Yếu tố then chốt là con người

Yếu tố then chốt là con người

(ĐTCK-online) Thu hút, gây dựng đội ngũ nhân viên "tinh nhuệ" làm "xương sống" cho mọi kế hoạch phát triển của doanh nghiệp; tổ chức quản lý đội ngũ nhân viên một cách khoa học để tất cả đều sát cánh cùng Ban lãnh đạo Tập đoàn đi đến những mục tiêu lớn, đó được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp Tập đoàn Dược phẩm Viễn Đông đạt được những kết quả khởi sắc hiện nay. Bà Vi Hằng, Trợ lý Tổng giám đốc, phụ trách nhân sự của Tập đoàn Viễn Đông trao đổi với ĐTCK-online xung quanh công tác quản trị nguồn nhân lực của Tập đoàn.

Thưa bà, quan điểm quản trị nguồn nhân lực của Viễn Đông là gì?

Ngay từ ban đầu, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn Đông đã xác định thế mạnh của Viễn Đông là nhân lực. Viễn Đông luôn tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho mọi cán bộ, nhân viên; tăng cường công tác giáo dục, đào tạo nâng cao trình độ, khuyến khích nhân viên trở thành những công dân tích cực, có trách nhiệm để vận dụng tốt các nguồn lực của Tập đoàn làm tăng chất lượng dịch vụ cho khách hàng, cho chính nhân viên và xã hội nói chung.

 

Vậy trong công tác quản trị nhân lực, Viễn Đông coi trọng nguyên tắc nào nhất?

Nguyên tắc đầu tiên và quan trọng số một mà Viễn Đông luôn nhấn mạnh với nhân viên là sự công bằng. Đó không phải là "cào bằng" mà là giao việc đúng người, chọn người đúng việc. Hàng năm, Viễn Đông đều rà soát lại khả năng hoàn thành công việc của nhân viên, kể cả cấp lãnh đạo xem họ còn thiếu điều gì để tái đào tạo và quan trọng nhất là phát hiện những nhân tố tiềm năng, có triển vọng để cất nhắc. Nhờ đó, cán bộ, nhân viên ở Viễn Đông được hưởng những chế độ rõ ràng, tương xứng, mỗi người đều thoả mãn với mức quyền lợi của mình.

 

Viễn Đông có công cụ gì để làm được điều đó một cách thuyết phục?

Viễn Đông đã dày công xây dựng một hệ thống những quy chế chặt chẽ, minh bạch, chỉ rõ ai làm ở vị trí nào thì có trách nhiệm gì, quyền lợi ra làm sao. Cách thức của Viễn Đông là quy định rõ ràng ngay từ đầu, giúp họ nhanh chóng bắt nhịp với cả guồng máy, như thế vừa tránh được những hệ luỵ do làm không hết trách nhiệm, không đúng quyền hạn, vừa giúp nhân viên phát huy hết khả năng để nhận được quyền lợi cao nhất.

Dược sĩ Trịnh Ngọc Vinh, Quản lý tiếp thị - Supervisor, Tập đoàn Viễn Đông:

"Tôi đến với Viễn Đông từ năm 2001, khi đó mới là một sinh viên vừa ra trường. Đến nay, tôi thực sự cảm thấy gắn bó với Tập đoàn bởi ngoài vấn đề thu nhập ổn định, đảm bảo đời sống thì tại đây, tôi có một môi trường tốt để phát triển năng lực của mình. Cách thức quản lý nhân lực rất khoa học, chặt chẽ đã giúp tôi vừa làm tốt công việc, vừa không ngừng nâng cao trình độ, năng lực và được thử thách ở những vị trí mới".

 

Bà có thể nêu cụ thể về một số quyền lợi mà cán bộ, nhân viên của Viễn Đông được hưởng theo hướng công bằng?

Giữa tháng 3 vừa qua, Viễn Đông đã thực hiện chương trình "Cổ phiếu hạt giống", bán cổ phiếu ưu đãi cho toàn thể cán bộ, nhân viên với mục đích tất cả chung tay xây dựng tương lai Tập đoàn Viễn Đông vững mạnh. Mỗi cán bộ, nhân viên đăng ký tham gia chương trình "Cổ phiếu hạt giống" được nhận một trái phiếu ghi danh với các mệnh giá từ 20 triệu đồng đến 250 triệu đồng, tương ứng với các cấp từ nhân viên tiềm năng, nhân viên tiếp thị xuất sắc, quản lý trung gian tiềm năng đến quản lý tiếp thị là Supervisor và Ban lãnh đạo Tập đoàn. Nhân viên chỉ phải đóng góp 40% giá trị trái phiếu, Tập đoàn tặng 60% giá trị còn lại. Chương trình này giúp nhân viên được hưởng những khoản thu nhập chính đáng và gắn bó với doanh nghiệp hơn. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ triển khai chương trình bán cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ, nhân viên của Tập đoàn.

 

Đó mới chỉ là về mặt kinh tế, thưa bà?

Đúng vậy! Thực tế ở nhiều nơi, nhân viên có thể ra đi không vì sức hút của tiền bạc mà vì muốn khẳng định bản thân khi năng lực đã phát triển lên một tầm cao hơn nhưng vị trí công việc hiện tại không được đáp ứng. Chính vì thế, ngoài quyền lợi kinh tế, Viễn Đông luôn chú trọng đến sự phát triển năng lực của từng cán bộ, nhân viên như một cách "nuôi hạt giống" nhân lực. Khi phát hiện nhân viên có tiềm năng, Viễn Đông tạo mọi điều kiện để họ được bồi dưỡng, đào tạo, sau đó giao những nhiệm vụ mới, vị trí mới cao hơn. Mọi nhân viên khi có nhu cầu học tập, nâng cao trình độ phù hợp với công việc đều được Viễn Đông hỗ trợ kinh phí. Điều này thực chất cũng là khẳng định quan điểm lấy nhân lực làm thế mạnh cạnh tranh mà Tổng giám đốc Tập đoàn Lê Văn Dũng đã xác định ngay từ ban đầu.

 

Để có được thành công về mặt quản lý nhân lực như vậy, hẳn Viễn Đông đã gặp không ít những khó khăn?

Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là: tốc độ phát triển của Viễn Đông quá nhanh khiến các công ty cạnh tranh luôn bằng mọi cách để lôi kéo nhân viên của Viễn Đông về làm với mục đích tìm hiểu cách làm của Công ty. Nhưng chúng tôi đã giữ được nhân lực bằng văn hoá doanh nghiệp và chính sách nhân lực của riêng mình.