Yên tâm với lạm phát, ưu tiên cho tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
Khuyến cáo này xuất phát từ diễn biến của 2 chỉ tiêu có tầm quan trọng hàng đầu so với mục tiêu cả năm là lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Lạm phát được kiểm soát

Xét về thời gian, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) “đột ngột” tăng cao vào tháng 9 (tăng 1,08%), làm cho CPI bình quân 9 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng trở lại sau 8 kỳ giảm liên tục; CPI tháng 10 cũng “đột ngột” tăng thấp (tăng 0,08%), nên đã làm cho CPI bình quân 10 tháng so với cùng kỳ chỉ tăng nhẹ, lên 3,2% - còn thấp khá xa so với mục tiêu cả năm. Theo tính toán, cho dù 2 tháng cuối năm, CPI có tăng cao hơn tháng 10, thậm chí cao như tháng 9, thì CPI bình quân cả năm 2023 cũng chỉ tăng trên dưới 3,5% so với năm 2022. Đây cũng là năm thứ 8, lạm phát của Việt Nam liên tiếp được kiểm soát theo mục tiêu.

Tổng mức bán lẻ 10 tháng năm nay so với cùng kỳ tính theo giá thực tế, tuy tăng 9,7% (thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,9% vẫn còn thấp hơn tốc độ tăng 16,7% của cùng kỳ. Tổng cầu trong nước (gồm tích lũy và tiêu dùng) tuy tăng, nhưng vẫn còn yếu; bằng chứng là, xuất siêu hàng hóa 10 tháng lên đến 24,61 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và là năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu. Giá nhập khẩu giảm đã làm giảm áp lực đối với chi phí nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, giá sản xuất, giá tiêu dùng. Tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tốc độ tăng tín dụng thấp, lãi suất cho vay giảm, nhưng nhu cầu tiếp cận vốn của nền kinh tế thấp… Một lượng vốn không nhỏ đã bị “chôn” vào các kênh tiền ảo, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chưa rút ra được để gây áp lực lên giá tiêu dùng.

Những diễn biến trên đã góp phần làm cho lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu.

Ưu tiên cho tăng trưởng

Tăng trưởng GDP 9 tháng còn thấp xa so với mục tiêu (4,24% so với 6,5%). Bước sang tháng 10, các yếu tố của tăng trưởng có được cải thiện và tính chung 10 tháng đã tăng khá. Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 4,1%, trong đó chế biến, chế tạo tăng 4,9%, tính chung 10 tháng đều tăng 0,5%.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách tháng 10 tăng 20,7%, tính chung 10 tháng tăng 22,6%; vốn đầu tư nước ngoài tăng 14,7% vốn đăng ký và tăng 2,4% vốn thực hiện.

Xuất khẩu hàng hóa còn giảm 7,1%, nhưng tốc độ giảm chậm lại và thấp hơn tốc độ giảm của nhập khẩu (-12,3%).

Mặc dù các yếu tố tăng trưởng đã được cải thiện, khả năng tăng trưởng quý IV sẽ cao hơn của quý III và cả năm 2023 sẽ cao hơn 9 tháng, nhưng sẽ còn cách xa so với mục tiêu đặt ra cho cả năm. Tuy nhiên, cần phải phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ở mức cao nhất, để giảm bớt gánh nặng cho năm 2024, 2025 để đạt tốc độ cao nhất so với mục tiêu của kế hoạch 5 năm (tăng 6,5-7%).

Để ưu tiên cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng, cần có quyết tâm cao, có giải pháp quyết liệt và đồng bộ.

Quyết tâm cao đã xuất hiện từ trước 6 tháng khi thấy, tốc độ tăng GDP đạt quá thấp so với mục tiêu. Quyết tâm cao hơn từ sau 9 tháng khi tốc độ tăng GDP vẫn còn cách xa mục tiêu. Tuy nhiên, quyết tâm tăng cao hơn không chỉ với năm bản lề, mà còn là đối với nhiệm vụ giảm bớt gánh nặng cho 2 năm 2024, 2025 để tránh “lỡ hẹn” một lần nữa vào năm 2025, với mục tiêu công nghiệp theo hướng hiện đại. Quyết tâm cao cần phải được quán triệt tới tất cả các cấp, các ngành.

Quyết tâm phải được thể hiện ở các giải pháp quyết liệt và đồng bộ, trước hết là đối với các động lực của tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng cuối cùng và xuất khẩu), đến các giải pháp về tài khóa, tiền tệ.

Về đầu tư, cần thực hiện 100% dự toán đầu tư từ ngân sách; những nơi chưa thực hiện được hoặc chậm thực hiện thì cần điều chuyển ngay cho bộ, ngành, địa phương khác. Không thể tiền còn, dự toán còn, mà không thực hiện được.

Về tiêu dùng cuối cùng, ngoài các biện pháp cũ, mở rộng và kéo dài các giải pháp để kích cầu. Cẩn trọng với các khoản thuế, phí, giá do nhà nước trực tiếp quyết định để không làm bào mòn vào thu nhập của người tiêu dùng. Quan trọng nhất là tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập…

Về xuất khẩu, giảm thiểu tốc độ giảm của xuất khẩu hàng hóa; giảm thiểu nhập siêu dịch vụ. Rà soát để tăng năng lực các đội tàu viễn dương, khẩn trương cải thiện vận tải đường sắt theo hướng hiện đại, xúc tiến phát triển tàu hỏa liên vận để xuất khẩu.

Về tiền tệ - tài khóa, mạnh tay hơn trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ - tài khóa; gia tăng tổng phương tiện thanh toán, tăng trưởng tín dụng, hạ lãi suất cho vay, nới lỏng một số điều kiện để phù hợp với thực tiễn.

Tin bài liên quan