Cảng Dung Quất nhìn từ trên cao. Ảnh: Đức Thanh
Vì vậy, để tiếp tục khai thác hiệu quả Khu kinh tế Dung Quất, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc xây dựng đường Tịnh Phong - cảng Dung Quất 2 thuộc Khu kinh tế Dung Quất mở rộng là cần thiết. Đây là trục giao thông chính của cụm cảng Dung Quất 2, kết nối từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến Quốc lộ 1 và qua Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ VSIP Quảng Ngãi (liên doanh giữa Việt Nam và Singapore) đến trung tâm cụm cảng Dung Quất 2.
Theo ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, khi đường Tịnh Phong - cảng Dung Quất 2 với tổng chiều dài 16,56 km hoàn thành và đi vào sử dụng sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc kết nối giao thông, vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy phát triển Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ VSIP Quảng Ngãi để hình thành một số cụm công nghiệp tập trung hiện đại, thu hút nhiều dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn, như nhà máy nhiệt điện, nhà máy thép, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất mở rộng... Riêng Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ VSIP Quảng Ngãi có quy mô 660 ha, đã thu hút được 9 dự án đầu tư nước ngoài và 1 dự án trong nước, với tổng vốn đầu tư 164,3 triệu USD, trong đó có 3 dự án đã hoàn thành, đi vào hoạt động và dự kiến trong năm 2015 sẽ có thêm 3 dự án khác hoàn thành, đưa vào sử dụng.
“Nhu cầu phát triển của khu vực đòi hỏi phải có hệ thống giao thông đồng bộ và phù hợp, được kết nối với hệ thống giao thông quốc gia và cảng biển, phục vụ việc chuyên chở nguyên, nhiên liệu và sản phẩm đến và đi. Tuy nhiên, với cơ sở hạ tầng giao thông sẵn có hiện nay thì không đáp ứng được yêu cầu này. Chính vì vậy, việc đầu tư xây dựng đường giao thông nối Khu công nghiệp Dung Quất 2 với tuyến đường cao tốc quốc gia là hết sức cần thiết, cấp bách và là yêu cầu tiên quyết cho việc kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài vào khu vực này”, ông Dũng nhấn mạnh.
Lý giải việc Dự án Đường Tịnh Phong - cảng Dung Quất 2 thiếu vốn đầu tư, ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng số thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (trừ đất) mỗi năm chỉ đạt 700 - 800 tỷ đồng, trong khi toàn bộ số thu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lại thuộc nguồn thu của ngân sách trung ương, nên địa phương không có vốn đầu tư. “Ngân sách trung ương hỗ trợ để hoàn thành dự án này là cần thiết, nếu không tiến hành sớm sẽ mất cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào Quảng Ngãi nói riêng, các tỉnh miền Trung nói chung”, ông Phương phát biểu.
“Nhằm thực hiện Dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi từ nguồn vượt thu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất phần do ngân sách trung ương hưởng năm 2014 và các năm tiếp theo, mức hỗ trợ tối đa không quá 2.500 tỷ đồng”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói thêm.
Không phủ nhận tầm quan trọng của dự án này, nhưng ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khá băn khoăn, vì đây là dự án của địa phương, nên địa phương phải chịu trách nhiệm về phần vốn đầu tư. “Hơn nữa, cứ như đề xuất của Bộ Tài chính, thì vốn đầu tư được lấy từ nguồn vượt thu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất năm 2014 và các năm tiếp theo. Vậy các năm tiếp theo là bao nhiêu năm nữa?”, ông Hiển đặt câu hỏi.
Trong khi đó, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân e ngại, nếu “phá rào” thì từ lần sau trở đi, địa phương nào có số thu của ngân sách trung ương sẽ lại tìm lý do xin lại phần thu này đầu tư cho các dự án do địa phương chịu trách nhiệm đầu tư. Vì vậy, bà Ngân một mặt đồng ý cần thiết phải xây dựng đường Tịnh Phong - cảng Dung Quất 2, mặt khác yêu cầu Bộ Tài chính phải hoàn thiện lại cơ chế, lý do, cơ sở pháp lý… sử dụng nguồn vốn để bảo đảm không phá vỡ nguyên tắc đầu tư.