Yêu cầu này đã được đưa ra tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương trong tháng 2 vừa qua.
Được biết, trong tháng 12/2016 và tháng 1/2017Ban Chỉ đạo đã đi khảo sát thực tế tại 9 dự án, doanh nghiệp với đầy đủ các thành viên, đồng thời đã mời Lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh nơi có dự án, doanh nghiệp đóng trụ sở tham gia và có các kết luận, chỉ đạo cụ thể về những nhiệm vụ, công việc cần xử lý để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm phục vụ cho việc xử lý sau này.
Các Bộ, cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo và các doanh nghiệp cũng đã tích cực triển khai ngay những nhiệm vụ, công việc được Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo giao, điển hình là các Bộ: Công Thương, Tài chính, Công An; Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tổng công ty Thép Việt Nam; các doanh nghiệp: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Công ty trách nhiệm hữu hạn Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung... Qua đó, đã có những tác động tích cực, tạo chuyển biến ở một số doanh nghiệp, dự án.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhiệm vụ, công việc cần phải khẩn trương hoàn thành trong thời gian tới để phục vụ cho việc xử lý đối với các dự án, doanh nghiệp này.
Phó thủ tướng đã yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị rà soát lại tất cả các nhiệm vụ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo giao để hoàn thành trước ngày 31/3/2017, báo cáo Ban Chỉ đạo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cũng được giao kiểm tra việc triển khai và thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo đã giao các Tập đoàn, Tông công ty, các doanh nghiệp, dự án cụ thể và thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các Bộ, ngành thời gian qua , báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2017.
Bộ Công Thương cũng được yêu cầu hoàn thiện lại phương án xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 doanh nghiệp, dự án thành một báo cáo chung trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/3/2017.
Báo cáo tổng hợp của 12 dự án được yêu cầu chú trọng các nội dung là tình hình đầu tư (vốn đầu tư, cơ cấu nguồn vốn đầu tư, các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện đầu tư ảnh hưởng lớn đến dự án, doanh nghiệp); tình hình hoạt động của các dự án, doanh nghiệp (đang hoạt động hay dừng, hoạt động đạt bao nhiêu % công suất thiết kế); thực trạng tài chính của các dự án, doanh nghiệp (các chỉ tiêu về tài sản, vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu, nợ phải trả, lãi, lỗ lũy kế); những khó khăn, vướng mắc; nguyên nhân chủ quan, khách quan; đặc biệt cần chỉ rõ các nguyên nhân chủ quan trong quá trình chuẩn bị đầu tư; đầu tư dự án và quản trị, vận hành ở dự án đi vào hoạt động.
Báo cáo cũng phải nêu rõ các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban chỉ đạo thời gian qua đối với các doanh nghiệp, dự án; kết quả thực hiện cụ thể, những nội dung chưa thực hiện hoặc chậm thực hiện, lý do và trách nhiệm thế nào.
Trong phương án xử lý đối với các doanh nghiệp, dự án cũng được yêu cầu nêu rõ cơ sở pháp lý, những vướng mắc cần xử lý, tháo gỡ để thực hiện phương án; tính toán chi phí/lợi ích của từng phương án cụ thể; nguồn lực; trình tự, thủ tục; các điều kiện để thực hiện phương án; đề xuất lựa chọn phương án của Bộ Công Thương, lý do; các đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đối với việc xử lý vướng mắc để khởi động lại Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy Ethanol Dung Quất, Phó thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có phương án cụ thể về đầu ra, đầu vào; xác định mức kinh phí trực tiếp phục vụ ngay cho việc khởi động lại Nhà máy và nhu cầu vốn lưu động để duy trì hoạt động của Công ty này.