến năm 2022 là 86,7 triệu USD, lỗ chênh lệch tỷ giá 321 tỷ đồng.

Danh sách doanh nghiệp niêm yết có dư nợ USD lớn. Nguồn Yuanta Việt Nam.

Danh sách doanh nghiệp niêm yết có dư nợ USD lớn. Nguồn Yuanta Việt Nam.

Tỷ giá ổn định trong nửa cuối năm

Yuanta Việt Nam cho biết, tỷ giá từ đầu năm 2023 biến động quanh mức 23.240 – 23.630 VND/USD, biên độ +/- 1,9%, ổn định hơn nhiều so với năm 2022 có lúc đỉnh điểm lên tới 24.692 VND/USD, + 4,2% so với tỷ giá trung tâm.

Tính tới đầu tháng 6/2023 tỷ giá USD/VND đã giảm khoảng 0,52% so với đầu năm 2023 nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào từ thặng dư cán cân thương mại, dòng vốn FDI giải ngân, du lịch quốc tế hồi phục và một phần nhờ đồng USD yếu đi.

Có một số yếu tố hỗ trợ tích cực cho tỷ giá trong nửa cuối năm nay. Thứ nhất, dự trữ ngoại hối tăng trưởng trở lại. Trong 5 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm khoảng 6 tỷ USD bổ sung vào dự trữ ngoại hối.

Theo Yuanta Việt Nam, dự báo của IMF rằng dự trữ ngoại hối Việt Nam cuối năm 2023 ở mức 95 tỷ USD, là hoàn toàn khả thi, thậm chí có thể cao hơn khi tình hình xuất nhập khẩu và FDI cải thiện hơn nữa.

Thứ hai, cán cân thương mại xuất siêu trong 5 tháng đầu năm. Mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2023 vẫn ở mức thấp, tuy nhiên cán cân thương mại duy trì xuất siêu 9,8 tỷ USD, tăng mạnh so với mức -0,47 tỷ USD năm 2021 và 0,24 tỷ USD năm 2022. Tình hình xuất nhập khẩu được kỳ vọng sẽ khả quan hơn từ quý III/2023 khi nhu cầu hồi phục tại Mỹ, EU, việc Trung Quốc mở cửa cũng như việc các doanh nghiệp mở rộng các thị trường xuất khẩu mới thay thế.

Thứ ba, ngành du lịch phục hồi. Sau 3 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lượng khách du lịch tới Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023 đã có sự cải thiện hơn rất nhiều so với cùng kỳ 2022 (gấp 13 lần cùng kỳ năm 2022) và đã tương đương 63% so với trước dịch vào 2019. Khách du lịch quốc tế sẽ hồi phục nhanh hơn trong thời gian tới, đặc biệt từ Trung Quốc vào dịp hè và đầu quý IV. Đây cũng sẽ là nguồn cung ngoại tệ đáng kể.

Thứ tư, FDI đã có những tín hiệu tích cực hơn. Mặc dù, lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 vốn FDI giảm nhẹ so với cùng kỳ, nhưng số liệu tháng 4 và tháng 5 cho thấy tín hiệu khả quan hơn nhờ các yếu tố vĩ mô đang dần cải thiện. Dù cần quan sát thêm, nhưng Yuanta Việt Nam giữ quan điểm tích cực về dòng vốn FDI trong trung và dài hạn, và đây cũng là yếu tố hỗ trợ đáng kể cho đồng USD chảy vào Việt Nam.

Thứ năm, FED có thể sớm dừng tăng lãi suất. Theo trang CME Group, 94% nhà đầu tư nhận định Fed sẽ không tăng lãi suất vào kỳ họp giữa tháng 6 tới đây. Mặc dù có khả năng Fed sẽ còn tăng lãi suất ít nhất một lần nữa trong năm nay, tuy nhiên, việc siết chặt lãi suất đã ngày càng nới lỏng, giai đoạn đồng USD neo ở mức cao như cuối năm 2022 đã đi qua.

Thứ sáu, kiều hối kỳ vọng duy trì tăng. Ngoài lượng kiều hối gửi về cho người thân vẫn duy trì ổn định. Kỳ vọng lượng kiều hối chuyển tiền về đầu tư tại Việt Nam gia tăng hơn khi kinh tế trong nước hồi phục, lãi suất tiền gửi vẫn ở mức hấp dẫn, bất động sản ở vùng giá thấp, trong khi nền kinh tế tại châu Âu, Mỹ đang hồi phục chậm hơn trong nước

Với những yếu tố đề cập như trên, Yuanta Việt Nam cho rằng, giai đoạn tỷ giá biến động mạnh trong nửa cuối 2022 đã đi qua, tỷ giá trong 6 tháng cuối năm 2023 sẽ tiếp tục ổn định, biến động trong biên độ +/- 3%, dưới mức biên độ theo NHNN quy định +/- 5%.

Tỷ giá ổn định trở lại sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước ưu tiên ổn định lãi suất, xem xét mua ngoại tệ tăng cung tiền ra nền kinh tế; các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng như các doanh nghiệp có nợ ngoại tệ lớn giảm thiểu rủi ro tỷ giá, các doanh nghiệp có dư nợ ngoại tệ lớn có thể sẽ hoàn nhập dự phòng một phần khoản lỗ tỷ giá dù tỷ giá USD/VND đã tạo mặt bằng mới cao hơn so với bình quân năm 2022.

Tuy nhiên, một số yếu tố có thể tạo áp lực lên tỷ giá cần theo dõi như lạm phát các nước phát triển vẫn đang ở mức cao và việc Trung Quốc mở cửa trở lại; Fed có thể kéo dài việc tăng lãi suất hơn.

Tin bài liên quan