9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của cả nước tăng 9,7 tỷ USD.

9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của cả nước tăng 9,7 tỷ USD.

Yếu tố tích cực trong cán cân xuất nhập khẩu

(ĐTCK-online) Giá cả nhiều loại hàng hóa tăng, giúp xuất khẩu duy trì kết quả tương đối tích cực. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn yếu tố khó lường khi Việt Nam là nước nhập siêu lớn, nhất là dự báo từ nay đến cuối năm, biến động giá cả trên thị trường thế giới được đánh giá theo chiều hướng tăng.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, ước thực hiện xuất khẩu tháng 9/2010 đạt 6,1 tỷ USD, bằng 88,9% so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), không kể dầu thô, ước đạt 2,8 tỷ USD. Tính chung, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2010 đạt 51,5 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 23,7 tỷ USD, tăng 40,1%. Nếu không tính kim ngạch xuất khẩu vàng thì tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm nay tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.

Xét về giá trị tuyệt đối, 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của cả nước tăng 9,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2009, trong đó xuất khẩu của khu vực FDI (không kể dầu thô) tăng 6,77 tỷ USD. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu của cả nước phần lớn là do tăng trưởng xuất khẩu của khu vực FDI.

So với giá trị xuất khẩu cùng kỳ năm trước, trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu, đáng chú ý có sắt thép tăng 193%; cao su tăng 95,6%; hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 84,2%; dây điện và cáp điện tăng 67,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 55,2%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 36,4%; hạt điều tăng 31,1%; giày dép tăng 23,1%; xăng dầu tăng 22,1%; dệt, may tăng 20,6%; thuỷ sản tăng 13%...

Đến hết tháng 9, câu lạc bộ các mặt hàng xuất khẩu kim ngạch đạt trên 1 tỷ USD gồm có: dệt may, dầu thô, giày dép, thủy sản, gạo, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng, máy vi tính và linh kiện, đá quý, kim loại quý, cao su... So với cùng kỳ năm ngoái, số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD tăng thêm 3 mặt hàng là: sắt thép và sản phẩm, than đá, cao su.

Bộ Công Thương cho biết, giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu được cải thiện rất cao, đơn cử như cao su tăng 83%, sắn và sản phẩm từ sắn tăng 76,4%, than đá tăng 52%, dầu thô tăng 39,6%, hạt tiêu tăng 38,4%, hạt điều tăng 19%, chè các loại tăng 12,3%, gạo tăng 2,6%. Tính riêng yếu tố tăng giá của các mặt hàng này đã giúp kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 2,5 tỷ USD.

Trong 9 tháng đầu năm, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tập trung chủ yếu ở các thị trường châu Á với tỷ trọng khoảng 48%, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang khu vực ASEAN chiếm 16,5%, tăng 15%; xuất khẩu sang châu Mỹ chiếm khoảng 23%, tăng 24%; xuất khẩu sang châu Âu chiếm 22%, giảm 4,4%.

 

Nhập siêu vẫn đáng lo

Kim ngạch nhập khẩu tháng 9 ước đạt 7,15 tỷ USD, bằng 98,6% so với tháng 8. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 3,2 tỷ USD, giảm 0,5% so với tháng trước. Tính chung, kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2010 đạt 60,08 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2009; trong đó kim ngạch nhập khẩu của khối các doanh nghiệp FDI đạt 25,7 tỷ USD, tăng 42,4%.

Trong cơ cấu các mặt hàng có tỷ trọng nhập khẩu lớn, đáng chú ý có bông tăng 80% so với cùng kỳ; kim loại thường khác tăng 72,8%; cao su tăng 64%; sản phẩm khác từ dầu mỏ tăng 51%; gỗ và nguyên phụ liệu gỗ tăng 28,7%; thuỷ sản tăng 14,4%; sắt thép tăng 11,2%. Một số mặt hàng nhập khẩu giảm so với cùng kỳ như phân bón giảm 34,5%; ôtô nguyên chiếc giảm 12,5%.

Cũng như xuất khẩu, giá nhập khẩu của hầu hết mặt hàng đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái và là yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến mức tăng của kim ngạch nhập khẩu như kim loại thường tăng 40,2%, khí đốt hóa lỏng tăng 35,4%, giá xăng dầu các loại tăng 31,9%, phôi thép tăng 28,3%, chất dẻo nguyên liệu tăng 25,3%, sợi các loại tăng 25,4%... Tính riêng yếu tố tăng giá, kim ngạch nhập khẩu tăng khoảng 4,2 tỷ USD.

Như vậy, nhập siêu tháng 9 khoảng 1,05 tỷ USD, lũy kế 9 tháng đầu năm là 8,6 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, nhập siêu từ Trung Quốc tăng mạnh, chiếm gần 80% tổng nhập siêu của cả nước.

Tại cuộc họp giao ban ngày 27/9, Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu vẫn đang diễn ra theo chiều hướng tích cực, trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến có tốc độ tăng trưởng cao. Tuy vậy, Bộ cũng cho biết, trong các phản ánh doanh nghiệp gửi về Bộ, khó khăn về tiếp cận vốn vay và lãi suất cao vẫn phổ biến. Nếu không có hướng tháo gỡ, xuất nhập khẩu đều bị ảnh hưởng.