Công bố lãi suất cho vay bình quân
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, ngay từ đầu năm 2024, cơ quan này đã quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tại Nghị quyết 01/NQ-CP và các văn bản chỉ đạo, thực hiện các giải pháp điều hành hoạt động tín dụng, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng.
Theo đó, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trong cung ứng tín dụng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng.
Trong đó, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Đầu năm 2024, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế.
Đến 31/1/2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm; lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023.
Đáng chú ý, NHNN cũng đã có Công văn số 117/NHNN-CSTT ngày 7/2/2024 yêu cầu TCTD tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của NHNN về vấn đề lãi suất và báo cáo tình hình công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân.
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành Ngân hàng phải công bố lãi suất cho vay bình quân đối với khách hàng doanh nghiệp và ngành phải thực hiện. Đó cũng là kỷ cương điều hành.
Theo ông Tú, việc các TCTD không thực hiện công bố lãi suất cho vay bình quân đối với khách hàng doanh nghiệp bên cạnh việc công bố lãi suất cho vay bình quân đối với khách hàng cá nhân hiện nay, NHNN sẽ đánh giá và trước mắt chưa có chế tài, nhưng sẽ có biện pháp để xử lý.
Ông Tú cũng cho rằng, nếu không công khai lãi suất cho vay bình quân ở mức phù hợp sẽ khó thu hút được khách hàng vay vốn, nhất là đối với các doanh nghiệp.
"Mặc dù trước mắt nếu các ngân hàng chưa thực hiện, NHNN chưa có chế tài, bởi cũng chưa có quy định, văn bản nào chế tài về vấn đề này, song tôi cho rằng, chế tài của dư luận mới là cái khó, để tạo sự cạnh tranh bình đẳng hơn trong thu hút người vay", ông Tú nhấn mạnh và cho rằng, việc công bố lãi suất cho vay bình quân (cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp) không phải là vấn đề quá khó đối với ngân hàng. Vì lâu nay, các ngân hàng cũng luôn có tổng hợp gửi lên NHNN hàng tháng, hàng quý và NHNN đã công bố.
Cũng theo Phó Thống đốc NHNN, trong khi chúng ta phấn đấu để có sự công bằng, khách quan trong cạnh tranh thì các ngân hàng đều phải phấn đấu. Vì vậy, việc công bố không có gì khó khăn. Đây là lãi suất bình quân, không phải lãi suất cho vay với từng đối tượng, từng doanh nghiệp hay từng loại hình thì không có gì vi phạm. Do đó, với trách nhiệm khi cho vay, huy động là ngân hàng phải công bố lãi suất và đề nghị các TCTD thực hiện tốt.
Chỉ phù hợp với khách hàng cá nhân?
Mặc dù vậy, ý kiến đưa ra từ các ngân hàng lại trái chiều, trong đó không ít lãnh đạo nhà băng cho rằng, chỉ phù hợp đối với khách hàng cá nhân, còn với doanh nghiệp tùy vào mức độ rủi ro của từng khách hàng nên việc công bố lãi suất cho vay bình quân sẽ có bất cập.
Đại diện SeABank cho rằng, việc công bố lãi suất bình quân đối với doanh nghiệp là chưa phù hợp, vì lãi vay tùy thuộc vào khoản vay và rủi ro đối với từng khách hàng doanh nghiệp, do đó theo SeABank chỉ nên công bố lãi suất cho vay bình quân đối với khách hàng cá nhân, thay vì cả doanh nghiệp.
Theo ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Techcombank, hiện lãi suất cũng đã được giảm dần, cả với lãi suất cho vay. Tuy nhiên, lãi suất cho vay cũng tùy thuộc vào từng đối tượng khách hàng và mức độ rủi ro. Do đó, việc công bố lãi suất cho vay bình quân đối với doanh nghiệp có nhiều khó khăn, bất cập nên theo ông Thắng, chỉ có thể công bố được lãi suất cho vay cá nhân.
Trong khi đó, ông Trần Long, Phó tổng giám đốc BIDV đánh giá, việc công bố lãi suất cho vay bình quân đối với khách hàng cá nhân là phù hợp, nhưng đối với khách hàng tổ chức chưa thực sự phù hợp. Ông Long đề nghị NHNN xem xét, hướng dẫn cách thức công bố hoặc định kỳ công bố những thông tin này sẽ phù hợp hơn đối với các tổ chức tín dụng.
Trong khi đó, lãnh đạo MB cho hay, MB đã sẵn sàng hệ thống tính toán và dữ liệu để thực hiện việc công bố thông tin theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 01 của NHNN. Tuy nhiên, lãnh đạo MB cũng đề xuất, NHNN có hướng dẫn chi tiết để các TCTD thực hiện thống nhất, trong đó mức lãi suất bình quân công bố nên tách theo kỳ hạn, đối tượng khách hàng để phù hợp thực tế triển khai tại các TCTD và yêu cầu của NHNN.
Lãi suất công bố nên để khoảng lãi suất của các khoản có quy mô dư nợ phổ biến tại TCTD (từ x% đến y%), tránh việc người đọc, nhất là những người ngoài ngành tài chính hiểu không chính xác về thông tin lãi suất (quá cao hoặc quá thấp của một số khoản có quy mô dư nợ đặc thù không đại diện cho danh mục của TCTD)...
Ông Hồ Nam Tiến, Tổng giám đốc LPBank cho biết, việc công bố lãi suất cho vay bình quân ngắn hạn đối với ngân hàng cũng không vấn đề gì. Bởi mức chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra với khoản vay ngắn hạn không lớn, do đó khách hàng không phản ứng.
Tuy nhiên, đối với các khoản cho vay trung và dài hạn, Ngân hàng nhận được sự phản ứng của khách hàng hết thời gian ưu đãi. Do đó, Tổng giám đốc LPBank đề nghị NHNN xem xét lại việc công bố lãi suất cho vay bình quân này.
Trước đề cập về mong muốn của các ngân hàng chỉ công bố lãi suất cho vay bình quân ngắn hạn đối với khách hàng doanh nghiệp, vì lãi suất này thấp, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, như thế là chưa phải và chưa thực hiện được chỉ đạo trên.
Theo ông Tú, chưa bao giờ cơ chế lãi suất thấp như hiện nay nên lãi suất không còn là rào cản và vấn đề lớn đối với người đi vay, nên việc công bố lãi suất cho vay bình quân không phải là vấn đề quá khó. Duy chỉ một số doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn vay ngân hàng là do không đáp ứng được điều kiện tín dụng để vay.