"Khối ngoại" vẫn đang tìm kiếm cơ hội thực hiện các thương vụ M&A. Ảnh: Shutterstock.

"Khối ngoại" vẫn đang tìm kiếm cơ hội thực hiện các thương vụ M&A. Ảnh: Shutterstock.

Yếu tố vĩ mô tác động thế nào đến thị trường địa ốc?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Là lĩnh vực nhạy cảm với các yếu tố vĩ mô, thị trường địa ốc đang chịu những tác động gì từ bối cảnh hiện tại? Chia sẻ của các chuyên gia về vấn đề này.

“Khối ngoại đang không ngừng tìm kiếm các cơ hội thực hiện thương vụ M&A địa ốc”

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield

Thị trường bất động sản Việt Nam ngày càng đón nhận nhiều luồng quan tâm mạnh mẽ đến từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đối với các dự án tạo ra lợi nhuận. Sự phát triển của các quỹ đầu tư tư nhân đã cung cấp một nguồn vốn dồi dào để thực hiện các thương vụ M&A.

Những nhà đầu tư này không ngừng tìm kiếm những bất động sản đang hoạt động hoặc tìm cách liên doanh với các đối tác có danh tiếng tốt.

Đối với các nhà đầu tư trong nước thì việc mua khu đất phát triển dự án sẽ được ưu tiên hơn. Có thể nói tất cả các phân khúc trên thị trường đều sẽ được quan tâm xem xét. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng phân khúc nhà ở và công nghiệp sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm nhất từ nhà đầu tư cũng như chủ đầu tư tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Việt Nam thực sự đang là ngôi sao của khu vực, nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng đang bước vào giai đoạn phát triển đa dạng. Sức hút của Việt Nam với các nhà đầu tư cũng ngày càng lớn hơn.

Thị trường địa ốc Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển đa dạng, chúng ta sẽ có được những bước phát triển tốt, bền vững nếu biết nhìn nhận và liên kết các loại hình bất động sản với nhau, từ logistics, dịch vụ cho đến các sản phẩm bất động sản truyền thống. Và nếu càng thu hút được khối ngoại tham gia, thì chúng ta càng có cơ hội để đưa thị trường đi lên và khai thác các phân khúc, sản phẩm mới.

Bất động sản liên quan đến phần lớn các lĩnh vực trong cuộc sống và cũng là một ngành xương sống của nền kinh tế. Việt Nam đang duy trì được tốc độ phát triển ấn tượng, và điều này đương nhiên mang đến nhiều cơ hội cho thị trường, nhà đầu tư.

“Bối cảnh vĩ mô kích thích trú ẩn tài sản vào bất động sản”

Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam

Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam

Theo quan sát của tôi, bối cảnh vĩ mô rõ ràng có tác động đến lĩnh vực bất động sản. Nhưng ở một khía cạnh khác, trong những thời điểm nhiều biến động, người ta lại có xu hướng chọn bất động sản là kênh trú ẩn tài sản an toàn.

Theo tôi, thị trường bất động sản trong ngắn hạn sẽ trải qua một vài thời điểm kém sôi động vì thiếu nguồn cung – một vấn đề vốn không thể giải quyết trong ngày một ngày hai, cùng với những thay đổi lớn về chính sách pháp lý, tài chính.

Giá bán ở thị trường sơ cấp sẽ tiếp tục tăng vì lãi suất ngân hàng cao, chi phí vật liệu xây dựng và nhiều chi phí đầu tư khác gia tăng, cộng với kỳ vọng cao về lợi nhuận của các chủ đầu tư sau giai đoạn hoạt động mua bán “ngủ đông” vì đại dịch.

Ở thị trường thứ cấp, giá chuyển nhượng có xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ ở một vài dự án. Điều này xuất phát từ việc các ngân hàng tăng lãi suất và thắt chặt tín dụng khiến một số giới đầu cơ “lướt sóng” phải bán nhanh để cắt lỗ. Tôi tin rằng những biến động này có thể giúp thị trường tăng thanh khoản, đem lại lợi ích cho người mua có nhu cầu ở thực và nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh.

Dù vậy, cần phải nói rằng, các động thái gần đây của Chính phủ như thắt chặt tín dụng và trái phiếu, hoặc bãi bỏ khung giá đất… cho thấy nỗ lực rất lớn để bình ổn thị trường bất động sản, hạn chế tác động tiêu cực từ hoạt động đầu cơ và từ đó thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Điều này sẽ duy trì sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam, mở ra thêm nhiều cơ hội đầu tư và phát triển trong thời gian tới.

“Bối cảnh hiện tại đang làm giảm nhu cầu chung cũng như khả năng tiếp cận sản phẩm của khách hàng”

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận Tiếp thị dự án nhà ở CBRE Việt Nam

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận Tiếp thị dự án nhà ở CBRE Việt Nam

Theo quan sát của tôi, hiện tại, các yếu tố vĩ mô đang có tác động mạnh tới nhu cầu trên thị trường làm giảm nhu cầu chung cũng như khả năng tiếp cận sản phẩm của nhiều nhóm khách hàng và chủ đầu tư bị ảnh hưởng.

Thị trường sẽ bước vào giai đoạn sàng lọc mạnh mẽ đối với chủ đầu tư, chỉ những chủ đầu tư có năng lực tài chính tốt mới có thể đảm bảo khả năng triển khai sản dự án.

Riêng đối với nhà đầu tư, tâm lý chung sẽ bị ảnh hưởng khi các chính sách kìm hãm được áp dụng. Bản thân các nhà đầu tư sẽ có kế hoạch tái cấu trúc các danh mục đầu tư. Việc quyết định đầu tư tại thời điểm hiện tại sẽ được chọn lọc kỹ lưỡng hơn vì phải cân đối yếu tố thanh khoản. Nhà đầu tư sẽ có tâm lý đầu tư dài hạn hơn.

Riêng nhu cầu nhà ở thực vẫn cao nhưng khả năng tiếp cận được sản phẩm phù hợp sẽ khó hơn do giá ngày càng tăng, khả năng nhận được hỗ trợ tài chính sẽ ngày càng bị siết chặt.

Tin bài liên quan